Myanmar: cuộc cách mạng từ trên xuống

duong pho myanmarTrong các ngày 5-7/6/2013, Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á – quy tụ nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương – sẽ được tổ chức tại Myanmar. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng của Myanmar trên con đường hội nhập quốc tế mà chỉ cách đây hai năm không ai hình dung được.

Lịch sử Myanmar chuyển sang một bước ngoặt vào năm 2011: từ chính quyền quân sự độc tài sang thể chế dân chủ trong đó người dân có một phần quyền lực. Nhưng không giống như “Mùa xuân Ả-rập” hoặc các cuộc “Cách mạng màu” ở Đông Âu, cuộc chuyển hóa của Myanmar là “từ trên xuống”: chương trình cải cách được hoạch định và thực thi từ cấp cao nhất của hệ thống cầm quyền.

Không phải Myanmar không có những cuộc phản kháng từ bên dưới: cuộc nổi dậy năm 1988, tuy bị dập tắt đã dẫn tới sự thành lập Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập, đưa bà Aung San Suu Kyi lên vũ đài chính trị. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990 đảng NLD giành thắng lợi áp đảo nhưng bị phe quân đội nắm quyền phủ nhận kết quả bầu cử. Năm 2007, cuộc “Cách mạng áo cà sa” của các tăng sĩ Phật giáo cũng bị đàn áp dã man. Phải đến năm 2011, những sự thay đổi “từ bên trên” mới thực sự biến Myanmar thành trường hợp hiếm hoi, điển hình cho một chế độ độc tài tự lột xác từ bên trong một cách hòa bình và đặt ra một kinh nghiệm quý để các nước láng giềng tham khảo.

20130525_SRC485

20130525_SRC495Dường như kinh tế là động lực chính dẫn tới sự thay đổi. Năm thập kỷ dưới chế độ quân phiệt đã đưa Myanmar từ phồn thịnh xuống cơ hàn. Năm 1962 – 14 năm sau ngày Myanmar giành được độc lập từ tay thực dân Anh và ngay trước khi tướng Ne Win làm cuộc đảo chính quân sự rồi đặt đất nước dưới chế độ quân phiệt, Myanmar là quốc gia giàu có nhất khu vực với thu nhập bình quân đầu người đạt 670 đô la Mỹ/năm, gấp ba lần Indonesia và gấp đôi Thái Lan. Thế nhưng năm 2010, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, thu nhập đầu người của Myanmar thấp nhất khu vực Đông Nam Á, kém cả Lào và Campuchia (xem bảng 1 và 2).

Sự tụt hậu khủng khiếp này là một nỗi “ô nhục” không chỉ của người dân mà cả các nhà lãnh đạo. Phát triển kinh tế để tiến kịp các nước lân bang là nhu cầu bức thiết. Vì lẽ đó, ngay từ năm 2003, thống tướng Than Shwe – nhà lãnh đạo độc tài khét tiếng – đã vạch ra “lộ trình bảy bước tới dân chủ” và chọn tướng Thein Sein làm người kế vị, chịu trách nhiệm thực hiện lộ trình đó. Ông Than Shwe giờ đây đã xa rời chính trường và hiếm khi xuất hiện trước công chúng, nhưng vẫn được coi là “kiến trúc sư” của chế độ dân chủ hiện hành.

Theo lộ trình này, một đại hội quốc gia được triệu tập để thảo ra bản hiến pháp mới, tuy còn nặng mùi quân phiệt, nhưng vẫn được trưng cầu dân ý và thông qua năm 2008. Năm 2010 cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội được tổ chức theo hiến pháp mới; Quốc hội sau đó đã bầu tướng Thein Sein làm tổng thống đầu năm 2011 và phê chuẩn một nội các mà hầu hết là các tướng lĩnh khoác áo dân sự.

Theo báo Economist, chế độ dân chủ mà giới lãnh đạo Myanmar hướng tới là “nền dân chủ có kỷ luật” (disciplined democracy), không trùng khớp với những nguyên tắc dân chủ ở phương Tây; trong đó quân đội vẫn nắm nhiều quyền lực và chi phối mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi nắm được quyền lãnh đạo tối cao, Tổng thống Thein Sein đã mở rộng nền dân chủ này ra ngoài ý tưởng ban đầu của những người xướng ra nó.

Công cuộc phát triển kinh tế đòi hỏi Myanmar phải hội nhập với thế giới bên ngoài và thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc. Nhưng để được thế giới chấp nhận, trước tiên Myanmar phải “hòa giải” với các lực lượng chính trị đối lập và “hòa hợp” với các nhóm dân tộc trong nước. Chỉ vài ngày sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử giới lãnh đạo quân sự thấy đã đủ tự tin để xóa án “quản thúc tại gia” kéo dài suốt 15 năm áp đặt lên bà Aung San Suu Kyi và khôi phục tư cách pháp lý của đảng NLD đối lập mà thực tế đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật từ năm 2004.

Từ đó đến nay, chính phủ Myanmar hoạt động với sự đồng thuận cao và Tổng thống Thein Sein gần như đáp ứng tất cả những yêu cầu chính đáng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi về cải cách đất nước: trả tự do cho hàng ngàn tù chính trị, cho phép thành lập công đoàn độc lập, xoá bỏ chế độ kiểm duyệt, thực thi tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân, tổ chức tuyển cử tự do và công bằng, ban hành luật về đầu tư nước ngoài và cải cách hệ thống tỷ giá v.v… Chính phủ Myanmar cũng đã đàm phán và ký kết hiệp định đình chiến với phiến quân thuộc các nhóm sắc tộc Kachin, Karen, Shan v.v… đặt cơ sở cho sự hòa hợp dân tộc. Một thời được coi là hình mẫu của chế độ chuyên chế nhưng Myanmar hiện nay đã tốt hơn nhiều nước châu Á khác về quyền dân sự và chính trị, theo báo Economist.

Tự do chính trị đã kéo theo sự thay đổi về kinh tế. Gần như mọi biện pháp cấm vận kinh tế áp đặt lên Myanmar mấy thập niên qua đã lần lượt được dỡ bỏ; nhiều khoản nợ công được các chính phủ châu Âu, Nhật Bản xóa bỏ; các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) chẳng những hỗ trợ Myanmar về tài chính mà cả về đào tạo, tư vấn, xây dựng hệ thống pháp lý và hệ thống tổ chức tài chính theo hướng hiện đại. Với nguồn tài nguyên phong phú về dầu khí, nông sản, gỗ teak, đá quý và nhiều loại khoáng sản khác, với vị trí nằm giữa hai thị trường đông dân nhất thế giới Ấn Độ và Trung Quốc, kinh tế Myanmar được kỳ vọng sẽ tăng gấp 4 lần, từ 45 tỉ đô la Mỹ hiện nay lên 200 tỉ đô la vào năm 2030, theo tổ chức tư vấn kinh tế McKinsey Global Institute ngày 31-5.

Một thế lực được coi là “vật cản” cho tiến trình đổi mới của Myanmar là quân đội. Hiện nay, hầu hết các bộ trưởng trong chính phủ Myanmar và cả Tổng thống Thein Sein đều từng là tướng lĩnh quân đội, và theo Hiến pháp mới quân đội mặc nhiên được giữ 25% số ghế quốc hội mà không phải qua bầu cử. Nếu quân đội không từ bỏ sự kiểm soát đối với chính phủ, quốc hội và nền kinh tế thì cải cách khó mà tiến lên được.

Người ta lo ngại quân đội – qua đảng chính trị của mình là Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) chiếm đa số trong Quốc hội – sẽ chống lại các chương trình cải cách vì chúng sẽ xói mòn vị trí độc quyền của các tập đoàn kinh doanh thuộc quân đội đã có chân rết khắp nơi, từ kinh doanh khách sạn, hàng không, khai thác gỗ và đá quý cho đến các trang trại nuôi gia cầm. Tuy nhiên cho đến nay, quân đội Myanmar đã chấp nhận mọi sự thay đổi mà chính phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein đề ra, thậm chí đảng USDP còn đề xuất sửa đổi hiến pháp theo hướng dân chủ hơn, tạo điều kiện cho bà Aung San Suu Kyi ứng cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới, dù điều đó có thể làm rung chuyển tận gốc rễ quyền lực chính trị của tổ chức này.

Để có được sự ủng hộ của quân đội cho tiến trình cải cách, Tổng thống Thein Sein và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã có một lựa chọn hợp lý: đề cao đoàn kết dân tộc để không làm cho những thủ lĩnh cũ của chế độ quân phiệt hoảng sợ. Bà Aung San Suu Kyi nhiều lần nói tới nhu cầu phải làm cho giới quân sự cầm quyền cảm thấy an toàn, không lo bị trả thù, không truy cứu tội trạng, không tịch thu tài sản… trong khi Tổng thống Thein Sein nhiều lần đề cập tới nhu cầu “tiến từng bước” để không gây sốc. “Ngay từ đầu, chúng tôi biết người dân mong muốn một chế độ dân chủ, nhưng chúng tôi không muốn thay đổi đột ngột vì làm như vậy rất nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi thay đổi vì nhân dân muốn như vậy”, ông nói.

Box: Tác động đối với châu Á

Một trong những chủ đề nóng của Diễn đàn Kinh tế thế giới đang diễn ra tại Myanmar là ý nghĩa và tác động của “Mùa xuân Myanmar” đối với phần còn lại của châu Á.

Hiện tượng dễ thấy nhất là đầu tư nước ngoài đã bắt đầu đổ vào Myanmar – vốn là thị trường “độc quyền” của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ở các ngành dầu khí, ngân hàng, viễn thông, du lịch… đang diễn ra cuộc chạy đua quyết liệt giữa các công ty đa quốc gia để giành cái gọi là “biên giới cuối cùng” của kinh tế thế giới. Cùng với đầu tư nước ngoài, đã bắt đầu có sự dịch chuyển các xí nghiệp, nhà máy từ Trung Quốc sang Myanmar để tận dụng giá lao động rẻ và chính sách ưu đãi cho hàng hóa Myanmar xuất sang phương Tây.
Các chính phủ cũng gia tăng cạnh tranh giành ảnh hưởng ở Myanmar thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA). Trong chuyến thăm Myanmar mới đây, Thủ tướng Nhật đã công bố xóa khoản nợ 176,1 tỉ yen (khoảng 1,74 tỉ đô la Mỹ) cho nước này, đồng thời cam kết cung cấp 91 tỉ yen (khoảng 900 triệu đô la Mỹ) cho chính phủ Myanmar cải thiện cơ sở hạ tầng.

Thái Lan, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai sau Trung Quốc, đang xúc tiến các dự án cảng nước sâu ở Dawei, xây dựng khu công nghiệp và 300 km đường bộ nối cảng này với Bangkok, trị giá khoảng 8,5 tỉ đô la Mỹ. Dự án này hoàn thành sẽ giúp hàng hóa từ Bangkok đi thẳng ra Ấn Độ Dương để sang châu Âu và ngược lại mà không cần phải vòng xuống eo biển Malacca. Nếu Camphuchia và Việt Nam cũng dùng con đường này thì vai trò “trung chuyển” của các hải cảng ở Singapore và Malaysia sẽ giảm bớt tầm quan trọng.

Ấn Độ đã cam kết đầu tư 100 triệu đô la Mỹ để nâng cấp cảng Sittwe ở phía bắc vịnh Bengal, coi đây là cửa ra biển của các tiểu bang vùng đông bắc bị kẹp trong đất liền giữa Bhutan và Bangladesh – vùng nghèo nhất Ấn Độ với khoảng 40 triệu dân.

Trung Quốc vừa hoàn thành tuyến đường ống dầu khí gần 800 km từ thị trấn Kyaupyu trên bờ vịnh Bengal đến thành phố Côn Minh và sẽ tiếp tục nhiều dự án khác để biến Myanmar thành cửa ra biển cho vùng Vân Nam rộng lớn của mình.

Cuộc cạnh tranh của các “ông lớn” ở Myanmar đang gây ra những va chạm, hoài nghi, nhất là giữa Bắc Kinh, Tokyo và New Delhi. Trong thực tế đó, công cuộc hội nhập của Myanmar sẽ chia rẽ hay đưa các cường quốc châu Á lại gần với nhau hơn, mấu chốt nằm ở đường lối và chiến lược của chính Myanmar.

Biểu đồ:
1- Tăng trưởng GDP của một số quốc gia châu Á.
2- Thu nhập bình quân đầu người của các nước ASEAN
Bản đồ (cho box)
Ảnh: Đường phố Yangon

Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế

Do tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, Chính phủ Trung Quốc đang tính chuyện thay đổi chính sách, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước, để cho thị trường và các doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.

Nhu cầu “chuyển hướng” nền kinh tế Trung Quốc – giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, tăng tiêu dùng nội địa – đã được bàn thảo từ lâu trong giới học thuật và chính trị xứ này, nhưng theo nhận xét của Stephen Green, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng Anh Standard Chartered, “bây giờ mới thấy một nghị trình cải tổ được công bố rõ từ cấp cao nhất”.  

Giải phóng năng lực sáng tạo

Phát biểu qua hội nghị truyền hình với các cơ quan chính quyền toàn quốc hồi giữa tháng này, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, chính phủ Trung Quốc sẽ giảm vai trò của nhà nước trong các vấn đề kinh tế để giải phóng năng lực sáng tạo của đất nước, dành vai trò lớn hơn cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân trong việc quyết định đầu tư và giá cả. Tại hội thảo với các doanh nghiệp Đức ở Berlin hôm thứ Hai 27-5, ông Lý cũng cam kết thực hiện cải cách theo hướng thị trường để tạo ra tăng trưởng bền vững sau khi nền kinh tế bất ngờ giảm tốc trong quí 1 năm nay.

Cụ thể hóa các phát biểu của ông Lý, thứ Sáu tuần trước Chính phủ Trung Quốc đưa ra một thông báo trên trang web, liệt kê một loạt các đề nghị chính sách, chẳng hạn như mở rộng đối tượng chịu thuế tài nguyên, từng bước để cho thị trường quyết định lãi suất ngân hàng và xây dựng hành lang pháp lý để “thu hút có hiệu quả vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, đường sắt, viễn thông và các lĩnh vực khác”. Doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều cơ hội hơn để đầu tư vào các ngành tài chính, hậu cần kinh doanh (logistics), y tế v.v… Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Sáu cũng đưa ra thông báo nhắc lại các cam kết thúc đẩy tự do hóa lãi suất và nới lỏng cơ chế kiểm soát tỷ giá hối đoái, để cho thị trường quyết định giá trị của đồng tiền Trung Quốc – đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, các thông báo này không có chi tiết nào về ý định thay đổi luật đầu tư của nước này; do đó vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có khả năng tái cơ cấu nền kinh tế như tuyên bố hay không.

Nhiều năm qua, các chính phủ phương Tây, các ngân hàng và tập đoàn đa quốc gia đã nhiều lần than phiền Chính phủ Trung Quốc cản trở đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ bất chấp những cam kết mà họ đưa ra khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng lần này, phát biểu của ông Lý và thông báo của Chính phủ Trung Quốc được coi là dấu hiệu mãnh mẽ nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của nước này tỏ ra nghiêm chỉnh trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Huang Yiping, nhà kinh tế chính về các thị trường châu Á của Ngân hàng Anh Barclays, nhận xét: “Các nhà lãnh đạo mới đưa ra rất nhiều thông điệp. Họ ý thức rằng, nếu tiếp tục trì hoãn các yêu cầu cải cách thì nền kinh tế sẽ gặp rắc rối lớn”.

Áp lực thay đổi đã đột ngột mạnh lên do tăng trưởng đột ngột chậm lại và những hạn chế của mô hình kinh tế dựa vào đầu tư và xuất khẩu ngày càng lộ rõ. Theo một khảo sát độc lập của Ngân hàng HSBC, hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 5-2013 đã giảm mạnh lần đầu tiên trong bảy tháng qua. Hồi đầu tuần, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng thừa nhận ông đang đối mặt với những “thách thức khổng lồ” phải tạo được mức tăng trưởng bình quân hàng năm 7% trong thập niên này để nâng tổng sản lượng quốc gia của Trung Quốc lên gấp đôi vào năm 2020 so với năm 2010. Trong thập niên trước, tốc độ tăng trưởng bình quân của Trung Quốc là trên 10%/năm.

Không có con đường nào khác

Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc không có khả năng từ bỏ mô hình kinh tế tư bản nhà nước, giải thể các tập đoàn quốc doanh độc quyền khổng lồ hay tư nhân hóa các lĩnh vực được coi là chiến lược như tài chính-ngân hàng, năng lượng, viễn thông. Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác để thúc đẩy tăng trưởng khi thị trường xuất khẩu sản phẩm bị thu hẹp, vốn đầu tư giảm sút và giá lao động tăng cao khiến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế yếu đi.

Nicholas R. Lardy, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Trung Quốc của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng việc Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt lãi suất ngân hàng, tỉ giá hối đoái và giá các mặt hàng năng lượng đã dẫn tới sự phân bổ sai lầm các nguồn lực xã hội và sự tăng trưởng không cân bằng. Theo ông Lardy, “cải cách sẽ giúp nâng cao thu nhập của hộ gia đình, giảm tiết kiệm và thúc đẩy tiêu thụ nội địa” và đó mới là hướng đi đúng cho nền kinh tế khổng lồ này.

Để cải cách thành công, Trung Quốc phải gạt bỏ được thế lực của các nhóm lợi ích hùng mạnh, các quan chức tham nhũng đã quen với việc sử dụng quyền lực chính trị để làm giàu cho cá nhân và gia đình mình thông qua các khoản hối lộ và kinh doanh mờ ám.

Chính phủ Trung Quốc trước đây – dưới sự lãnh đạo của các ông Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo – cũng từng cam kết cải cách sâu rộng nền kinh tế và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng theo giới phân tích, các ông này không đủ ảnh hưởng chính trị để thành công và thực tế trong mười năm qua, cải cách chẳng những không tiến tới mà còn thụt lùi.

Chính phủ mới của Trung Quốc, cầm quyền từ tháng 3-2013 vừa qua, quy tụ các nhà kỹ trị được đào tạo bài bản, dường như quan niệm rằng, nhà nước can thiệp càng sâu thì tình hình kinh tế càng tồi tệ thêm, thay vì vậy nên nhường cho khu vực kinh tế tư nhân. “Nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào chính phủ và đòn bẩy chính sách để kích thích tăng trưởng thì sẽ rất khó duy trì sự tăng trưởng đó, thậm chí còn tạo ra những khó khăn và rủi ro mới… Thị trường mới là người tạo ra của cải xã hội và sự phát triển kinh tế bền vững”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói.

 

Đường ống dầu khí Myanmar – Trung Quốc: Đầu đã xuôi nhưng đuôi chưa lọt

Những dự án đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar gặp khó vì sự phản đối của người dân.

Đường ống sinh tử

Image

sơ đồ đường ống dầu khí nối Myanmar với Trung Quốc. Ảnh myanmarbusinesscounsultants.com

Những ngày đầu tháng 5-2013, công trình xây dựng tuyến đường ống dầu khí dài 793 ki lô mét từ thị trấn Kyaukpya trên bờ vịnh Bengal ở phía tây, xuyên qua đất nước Myanmar đến ngoại ô thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đã cơ bản hoàn tất. Tuyến ống – gồm hai đường ống chạy song song – do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đầu tư xây dựng suốt 5 năm qua, cùng với Công ty Dầu khí Myanmar với tổng chi phí lên tới 2,5 tỉ đô la Mỹ. Theo kế hoạch của chủ đầu tư, khí đốt thiên nhiên khai thác ở các mỏ khí Shwe của Myanmar trong vịnh Bengal – mỏ khí đốt lớn nhất Đông Nam Á – sẽ bắt đầu được bơm vào đường ống để chuyển sang Trung Quốc vào tháng 7, còn dầu thô từ Trung Đông sẽ được bơm vào một đường ống kia vào cuối năm nay. Một trạm tiếp nhận và phân phối dầu khí khổng lồ cũng đang được xây dựng trên đảo Maday, phía ngoài thị trấn Kyaukpya. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kế hoạch đó khó suôn sẻ vì vấp phải sự phản ứng mạn mẽ của người dân Myanmar.

Báo chí Trung Quốc cho biết, tuyến ống này sẽ vận chuyển 440.000 thùng dầu thô mỗi ngày và 12 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, tương đương 8% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc, góp phần giải cơn khát nhiên liệu và cải thiện an ninh năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh. Tuyến ống này sẽ giúp rút ngắn được 5.000 ki lô mét vận chuyển dầu thô so với việc dùng tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca hiện nay. Eo biển Malacca (nằm giữa Indonesia và Malaysia) từ lâu vẫn bị coi là “nút thắt cổ chai” trên con đường vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông về các thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Theo báo Wall Street Journal, năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu 5,45 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó có 4 triệu thùng vận chuyển qua eo biển Malacca và Biển Đông. Từ lâu, Bắc Kinh đã lo sợ một tình huống xấu: nếu xảy ra xung đột quân sự, eo biển Malacca sẽ bị hải quân Mỹ phong tỏa và Trung Quốc bị đặt vào thế bí. Biển Đông còn là khu vực luôn nóng vì tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong trường hợp bất trắc, tuyến đường ống Kyaukpya-Côn Minh sẽ cung cấp cho Trung Quốc một con đường vận tải thay thế.

Tuyến ống này cũng là một phần trong mạng lưới đường ống trên đất liền nối Trung Quốc với các mỏ dầu khí ở Kazakhstan, Turkmenistan và Nga, làm thay đổi cảnh quan địa chiến lược theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Vì tuyến đường ống có vai trò quan trọng như vậy nên đại tá Dai Xu, nhà chiến lược quân sự kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh hàng hải của quân đội Trung Quốc coi nó là một trong 3 dự án chiến lược mà Bắc Kinh đặt rất nhiều kỳ vọng ở Myanmar. Trong suốt 50 năm qua, Bắc Kinh không tiếc công sức tiền của để nâng đỡ chính quyền quân sự của Myanmar đổi lấy quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của quốc gia láng giềng và thực hiện các dự án phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Ba dự án chiến lược đều gặp khó

ImageTuy nhiên, thực tế đã không suôn sẻ như kỳ vọng, nhất là sau năm 2010 khi Myanmar từng bước chuyển từ chế độ quân phiệt sang chính quyền dân sự của Tổng thống Thein Sein và nối lại quan hệ với phương Tây. Quyết định đầu tiên và được lòng dân của Tổng thống Thein Sein là cho ngừng ngay dự án thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy – dự án số 1 trong 3 dự án chiến lược mà ông Dai Xu kể ra. Công trình thủy điện này do một công ty Trung Quốc đầu tư với số vốn lên tới 3,7 tỉ đô la Mỹ nhằm cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam nhưng buộc hàng ngàn hộ gia đình Myanmar phải rời bỏ làng mạc để chuyển tới các khu tái định cư.

Dự án số 2 là mỏ đồng Letpadaung ở miền đông Myanmar, do tập đoàn quốc doanh Wanbao Mining Corporation thuộc Công ty chế tạo vũ khí Norinco của Trung Quốc liên doanh với một đơn vị kinh tế của quân đội Myanmar. Để mở rộng vùng khai thác quặng đồng, nhà đầu tư phải san bằng một ngọn núi “thiêng”, giải tỏa 26 ngôi làng và tháng 11 năm ngoái dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và sư sãi trong vùng. Cảnh sát đã can thiệp mạnh tay khiến nhiều người bị thương và Chính phủ Myanmar phải lập đoàn điều tra do lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi phụ trách. Không muốn làm phật lòng Bắc Kinh, bà Aung San Suu Kyi yêu cầu tập đoàn Wanbao phải bồi thường đất đai cho dân theo giá thị trường, trợ cấp tiền mặt tương đương với giá trị nông sản thu hoạch được trong ba năm; về phía người dân bà Suu Kyi yêu cầu họ hợp tác với nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo báo New York Times, đến thời điểm này, căng thẳng trong vùng mỏ đồng Letpadaung vẫn chưa lắng dịu và người dân vẫn chưa chịu giao đất cho dự án.

Bây giờ, dự án chiến lược số 3 – tuyến đường ống dầu khí – đã hoàn thành nhưng chưa rõ nó có thể bắt đầu hoạt động trong năm nay hay không. Tuần trước, để phản đối dự án, quân du kích của bang Shan (Shan State Army) đã tấn công vào một đơn vị xây dựng đường ống, giết chết 2 người và làm 3 người khác bị thương. Ở những nơi đường ống đi qua, người dân bị mất đất liên tục biểu tình đòi chủ đầu tư tăng tiền bồi thường đất đai và tạo công ăn việc làm có mức lương cao hơn. Chỉ riêng việc đường ống dầu khí này dẫn khí đốt của Myanmar cung cấp cho các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây trong lúc ở các vùng đất mà đường ống đi qua người dân Myanmar không có khí đốt để dùng, vẫn phải nấu cơm bằng củi và thắp sáng bằng đèn dầu hỏa đã đủ khiến dân chúng nổi giận và phản ứng. Cũng như mọi dự án đầu tư khác của Trung Quốc, người dân địa phương có rất ít lợi lộc.

Nỗ lực đánh bóng hình ảnh

Image

Người dân Myanmar phản đối dự án đường ống dầu khí. ảnh shwe.org

Báo South China Morning Post (SCMP) số ra ngày 20-5 cũng phải thừa nhận thực tế: “Trung Quốc đã bỏ ra hàng tỉ đô la Mỹ để phát triển khu vực Kyaukpya thành cửa ngõ quốc tế của Myanmar nhưng công việc này có thể bị “trật đường” vì sự phản đối của người dân”. Dẫn lời một quan chức Myanmar, báo SCMP cũng dự báo hoạt động của đường ống dầu khí Kyaukpya-Côn Minh khó có thể bắt đầu trong năm nay do tình hình an ninh trong vùng.

Một biến chuyển đáng chú ý là sau khi vấp phải sự phản đối của người dân Myanmar, các công ty Trung Quốc đã thay đổi sách lược: thay vì dựa dẫm vào sự bảo trợ của chính quyền để đàn áp người biểu tình như dưới thời quân quản trước kia, họ đã cố gắng thực hiện các chương trình xã hội để đánh bóng hình ảnh và thu phục cảm tình của các cộng đồng địa phương. Tập đoàn CNPC chẳng hạn, cho biết đã đầu tư 12,5 triệu đô la Mỹ xây dựng 45 trường tiểu học và 24 trạm y tế ở những nơi đường ống dầu khí đi qua để xoa dịu sự phản kháng, sớm đưa đường ống vào hoạt động.

Ngày về của Karl Marx

(Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 195 của Karl Marx (1818-1883):

Image“Vào ngày 14 tháng Ba (năm 1883), lúc ba giờ kém mười lăm chiều, nhà tư tưởng vĩ đại nhất đã ngừng suy nghĩ. Ông ngồi một mình trong hai phút đồng hồ và khi chúng tôi quay lại, chúng tôi thấy ông vẫn ngồi trong ghế bành, bình thản đi vào giấc ngủ – ngàn thu”. Đó là giây phút cuối cùng của Karl Marx, qua lời kể của F. Engels, bạn chiến đấu và thân thiết nhất của ông, người luôn coi Marx là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất”. Vài hôm sau, ngày 17/3, tang lễ của ông diễn ra trong thầm lặng, chỉ có khoảng mười người thân quen đưa ông đến nghĩa trang Highgate ở ngoại ô London nước Anh.

Karl Marx đã qua đời như một người lưu vong, không tổ quốc, nhưng tư tưởng của ông về cách mạng vô sản đã không đi cùng ông xuống mồ mà trái lại, đã dẫn dắt thế giới vào những cuộc biến động long trời lở đất suốt một thế kỷ sau và tiếp tục ảnh hưởng tới con đường đi của thế giới ngày nay.

*

Vài thập niên trước, nhiều người tin rằng, Karl Marx đã thực sự nhắm mắt xuôi tay khi học thuyết của ông về cách mạng vô sản, về mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp như là động lực của lịch sử, đã bị vùi lấp trong cuộc chạy đua làm giàu diễn ra khắp thế giới. Khi Liên xô – thành trì của chủ nghĩa xã hội, sụp đổ và vỡ vụn, và Trung Quốc thực hiện “đại nhảy vọt” vào chủ nghĩa tư bản, có nhà nghiên cứu phương Tây đã tuyên bố: “Karl Marx đã được chôn cất”.

Có vẻ như chính chủ nghĩa tư bản, chứ không phải chủ nghĩa cộng sản, đã góp phần hiện thực hóa giấc mơ của Karl Marx cách đây gần hai thế kỷ: tự do thương mại và đầu tư, toàn cầu hóa kinh tế, đã cung cấp cho mọi người nhiều cơ hội để trở nên giàu có, thoát khỏi kiếp làm thuê, bán sức lao động cho các ông chủ tư bản. Châu Á chẳng hạn, trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, đã đạt được một thành tích xóa đói giảm nghèo có lẽ là ấn tượng nhất trong lịch sử loài người nhờ vào chính những công cụ của chủ nghĩa tư bản.

Thế nhưng, những cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính liên tục xảy ra với quy mô ngày càng nghiêm trọng từ năm 1997 đến nay lại khiến người ta nhớ tới Karl Marx và những lời buộc tội của ông đối với chủ nghĩa tư bản. Marx đưa ra lý thuyết rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ làm bần cùng hóa quần chúng khi của cải của thế giới bị tập trung vào tay của một thiểu số tham lam, gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và làm gia tăng xung đột giữa người giàu với giai cấp lao động. “Tích lũy của cải vào cực này thì cũng đồng thời tích lũy vào cực kia niềm đau khổ, nỗi thù hận lao động nặng nhọc, tình trạng nô lệ, sự ngu dốt, dã man và sự xuống cấp về tinh thần”, Marx đã viết như thế.

*

Có nhiều bằng chứng cho thấy có lẽ Karl Marx đã đúng: người giàu đang trở nên giàu hơn trong khi người nghèo càng nghèo hơn. Hãy xem nước Mỹ – trường hợp điển hình nhất của chủ nghĩa tư bản. Một nghiên cứu hồi tháng 9-2012 của Viện Chính sách kinh tế (EPI) ở Washington lưu ý rằng mức trung vị (median) thu nhập hàng năm của một người lao động là nam giới, làm việc toàn thời gian, năm 2011 là 48.022 USD, thấp hơn mức năm 1973. Trong thời gian từ 1983 đến 2010, 74% sự gia tăng về tài sản ở Mỹ rơi vào tay 5% dân số là những người giàu nhất, trong khi tài sản của 60% dân số là người nghèo thì bị suy giảm, theo tính toán của EPI.

Xu thế tích lũy của cải vào một nhóm nhỏ trong xã hội đã đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, làm gia tăng sự bất công, căng thẳng và xung đột xã hội. Tình trạng bất công càng lan rộng thì lời tiên đoán của Marx càng tỏ ra đúng: mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp đang xuất hiện trở lại trong xã hội: người lao động khắp thế giới đang tỏ ra giận dữ với trật tự hiện hành và đòi phải được chia phần công bằng hơn trong chiếc bánh kinh tế toàn cầu. Đấu tranh đang diễn ra từng ngày trong các nghị trường ở Mỹ, châu Âu, trên các đường phố ở Hy Lạp, Tây Ban Nha chung quanh những vấn đề việc làm, thu nhập và chính sách xã hội, trong các xưởng máy ở Bangladesh, Trung Quốc chung quanh chuyện tăng lương, giảm giờ làm, bảo đảm an toàn cho người lao động.

Ngay tại nước Mỹ, căng thẳng giữa các giai tầng về kinh tế đang gia tăng, xã hội bị chia rẽ giữa đa số 99% (have-nots – người dân bình thường cố gắng để sống) và 1% (“haves” – những người giàu và cực giàu nhờ đặc quyền và quan hệ, mỗi ngày một giàu hơn). Trong một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành năm ngoái, có hai phần ba số người được hỏi ý kiến tin rằng nước Mỹ đang khốn khổ vì mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo ở mức độ “nghiêm trọng” và “rất nghiêm trọng”, tăng 19% so với kết quả khảo sát năm 2009 và mâu thuẫn giàu-nghèo được coi là mối phân liệt lớn nhất trong xã hội.

Sự chia rẽ này đang thống trị nền chính trị Mỹ. Những cuộc thương lượng về giải pháp giảm thâm hụt ngân sách chẳng hạn, đã thực sự biến thành cuộc đấu tranh giai cấp trên chính trường Mỹ. Khi tổng thống Barack Obama đề nghị tăng thuế thu nhập của những người giàu, có thu nhập hàng năm trên 250.000 đô la Mỹ, để giúp cân bằng ngân sách quốc gia, những chính trị gia bảo thủ đã lập tức lên án ông tiến hành “chiến tranh giai cấp” chống lại người giàu. Đảng Cộng hòa bảo thủ cũng phát động cuộc “chiến tranh giai cấp” của họ khi kiên quyết chuyển gánh nặng ngân sách lên vai người nghèo và tầng lớp trung lưu bằng cách cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội. Trong cuộc tranh cử cuối năm 2012 vừa qua, ông Obama đã không ít lần tố cáo những người Cộng hòa “vô cảm” với các tầng lớp lao động trong xã hội Mỹ.

Ở Pháp – nền kinh tế lớn nhất nhì châu Âu – cuộc đấu tranh giai cấp mới còn rõ ràng hơn nữa. Tổng thống Francois Hollande, thuộc đảng Xã hội, đã từng nói thẳng: “Tôi không thích người giàu”. Nhiều người Pháp, đau khổ vì khủng hoảng tài chính, cắt giảm ngân sách làm cho hố ngăn cách giàu-nghèo càng rộng ra, đã bỏ phiếu cho ông Hollande, ủng hộ chủ trương lấy bớt của cải của người giàu để duy trì nhà nước phúc lợi của Pháp. Để không phải thực thi những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm cân bằng ngân sách như các nhà lãnh đạo châu Âu khác, tổng thống Hollande đã chọn cách tăng thuế lên người giàu, có tài sản trên 1,2 triệu euro và đề xuất thuế suất thuế thu nhập cao nhất lên tới 75%. Đề xuất của ông đã bị Hội đồng Hiến pháp của Pháp bác bỏ nhưng có những dấu hiệu cho thấy ông Hollande vẫn tiếp tục tìm cách thực hiện lời cam kết với cử tri là cải tổ cách phân phối thu nhập, khắc phục những bất công có khả năng gây bất ổn xã hội.

Nhưng có lẽ Trung Quốc – một đất nước theo chủ nghĩa xã hội nhưng thực tế đã quay lưng với Karl Marx – mới là nơi có khoảng cách giàu-nghèo rộng nhất và doãng ra nhanh nhất. Từ một xã hội tương đối bình đẳng và nghèo khó thời Mao Trạch Đông, sau vài thập niên mở cửa làm ăn, nhờ tận dụng những thời cơ do toàn cầu hóa mang lại và khai thác tính năng động của khối dân số đông nhất thế giới – Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng trong thời gian này, tính chất bình đẳng của xã hội Trung Quốc trước đây cũng nhanh chóng bị thay thế bởi sự phân liệt giữa một nhóm nhỏ những người cực giàu và đông đảo các tầng lớp lao động ở nông thôn, lao động di cư ở các đô thị. Bất bình đẳng xã hội, đo bằng chỉ số Gini, ở Trung Quốc thuộc loại cao nhất thế giới. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Pew cũng ghi nhận có tới hơn một nửa số người Trung Quốc được hỏi ý kiến cho rằng khoảng cách giàu-nghèo là vấn đề nghiêm trọng, có 8 trong 10 người đồng ý rằng ở Trung Quốc, người giàu ngày càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo đi.

Chính thực tế bất công này đã kích hoạt các cuộc biểu tình phản đối ở Trung Quốc – mà ngôn ngữ của chính quyền gọi là “biến cố đông người”. Khó có thể thống kê đầy đủ tình trạng tranh chấp chủ-thợ diễn ra ở Trung Quốc nhưng các chuyên gia đều cho rằng có thể lên tới hàng ngàn vụ mỗi năm. Một thế hệ người lao động mới của Trung Quốc, có thông tin đầy đủ hơn cha anh họ nhờ mạng Internet, đã trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

*

Sau khi xác định bản chất cố hữu của hệ thống tư bản chủ nghĩa là bất công, Karl Marx tiên đoán giai cấp vô sản sẽ đoàn kết lại và lật đổ hệ thống này, thay thế nó bằng một xã hội mới, xã hội chủ nghĩa, tốt đẹp hơn; “chuyên chính tư sản” phải được thay bằng “chuyên chính vô sản”.

Trong “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản” xuất bản năm 1848, Marx từng khẳng định “Những người Cộng sản công khai tuyên bố rằng chỉ có thể đạt được các mục tiêu của mình thông qua việc lật đổ bằng bạo lực toàn bộ các điều kiện xã hội hiện hành” và “Giai cấp vô sản không có gì để mất ngoài xiềng xích”. Ngọn lửa cách mạng, theo Marx, sẽ bùng cháy khi người lao động vô sản đoàn kết, liên hiệp lại chung quanh những quyền lợi chung của giai cấp mình. Câu khẩu hiệu lừng danh, được khắc trên bia mộ của ông, “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” đã trở thành lời hiệu triệu của tất cả các đảng cộng sản và công nhân toàn thế giới suốt thế kỷ 20.

Thế nhưng, dường như “đoàn kết” (để đấu tranh) là “đức tính” khá yếu ớt của tầng lớp lao động hiện đại. Công nhân lao động có thể cùng đối mặt với những vấn đề giống nhau: thất nghiệp, thu nhập thấp, điều kiện làm việc khắc nghiệt… nhưng dường như họ vẫn không liên hiệp với nhau để giải quyết những vấn đề đó. Phong trào “Chiếm phố Wall” sôi nổi một thời ở bên Mỹ rồi cũng tan biến mà chẳng để lại dấu ấn gì. Các cuộc biểu tình rầm rộ ở châu Âu chẳng hạn dường như không nhắm tới mục tiêu lâu dài, càng không nhằm lật đổ “bằng bạo lực” cái trật tự xã hội hiện tồn. Jacques Rancière, giáo sư triết học Marxism của Đại học Paris, Pháp, lưu ý rằng người biểu tình hiện thời không đặt mục tiêu thay thế chủ nghĩa tư bản mà chỉ cải tổ nó. “Chúng tôi không thấy các giai cấp phản kháng kêu gọi lật đổ hoặc thủ tiêu các hệ thống chính trị-xã hội hiện tồn. Ngày nay, xung đột giai cấp chỉ sản sinh ra những lời kêu gọi cải tổ hệ thống bằng cách tái phân phối nguồn của cải tạo ra để hệ thống trở nên linh hoạt hơn, bền vững hơn trong dài hạn”, ông Rancière nói.

Ngay cả ở Trung Quốc, dưới sự cai trị của đảng cộng sản nhưng các ông chủ tư bản vẫn được trọng vọng hơn người lao động. Để xoa dịu nỗi bất mãn của người lao động, đảng và Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp như tăng mức lương tối thiểu để tăng thu nhập của công nhân, sửa luật lao động để nhà máy khó sa thải công nhân hơn v.v… nhưng né tránh những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm tái lập công bằng xã hội, chẳng hạn như triệt tiêu nạn tham nhũng. Ngay cả việc lập ra những tổ chức nghiệp đoàn độc lập với giới chủ và với chính quyền để thật sự đại diện cho quyền lợi của người lao động cũng bị cấm đoán gắt gao.

Khách quan mà nói, nỗi bất mãn với sự bất công của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã giúp phục hồi thế lực của xu thế chính trị thiên tả ở các nước phương Tây, sau hơn 30 năm thống trị bởi các chính trị gia cánh hữu như tổng thống Ronald Reagan và thủ tướng Margaret Thatcher (xem thêm “Sự trở lại của cánh tả” – TBKTSG số 43/2011, tại đây). Nhưng các chính phủ của ông Obama và ông Hollande không có ý định xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Mỹ và Pháp, càng không muốn thay thế “chuyên chính tư sản” bằng “chuyên chính vô sản” như mong muốn của Karl Marx.

Dù sao, đã hơn 160 năm trôi qua từ ngày Marx đưa ra những ý niệm ban đầu về đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa cộng sản. Thực tế lịch sử đã không như Marx tiên đoán, và chủ nghĩa tư bản, dù vẫn bất công và thối nát, nhưng không còn là thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã tàn bạo như thời Marx sống. “Bạo lực” cũng không còn là phương thức duy nhất mà người lao động lựa chọn để thay đổi số phận của giai cấp, của chính mình. Nhiều người vin vào thực tế này để tuyên bố rằng chủ nghĩa Marx đã chết.

Tuy nhiên trong những ngày khốn khó vì khủng hoảng kinh tế-tài chính, vì thất nghiệp, vật giá leo thang, người ta lại căm giận người giàu, căm giận cái hệ thống xã hội bất công và nhớ tới Karl Marx cùng tấm lòng ưu thời mẫn thế của ông. Marx không chỉ chẩn đoán ra những khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản mà còn dự liệu kết quả của những khiếm khuyết ấy. Nếu các chính trị gia hiện đại không tìm ra được phương cách nào hữu hiệu để tái lập sự công bằng về cơ hội kinh tế giữa các giai cấp thì biết đâu, tức nước vỡ bờ, người lao động lại sẽ phải “liên hiệp lại” như lời tiên tri của Karx Marx?

Châu Á lo ngại “giấc mơ Trung Quốc”

Image

Ảnh: Hoàng Sa là của Việt Nam – mô hình khinh thuyền đi trấn thủ Hoàng Sa các thế kỷ trước được tái hiện trong lễ khao lề thế Hoàng Sa vừa tổ chức ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cuối tuần qua. Ảnh Nguyễn Văn Minh (tuoitre.vn)

 

Hôm Chủ nhật 28-4, Trung Quốc đã đưa một con tàu du lịch chở khoảng 100 khách ra quần đảo Hoàng Sa – vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, bất chấp lời phản đối mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra hôm 5-4-2013. Chuyến đi này được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích và được báo chí nước này quảng bá rầm rộ. Hơn thế nữa, việc tính toán mở chuyến du lịch đầu tiên tới Hoàng Sa trùng vào dịp nhân dân Việt Nam kỷ niệm 38 năm ngày thống nhất đất nước càng cho thấy dã tâm và ý đồ gây hấn của Bắc Kinh. 

Dẫn tuyên bố của Việt Nam rằng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là “không thể chối cãi”, báo The Globe and Mail của Canada nhận định, chuyến du lịch này của Trung Quốc là một hành vi xâm lược núp bóng một hoạt động kinh tế, một trong hàng loạt hành động tương tự để củng cố yêu sách chủ quyền bất hợp pháp trên lãnh thổ của các quốc gia khác và thăm dò phản ứng của các nước láng giềng.

Chuỗi hành động gây hấn của Trung Quốc đã gây lo ngại sâu sắc ở khắp châu Á và đặt nghi vấn về cái mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “giấc mơ Trung Quốc”. Ông Tập đề cập tới “giấc mơ” này bằng những lời lẽ mơ hồ như là “cuộc hồi xuân vĩ đại của đất nước Trung Hoa” nhưng những động thái gần đây cho thấy đằng sau đó chỉ là gia tăng sức mạnh quân sự để xâm lấn và chèn ép các nước láng giềng. Nhận định này càng được củng cố khi ngày 16-4 Bắc Kinh công bố sách trắng về quốc phòng, trong đó khẳng định vai trò của quân đội là “bảo vệ và hiện thực hóa giấc mơ Trung Quốc”.

“Giấc mơ Trung Quốc bao hàm giấc mơ bảo vệ an ninh hàng hải của Trung Quốc và xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hải dương”, Ju Hailong, chuyên viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Jinan, viết trên Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm Chủ nhật. Về chuyến du lịch tới Hoàng Sa đang diễn ra, ông Ju đe nẹt: “Những ai muốn cản trở hành động của Trung Quốc nhằm gây rối đều là người không tuân thủ luật pháp quốc tế”. Ông này giả vờ hay cố tình không biết rằng luật pháp quốc tế, mà cụ thể là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 hoàn toàn không thừa nhận chủ quyền những lãnh thổ chiếm được bằng xâm lược vũ trang mà ai cũng biết Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam ngày 19/1/1974.

Thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”, hôm 15-4 bộ binh Trung Quốc, được máy bay trực thăng hộ tống, đã tiến sâu vào lãnh thổ Ấn Độ, băng qua đường phân giới LAC (Line of Actual Control) mà hai nước đã thỏa thuận sau cuộc chiến tranh năm 1962. Hình ảnh trên truyền hình Ấn Độ cho thấy lính Trung Quốc cắm trại chỉ cách các đồn biên phòng của Ấn khoảng 100 mét ở thung lũng Depsang, phía sau đường phân giới LAC khoảng 19 km.

Ở phía đông, xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản tăng tới cực điểm trong tuần qua khi Trung Quốc phái 8 tàu hải giám tới vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát. Những ngày cuối tuần qua, tàu hải giám của Trung Quốc vẫn quẩn quanh gần đảo Senkaku và được các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 hỗ trợ. Báo Sankei Shimbun ghi nhận có khoảng 40 lượt máy bay chiến đấu Trung Quốc lượn lờ trên bầu trời đảo Senkaku. “Một mối đe dọa chưa từng có”, một quan chức Nhật Bản nói với báo Sankei Shimbun.

Nhưng hành động gây choáng nhất của Trung Quốc là cuối tháng 3 vừa qua Bắc Kinh phái 4 tàu chiến, trong đó có một tàu đổ bộ, đến tập trận chiếm đảo ở bãi cạn James Shoal mà Malaysia tuyên bố chủ quyền. Bãi cạn này cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km, trong khi cách điểm cực nam của Trung Quốc trên đảo Hải Nam đến 1.800 km.

“Trung Quốc muốn gửi một tín hiệu đến toàn bộ khu vực”, bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Quốc thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group – ICG), nhận xét. Bà Stephanie cũng cho rằng, Trung Quốc “càng gây hấn về lãnh thổ thì càng bị xa lánh”.

Nhật Bản và Ấn Độ là những cường quốc quân sự: Ấn Độ có vũ khí hạt nhân còn Nhật Bản có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ nên hoàn toàn có khả năng chặn đứng tham vọng ngông cuồng của Trung Quốc, còn các nước nhỏ ở Đông Nam Á quả là khó khăn trong một cuộc xung đột không cân sức với Bắc Kinh.

(theo The Globe and Mail)

Trung Quốc: người khổng lồ cô độc

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Á, nhưng sức mạnh kinh tế ấy chẳng những không giúp cho nước này đạt được sự kính nể mà quan hệ với các nước láng giềng ngày càng xấu đi. Báo The Economist (Anh) đã cất công tìm hiểu nguyên nhân.

Theo Economist, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đã vươn tới mọi ngóc ngách của châu Á: các nhà yến ở Indonesia cung cấp tổ yến, trang trại gia cầm ở Ấn Độ cung cấp chân gà, các mỏ than đá và quặng sắt ở Úc cung cấp nguyên-nhiên liệu cho thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Trung Quốc còn là nước xuất khẩu nhiều nhất sang Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Quan hệ thương mại với Trung Quốc đã giúp phát triển kinh tế và nâng cao đời sống ở các nước này, đó là điều khó tranh cãi được.

Tuy nhiên, càng ngày người ta càng khó chấp nhận cung cách làm ăn của Trung Quốc, từ ứng xử của từng doanh nghiệp riêng lẻ cho đến đường lối giao thương của chính phủ Bắc Kinh. Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu ở nước ngoài chỉ sử dụng công nhân Trung Quốc với số lượng lớn, sống trong các khu biệt lập với người địa phương, du khách Trung Quốc thường kênh kiệu, thị tiền một cách vô lối… thì chính phủ Trung Quốc ngày càng sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị để chèn ép các nước khác, mà vụ Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm khi tranh chấp với Nhật năm 2010 hoặc ngừng nhập khẩu chuối của Philippines khi xung đột với Manila về bãi cạn Scarborough năm 2011 là những ví dụ.

Hậu quả là khắp châu Á, quan hệ kinh tế với Trung Quốc thường được nhìn dưới con mắt hoài nghi và ác cảm. Hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc chẳng hạn, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng cũng bị coi là thủ đoạn của Bắc Kinh nhằm bóp chết nền công nghiệp của các nước nhập khẩu.

Nhu cầu năng lượng và nguyên liệu của Trung Quốc góp phần thúc đẩy kinh tế các nước Úc, Indonesia, Myanmar nhưng cũng chính ở các nước này, đầu tư của Trung Quốc thường bị người địa phương coi là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân. Cho đến nay, quyết định của Tổng thống Thein Sein được người dân Myanmar ủng hộ nhiều nhất là ngừng dự án thủy điện Myitsone; trong khi quyết định bị phản đối nhiều nhất của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi là ủng hộ việc mở rộng việc khai thác mỏ đồng, cả hai dự án đều do Trung Quốc đầu tư ở Myanmar.

Ngay cả viện trợ cũng không mua được cho Trung Quốc sự tin cậy và tình cảm láng giềng. Cho đến nay, Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên, cung cấp nhiên liệu và lương thực cũng như bảo trợ để Bình Nhưỡng né tránh các biện pháp cấm vận của Liên hiệp quốc và liên tục gây hấn. Sự “hào phóng” đó của Bắc Kinh chẳng những gây bất bình cho Nhật Bản và Hàn Quốc mà ngay cả Bắc Triều Tiên cũng tỏ ra sẵn sàng gây khó xử cho Trung Quốc.

Ở Đông Nam Á, việc Bắc Kinh tung ra 500 triệu đô la Mỹ cho Campuchia vay ưu đãi đổi lấy việc nước này bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2012 đã gây bất bình sâu sắc. Có thể Trung Quốc đã thành công trong việc cản trở ASEAN đoàn kết trong vấn đề biển Đông, thậm chí có thể làm suy yếu Hiệp hội này, song Bắc Kinh phải trả giá đắt là nỗi hoài nghi và khinh bỉ đã lan rộng khắp khu vực.

(Bài đăng TBKTSG số 18-2013, ngày 2-5-2013 )

 

 

 

 

Trung Quốc – châu Phi: tuần trăng mật đã hết!

Image

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và phu nhân (bên phải) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Pretoria hôm 26-3. Ảnh Reuters.

Chuyến công du lục địa đen của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được coi là nhằm trấn an các nước châu Phi về tham vọng kinh tế của Trung Quốc.

Quan hệ không cân bằng

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và châu Phi năm ngoái là 198 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,3% so với năm 2011 và tăng 20 lần so với năm 2000. Nhưng cấu trúc của mối quan hệ thương mại này không cân bằng: năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi khoảng 113 tỉ đô la, chủ yếu là nhiên liệu và khoáng sản như dầu mỏ, quặng kim loại và bán sang châu phi hàng hóa công nghiệp như quần áo may sẵn, đồ điện tử gia dụng. Khoáng sản chiếm 80% giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi, theo báo Economist; còn hàng hóa Trung Quốc, tuy phần nào giúp người dân cải thiện cuộc sống nhưng lại góp phần triệt tiêu các doanh nghiệp địa phương, gây hại cho nỗ lực công nghiệp hóa của lục địa này.

Đầu tư của Trung Quốc thì khó đo lường hơn. Mùa hè năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh (Chen Deming) cho biết, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi đã vượt quá 14,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 60% so với năm 2009; một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đưa ra con số 15,3 tỉ đô la vốn đầu tư vào cuối năm 2012 và hiện có tới 800 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoạt động tại châu Phi. Vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi cũng tập trung vào các dự án khai khoáng để cung ứng nguyên liệu cho nền kinh tế Trung Quốc. Mãi đến gần đây, đầu tư của Trung Quốc tập trung vào những quốc gia có trữ lượng khoáng sản lớn như Algeria, Nigeria, Nam Phi, Zambia, Congo nhưng Trung Quốc cũng mạnh dạn đầu tư cả ở những quốc gia nhiều bất ổn như Sudan, Zimbabwe – là những nơi các doanh nghiệp nước ngoài khác né tránh.

Cùng với sự gia tăng thương mại và đầu tư, đã diễn ra làn sóng di cư của người Trung Quốc sang châu lục này. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho biết hiện đã có hơn 1 triệu người Hoa sinh sống và làm ăn ở châu Phi, phần lớn làm trong các dự án đầu tư và kinh doanh của Trung Quốc, một số ít tự tổ chức kinh doanh hoặc làm dịch vụ. Bất đồng về văn hóa, lối sống, về cung cách làm việc đã dẫn tới không ít những vụ va chạm giữa các công nhân, quản lý người Trung Quốc với công nhân địa phương, chẳng hạn như vụ một viên quản lý mỏ than tại Zambia bị các công nhân đình công đòi tăng lương giết chết hồi tháng 8-2012 vừa qua. Theo báo Economist, mới đây tòa án Algeria đã cấm hai công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu các dự án công, chính quyền Gabon hủy bỏ một hợp đồng khai khoáng, chính quyền Nam Sudan trục xuất Liu Yingcai, giám đốc Petrodar – một liên doanh dầu khí Trung Quốc-Malaysia, khách hàng lớn nhất của Nam Sudan – vì tội biển thủ một lượng dầu trị giá 815 triệu đô la v.v…  Một số quốc gia như Malawi, Tanzania, Uganda và Zambia đặt ra những luật lệ giới hạn lĩnh vực mà công ty Trung Quốc được tham gia kinh doanh nhằm bảo vệ các doanh nghiệp địa phương trong ngành nông nghiệp và bán lẻ.

Thời trăng mật đã qua?

Nhìn lại quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi trong thời gian qua, nhà nghiên cứu Anna Alve nhận xét: “Châu Phi và Trung Quốc đã thực sống một thiên tình sử từ một thập kỷ qua. Nhưng tuần trăng mật từ nay đã chấm dứt… Nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, các nước châu Phi ý thức về nguy cơ của một kiểu đô hộ mới”, bà Alve nói trên báo Pháp Le Monde. Còn trên báo Anh Financial Times, ông Lamido Sanusi, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nigeria tỏ ra gay gắt hơn: “Trung Quốc lấy nguyên liệu của chúng tôi và bán cho chúng tôi sản phẩm công nghiệp. Đây chính là bản chất của chủ nghĩa thực dân”.

Ngoài sự chống đối của người dân mới khởi phát ở châu Phi, Trung Quốc còn phải đương đầu với một thách thức mới: sự cạnh tranh từ các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc – những quốc gia cũng đi theo con đường tìm kiếm tài nguyên và thị trường ở châu Phi mà Trung Quốc đang đi. Thương mại hai chiều giữa châu Phi và Ấn Độ chẳng hạn, đã xấp xỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.

Lựa chọn châu Phi làm điểm công du thứ hai sau Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn chứng tỏ châu lục này là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao, kinh tế của Trung Quốc. Tại điểm dừng chân đầu tiên ở Tanzania, ông Tập đã có bài phát biểu nêu tóm tắt những chính sách của Trung Quốc mà trọng tâm là gia tăng viện trợ và đầu tư ở châu lục này; chẳng hạn Trung Quốc cam kết cung cấp 20 tỉ đô la Mỹ trong 3 năm (2013-2015) để giúp các nước châu Phi phát triển hạ tầng, nông nghiệp và kinh doanh; cấp 18.000 học bổng cho sinh viên châu Phi v.v… Tại Tanzania – nơi mà Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác than đá, quặng sắt và xây dựng đường sá, ông Tập đã chứng kiến lễ ký kết 16 dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, cảng biển và xây dựng một trung tâm văn hóa Trung Quốc. “Trung Quốc thành thật hy vọng được nhìn thất các quốc gia châu Phi phát triển nhanh hơn, người châu Phi có cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Tập nói.

Tuy nhiên, theo Reuters, ông Tập cũng thừa nhận, quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đang có những căng thẳng. “Trung Quốc đang đối mặt với những hoàn cảnh mới, những vấn đề mới trong quan hệ Trung-Phi. Nhưng Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục cùng với các nước châu Phi tìm ra những giải pháp thực tế để giải quyết một cách thích đáng những vấn đề về thương mại và hợp tác kinh tế để châu Phi thu được nhiều lợi ích hơn từ sự hợp tác này”, ông Tập nói.

 

 

Ông Tập Cận Bình cũng đã đến thủ đô Pretoria của Nam Phi và tham dự Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong hai ngày 26 và 27-3-2013. Hội nghị này dự kiến sẽ phê chuẩn việc hình thành một quỹ ngoại hối chung và một ngân hàng phát triển hạ tầng để giúp các nền kinh tế đang phát triển giảm bớt sự lệ thuộc vào Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế – vốn được coi là phản ánh quyền lợi của Mỹ và các nước công nghiệp.

Chuyến công du châu Phi của ông Tập sẽ kết thúc sau khi thăm Cộng hòa Congo, nơi cung cấp cho Trung Quốc 5,95 tỉ thùng dầu vào năm ngoái.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: TPP và động lực cải cách kinh tế

Với sự tham gia của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) sẽ có 12 thành viên, tổng sản lượng hàng năm 27.000 tỉ đô la Mỹ, bằng 40% GDP toàn cầu. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ thị trường khổng lồ này nếu biết tận dụng tư cách thành viên TPP để đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế.

Sau ba năm làm việc, đàm phán TPP đã hoàn tất vòng thứ 16 tại Singapore hồi giữa tháng trước và đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 17 tại Peru xoay quanh vấn đề cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng nông sản và dệt may. Mặc dù có diễn biến mới là hôm 15-3 Nhật Bản chính thức đề nghị được tham gia TPP song các quan chức vẫn hy vọng những nội dung cơ bản của Hiệp định sẽ được các nhà lãnh đạo các nước thành viên thông qua tại kỳ họp thượng đỉnh ở Bali, Indonesia vào tháng 10 tới.

Theo quy định, Nhật Bản, cũng như Canada và Mexico mới gia nhập năm ngoái, phải chấp nhận hoàn toàn các điều khoản mà các thành viên cũ của TPP đã thỏa thuận được và chỉ tham gia đàm phán những vấn đề chưa có kết luận cuối cùng. Vì thế, theo giới phân tích, ít có khả năng việc tham gia của Nhật sẽ làm chậm tiến trình đàm phán TPP.

Lợi ích của Việt Nam với tư cách thành viên chính thức của TPP từ rất sớm (tháng 11-2010) đã được giới chuyên gia và báo chí bàn tới rất nhiều. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 1-4 dẫn nhận định của giáo sư Peter A. Petri, Đại học Brandeis (Mỹ) ước tính GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 26,2 tỉ đô la Mỹ, tương đương 7,7% từ nay đến năm 2025 và con số này sẽ tăng lên thành 35,7 tỉ đô la Mỹ và 10,5% GDP nếu Nhật chính thức tham gia TPP. “Việt Nam đang ở vị trí tốt nhất để tận dụng lợi thế TPP,” ông nói tại một cuộc hội thảo về TPP do Bộ Công thương tổ chức gần đây.

Nhưng TPP không chỉ là một hiệp định tự do thương mại (FTA) thông thường và lợi ích của nó không chỉ là giá trị kim ngạch buôn bán tăng thêm. Một chuyên gia tham gia đàm phán cho rằng trong 26 chương của hiệp định chỉ có 5 chương liên quan trực tiếp tới thương mại như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…còn lại là những vấn đề về cơ cấu kinh tế như quy định về luân chuyển vốn, tranh tụng giữa doanh nghiệp và nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, trao đổi qua biên giới quốc gia các dữ liệu điện tử, bảo vệ quyền của người lao động khi xảy ra tranh chấp thương mại v.v… Do phần lớn nội dung đàm phán, cho đến nay, vẫn được giữ trong vòng bí mật nên rất khó đưa ra một nhận định chung về TPP song theo các chuyên gia, nguyên tắc chung nhất của TPP có thể là xây dựng “thị trường tự do thực sự”: gia tăng quyền tự chủ của doanh nghiệp và thị trường, đồng thời giới hạn sự can thiệp của các chính phủ vào các lĩnh vực kinh tế-tài chính.

Hãy xem một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận thường được nói tới là nông sản, dệt may, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính, vai trò của doanh nghiệp nhà nước… Trong lĩnh vực dệt may-da giày chẳng hạn, TPP yêu cầu, để nhận được mức thuế nhập khẩu 0% từ mức thuế bình quân 12,7% hiện nay hàng hóa phải sử dụng nguyên liệu (vải sợi, phụ liệu) của nước sản xuất hoặc từ các nước thành viên TPP khác. Ngành dệt may-da giày Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc – một nước không tham gia TPP – nên để tận dụng được cơ hội thâm nhập thị trường các nước TPP như Nhật, Mỹ, nhất thiết phải tổ chức lại toàn bộ quy trình sản xuất.

Nhờ được nhiều ưu đãi về vị trí độc quyền, tín dụng ưu đãi, đất đai giá thấp, các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu phát triển mạnh và giữ vai trò cốt lõi trong các nền kinh tế Việt Nam, Malaysia, Singapore, Peru… dẫn tới hiệu ứng phụ là kinh tế tư nhân bị chèn lấn, môi trường kinh doanh bị méo mó. Hiệp định TPP có ý định lập lại sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, tuy không đòi xóa bỏ loại hình doanh nghiệp nhà nước song đặt ra nhiều quy định buộc các doanh nghiệp này phải minh bạch hơn, tránh sự bảo bọc của nhà nước để cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp khác.

Tham gia TPP, Nhà nước còn bị hạn chế trong việc can thiệp vào thị trường; lãi suất, tỷ giá, dòng lưu chuyển của tiền vốn và lao động ra/vào một thị trường nào đó sẽ do thị trường quyết định và điều hành; một chính sách như hạn chế rút vốn hiện nay đảo Cyprus bên Âu châu chẳng hạn có thể khiến chính phủ bị kiện nếu như Cyprus là thành viên TPP.

Việc thực hiện nguyên tắc thị trường tự do sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội tốt hơn để thâm nhập thị trường 11 nước thành viên TPP khác, song cũng đặt các doanh nghiệp trong nước vào cuộc cạnh tranh gay gắt hơn. Là nền kinh tế có trình độ thấp nhất trong các thành viên TPP, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức có nguồn gốc từ những khuyết tật của chính nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước. Loại hình doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò “chủ đạo”, doanh nghiệp mang tính độc quyền cao và sức cạnh tranh kém, nhà nước can thiệp vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế từ giá vàng cho đến hạn mức tín dụng… đã là nguyên nhân đưa tới tình trạng rắc rối hiện nay và cản trở sự phát triển trong tương lai. Có gia nhập TPP hay không Việt Nam cũng phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế để tồn tại.

“Thực tế, nên hiểu TPP như là một cam kết hội nhập kinh tế toàn diện, có tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế hơn là một thỏa thuận giảm thuế thông thường”, chuyên gia Joshua Meltzer của Viện Brookings, nhận định. Và theo nghĩa như vậy, TPP chính là cơ hội Việt Nam đang rất cần để thúc đẩy công cuộc đổi mới nền kinh tế đã bị chậm lại trong khoảng 8 năm gần đây để nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc toàn cầu hóa đang sôi sục ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

Nếu thành công trong cải cách cơ cấu kinh tế, khả năng Việt Nam đạt được lợi ích từ TPP như các chuyên gia đưa ra ở phần trên là trong tầm tay, ngược lại nếu chần chừ, thiếu ý chí chính trị thì không loại trừ khả năng bị bỏ lại đằng sau trên con tàu thương mại tự do khu vực.

Kinh tế Nhật sẽ khởi sắc?

Image

Bình thường mỗi năm cửa hàng xe hơi hạng sang Natume ở Tokyo bán được khoảng 300 chiếc Bentley, Ferrari và các loại siêu xe khác, nhưng theo quản lý cửa hàng Kenichi Oguma, “Năm nay chúng tôi dự kiến bán được 400-500 xe”. Và theo ông, đó là nhờ chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Abe trở lại cương vị thủ tướng tháng 11 năm ngoái và mang theo một luồng sinh khí mới cho nền kinh tế nước này. Chính sách kinh tế của ông – gọi không chính thức là Abenomics – gồm ba quyết sách lớn: tăng hội nhập quốc tế, tung ra gói kích cầu 10.000 tỉ yen (107 tỉ đô la Mỹ) và thực hiện “nới lỏng định lượng”: bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua lại trái phiếu chính phủ. Từ một nền kinh tế trì trệ và thiểu phát kéo dài suốt 15 năm qua, ông Abe đặt mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế và tăng lạm phát trở lại mức 2%/năm.

Trong thực tế, trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Abe, chính sách kích cầu và nới lỏng định lượng đã làm cho đồng yen Nhật mất giá mạnh, đầu tuần này xuống mức 98,46 yen ăn 1 đô la Mỹ, thấp nhất kể từ tháng 5-2009. Đồng yen yếu đã hỗ trợ tích cực cho các nhà xuất khẩu của Nhật, kích thích các công ty chuyển lợi nhuận về nước và kết quả là cán cân thanh toán của Nhật đã thặng dư trở lại trong tháng 2-2013, với mức thặng dư 63,7 tỉ yen. Tăng trưởng kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi với mức tăng 0,2%/năm trong quí 4 vừa qua. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là thị trường chứng khoán: theo báo The Economist, từ tháng 11 năm ngoái đến nay, chứng khoán Nhật Bản đã tăng tới 40%.

Chưa dừng lại ở các kết quả này, hôm 4-4, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cam kết sẽ tăng gấp đôi lượng tiền lưu thông trong hệ thống tài chính thông qua việc bơm ra thị trường mỗi tháng 7.500 tỉ yen để mua lại trái phiếu dài hạn mà chính phủ Nhật đã phát hành trước đây. Biện pháp nới lỏng định lượng này dự kiến sẽ kéo dài 2 năm hoặc đến khi lạm phát vượt qua mức 2%/năm đã định.

Những chính sách tài chính-tiền tệ mạnh mẽ đó sẽ giúp các doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn rẻ để mở rộng đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái: đồng yen yếu đi sẽ khiến nhập khẩu của Nhật tăng lên, đồng thời gây xung đột thương mại với các đối tác, nhất là với Trung Quốc và Hàn Quốc là những nền kinh tế có sản phẩm xuất khẩu gần giống với sản phẩm Nhật Bản. Thứ trưởng bộ kinh tế Yasutoshi Nishimura nói rằng, trong khi tỷ giá 98-100 yen ăn 1 đô la Mỹ thì không có vấn đề gì nhưng mức 110-120 yen sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu.

Cho đến nay, đã có những phản ứng trái ngược nhau trước chính sách tiền tệ của Nhật. Tại Diễn đàn kinh tế châu Á Bác Ngao đang diễn ra tại Trung Quốc, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde hoan nghênh quyết sách mạnh mẽ của Nhật và cho rằng nó sẽ giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu vào lúc triển vọng tăng trưởng đã bắt đầu được cải thiện. Ngược lại, Hàn Quốc và Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng, chính sách của Nhật có thể xói mòn sức cạnh tranh của các nước khác, đồng thời dòng vốn rẻ từ Nhật có thể chảy sang láng giềng, đẩy lạm phát ở các nước này lên cao. Các nền kinh tế khác ở châu Á đang mong đợi một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản chưa đưa ra bình luận gì, còn đang cân nhắc lợi hại để tìm biện pháp ứng phó thích hợp.

Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để dự đoán một sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Nhật dưới tác động của những chính sách Abenomics. Chuyên gia Stephen King của Ngân hàng HSBC lưu ý rằng, tăng trưởng của kinh tế Nhật bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố ngoài chính sách tài chính, chẳng hạn như tình trạng dân số bị lão hóa và thị trường lao động khép kín. Sự phá giá đồng yen khiến sức mua bị giảm tất yếu sẽ làm cho cuộc sống người dân khó khăn hơn và sự ủng hộ dành cho chính phủ của ông Abe sẽ giảm đi tương ứng, buộc Thủ tướng Abe phải “nghĩ lại”.

Môi trường bên ngoài, đặc biệt là quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật – cũng là yếu tố góp phần quyết định sự thăng trầm của kinh tế Nhật. Nếu Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục khuynh hướng cứng rắn trong vấn đề tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc và đi viếng đền Yasukuni vào tháng 8 tới như dự định thì quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì châu Á này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuối cùng, vấn đề của Nhật không chỉ là chính sách tài chính mà cần phải thực hiện cải tổ kinh tế ở nhiều phương diện như hạ thuế suất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản phi thuế, chấp nhận cạnh tranh trên sân nhà, từ đó làm gia tăng năng suất và hiệu quả của doanh nghiệp Nhật. Tham gia TPP chính là động lực thúc đẩy Nhật cải tổ, song dường như người Nhật vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn mà trong đó họ bị buộc phải “bỏ con tép bắt con tôm”.

Aung San Suu Kyi: hoàng hôn của một thần tượng.

Trong chuyến đi hồi giữa tuần tới một vùng nông thôn Miến Điện, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã gặp phải sự lạnh nhạt và bực bội của những người dân quê trước đây sùng kính bà.

Bà Aung San Suu Kyi đã đến khu mỏ đồng Letpadaung gần thành phố Monywa ở miền Trung Miến Điện, nơi hàng ngàn nông dân đang biểu tình chống lại việc thu hồi ruộng đất của họ để mở rộng dự án khu mỏ đồng. Khu mỏ này được khai thác bởi một liên doanh giữa một công ty thuộc quân đội Miến với tập đoàn sản xuất vũ khí Trung cộng, sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Cộng. Hồi cuối năm ngoái, đã có xung đột dữ dội giữa dân làng bị mất đất và cảnh sát, hàng chục người dân và tu sĩ Phật giáo bị thương. Người dân tố cáo cảnh sát dùng lựu đạn lân tinh (chất phosphor trắng – một loại vũ khí hóa học bị quốc tế cấm dùng) khiến cho nhiều người bị bỏng nặng.

Tổng thống Miến Điện Thein Sein cử bà Aung San Suu Kyi phụ trách đoàn công tác của chính phủ tới điều tra vụ việc này, nhưng những kết luận của đoàn đã làm người dân nổi giận. Thêm vào đó, thay vì đứng về phía người dân mất đất để phản đối cách hành xử của chính phủ và xử lý những kẻ đã bắn đạn lân tinh vào người biểu tình, bà Aung San Suu Kyi lại thuyết phục nông dân sớm giao ruộng đất cho chủ đầu tư mỏ đồng.

Thái độ của bà trong vụ mỏ đồng, cũng như sự im lặng của bà trước việc quân chính phủ nã đạn pháo và ném bom khu vực người sắc tộc thiểu số Kachin ở miền Bắc, đã làm những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi trước đây thất vọng và xa lánh.

“Chúng tôi đã ăn cơm suông khi bỏ phiếu cho bà; nhưng bây giờ bà không còn đứng chung với chúng tôi nữa”, nông dân Daw Pu nói thẳng với bà Aung San Suu Kyi. Bà Aung San Suu Kyi “không thể tiếp tục dựa vào niềm tin mà người dân Miến đặt ở bà khi bà nói mọi việc bà làm đều vì quyền lợi của họ”, Aung Zau, chủ bút báo trực tuyến Irrawaddy, nhận xét.

Về phần mình, bà Aung San Suu Kyi nói: “Tôi không làm bất cứ điều gì chỉ để được ủng hộ. Các chính trị gia đôi khi phải làm những việc mà người dân không thích”.

Có lẽ nào khi trở thành một chính trị gia trong guồng máy cầm quyền, bà Aung San Suu Kyi cũng xa rời dần những người đã sát cánh với bà trên con đường đấu tranh vì dân chủ chống độc tài mà bà là biểu tượng sáng chói, có tầm vóc toàn cầu? Nếu đúng như vậy thì sức mạnh tha hóa của quyền lực quả là ghê gớm!

Xem thêm: http://www.nytimes.com/2013/03/15/world/asia/daw-aung-san-suu-kyi-heckled-over-support-of-mine-in-myanmar.html?_r=0

Cảnh giác những lời đường mật

 

 

Thủ đoạn vừa đề nghị hợp tác vừa gia tăng đe dọa của Trung Quốc đang che giấu những ý đồ nguy hiểm, cần hết sức cảnh giác.

Tại buổi họp báo thường kỳ đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại lên tiếng kêu gọi các nước ven biển Đông có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tăng cường “sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác”. “Trung Quốc hy vọng các bên liên quan ưu tiên cho hòa bình và ổn định của khu vực và có thêm nhiều nỗ lực để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác”, ông Hồng nói. Hãng tin GMA News cho rằng ông Hồng Lỗi đưa ra lời kêu gọi trên sau khi có tin Bộ Ngoại giao Philippines quyết định dời hội nghị 4 nước (Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei) bàn về biển Đông sang một thời điểm khác.

Trong khi đó, hôm thứ Ba 11-12, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc một lần nữa lên tiếng vu vạ “Việt Nam ăn cắp tài nguyên biển Đông của Trung Quốc với sự giúp đỡ của một nước thứ ba”. Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu viết: “So với các nước khác, Việt Nam liều lĩnh nhất trong việc thăm dò dầu khí ở biển Đông. Thông qua sự hợp tác với một nước thứ ba, Việt Nam thường xuyên tìm cách mở rộng hoạt động khai thác dầu khí ngoài biển trong vùng đường chín đoạn”. Tờ báo này đe nẹt: “Khi đụng đến việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc cương quyết hơn bao giờ hết. Việt Nam phải kiềm chế hành vi của mình vì như vậy có lợi cho quyền lợi lâu dài của họ”. “Việt Nam và Philippines thường kỳ vọng Trung Quốc sẽ lùi bước dưới cái gọi là áp lực quốc tế. Nhưng họ phải hiểu rằng, ý kiến công chúng Trung Quốc mới là quan trọng nhất. Bảo vệ chủ quyền là ý chí thống nhất của 1,3 tỉ công dân Trung Quốc… Dù môi trường chính trị vùng biển Đông đã trở nên phức tạp vì có sự can dự của Hoa Kỳ, vùng này vẫn là nơi có thể diễn ra các thủ đoạn chính trị kỳ diệu. Trung Quốc sẽ không chịu mất mát chỉ vì một vài động thái ngoại giao khu vực”, tờ báo viết.

Rõ ràng giọng điệu của Thời báo Hoàn Cầu – thuộc Nhân dân nhật báo, cơ quan của trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc – không phù hợp với phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này. Đằng sau sự khác biệt này là gì, có phải là sự “thiếu nhất quán” trong chính sách biển Đông của Trung Quốc như nhận định của hãng tin Reuters hôm 10-12 mà báo Người lao động TPHCM đã trích đăng hay không?

Thực tế, một lĩnh vực tối quan trọng như chính sách biển Đông ở một đất nước toàn trị nghiêm ngặt như Trung Quốc không bao giờ có chuyện các địa phương, các bộ ngành được hành động tùy tiện mà không có sự phê chuẩn của cấp cao nhất. Do vậy, những điều tưởng chừng như “ông nói gà bà nói vịt” ấy thực chất là một thủ đoạn tung hỏa mù để đánh lạc hướng dư luận bên ngoài nhằm che giấu ý đồ thật sự của chính phủ Trung Quốc.

Ý đồ đó không gì khác hơn là độc chiếm biển Đông. Phải nói rằng, để thực hiện ý đồ này Trung Quốc đã có một chiến lược lâu dài, bài bản được thực thi một cách đồng bộ trong nhiều thập niên.

Về hành chính, hồi tháng 7-2012 Trung Quốc đã đơn phương thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” rộng tới 2 triệu ki-lô-mét vuông, bao trùm tất cả các hải đảo, đảo đá trong vùng đường lưỡi bò ở biển Đông, thông qua quy hoạch kinh tế biển giai đoạn 2011-2020 do các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam lập. Trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế biển được trình bày tại hội nghị hợp tác khu vực kinh tế Đồng bằng sông Châu Giang (gồm 9 đơn vị hành chính cấp tỉnh ở phía nam Trung Quốc và hai đặc khu Hồng Kông, Macau) diễn ra tại Hải Nam đầu tháng 12 vừa qua, Trung Quốc xác định khai thác hải sản, dầu khí và tài nguyên biển Đông là “động lực mới” cho việc tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc.

Về hải sản, Viện nghiên cứu hải sản Hải Nam cho rằng, trữ lượng cá ở biển Đông vào khoảng 5 triệu tấn, có thể khai thác mỗi năm 2 triệu tấn cá nhưng hiện nay ngư dân Trung Quốc chỉ mới khai thác được 80.000 tấn. Về dầu khí, Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho rằng đáy biển Đông đang chứa khoảng 23-30 tỉ thùng dầu và khoảng 16.000 tỉ mét khối khí. Trung Quốc rất thèm khát nguồn “vàng đen” này và dùng mọi cách để chiếm đoạt. Hồi tháng 8-2012, tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đơn phương gọi thầu thăm dò 26 lô dầu khí trên biển, trong đó có 22 lô ở biển Đông và nhiều lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Zhong Hua, giám đốc tài chính của CNOOC tiết lộ tập đoàn này có kế hoạch từ năm 2020 sẽ khai thác ở biển Đông mỗi ngày 500 triệu thùng dầu từ con số không hiện nay.

Tham vọng độc chiếm biển Đông để khai thác tài nguyên của Trung Quốc là thật, những lời kêu gọi hòa bình ổn định… đều là ảo. Nếu Trung Quốc thực hiện thành công kế hoạch kể trên thì các nước ven biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines đều bị tổn thất không thể tính hết. Mà xem ra Trung Quốc rất kiên quyết trong việc theo đuổi kế hoạch của họ, cho nên đừng bao giờ tin vào những lời đường mật “hữu hảo” của Trung Quốc mà phải mài sắc ý thức cảnh giác.