Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: TPP và động lực cải cách kinh tế

Với sự tham gia của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) sẽ có 12 thành viên, tổng sản lượng hàng năm 27.000 tỉ đô la Mỹ, bằng 40% GDP toàn cầu. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ thị trường khổng lồ này nếu biết tận dụng tư cách thành viên TPP để đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế.

Sau ba năm làm việc, đàm phán TPP đã hoàn tất vòng thứ 16 tại Singapore hồi giữa tháng trước và đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 17 tại Peru xoay quanh vấn đề cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng nông sản và dệt may. Mặc dù có diễn biến mới là hôm 15-3 Nhật Bản chính thức đề nghị được tham gia TPP song các quan chức vẫn hy vọng những nội dung cơ bản của Hiệp định sẽ được các nhà lãnh đạo các nước thành viên thông qua tại kỳ họp thượng đỉnh ở Bali, Indonesia vào tháng 10 tới.

Theo quy định, Nhật Bản, cũng như Canada và Mexico mới gia nhập năm ngoái, phải chấp nhận hoàn toàn các điều khoản mà các thành viên cũ của TPP đã thỏa thuận được và chỉ tham gia đàm phán những vấn đề chưa có kết luận cuối cùng. Vì thế, theo giới phân tích, ít có khả năng việc tham gia của Nhật sẽ làm chậm tiến trình đàm phán TPP.

Lợi ích của Việt Nam với tư cách thành viên chính thức của TPP từ rất sớm (tháng 11-2010) đã được giới chuyên gia và báo chí bàn tới rất nhiều. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 1-4 dẫn nhận định của giáo sư Peter A. Petri, Đại học Brandeis (Mỹ) ước tính GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 26,2 tỉ đô la Mỹ, tương đương 7,7% từ nay đến năm 2025 và con số này sẽ tăng lên thành 35,7 tỉ đô la Mỹ và 10,5% GDP nếu Nhật chính thức tham gia TPP. “Việt Nam đang ở vị trí tốt nhất để tận dụng lợi thế TPP,” ông nói tại một cuộc hội thảo về TPP do Bộ Công thương tổ chức gần đây.

Nhưng TPP không chỉ là một hiệp định tự do thương mại (FTA) thông thường và lợi ích của nó không chỉ là giá trị kim ngạch buôn bán tăng thêm. Một chuyên gia tham gia đàm phán cho rằng trong 26 chương của hiệp định chỉ có 5 chương liên quan trực tiếp tới thương mại như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…còn lại là những vấn đề về cơ cấu kinh tế như quy định về luân chuyển vốn, tranh tụng giữa doanh nghiệp và nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, trao đổi qua biên giới quốc gia các dữ liệu điện tử, bảo vệ quyền của người lao động khi xảy ra tranh chấp thương mại v.v… Do phần lớn nội dung đàm phán, cho đến nay, vẫn được giữ trong vòng bí mật nên rất khó đưa ra một nhận định chung về TPP song theo các chuyên gia, nguyên tắc chung nhất của TPP có thể là xây dựng “thị trường tự do thực sự”: gia tăng quyền tự chủ của doanh nghiệp và thị trường, đồng thời giới hạn sự can thiệp của các chính phủ vào các lĩnh vực kinh tế-tài chính.

Hãy xem một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận thường được nói tới là nông sản, dệt may, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính, vai trò của doanh nghiệp nhà nước… Trong lĩnh vực dệt may-da giày chẳng hạn, TPP yêu cầu, để nhận được mức thuế nhập khẩu 0% từ mức thuế bình quân 12,7% hiện nay hàng hóa phải sử dụng nguyên liệu (vải sợi, phụ liệu) của nước sản xuất hoặc từ các nước thành viên TPP khác. Ngành dệt may-da giày Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc – một nước không tham gia TPP – nên để tận dụng được cơ hội thâm nhập thị trường các nước TPP như Nhật, Mỹ, nhất thiết phải tổ chức lại toàn bộ quy trình sản xuất.

Nhờ được nhiều ưu đãi về vị trí độc quyền, tín dụng ưu đãi, đất đai giá thấp, các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu phát triển mạnh và giữ vai trò cốt lõi trong các nền kinh tế Việt Nam, Malaysia, Singapore, Peru… dẫn tới hiệu ứng phụ là kinh tế tư nhân bị chèn lấn, môi trường kinh doanh bị méo mó. Hiệp định TPP có ý định lập lại sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, tuy không đòi xóa bỏ loại hình doanh nghiệp nhà nước song đặt ra nhiều quy định buộc các doanh nghiệp này phải minh bạch hơn, tránh sự bảo bọc của nhà nước để cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp khác.

Tham gia TPP, Nhà nước còn bị hạn chế trong việc can thiệp vào thị trường; lãi suất, tỷ giá, dòng lưu chuyển của tiền vốn và lao động ra/vào một thị trường nào đó sẽ do thị trường quyết định và điều hành; một chính sách như hạn chế rút vốn hiện nay đảo Cyprus bên Âu châu chẳng hạn có thể khiến chính phủ bị kiện nếu như Cyprus là thành viên TPP.

Việc thực hiện nguyên tắc thị trường tự do sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội tốt hơn để thâm nhập thị trường 11 nước thành viên TPP khác, song cũng đặt các doanh nghiệp trong nước vào cuộc cạnh tranh gay gắt hơn. Là nền kinh tế có trình độ thấp nhất trong các thành viên TPP, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức có nguồn gốc từ những khuyết tật của chính nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước. Loại hình doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò “chủ đạo”, doanh nghiệp mang tính độc quyền cao và sức cạnh tranh kém, nhà nước can thiệp vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế từ giá vàng cho đến hạn mức tín dụng… đã là nguyên nhân đưa tới tình trạng rắc rối hiện nay và cản trở sự phát triển trong tương lai. Có gia nhập TPP hay không Việt Nam cũng phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế để tồn tại.

“Thực tế, nên hiểu TPP như là một cam kết hội nhập kinh tế toàn diện, có tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế hơn là một thỏa thuận giảm thuế thông thường”, chuyên gia Joshua Meltzer của Viện Brookings, nhận định. Và theo nghĩa như vậy, TPP chính là cơ hội Việt Nam đang rất cần để thúc đẩy công cuộc đổi mới nền kinh tế đã bị chậm lại trong khoảng 8 năm gần đây để nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc toàn cầu hóa đang sôi sục ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

Nếu thành công trong cải cách cơ cấu kinh tế, khả năng Việt Nam đạt được lợi ích từ TPP như các chuyên gia đưa ra ở phần trên là trong tầm tay, ngược lại nếu chần chừ, thiếu ý chí chính trị thì không loại trừ khả năng bị bỏ lại đằng sau trên con tàu thương mại tự do khu vực.

Bình luận về bài viết này