Kinh tế Nhật sẽ khởi sắc?

Image

Bình thường mỗi năm cửa hàng xe hơi hạng sang Natume ở Tokyo bán được khoảng 300 chiếc Bentley, Ferrari và các loại siêu xe khác, nhưng theo quản lý cửa hàng Kenichi Oguma, “Năm nay chúng tôi dự kiến bán được 400-500 xe”. Và theo ông, đó là nhờ chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Abe trở lại cương vị thủ tướng tháng 11 năm ngoái và mang theo một luồng sinh khí mới cho nền kinh tế nước này. Chính sách kinh tế của ông – gọi không chính thức là Abenomics – gồm ba quyết sách lớn: tăng hội nhập quốc tế, tung ra gói kích cầu 10.000 tỉ yen (107 tỉ đô la Mỹ) và thực hiện “nới lỏng định lượng”: bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua lại trái phiếu chính phủ. Từ một nền kinh tế trì trệ và thiểu phát kéo dài suốt 15 năm qua, ông Abe đặt mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế và tăng lạm phát trở lại mức 2%/năm.

Trong thực tế, trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Abe, chính sách kích cầu và nới lỏng định lượng đã làm cho đồng yen Nhật mất giá mạnh, đầu tuần này xuống mức 98,46 yen ăn 1 đô la Mỹ, thấp nhất kể từ tháng 5-2009. Đồng yen yếu đã hỗ trợ tích cực cho các nhà xuất khẩu của Nhật, kích thích các công ty chuyển lợi nhuận về nước và kết quả là cán cân thanh toán của Nhật đã thặng dư trở lại trong tháng 2-2013, với mức thặng dư 63,7 tỉ yen. Tăng trưởng kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi với mức tăng 0,2%/năm trong quí 4 vừa qua. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là thị trường chứng khoán: theo báo The Economist, từ tháng 11 năm ngoái đến nay, chứng khoán Nhật Bản đã tăng tới 40%.

Chưa dừng lại ở các kết quả này, hôm 4-4, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cam kết sẽ tăng gấp đôi lượng tiền lưu thông trong hệ thống tài chính thông qua việc bơm ra thị trường mỗi tháng 7.500 tỉ yen để mua lại trái phiếu dài hạn mà chính phủ Nhật đã phát hành trước đây. Biện pháp nới lỏng định lượng này dự kiến sẽ kéo dài 2 năm hoặc đến khi lạm phát vượt qua mức 2%/năm đã định.

Những chính sách tài chính-tiền tệ mạnh mẽ đó sẽ giúp các doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn rẻ để mở rộng đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái: đồng yen yếu đi sẽ khiến nhập khẩu của Nhật tăng lên, đồng thời gây xung đột thương mại với các đối tác, nhất là với Trung Quốc và Hàn Quốc là những nền kinh tế có sản phẩm xuất khẩu gần giống với sản phẩm Nhật Bản. Thứ trưởng bộ kinh tế Yasutoshi Nishimura nói rằng, trong khi tỷ giá 98-100 yen ăn 1 đô la Mỹ thì không có vấn đề gì nhưng mức 110-120 yen sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu.

Cho đến nay, đã có những phản ứng trái ngược nhau trước chính sách tiền tệ của Nhật. Tại Diễn đàn kinh tế châu Á Bác Ngao đang diễn ra tại Trung Quốc, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde hoan nghênh quyết sách mạnh mẽ của Nhật và cho rằng nó sẽ giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu vào lúc triển vọng tăng trưởng đã bắt đầu được cải thiện. Ngược lại, Hàn Quốc và Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng, chính sách của Nhật có thể xói mòn sức cạnh tranh của các nước khác, đồng thời dòng vốn rẻ từ Nhật có thể chảy sang láng giềng, đẩy lạm phát ở các nước này lên cao. Các nền kinh tế khác ở châu Á đang mong đợi một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản chưa đưa ra bình luận gì, còn đang cân nhắc lợi hại để tìm biện pháp ứng phó thích hợp.

Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để dự đoán một sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Nhật dưới tác động của những chính sách Abenomics. Chuyên gia Stephen King của Ngân hàng HSBC lưu ý rằng, tăng trưởng của kinh tế Nhật bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố ngoài chính sách tài chính, chẳng hạn như tình trạng dân số bị lão hóa và thị trường lao động khép kín. Sự phá giá đồng yen khiến sức mua bị giảm tất yếu sẽ làm cho cuộc sống người dân khó khăn hơn và sự ủng hộ dành cho chính phủ của ông Abe sẽ giảm đi tương ứng, buộc Thủ tướng Abe phải “nghĩ lại”.

Môi trường bên ngoài, đặc biệt là quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật – cũng là yếu tố góp phần quyết định sự thăng trầm của kinh tế Nhật. Nếu Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục khuynh hướng cứng rắn trong vấn đề tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc và đi viếng đền Yasukuni vào tháng 8 tới như dự định thì quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì châu Á này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuối cùng, vấn đề của Nhật không chỉ là chính sách tài chính mà cần phải thực hiện cải tổ kinh tế ở nhiều phương diện như hạ thuế suất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản phi thuế, chấp nhận cạnh tranh trên sân nhà, từ đó làm gia tăng năng suất và hiệu quả của doanh nghiệp Nhật. Tham gia TPP chính là động lực thúc đẩy Nhật cải tổ, song dường như người Nhật vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn mà trong đó họ bị buộc phải “bỏ con tép bắt con tôm”.