Cảnh giác những lời đường mật

 

 

Thủ đoạn vừa đề nghị hợp tác vừa gia tăng đe dọa của Trung Quốc đang che giấu những ý đồ nguy hiểm, cần hết sức cảnh giác.

Tại buổi họp báo thường kỳ đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại lên tiếng kêu gọi các nước ven biển Đông có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tăng cường “sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác”. “Trung Quốc hy vọng các bên liên quan ưu tiên cho hòa bình và ổn định của khu vực và có thêm nhiều nỗ lực để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác”, ông Hồng nói. Hãng tin GMA News cho rằng ông Hồng Lỗi đưa ra lời kêu gọi trên sau khi có tin Bộ Ngoại giao Philippines quyết định dời hội nghị 4 nước (Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei) bàn về biển Đông sang một thời điểm khác.

Trong khi đó, hôm thứ Ba 11-12, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc một lần nữa lên tiếng vu vạ “Việt Nam ăn cắp tài nguyên biển Đông của Trung Quốc với sự giúp đỡ của một nước thứ ba”. Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu viết: “So với các nước khác, Việt Nam liều lĩnh nhất trong việc thăm dò dầu khí ở biển Đông. Thông qua sự hợp tác với một nước thứ ba, Việt Nam thường xuyên tìm cách mở rộng hoạt động khai thác dầu khí ngoài biển trong vùng đường chín đoạn”. Tờ báo này đe nẹt: “Khi đụng đến việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc cương quyết hơn bao giờ hết. Việt Nam phải kiềm chế hành vi của mình vì như vậy có lợi cho quyền lợi lâu dài của họ”. “Việt Nam và Philippines thường kỳ vọng Trung Quốc sẽ lùi bước dưới cái gọi là áp lực quốc tế. Nhưng họ phải hiểu rằng, ý kiến công chúng Trung Quốc mới là quan trọng nhất. Bảo vệ chủ quyền là ý chí thống nhất của 1,3 tỉ công dân Trung Quốc… Dù môi trường chính trị vùng biển Đông đã trở nên phức tạp vì có sự can dự của Hoa Kỳ, vùng này vẫn là nơi có thể diễn ra các thủ đoạn chính trị kỳ diệu. Trung Quốc sẽ không chịu mất mát chỉ vì một vài động thái ngoại giao khu vực”, tờ báo viết.

Rõ ràng giọng điệu của Thời báo Hoàn Cầu – thuộc Nhân dân nhật báo, cơ quan của trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc – không phù hợp với phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này. Đằng sau sự khác biệt này là gì, có phải là sự “thiếu nhất quán” trong chính sách biển Đông của Trung Quốc như nhận định của hãng tin Reuters hôm 10-12 mà báo Người lao động TPHCM đã trích đăng hay không?

Thực tế, một lĩnh vực tối quan trọng như chính sách biển Đông ở một đất nước toàn trị nghiêm ngặt như Trung Quốc không bao giờ có chuyện các địa phương, các bộ ngành được hành động tùy tiện mà không có sự phê chuẩn của cấp cao nhất. Do vậy, những điều tưởng chừng như “ông nói gà bà nói vịt” ấy thực chất là một thủ đoạn tung hỏa mù để đánh lạc hướng dư luận bên ngoài nhằm che giấu ý đồ thật sự của chính phủ Trung Quốc.

Ý đồ đó không gì khác hơn là độc chiếm biển Đông. Phải nói rằng, để thực hiện ý đồ này Trung Quốc đã có một chiến lược lâu dài, bài bản được thực thi một cách đồng bộ trong nhiều thập niên.

Về hành chính, hồi tháng 7-2012 Trung Quốc đã đơn phương thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” rộng tới 2 triệu ki-lô-mét vuông, bao trùm tất cả các hải đảo, đảo đá trong vùng đường lưỡi bò ở biển Đông, thông qua quy hoạch kinh tế biển giai đoạn 2011-2020 do các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam lập. Trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế biển được trình bày tại hội nghị hợp tác khu vực kinh tế Đồng bằng sông Châu Giang (gồm 9 đơn vị hành chính cấp tỉnh ở phía nam Trung Quốc và hai đặc khu Hồng Kông, Macau) diễn ra tại Hải Nam đầu tháng 12 vừa qua, Trung Quốc xác định khai thác hải sản, dầu khí và tài nguyên biển Đông là “động lực mới” cho việc tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc.

Về hải sản, Viện nghiên cứu hải sản Hải Nam cho rằng, trữ lượng cá ở biển Đông vào khoảng 5 triệu tấn, có thể khai thác mỗi năm 2 triệu tấn cá nhưng hiện nay ngư dân Trung Quốc chỉ mới khai thác được 80.000 tấn. Về dầu khí, Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho rằng đáy biển Đông đang chứa khoảng 23-30 tỉ thùng dầu và khoảng 16.000 tỉ mét khối khí. Trung Quốc rất thèm khát nguồn “vàng đen” này và dùng mọi cách để chiếm đoạt. Hồi tháng 8-2012, tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đơn phương gọi thầu thăm dò 26 lô dầu khí trên biển, trong đó có 22 lô ở biển Đông và nhiều lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Zhong Hua, giám đốc tài chính của CNOOC tiết lộ tập đoàn này có kế hoạch từ năm 2020 sẽ khai thác ở biển Đông mỗi ngày 500 triệu thùng dầu từ con số không hiện nay.

Tham vọng độc chiếm biển Đông để khai thác tài nguyên của Trung Quốc là thật, những lời kêu gọi hòa bình ổn định… đều là ảo. Nếu Trung Quốc thực hiện thành công kế hoạch kể trên thì các nước ven biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines đều bị tổn thất không thể tính hết. Mà xem ra Trung Quốc rất kiên quyết trong việc theo đuổi kế hoạch của họ, cho nên đừng bao giờ tin vào những lời đường mật “hữu hảo” của Trung Quốc mà phải mài sắc ý thức cảnh giác.

 

Bình luận về bài viết này