Không thể để cho điều ấy xảy ra

 Những động thái cấp tập gần đây một lần nữa chứng tỏ Trung Quốc quyết độc chiếm biển Đông bằng mọi giá, bất chấp sự phản đối của các nước lân cận, sự hoen ố hình ảnh trên trường quốc tế và nguy cơ xung đột lớn trong khu vực.

Xâu chuỗi tất cả những hành động của Trung Quốc, thật dễ dàng nhận ra một mưu đồ lâu dài, được triển khai từng bước một, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất để nhắm tới mục tiêu cuối cùng là biến biển Đông thành “ao nhà”. Không cần nhắc lại những cuộc xâm lược trước đây mà ai cũng biết, chỉ tính những hành động gần đây như lập “thành phố Tam Sa”, vẽ đường lưỡi bò vào hộ chiếu, phát hành bản đồ “thành phố Tam Sa” trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho cảnh sát biển chặn bắt, khám xét và trục xuất tàu thuyền nước ngoài đi lại trên biển Đông, mới nhất là cho ngư dân xâm nhập lãnh hải Việt Nam, phá hoại hoạt động thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 30-11 vừa qua… đủ thấy rõ chiến lược bành trướng của Trung Quốc.

Việt Nam đã có biện pháp đáp lại việc Trung Quốc in đường lưỡi bò vào hộ chiếu, phát hành bản đồ Tam Sa và lên án mạnh mẽ hành động cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Nhưng trong chuỗi hành động vừa qua của Trung Quốc, có lẽ nguy hiểm nhất là việc phái cảnh sát biển của tỉnh Hải Nam khám xét tàu thuyền nước ngoài đi lại, đánh cá trong vùng biển Đông. Hôm thứ Bảy, Ngô Sĩ Tồn, giám đốc sở ngoại vụ tỉnh Hải Nam, tiết lộ với báo New York Times rằng, mục tiêu trước mắt của quy định mới là nhằm giải quyết cái mà mà ông ta gọi là tàu thuyền đánh cá bất hợp pháp của Việt Nam trong vùng biển gần Hoàng Sa – một quần đảo mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam năm 1974 rồi xây dựng thành căn cứ tiền tiêu để xâm chiếm toàn vùng. Báo South China Morning Post (SCMP) xuất bản tại Hồng Kông cảnh báo “không nên đánh giá thấp” bước đi này của Trung Quốc và dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Đừng phạm sai lầm… đây là một động thái lớn nếu như nó thật sự là điều Bắc Kinh định làm”.

Tuy nhiên, động thái mới của Trung Quốc có thể gây phản ứng ngược. Vấn đề biển Đông hiện không đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á mà có tầm vóc quốc tế ngày càng rộng, trong đó quyền tự do lưu thông hàng hải là yếu tố cốt lõi. Quan chức Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẽ không bao giờ đe dọa quyền tự do lưu thông đó. Tuy nhiên khi Hoa Kỳ nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ quyền tự do hàng hải bằng một giải pháp khả thi, hợp pháp và hòa bình cho các vụ tranh chấp lãnh thổ và nhiều lần hối thúc Trung Quốc và các nước ASEAN tiến nhanh tới một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) làm cơ sở ngăn ngừa những vụ hiểu lầm, va chạm trên biển biến thành xung đột vũ trang thì Trung Quốc luôn tìm cách lảng tránh. Rồi từng bước Bắc Kinh coi biển Đông “mặc nhiên” là lãnh thổ của mình và tùy tiện tiến hành tuần tra, khám xét người khác, đe dọa tự do hàng hải và quyền lợi của tất cả các nước.

Ngay cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố nhấn mạnh: “Hành động dự kiến này của Trung Quốc là bất hợp pháp. Nó củng cố các tuyên bố liên tục của Philippines rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ biển Đông đe dọa lợi ích của tất cả các nước”. Singapore, không có tranh chấp với Trung Quốc, nhưng là cảng container lớn thứ hai thế giới, cũng bày tỏ hết sức quan ngại trước động thái liều lĩnh của Bắc Kinh. Ấn Độ, trong một động thái mạnh mẽ chưa từng thấy, cho biết có thể điều động hải quân tới biển Đông. Đô đốc D.K Joshi, tư lệnh hải quân Ấn Độ hôm thứ Hai khẳng định, dù Ấn Độ không có tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông song vẫn sẵn sàng hành động để bảo vệ quyền lợi hàng hải và quyền lợi kinh tế của mình trong khu vực. Hoa Kỳ, một mặt yêu cầu Trung Quốc minh bạch hóa ý định của họ, một mặt kêu gọi “Các bên liên quan tránh đơn phươngđưa ra những hành động gây hấn có thể làm gia tăng căng thẳng và xói mòn triển vọng về một giải pháp ngoại giao hoặc các giải pháp hòa bình khác”, Peter P. Velasco, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố.

Việt Nam là nước bị thiệt hại nặng nề nhất trong các chiến dịch gây hấn của Trung Quốc. Theo giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc, những động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm leo thang xung đột và có thể là một phần “của làn sóng hung hăng mới”. Và ông cảnh báo, nếu tình trạng này tiếp diễn, các đối tác quốc tế đang làm ăn với ngành dầu khí Việt Nam có thể sẽ bỏ đi, theo báo Financial Times.

Giáo sư Carl Thayer nói thêm rằng, nếu việc khám xét tàu thuyền của Trung Quốc không bị phản đối, không bị ngăn cản thì dần dần theo thời gian, chúng sẽ trở thành quen thuộc, và sẽ thành một thực tế.

Chúng ta không thể để cho điều ấy xảy ra.

 

Căng thẳng leo thang trên biển Đông

 Những bước đi quyết liệt của các quốc gia ven biển Đông và Đông Á trong tuần qua khiến căng thẳng leo thang tới mức chưa từng thấy và báo hiệu những cơn sóng gió hết sức nguy hiểm.

Trung Quốc là nước đầu tiên gây sóng gió bằng cách đơn phương tung ra loại hộ chiếu mới cho công dân nước này, trong đó in hình bản đồ Trung Quốc có cả “đường lưỡi bò” trùm hết lên vùng biển Đông, còn phần đất liền bao trùm cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Các nước bị ảnh hưởng trực tiếp như Philippines, Việt Nam, Ấn Độ đã lập tức lên tiếng phản đối và có biện pháp ngăn cản công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu này đi vào lãnh thổ của mình. Ngay cả đảo Đài Loan mà Trung Quốc coi như “một tỉnh ly khai” cũng ra tuyên bố phản đối và kêu gọi Bắc Kinh không làm xấu tình hình khi cố tình in lên hai trang của hộ chiếu này các phong cảnh tiêu biểu của Đài Loan và đường lưỡi bò tràn sang tận phần biển phía đông của hòn đảo. Mặc dù thế giới chưa bao giờ coi hình vẽ in trên hộ chiếu là sự thể hiện chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia nhưng hành động mang tính chất thủ đoạn này cho thấy tham vọng bành trướng vẫn là ưu tiên ngày đêm của Bắc Kinh.

Để củng cố cho tham vọng đó, hôm thứ Sáu tuần trước Trung Quốc đã tuyên bố thử nghiệm thành công việc đáp và hạ cánh máy bay phản lực trên tàu sân bay Liêu Ninh của nước này. Báo chí Trung Quốc coi việc hạ cánh được 5 chiếc máy bay chiến đấu J-15 là “bước đột phá” trong việc xây dựng lực lượng hải quân biển sâu nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương. Cũng quan trọng như vậy là việc Trung Quốc cho ra mắt máy bay chiến đấu J-15 có trang bị nhiều loại tên lửa chính xác, “tiên tiến hơn máy bay Su-33 của Nga” mà Trung Quốc bắt chước.

Những hoạt động hung hăng của Trung Quốc đã khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực Đông Á và kích hoạt hàng loạt phản ứng nguy hiểm của các nước. Tại Philippines, hôm Chủ nhật 25-11, Cơ quan Phòng vệ duyên hải đưa ra thông báo cho biết tuần dương hạm BRP Pambanga đã sẵn sàng lên đường ra tuần tiễu khu vực bãi cạn Scaborough, nơi đã xảy ra cuộc chạm trán giữa tàu Philippines và Trung Quốc kéo dài từ tháng 4 đến giữa tháng 6 vừa qua. Chỉ huy phó lực lượng phòng vệ duyên hải Philippines, ông Armand Balilo, nói rằng tàu BRP Pambanga sẽ phối hợp với tàu thuyền của Cục Ngư nghiệp và Tài nguyên thủy sản Philippines (BFAR) để tuần tiễu khu vực bãi Scaborough, nơi đang có 3 tàu Trung Quốc trú đóng. Ông Balilo cũng dự báo tàu BRP Pambanga có khả năng chạm trán (nose to nose) với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tại khu vực này, theo báo Philippine Daily Inquirer.

Ở Đông Á, quan hệ tay ba giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có thêm những dấu hiệu không lành khi Hàn Quốc chuẩn bị đệ trình lên Ủy ban Liên hiệp quốc về Thềm lục địa (UNCLCS) yêu cầu chính thức của nước này, theo đó thềm lục địa của Hàn Quốc sẽ kéo dài đến tận rãnh Okinawa Trough, chồng lên yêu sách của Nhật Bản và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hồ sơ thềm lục địa của Hàn Quốc đã hoàn tất và chính phủ nước này sẽ xem xét trong ngày thứ Ba 27-11 trước đi gửi đến Liên hiệp quốc, theo báo Korea Herald Tribune.

Cùng thời gian này, tại Nhật Bản một cuộc thăm dò ý kiến công chúng cho thấy thái độ của người dân Nhật đối với hai nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc đã nghiêng mạnh về phía tiêu cực. Cuộc thăm dò do Văn phòng Chính phủ Nhật Bản tiến hành thường niên, năm nay kéo dài từ ngày 27-9 đến 7-10, thu thập ý kiến của 3.000 cử tri, cho thấy 92,8% số người Nhật được hỏi nghĩ rằng Trung Quốc “không tốt”, tăng thêm 16,5 điểm phần trăm so với năm ngoái; trong đó có 80,6% “không cảm thấy gần gũi với Trung Quốc”, tăng 9,2 điểm phần trăm. Về quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc, số người đánh giá “không tốt” đã lên tới 78,8% tăng tới 42,8% so với cùng kỳ, trong đó có 59% cảm thấy không gần gũi với Hàn Quốc”.

Theo báo Yomiuru Shimbun, tâm trạng chua xót của người Nhật Bản phản ánh những vụ xung đột lãnh thổ gẩn đây liên quan tới các nhóm đảo Takeshima (mà Hàn Quốc gọi là đảo Dokdo) và đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), nhất là sau khi người Nhật thấy cảnh người biểu tình Trung Quốc đốt phá các cơ sở kinh doanh của Nhật Bản ở xứ này.

Tâm trạng tiêu cực của người dân Nhật cũng phù hợp với sự trỗi dậy trở lại của đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản – đảng có chủ trương đẩy mạnh công cuộc khôi phục vị thế của Nhật thông qua phát triển kinh tế và tăng cường tiềm lực quân sự. Nước Nhật sắp tổ chức bầu cử Hạ viện vào ngày 16-12 sắp tới và theo kết quả thăm dò dư luận cuối tuần qua của nhật báo Yomiuri Shimbun, đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập đang dẫn trước với tỷ lệ 25% người ủng hộ, đảng Khôi phục Nhật Bản (Japan Restoration Party – JRP) mới thành lập bởi ông Shintara Ishihara – nguyên thị trưởng Tokyo có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa – được 14% trong khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền chỉ được 10%. Đảng nào chiếm đa số ghế trong Hạ viện thì lãnh tụ của đảng đương nhiên trở thành thủ tướng; và cuộc thăm dò cũng cho thấy trong 3 ứng viên sáng giá nhất thì ông Shinzo Abe – cựu Thủ tướng Nhật, lãnh đạo đảng LPD, được 29% số người được hỏi ủng hộ, trong khi tỷ lệ này ở ông Shintara Ishihara là 22% và chỉ có 19% ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm Yoshihiko Noda. Nhật báo Asahi Shimbun số ra đầu tuần này còn nhận định hai đảng dẫn đầu LDP và JRP có khả năng sẽ liên minh với nhau để loại đảng cầm quyền DPJ và giành quyền thành lập chính phủ mới.

Nếu khả năng này thành hiện thực thì chính sách của Nhật Bản trong những vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển sẽ trở nên cứng rắn hơn rất nhiều và nguy cơ xung đột với Trung Quốc sẽ càng gia tăng. Không loại trừ khả năng chính quyền mới của Nhật sẽ tìm cách sửa đổi hiến pháp để tăng cường lực lượng quân sự. Trước mắt, giới phân tích quốc tế ghi nhận, mặc dù lực lượng phòng vệ Nhật Bản chỉ có khả năng phòng thủ hơn là tấn công song đây là nước có chi phí quốc phòng nhiều thứ sáu trên thế giới và sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại, trong đó đáng chú ý là các tàu ngầm chạy bằng dầu diesel hoạt động trong vùng nước cạn, tàu chiến trang bị tên lửa hành trình Aegis và tàu khu trục chở máy bay trực thăng có thể biến cải thành tàu chở máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng.

Rõ ràng, tình hình chính trị và quân sự trong khu vực biển Đông và Đông Á đang chuyển biến rất nhanh và theo hướng leo thang căng thẳng rất nguy hiểm. Để làm dịu tình hình và khôi phục mối quan hệ thân thiện từng có giữa các nước, một nhà ngoại giao ASEAN cho rằng, mấu chốt là Trung Quốc cần nhận thức rõ sức mạnh của mình và từ bỏ những hành động gây hấn gần đây. Trở về từ hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nhấn mạnh rằng chính phủ của ông vẫn muốn Trung Quốc “đặt ra một mẫu mực về sự lãnh đạo khôn ngoan và yêu chuộng hòa bình”, theo báo South China Morning Post. Tuy nhiên mong muốn đó dường như còn xa với thực tế.

Box:

Tại cuộc họp báo đầu tuần hôm thứ Hai 26-11, một phóng viên nêu câu hỏi: “Nếu có một công dân Trung Quốc mang hộ chiếu mới đến Hoa Kỳ và theo lệ thường sẽ được đóng dấu nhập cảnh của hải quan Mỹ thì liệu có phải đó là [Mỹ] thừa nhận yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc hay không?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland trả lời: “Không. Đó không phải là sự thừa nhận… Như các bạn biết, lập trường của chúng tôi về biển Đông vẫn là vấn đề lãnh thổ cần được đàm phán giữa các bên liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc. Một tấm ảnh trên hộ chiếu không thay đổi được lập trường đó”.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)

 

ASEAN lại bất đồng về biển Đông

 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, một lần nữa lại không đồng quan điểm về hướng tìm giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.

Lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN quyết định yêu cầu Trung Quốc bắt đầu đàm phán chính thức “càng sớm càng tốt” về việc thảo ra một bộ quy tắc ứng xử có tính chất ràng buộc về pháp lý nhằm tránh xung đột trên các vùng tranh chấp ở biển Đông, gọi tắt là COC. Cho đến trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 khai mạc cuối tuần qua tại Phnom Penh, Campuchia, ASEAN đã thỏa thuận được nguyên tắc 6 điểm làm nền tảng cho COC và đã phác thảo khung pháp lý chính của văn kiện này.

Tuy nhiên, trong cuộc họp riêng với lãnh đạo AEAN, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo không hề đề cập đến COC mà chỉ lặp lại lập trường của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp ở biển Đông với các bên có liên quan trực tiếp. “Xử lý những sự khác biệt và xung đột theo cách của ASEAN, gác tranh chấp và thúc đẩy đồng thuận, là một sự bảo đảm có hiệu quả cho việc nâng cao sự hợp tác”, ông Ôn nói, theo báo China Daily. Thủ tướng Trung Quốc cũng nói rằng ASEAN và Trung Quốc có khả năng xử lý vấn đề mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. “Trung Quốc và ASEAN có đủ trí khôn và năng lực để xử lý một cách thích hợp tất cả mọi vấn đề, kể cả những vụ tranh chấp lãnh thổ và quyền hàng hải không có sự can thiệp của bên ngoài và duy trì sự phát triển mối quan hệ hợp tác Đông Á”, ông Ôn nói, cũng theo China Daily. Liên quan đến đàm phán COC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng, Trung Quốc sẽ tham gia đàm phán “vào thời điểm thích hợp”, còn hiện thời Trung Quốc muốn tiếp tục những cuộc thảo luận ở cấp thấp.

Campuchia, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay, dường như đã thấm nhuần quan điểm đó. Tại cuộc họp ASEAN-Trung Quốc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đọc một bản tuyên bố, nói rằng ASEAN đã đạt được sự đồng thuận sẽ “không quốc tế hóa” cuộc tranh chấp trên biển Đông mà chỉ thu hẹp vấn đề trong các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Nhưng lãnh đạo của một số nước khác, mà nổi bật là Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã phản bác tuyên bố của Thủ tướng Campuchia và cho rằng trong ASEAN không hề có sự đồng thuận nào như vậy và Philippines sẽ tiếp tục đưa vấn đề biển Đông ra các diễn đàn toàn cầu. “Con đường ASEAN không phải là con đường duy nhất của chúng tôi”, ông Aquino nói sau cuộc gặp cấp cao lần thứ 15 ASEAN-Nhật Bản. Theo báo Philippine Daily Inquirer, Tổng thống Aquino diễn dịch tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen có nghĩa là loại trừ các tổ chức quốc tế ra khỏi việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, kể cả Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và điều đó là không chấp nhận được.

Hôm thứ ba, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang hội nghị, Tổng thống Aquino nhắc lại rằng, với tư cách một nước có chủ quyền, Philippines có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. “Lập trường của chúng tôi luôn là một vấn đề đa phương không thể tìm giải pháp trên căn bản song phương. Các vấn đề đa phương phải có giải pháp đa phương”, ông Aquino nói, theo báo New York Times. Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng, Tổng thống Philippines cũng cho biết ông đã mời lãnh đạo bốn quốc gia ASEAN liên quan tới Manila để bàn các giải pháp khả thi.

Philippines không phải là nước duy nhất đưa vấn đề biển Đông và luật pháp quốc tế ra hội nghị. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko hôm thứ Hai cũng phản đối cố gắng của nước chủ nhà hạn chế những cuộc đàm phán về biển Đông trong phạm vi ASEAN và Trung Quốc. “Thủ tướng Noda nêu vấn đề biển Đông và lưu ý rằng đây là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới “hòa bình và ổn định” ở châu Á”, tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản cho biết, theo báo Asahi Shimbun.

Liên quan tới vấn đề biển Đông, Thông tấn xã Việt Nam cho biết, tại các cuộc họp cấp cao ASEAN với các nước đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự thực thi đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC), Tuyên bố ASEAN về Nguyên tắc 6 điểm và yêu cầu sớm kết thúc việc hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, gồm cả những quy định liên quan tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển. Theo phân tích của giới quan sát, tuy không trực tiếp ủng hộ các tuyên bố của Philippines, nhưng Việt Nam đã luôn coi luật pháp quốc tế là căn bản để giải quyết vấn đề biển Đông mà không nhất thiết chỉ hạn chế trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được trông đợi sẽ có tiếng nói mạnh mẽ vì Mỹ từ trước đến nay vẫn nỗ lực thúc đẩy việc hình thành bộ quy tắc ứng xử COC để giảm thiểu nguy cơ xung đột leo thang. Tuy nhiên sau các cuộc họp riêng giữa ông Obama với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Phnom Penh hôm thứ Ba 20-11, các nhà lãnh đạo đã không công khai đề cập tới chủ đề này, thậm chí còn bỏ qua các câu hỏi có liên quan của giới báo chí.

Dù sao, theo giới phân tích, trong những rắc rối ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN luôn thấp thoáng vai trò của Hoa Kỳ. Bất đồng quan điểm giữa Campuchia và Philippines tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua – lần thứ hai trong năm nay – phần nào phản ánh cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc Trung-Mỹ. Giới quan sát kỳ vọng sự thay đổi lãnh đạo cấp cao ở cả hai nước vừa qua sẽ dẫn tới một sự hợp tác thay vì đối đầu. Từ nay đến đó, vấn đề biển Đông vẫn sẽ khó có được tiếng nói chung, dù chỉ là trong khối ASEAN.

Biển Đông: Trung Quốc thả mồi bắt bóng

 Dầu khí là yếu tố thúc đẩy Trung Quốc độc chiếm biển Đông nhưng tính toán của Bắc Kinh có thể là lợi bất cập hại.

Một số nhà khoa học ước tính khu vực biển Đông với diện tích khoảng 3,6 triệu ki lô mét vuông đang ẩn chứa những mỏ dầu khí lớn, có trữ lượng không thua kém các mỏ dầu lớn nhất thế giới. Theo tài liệu của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, các vùng biển ngoài khơi nước này chứa khoảng 40 tỉ tấn dầu, phần lớn ở biển Đông. Nguồn tài nguyên này chủ yếu là khí thiên nhiên mà Trung Quốc ước tính khoảng 57 triệu tỉ mét khối, đủ đáp ứng nhu cầu khí đốt của Trung Quốc trong 400 năm nếu lấy mức tiêu thụ năm 2011 làm chuẩn. Có điều, lượng dầu khí khai thác được bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với trữ lượng trong tự nhiên.

Trung Quốc với nền kinh tế tăng trưởng nóng kéo dài nhiều thập niên, nhu cầu năng lượng tăng theo cấp số nhân, đã không thể kiềm chế lòng tham trước nguồn tài nguyên quý giá như vậy. Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới và tỷ trọng năng lượng nhập khẩu trong tổng nguồn cung đang tăng rất nhanh nên cơn thèm khát nguồn dầu khí biển Đông càng thêm bức bách.

Có thể nói, dầu khí là động lực lớn nhất thúc đẩy Trung Quốc “vẽ ra” đường lưỡi bò 9 đoạn với ý đồ chiếm hữu biển Đông, lấn chiếm hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Mặc dù đường lưỡi bò này bị quốc tế phản đối vì không có cơ sở pháp lý, chính phủ Trung Quốc vẫn ra sức áp đặt ý đồ bằng việc gia tăng sức mạnh quân sự và những thủ đoạn xâm lấn, lúc công khai lúc âm ỉ. Liu Boqiang, kinh tế gia về năng lượng của Đại học Hạ Môn, giải thích: “Về cơ bản, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác vì nguồn tài nguyên của Trung Quốc rất giới hạn. Trung Quốc phải tiến ra biển Đông”.

Một trong những công cụ hàng đầu mà Chính phủ Trung Quốc sử dụng để thực hiện ý đồ vươn ra biển này là tập đoàn dầu khí hải ngoại Trung Quốc, gọi tắt là CNOOC. Những năm gần đây, CNOOC đã đầu tư rất lớn vào việc phát triển năng lực thăm dò, khai thác dầu khí – kể cả bỏ ra rất nhiều tiền để thâu tóm các tập đoàn dầu khí phương Tây như Nexen Inc. của Canada nhằm thủ đắc công nghệ khai thác dầu dưới đáy biển sâu, chuẩn bị hoạt động ngoài khơi biển Đông. Hồi tháng 5-2012, CNOOC hạ thủy giàn khoan khổng lồ “CNOOC 981” – giàn khoan nước sâu đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo. Đi xa hơn, hồi tháng 6-2012 CNOOC còn đơn phương gọi thầu thăm dò 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Zhong Hua, giám đốc tài chính của CNOOC, cho biết giàn khoan 981 sẽ tăng cường khả năng thăm dò của CNOOC và tập đoàn này dự kiến khai thác ở biển Đông 500 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2020 từ con số không hiện nay.

Chính âm mưu của Trung Quốc chiếm hữu nguồn tài nguyên dầu khí là nguyên nhân gây căng thẳng, biến biển Đông thành vấn đề ngoại giao gai góc nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Giới phân tích lo ngại, nếu không giải quyết tốt, cuộc đối đầu trên vùng biển Đông hiện nay có thể sinh ra xung đột lớn, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu vì biển Đông là con đường hàng hải tấp nập nhất thế giới.

Từ khi Trung Quốc mở cửa năm 1976 đến nay, nền kinh tế nước này đã có bước phát triển thần kỳ, một phần nhờ tình hình yên tĩnh trên biển Đông tạo điều kiện cho hoạt động giao thương quốc tế. Có thể nói, Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất khi biển Đông lặng sóng. Bây giờ, chỉ vì tham nguồn dầu khí, Trung Quốc đã chọn con đường dậy sóng gió, gây xung đột, từ bỏ cả những nỗ lực xây dựng hình ảnh thân thiện mà Trung Quốc kiên trì thực hiện trong thập niên qua.

Có điều, dường như Bắc Kinh đang thả mồi bắt bóng. Trước tiên, nguồn tài nguyên dầu khí ở biển Đông có thể sẽ không như tính toán của Trung Quốc vì không ai biết chắc biển Đông có dầu hay không có dầu, nhiều hay ít. David Thompson, trưởng bộ phận châu Á của Công ty tư vấn năng lượng và tài nguyên Wood Mackenzie nói rằng: “Một trong những dấu hỏi lớn về tương lai của ngành dầu khí là biển Đông có bao nhiêu dầu. Tại thời điểm này thì không ai biết cả”.

Chưa tính những thiệt hại về ngoại giao và quan hệ quốc tế, khai thác dầu khí ở biển Đông chưa hẳn là một hoạt động có lợi, xét về mặt kinh tế. Bên ngoài thềm lục địa, đáy biển Đông có rất nhiều vực sâu, núi cao khiến cho việc lắp đặt đường ống từ mỏ khí đốt vào đất liền trở nên hết sức khó khăn và tốn kém. Một số nhà phân tích cho rằng, với giá dầu khí có xu hướng giảm dần hiện nay, khai thác khí đốt sâu dưới đáy biển Đông chưa hẳn là điều khả thi về kinh tế. Zha Daojiong, chuyên gia về an ninh năng lượng Đại học Bắc Kinh nhận xét: “Chi phí khai thác và vận chuyển dầu khí từ đáy biển sâu vào bờ là rất cao”. Và ông thừa nhận dầu khí là một “yếu tố ngoại biên” trong cuộc tranh chấp ngoại giao mà Trung Quốc đang tiến hành với các nước khác.

Thiếu minh bạch, khó làm ăn

Nỗi oan của Petronas

Quyết định vào phút cuối của chính phủ Canada hoãn việc phê chuẩn kế hoạch của tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia mua lại Công ty sản xuất khí đốt Progress Energy Resources đã gây sửng sốt không chỉ cho hai công ty mà cả cho giới đầu tư quốc tế. Progress chỉ là một công ty nhỏ của Canada, hồi tháng 6-2012 đã chấp nhận bán cho Petronas với giá 5,17 tỉ đô la Canada (5,2 tỉ đô la Mỹ). Giữa hai công ty cũng đã có những dự án liên doanh hiệu quả như dự án khai thác đá phiến sét (shale-gas) ở British Columbia và trạm xuất khẩu khí đốt trên bờ Thái Bình Dương của Canada. Bộ Công nghiệp Canada cũng có báo cáo ủng hộ vụ sáp nhập này.

Theo lịch trình, chính phủ Canada phải đưa ra quyết định chậm nhất là vào ngày 5-10 vừa qua; tuy nhiên, Ottawa đã yêu cầu gia hạn thêm hai tuần với lý do chưa duyệt xét kịp. Vững tin vào kết quả thuận lợi, phía Petronas thậm chí đã chuẩn bị sẵn thông cáo báo chí để công bố trong sự kiện trọng đại này. Bất đồ vào lúc 23g57 đêm 19-10, chỉ ba phút đồng hồ trước khi thời hạn cuối cùng trôi qua, Bộ trưởng Công nghiệp Christian Paradis tuyên bố không chấp nhận vụ sáp nhập và yêu cầu Petronas phải điều chỉnh các điều khoản của hợp đồng trong vòng 30 ngày. Lý do mà ông Paradis nêu lên là vụ sáp nhập không mang lại “lợi ích thuần” (net benefit) cho phía Canada.

Tuy nhiên, theo Reuters, lời giải thích trên chỉ nhằm che đậy một nguyên nhân sâu xa hơn và khó nói hơn: cái bóng của Trung Quốc. Từ chối phê chuẩn hợp đồng của Petronas, chính phủ Canada muốn tránh một tiền lệ bất lợi trước khi đưa ra phán quyết về một vụ sáp nhập khác có bản chất tương tự nhưng quy mô lớn hơn nhiều: tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc, gọi tắt là CNOOC, đã nộp hồ sơ xin phê chuẩn việc mua lại tập đoàn dầu khí Nexen Inc. của Canada với giá 15,2 tỉ đô la Mỹ. Nếu phê chuẩn vụ Petronas-Progress, Ottawa sẽ “bị trói tay trói chân” trong vụ CNOOC-Nexen. Trên thị trường chứng khoán Canada, giá cổ phiếu của cả Nexen và Progress đều rớt mạnh vì giới đầu tư tin rằng, vụ sáp nhập CNOOC-Nexen sẽ sụp đổ, cho dù Canada đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển ngành năng lượng trong thập niên tới.

và nỗi hoài nghi ở phương Tây

CNOOC là tập đoàn nhà nước, được chính phủ Trung Quốc sử dụng để thâu tóm các nguồn tài nguyên dầu khí ở nước ngoài, thậm chí Bắc Kinh còn sử dụng CNOOC để xâm phạm chủ quyền của các nước khác mà vụ CNOOC công khai gọi thầu khai thác các lô dầu khí trên thềm lục địa miền Trung Việt Nam gần đây là một ví dụ. Không giống như Công ty Progress, tập đoàn Nexen là công ty dầu khí lớn thứ 6 của Canada, sở hữu nhiều mỏ cát dầu (oil-sand) ở Canada, mỏ dầu trong vịnh Mexico, Bắc Đại Tây Dương và ngoài khơi Nigeria. Ý đồ của CNOOC thâu tóm tập đoàn Nexen đã gây nên sự phản đối mạnh mẽ trong giới lập pháp Canada, nhiều người nghi ngờ mục đích thực sự của Bắc Kinh và không chấp nhận ý tưởng để cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sở hữu các tài nguyên dầu khí Canada. Trong bối cảnh đó, tập đoàn Petronas trở thành một “nạn nhân” không may mắn.

Trong quá khứ, CNOOC cũng từng ra giá 18 tỉ đô la Mỹ để mua lại tập đoàn dầu khí Unocal của Mỹ nhưng thương vụ này đã bị Quốc hội Mỹ và Tổng thống George W. Bush bác bỏ tháng 3-2005 vì lo ngại an ninh quốc gia của Mỹ. Sự kiện này có khả năng lặp lại nếu CNOOC lại thất bại trong nỗ lực thâu tóm tập đoàn dầu khí Canada.

Chỉ vài tuần trước, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã công bố một báo cáo gây nhiều tranh cãi, trong đó yêu cầu các cơ quan nhà nước của Mỹ không sử dụng các thiết bị và dịch vụ viễn thông do hai tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc cung cấp dù không đưa ra bằng chứng xác thực nào cho thấy Huawei và ZTE có thể là “mối đe dọa an ninh quốc gia” của Mỹ. Trước đó, Huawei và ZTE đã có nhiều nỗ lực bán hàng vào thị trường Mỹ cũng như mua lại một số doanh nghiệp điện tử đang khó khăn ở Silicon Valley nhưng đều thất bại.

Thiếu minh bạch, khó làm ăn

Những sự việc như trên cho thấy sự hoài nghi dai dẳng của phương Tây đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu như viễn thông và năng lượng; mối hoài nghi này không chỉ có ở Mỹ mà cả ở Canada, Úc, Ấn Độ.

Theo Ian Bremmer, Chủ tịch tập đoàn tư vấn Eurasia Group, chính bản chất mơ hồ về cơ cấu sở hữu và điều hành của các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước như CNOOC, là cơ sở tạo ra mối nghi ngờ nói trên. Sâu xa hơn, có thể coi đây là phản ứng của thị trường tự do trước những thách thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước đang phát triển mạnh ở Trung Quốc, nơi các doanh nghiệp được sử dụng làm công cụ để thực hiện các chiến lược kinh tế-an ninh của nhà nước.

Việt Nam đã tham gia kinh tế thị trường toàn cầu thì không nên suy nghĩ một cách đơn giản rằng phương Tây đang dựng lên các rào cản “bảo hộ”, mà cần có chiến lược minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp, làm rõ vai trò của nhà nước trong nền kinh tế để tạo dựng lòng tin với các đối tác. Có như vậy, doanh nghiệp mới có hy vọng thâm nhập được thị trường các nước phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi và hiệu quả.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Không thay đổi chính sách với Trung Quốc

Tại cuộc tranh luận công khai lần thứ ba, và cũng là lần cuối cùng vào sáng thứ Ba 23-10, tập trung vào chính sách đối ngoại, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ rất ít đề cập tới thách thức của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự, song đã bộc lộ những điểm tương đồng quan trọng trong đường lối của Mỹ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như với châu Á nói chung.

Mitt Romney chuyển hướng

Tổng thống đương nhiệm Barack Obama nhắc lại rằng, đối với Mỹ, Trung Quốc “vừa là một đối thủ vừa là một đối tác”. Đáp lại lời phê phán nặng nề của ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney rằng Washington đã quá nhân nhượng Bắc Kinh, ông Obama đã kể ra hàng loạt động thái cứng rắn của ông như thành lập đội đặc nhiệm giám sát việc thực thi những luật lệ thương mại với Trung Quốc, đưa ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhiều vụ kiện hàng hóa Trung Quốc như thép và phụ tùng xe hơi. Ông cũng tuyên bố chính sách “chuyển hướng” sang châu Á về quân sự và ngoại giao của Mỹ là gửi “một tín hiệu rõ ràng” cho Trung Quốc. “Trung Quốc là một đối tác tiềm năng trong cộng đồng quốc tế nếu họ tuân thủ luật lệ. Chính sách của tôi là chúng ta sẽ đòi hỏi Trung Quốc hành xử theo cùng những luật lệ như mọi nước khác”, ông Obama nói.

Trong khi đó, ông Mitt Romney nhắc lại một trong những cáo buộc chống Trung Quốc mạnh mẽ nhất. “Vào ngày đầu tiên cầm quyền, tôi sẽ tuyên bố họ [Trung Quốc] là kẻ thao túng đồng tiền”,và sẽ đưa ra những biện pháp cứng rắn. Ông Romney thừa nhận đường lối của ông có thể kích hoạt chiến tranh thương mại, nhưng theo ông Bắc Kinh sẽ là người thua cuộc vì hiện Trung Quốc bán nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn là mua hàng Mỹ. Theo ông, một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trong thực tế đang diễn ra. “Đó là cuộc chiến âm thầm và phần thắng nghiêng về phía họ. Chúng ta không thể đầu hàng và mất hết công ăn việc làm”, ông Romney nói.

Tuy nhiên, khác với những lần tranh luận trước, ông Romney đã có vẻ xuống thang khi thừa nhận Trung Quốc đã có vài tiến bộ trong vấn đề tiền tệ, ám chỉ việc đồng nhân dân tệ tăng giá so với đô la Mỹ trong vài năm gần đây. Giọng điệu của ông cũng thay đổi theo hướng hòa dịu hơn. “Chúng ta có thể là đối tác của Trung Quốc. Chúng ta không nhất thiết là đối thủ với bất kỳ hình thức nào. Chúng ta có thể làm việc với họ, có thể cộng tác với họ nếu họ tỏ ra có trách nhiệm”, ông Romney nói.

Sẽ không có thay đổi lớn

Với sự chuyển hướng của ông Romney, theo giới phân tích, đường lối ứng phó với Trung Quốc của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa dường như đã bắt đầu gần nhau hơn, hướng tới một chiến lược tăng hợp tác, tránh đối đầu giữa hai cường quốc với mục tiêu cuối cùng là buộc Trung Quốc phải thay đổi, phải hành xử một cách có trách nhiệm và tuân thủ những luật lệ quốc tế.

Vấn đề Trung Quốc thao túng tỷ giá chẳng hạn, phần lớn quan chức Mỹ, các nhà lập pháp và lãnh đạo doanh nghiệp, đều thừa nhận Trung Quốc kiềm giá đồng tiền để giành lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu nhưng vì nhiều lý do kinh tế và chiến lược từ năm 1994 đến nay, các chính phủ Clinton, Bush và Obama đều không lên án một cách chính thức rằng Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ để từ đó đưa ra những biện pháp trả đũa. Theo nhiều chuyên gia, cho dù ông Mitt Romney có lên làm tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới, chưa chắc ông đã gọi Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” như tuyên bố tranh cử của ông mà sẽ đi theo đường lối ôn hòa của những tổng thống tiền nhiệm.

Trái với những tuyên bố “hùng hổ” của các nhà lập pháp Mỹ, các chuyên gia đối ngoại và kinh tế đều cho rằng, tiến hành các biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh sẽ không giải quyết được vấn đề, cũng không làm cho kinh tế Mỹ mạnh lên mà ngược lại, một cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây thiệt hại lớn cho cả đôi bên, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, gia tăng lạm phát và thất nghiệp, thu hẹp thị trường xuất khẩu hàng hóa Mỹ cũng như triệt tiêu dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Thực tế, trong mấy năm qua, song song với việc gây sức ép bằng các vụ khiếu kiện thương mại, chính quyền Obama đã chọn cách làm việc với Bắc Kinh trong hậu trường để thúc đẩy Trung Quốc cải cách: linh hoạt tỷ giá, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải cách hệ thống tài chính, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Quốc và nhiều vấn đề khác. “Tôi cho rằng, trong vấn đề tỷ giá, kết quả tổng hợp những gì Trung Quốc đã làm được là có ý nghĩa và hứa hẹn”, Timothy F. Geithner, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nhận định. Nếu như lúc ông Obama lên nắm quyền, 1 đô la Mỹ đổi được 6,8 nhân dân tệ Trung Quốc thì hiện nay 1 đô la Mỹ chỉ còn ăn 6,25 nhân dân tệ. Tại hội nghị thường niên WB-IMF tại Tokyo tuần trước, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Yi Gang cũng xác nhận, thặng dự tài khoản vãng lai của Trung Quốc hiện chỉ còn bằng 2,1% GDP so với mức 10,1% GDP năm 2007. Có thể, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc về kinh tế-thương mại sẽ không có thay đổi lớn nào mà tiếp tục theo hướng mà chính quyền Obama và đảng Dân chủ đã thực thi trong mấy năm qua.

Bắc Kinh vui vẻ

Bắc Kinh dường như cũng nắm rõ xu thế chuyển hướng của các ứng viên nên không hề tỏ ra lúng túng bởi những tuyên bố nặng lời của các ứng viên tổng thống Mỹ. Bài xã luận của Tân hoa xã hôm thứ Tư 24-10 nhận định: “Muốn hay không muốn, Dân chủ hay Cộng hòa, tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ cũng phải hạ giọng, từ bỏ những tuyên bố giật gân lên án Trung Quốc mà họ đưa ra trên đường tranh cử và xử lý với sự bất lực xơ cứng của Mỹ trước sự trỗi dậy không thể tránh khỏi của Trung Quốc”.

Một số nhà bình luận Trung Quốc tỏ ý hài lòng khi thấy trong các cuộc tranh luận năm nay các ứng viên tổng thống Mỹ không còn lên án Trung Quốc trong các lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo và an ninh. Zhu Feng, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Peking ở Bắc Kinh, cho rằng bất chấp những lời lẽ gây ấn của ông Mitt Romney, cả hai ứng viên đã gần như đồng ý với nhau về chính sách đối với Trung Quốc. “Cả hai tuyên bố rằng họ muốn tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy Trung Quốc “chơi đẹp” trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Và đó là điều tốt”, ông Zhu nói.

Box

Người Trung Quốc ngày càng quan tâm nhiều tới cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ. Theo khảo sát của trung tâm Pew Research Center, hơn một phần ba dân Trung Quốc chú ý theo dõi cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay, tăng từ mức 17% năm 2008. Tuy các cuộc tranh luận không được truyền hình trực tiếp ở Trung Quốc nhưng người dân có thể theo dõi đầy đủ trên mạng internet, tại trang mạng của các tờ báo lớn và các diễn đàn, mạng xã hội.

Khảo sát cũng cho thấy, người Trung Quốc ít quan tâm tới đường lối tranh cử và ứng viên nào sẽ thắng mà tập trung theo dõi tiến trình dân chủ hóa chính trị ở nước này. Có 52% số người Trung Quốc được khảo sát nói rằng họ thích dân chủ kiểu Mỹ, tăng từ 48% của năm 2008.

Trên mạng, giới trẻ Trung Quốc cũng so sánh tiến trình bầu cử tổng thống ở Mỹ với việc chọn lựa nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ diễn ra tại Đại hội lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc mà người ta đã biết chắc rằng ông Tập Cận Bình sẽ lên thay ông Hồ Cẩm Đào trong một tiến trình “kín” không có tranh luận, công chúng không được tham gia.

 

Liệu xung đột kinh tế Trung – Mỹ có xảy ra?

Huỳnh Hoa

Sáng thứ Ba 9-10, báo chí Trung Quốc đồng loạt phản đối một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện  Mỹ trong đó đề nghị “cấm cửa” hai công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei và ZTE vì cho rằng ảnh hưởng của nhà nước Trung Quốc đối với hai công ty này có thể gây đe dọa tiềm tàng về an ninh cho Mỹ. Ủy ban đề nghị cấm các tổ chức chính phủ Mỹ làm ăn với Huawei và ZTE, khuyến cáo các doanh nghiệp Mỹ nên cẩn trọng khi giao dịch với hai công ty này và yêu cầu cơ quan tình báo Mỹ phải tập trung theo dõi các nỗ lực mở rộng hoạt động của Huawei và ZTE tại thị trường Mỹ. Báo cáo có đoạn viết: “Cho phép các công ty Trung Quốc này hoạt động ở Hoa Kỳ sẽ tạo cho chính phủ Trung Quốc khả năng ngăn chặn hoạt động truyền thông và có thể phát động tấn công trên mạng vào những cơ sở hạ tầng thiết yếu như những đập nước và hệ thống truyền tải điện của Mỹ”.

Trong bài xã luận, Tân hoa xã nói rằng báo cáo của Hạ viện Mỹ là “hoàn toàn không có căn cứ và là sản phẩm của chủ nghĩa bảo hộ; chỉ dựa trên lời đồn đại mơ hồ”. “Báo cáo đã bộc lộ rõ não trạng thời Chiến tranh Lạnh cũng như chủ nghĩa bảo hộ trong các chính trị gia trên đồi Capitol [trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ] nhằm kiềm chế đầu tư từ Trung Quốc, một hoạt động có thể tạo ra doanh nghiệp mới và cơ hội việc làm cho nền kinh tế đang trì trệ của Mỹ. Chủ nghĩa bảo hộ và sự can thiệp chống lại thị trường không phải là lựa chọn khôn ngoan của Washington”, xã luận của Tân hoa xã viết.

Thời báo Hoàn Cầu, phụ bản của Nhân dân nhật báo, nói: “Hoa Kỳ đã nhiều lần ngăn cản các công ty Trung Quốc tham gia vào cuộc cạnh tranh nội địa của Mỹ dưới chiêu bài “an ninh quốc gia”. Nước Mỹ đang dần dần xuống cấp thành một đất nước phi lý”.

Nhật báo tiếng Anh China Daily cũng lên án báo cáo của Hạ viện Mỹ, trích dẫn lời của Huo Jianguo, giám đốc Học viện Thương mại quốc tế Trung Quốc, cho rằng chính trị Mỹ, nhất là cuộc vận động tranh cử đang diễn ra, có vai trò quyết định đối với nội dung và thời điểm công bố báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. “Báo cáo có ý đồ chính trị rõ ràng bởi vì đưa ra một thái độ cứng rắn đối với doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giúp giành thêm được lá phiếu của cử tri trong cuộc tranh cử đang diễn ra”, tờ báo viết. Ông này quên hoặc không biết rằng, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ là cơ quan dân cử, lưỡng đảng và không phụ thuộc vào đường lối của bất cứ đảng nào.

Huawei là tập đoàn lớn thứ hai, còn ZTE xếp thứ năm thế giới về sản xuất bộ định tuyến (router), bộ chuyển mạch (switch) và thiết bị viễn thông; còn trên thị trường điện thoại di động toàn cầu, ZTE xếp thứ tư và Huawei xếp thứ sáu. Máy điện thoại đi động của hai công ty này được phân phối ở Mỹ qua các nhà cung cấp dịch vụ mạng Verizon, Sprint và T-Mobile USA. Doanh thu tại Mỹ chiếm khoảng 4% tổng doanh thu của Huawei và khoảng 2-3% tổng doanh thu của ZTE.

*

Vụ Huawei và ZTE chỉ là vụ mới nhất trong hàng loạt xung đột về thương mại, kinh tế giữa hai cường quốc Mỹ-Trung trong bối cảnh cả hai nước đều đang bước vào giai đoạn thay đổi lãnh đạo. Đại hội lần thứ 18 đảng Cộng sản Trung Quốc, khai mạc ngày 8-11 sắp tới, sẽ chọn ra ban lãnh đạo của nước này và trong thời điểm hiện nay không nhà lãnh đạo nào tỏ ra mềm mỏng trước sức ép từ bên ngoài. Còn tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ngày 6-11 và trong cuộc tranh cử cả hai ứng viên Barack Obama của đảng Dân chủ và Mitt Romney của đảng Cộng hòa đều tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc cả về kinh tế thương mại lẫn vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Tổng thống Obama mới đây đã ngăn cản một công ty Trung Quốc mua một cơ sở điện gió ở bang Oregon, đã kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới hành vi trợ cấp bất hợp pháp cho sản phẩm tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc; còn ứng viên Mitt Romney đã nhiều lần phê phán chính sách duy trì giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp như một biện pháp trợ cấp xuất khẩu và ngăn cản hàng nhập khẩu.

Dù mạnh yếu khác nhau, cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều phê phán “những nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu bằng trợ cấp tiền bạc, tín dụng ưu đãi dưới mức lãi suất thị trường, chính sách ưu đãi thuế và giao đất đai nhà cửa thuộc tài sản nhà nước”. Nhờ những biện pháp này, “các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã ngăn được các công ty Mỹ và công ty nước ngoài khác chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu thị trường trong hàng loạt lĩnh vực kinh tế Trung Quốc”. Việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và chính sách kiềm giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng là những vấn đề thường bị phê phán.

Về phần mình, Trung Quốc thường tố cáo việc “tấn công cơ chế tài trợ xuất khẩu của Trung Quốc là một biện pháp giành sự ủng hộ của cử tri, nhất là ở những tiểu bang công nghiệp, nơi lòng căm ghét đối với sự cạnh tranh của Trung Quốc có gốc rễ bền chặt”. Để đối phó với những cáo buộc từ phía Mỹ, từ lâu Trung Quốc đã đưa ra lập luận 4 điểm: Một là, mọi sự giới hạn, cản trở hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ hay cản trở đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đều chỉ có hại cho người tiêu dùng Mỹ vì họ không còn được mua hàng hóa với giá rẻ, như lập luận của Tân hoa xã trích dẫn ở trên. Hai là, việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tạo cơ hội việc làm cho người Mỹ ở các khâu dỡ hàng, chuyển hàng, trưng bày, quảng cáo, bán hàng, hậu mãi và số việc làm này đủ bù đắp số việc làm bị mất đi trong lĩnh vực chế tạo do hàng hóa Trung Quốc thay thế chỗ của hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Ba là, mọi chính sách cấm vận thương mại đều dẫn tới chiến tranh kinh tế gây thiệt hại cho tất cả các bên. Và bốn là, thay vì đơn phương chống lại các chính sách kinh tế và cung cách hành xử của Trung Quốc, Mỹ nên cùng Trung Quốc bàn bạc những biện pháp mở cửa thị trường và tránh đối đầu.

*

Các nhà phân tích kinh tế Mỹ từ lâu đã chỉ ra những chỗ mâu thuẫn, ngụy biện và bất khả thi trong lập luận nêu trên, song chính phủ của Tổng thống Obama gần như chưa có động thái quyết liệt nào để ngăn chặn làn sóng nhập siêu ồ ạt từ Trung Quốc, cũng như chưa dứt khoát trong việc ngăn chặn các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ nhờ khủng hoảng kinh tế làm cho giá trị của doanh nghiệp bị suy giảm, trừ một số vụ thâu tóm có nguy cơ về an ninh quốc gia như vụ công ty Ralls (thuộc tập đoàn Sany Trung Quốc) mua lại trang trại điện gió gần một điểm thử vũ khí của Mỹ.

Hiện nay, với các cuộc “thay bậc đổi ngôi” đang đến gần, có khả năng cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều ra sức bảo hộ thị trường của nhau và nguy cơ xung đột về kinh tế thương mại Mỹ-Trung là hoàn toàn có thể xảy ra mà vụ “cấm cửa” các tập đoàn Huawei và ZTE có thể là phát pháo hiệu.

Cặp đôi hoàn hảo” của Myanmar

Tổng thống Myanmar U Thein Sein và nhà lãnh đạo đối lập, Chủ tịch Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) Daw Aung San Suu Kyi vừa có cuộc “ra mắt” tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Theo nhà báo Bill Keller – người đã phỏng vấn cả Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi cho báo New York Times, thoạt nhìn hai người này không thể là một “cặp đôi”, nhưng thực tế là một “cặp đôi hoàn hảo”.

Bà Aung San Suu Kyi xuất thân từ một gia đình khai quốc công thần, học tập ở Đại học Oxford danh tiếng, đi nhiều nơi trên thế giới, thông thạo nhiều ngôn ngữ, và được giải thưởng Nobel. Thông minh, lôi cuốn và đầy tự tin, dường như bà sinh ra để lãnh đạo người khác, nhưng đã trở thành nhà đấu tranh bị giam cầm suốt 15 năm. Ông Thein Sein, trái lại, là con của một gia đình nông dân ở một vùng quê nghèo đến nỗi ngôi trường trung học gần nhất cũng cách nhà cả trăm cây số, mẹ mất sớm, cha vào chùa làm sư, chỉ bước chân ra nước ngoài lần đầu tiên khi đã qua tuổi 40. Ông chọn binh nghiệp và lên đến cương vị đứng đầu nhà nước. Ông nói năng thận trọng, đeo kính trắng và không có gì hấp dẫn, theo lời nhà báo Bill Keller. Ngoài xuất thân khác nhau, về mặt chính trị, ông Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi còn là hai cực đối lập, tưởng chừng khó có thể nhìn mặt nhau, thế nhưng sự nghiệp dân chủ hóa đất nước đã đưa hai người này vào cùng một con đường.

Điểm chung đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, có thể nói, là họ có cùng nhận thức rằng thể chế độc tài quân phiệt đã đưa đất nước Myanmar tới bờ vực sụp đổ, rằng tương lai đất nước không phụ thuộc vào phẩm chất cá nhân của các nhà lãnh đạo cải cách mà vào việc xây dựng các thể chế, văn hóa dân chủ. Và cả hai đều dũng cảm đi con đường cải tổ bất chấp những trở ngại ngay trong hàng ngũ của mình.

Bà Aung San Suu Kyi ngay từ đầu đã “dấn thân vì nghĩa lớn”. Nhưng một điều đáng quý nữa ở người phụ nữ vĩ đại này là tấm lòng bao dung, lấy hòa giải để xóa bỏ thù hận. Bị chế độ độc tài giam cầm phi lý suốt hai thập niên nhưng bà sẵn sàng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Thein Sein để đưa đất nước ra khỏi cấm vận, bà đưa đảng của mình tham gia vào quốc hội dù chỉ được tranh cử một số ghế ít ỏi ở một vài địa phương; bà sử dụng vị thế của mình nhưng không làm những kẻ thù cũ của bà hoảng sợ. Bà nhiều lần nói tới nhu cầu phải làm cho giới quân sự cầm quyền cảm thấy an toàn, không lo bị trả thù, không truy cứu tội trạng, không tịch thu tài sản… để xây dựng một xã hội đoàn kết và hòa hợp. Có không ít những nhà bất đồng chính kiến thề “không đội trời chung” với kẻ đàn áp mình và sẵn sàng trả đũa khi nắm được quyền lực, nhưng bao dung như bà Aung San Suu Kyi là vô cùng hiếm, trước bà họa chăng chỉ có “người tù thế kỷ” Nelson Mandela của Nam Phi và nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma.

Trả lời phỏng vấn của nhà báo Bill Keller, ông Thein Sein khẳng định rằng, chính ước vọng của người dân là nguyên nhân thúc đẩy ông chọn con đường cải tổ. “Ngay từ đầu, chúng tôi biết người dân mong muốn một chế độ dân chủ, nhưng chúng tôi không muốn thay đổi đột ngột vì làm như vậy rất nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi thay đổi vì nhân dân muốn như vậy”, ông nói. Trái với dư luận ở phương Tây, tổng thống Thein Sein chọn con đường dân chủ hóa Myanmar không phải vì sức ép của cấm vận kinh tế [mà ông cho là gây hại cho người dân thường hơn là cho chính quyền quân sự] hay tác động của phong trào “Mùa xuân Ả-rập”.

Ông Thein Sein cho biết ông và các tướng lĩnh chủ trương đổi mới đã mất 20 năm để chuẩn bị, từ cải cách giáo dục cho đến vạch ra lộ trình 7 bước, bắt đầu từ việc soạn thảo hiến pháp mới, trưng cầu dân ý về hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử. Nhưng rồi khi công cuộc dân chủ hóa được khởi động, Myanmar đã tiến rất nhanh: bầu cử quốc hội đa đảng, bãi bỏ kiểm duyệt, trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị, kiến tạo nền văn hóa đối thoại và bao dung chính trị trong đó công dân có thể phát biểu chính kiến mà không sợ bị trù dập v.v…

Sự kiện ông Thein Sein công khai ca ngợi lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trên diễn đàn Liên hiệp quốc và được truyền hình trực tiếp ở Myanmar cho người dân chứng kiến đã nói lên rất nhiều về “những bước tiến cụ thể, không đảo ngược được của tiến trình cải cách dân chủ” như lời phát biểu của ông. Với một người được chế độ độc tài đưa lên đỉnh cao quyền lực thì từ bỏ đặc quyền đặc lợi để sát cánh với nhân dân là một lựa chọn vô cùng khó; công khai hòa giải và tán dương đối thủ của mình cũng là điều đáng kính nể ở ông Thein Sein.

Daw Aung San Suu Kyi và U Thein Sein là hai người khổng lồ của thời đại. Dân tộc Myanmar hạnh phúc có hai người con vĩ đại và từ đó có thể tin tưởng vững chắc vào tương lai của đất nước này, tuy hiện còn nghèo khó, gian nan.

 

Box:

Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải – do một số học giả tại Đại học Harvard thành lập, mang tên vị hoàng đế, vị thiền sư sáng lập thiền phái Trúc lâm Yên tử Việt Nam – lần đầu tiên đã được trao cho hai nhà lãnh đạo Myanmar: Tổng thống U Thein Sein và bà Daw Aung San Suu Kyi ngày 21-9 vừa qua.

 

 

Khó xảy ra chiến tranh kinh tế Trung – Nhật

 

Người biểu tình Trung Quốc cố xâm nhập đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh hôm thứ Hai 17-9. Ảnh NYT.

Một cuộc chiến tranh kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ đối với nền kinh tế của hai quốc gia kình chống nhau mà có thể ảnh hưởng tới các nước khác.

Căng thẳng leo thang

Tác động kinh tế của vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang tăng lên nhanh. Từ cuối tuần qua và kéo dài sang tuần này, những cuộc biểu tình chống Nhật đã liên tục xảy ra ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc, có nơi biểu tình biến thành bạo lực khi người dân đập phá các cơ sở kinh tế – thương mại của Nhật, hành hung công dân Nhật. Trên báo chí chính thống của Trung Quốc đã có không ít lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật, cấm vận kinh tế Nhật như là biện pháp đối phó hành động gần đây của Chính phủ Nhật “mua lại” quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trong bài xã luận trên trang nhất, Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc bản hải ngoại cảnh báo Nhật Bản “sẽ mất thêm một ‘thập kỷ mất mát’ và có thể bị đẩy lùi thêm hai thập kỷ” nếu gây chiến tranh kinh tế với Trung Quốc. Trên nhật báo tiếng Anh China Daily, nhà bình luận Jin Baisong – chuyên viên của một viện nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, dự đoán: “Kinh tế Nhật sẽ thiệt hại nghiêm trọng nếu Trung Quốc áp đặt cấm vận. Mất mát của Trung Quốc sẽ tương đối ít”.

Đáp lại, đầu tuần này một số doanh nghiệp Nhật đã tạm thời đóng cửa một số nhà máy và cửa tiệm. Báo Wall Street Journal hôm thứ Hai (17-9) cho biết Công ty Panasonic Corp. đã đóng cửa nhà máy ở thành phố Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông sau khi người biểu tình đập vỡ cửa kính, phá hoại thiết bị và phóng hỏa đốt nhà máy hồi cuối tuần. Nhà sản xuất xe hơi Honda Motor quyết định ngừng sản xuất tại 5 nhà máy, gồm 3 nhà máy tại Quảng Châu và 2 nhà máy tại Vũ Hán. Trong khi đó, Mazda Motor cũng đóng cửa nhà máy tại Nam Kinh trong 4 ngày và Nissan Motor đã ngừng việc sản xuất tại Trung Quốc trong hai ngày. Tập đoàn Canon đã ngừng hoạt động 3 trong 4 nhà máy sản xuất máy ảnh, máy photocopy và máy in. Tập đoàn bán lẻ Fast Retailing Co. – chủ 145 cửa hàng quần áo thương hiệu Uniqlo hôm thứ hai (17-9) đã đóng cửa 16 cửa hàng và đóng cửa tiếp 42 cửa hàng hôm thứ Ba…

Trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, giá cổ phiếu các công ty liên quan tới Nhật Bản đều bị áp lực bán ra; chẳng hạn cổ phiếu của tập đoàn siêu thị Aeon Hồng Kông giảm 5,5% xuống mức thấp nhất trong 7 tháng. Giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc liên doanh với Nhật Bản cũng bị đẩy xuống: trong phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu của công ty xe hơi Dongfeng Motor giảm 7%, của Guangzhou Automobile giảm 4,6%, của công ty mì ăn liền Ajisen giảm 6,7% v.v…

Theo phát ngôn viên của công ty lữ hành lớn nhất Nhật Bản H.I.S., vài ngày gần đây rất nhiều khách du lịch Nhật Bản đã hủy tour đi Trung Quốc hoặc đổi sang nước khác khiến hãng hàng không All Nippon Airways phải hủy nhiều chuyến bay tới Trung Quốc.

Mối quan hệ cộng sinh

Tuy Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản nhưng theo giới phân tích rất khó xảy ra một cuộc chiến tranh kinh tế quy mô lớn giữa hai nước này. Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ là hai nền kinh tế lớn nhất châu Á và có quy mô lớn thứ hai, thứ ba thế giới mà còn “cộng sinh” với nhau rất chặt chẽ. Nếu xảy ra chiến tranh kinh tế, chưa chắc Trung Quốc đã có thể “ít thiệt hại” hơn Nhật Bản như nhận định của báo China Daily dẫn ở trên.

Vốn đầu tư và du khách Nhật Bản mang lại nguồn lợi lớn cho Trung Quốc. Nguồn: WSJ

Nền Trung Quốc dựa rất nhiều vào đầu tư từ Nhật Bản về vốn và công nghệ. Nhật cũng là thị trường lớn thứ ba của hàng hóa Trung Quốc, sau Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu EU. Năm 2011, buôn bán hai chiều giữa Nhật và Trung Quốc lên tới 345 tỉ đô la Mỹ, bằng 9% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc và nhiều hơn tổng giá trị buôn bán giữa Trung Quốc với 4 nước khối BRICS – Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi – cộng với Vương quốc Anh. Năm 2011, các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư vào Trung Quốc 6,3 tỉ đô la Mỹ và từ năm 1996 đến nay đã đầu tư 69 tỉ đô la Mỹ, theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, còn theo số liệu của Chính phủ Nhật, các con số này lần lượt là 12 tỉ đô la và 83 tỉ đô la. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ mới đầu tư vào Nhật 560 triệu đô la Mỹ, không đáng kể so với mức 70 tỉ đô la từ Hoa Kỳ và 94 tỉ đô la từ EU. Đầu tư của Nhật không chỉ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, tạo ra nhiều công việc làm với thu nhập khá mà còn giúp Trung Quốc thủ đắc được nhiều bí quyết công nghệ trong các lĩnh vực xe hơi, điện tử v.v…

Nếu dòng chảy đầu tư từ Nhật bị tắc, chắc chắn Trung Quốc, nhất là công nhân Trung Quốc, sẽ bị thiệt hại nặng. Đó không phải là lựa chọn của Bắc Kinh, nhất là trong thời điểm hiện nay khi kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu xuống dốc, sản xuất đình đốn, nợ xấu gia tăng đe dọa gây bất ổn xã hội.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc với nguồn lao động dồi dào, chi phí rẻ, không chỉ là mảnh đất béo bở để đầu tư kiếm lợi mà còn là thị trường tiêu thụ rộng lớn, mang lại nhiều lợi nhuận cho các tập đoàn. Trong năm 2011, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, buôn bán hai chiều giữa hai nước chiếm 21% tổng kim ngạch ngoại thương của Nhật, nhiều hơn mức 12% với Hoa Kỳ và 9% với Hàn Quốc.

Vì vậy, dù bất đồng giữa hai nước, hai chính phủ có căng thẳng đến đâu, doanh nghiệp Nhật cũng sẽ không dễ dàng từ bỏ thị trường Trung Quốc, nhất là khi kinh tế Nhật vẫn đang hết sức chật vật sau thời gian dài đình đốn và hậu quả của thảm họa kép động đất, sóng thần, hạt nhân năm ngoái. “Trung Quốc không chỉ là một cơ sở sản xuất chính của Canon mà còn là thị trường khổng lồ cho các sản phẩm của chúng tôi”, phát ngôn viên của Canon Inc. cho biết khi thông báo đóng cửa ba nhà máy vào sáng thứ Hai vừa qua, theo Wall Street Journal. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp Nhật đang chuyển hướng đầu tư sang Đông Nam Á khi giá nhân công tại Trung Quốc không còn rẻ nữa và những biến cố trong vài ngày qua có thể thúc đẩy sự chuyển hướng này diễn ra nhanh hơn, theo nhận định của Kyohei Morita, chuyên gia về kinh tế Nhật của quỹ đầu tư Barclays.

Thiệt hại nhiều bên

Thiệt hại từ một cuộc chiến tranh thương mại Trung – Nhật còn lây lan sang các nước khác vì nhiều sản phẩm công nghệ hiện đại – từ máy tính iPad tới xe hơi – ra đời từ sự phân công và kết hợp lao động giữa các nhà máy của Nhật Bản và Trung Quốc, theo đó các công ty Nhật chủ yếu cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc và sản phẩm được tiêu thụ trên toàn cầu. Các nền kinh tế Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia, Đức và Thái Lan đều dựa rất nhiều vào mối quan hệ cộng sinh giữa Nhật và Trung Quốc; nếu quan hệ này bị gián đoạn, nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ trở nên khan hiếm và giá cả sẽ tăng nhanh gây lạm phát.

Chính vì lợi bất cập hại cho cả hai bên, khả năng leo thang xung đột Trung – Nhật là rất khó xảy ra dù Trung Quốc vẫn hung hăng xua hàng ngàn tàu đánh cá ra khu vực đảo tranh chấp và dung dưỡng các hành vi bài Nhật ở trong nước, còn Nhật Bản kiên quyết không nhượng bộ như những lần trước.

Ảnh:

 

Biểu đồ: Vốn đầu tư và du khách Nhật Bản mang lại nguồn lợi lớn cho Trung Quốc. Nguồn: WSJ

 

Thách thức từ Trung Quốc

Robert W. Merry (*)

The National Interest, ngày 21/08/2012

Hoàng Nguyễn dịch

Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ” và Hoa Kỳ phải làm gì để đối phó với thách thức ấy? Bài của Robert W. Merry – tiếp theo bài nghị luận của TNS James Webb mà Bauxite Việt Nam đã giới thiệu (ở đây) – đề xuất những chính sách ngoại giao mà Hoa Kỳ cần thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuy viết cho độc giả là công chúng Hoa Kỳ, những ý kiến và đề xuất chính sách này một lần nữa khẳng định thực tế: vấn đề Biển Đông không phải, và không thể, là chuyện “song phương” giữa Trung Quốc và các nước láng giềng mà là một vấn đề toàn cầu, một tâm điểm trong mối quan hệ giữa các cường quốc và do đó đòi hỏi một giải pháp đa phương mang tầm quốc tế. (ND)

Bài nghị luận mới đây của Thượng nghị sĩ James Webb trên báo Wall Street Journal là lời cảnh báo mạnh mẽ cho người sẽ làm chủ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng sau ngày đăng quang vào tháng Giêng năm tới, cho dù người đó là Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ thứ hai hoặc đối thủ từ đảng Cộng hòa Mitt Romney trong nhiệm kỳ thứ nhất. Ông Webb, đảng Dân chủ bang Virginia, người sẽ rời chiếc ghế ở Thượng viện sau cuộc bầu cử vào tháng 11-2012, đã kêu gọi chú ý tới sự lộng hành tăng nhanh chưa từng thấy của Trung Quốc trong việc đòi hỏi chủ quyền những khu vực rộng bao la ở châu Á, bao gồm 200 hòn đảo (trong nhiều trường hợp chỉ là những núi đá không cư trú được nhưng có ý nghĩa về chiến lược) và hai triệu ki-lô-mét vuông mặt nước.

Ông Webb viết: “Vì tất cả những mục tiêu thực tế đó, Trung Quốc đã đơn phương quyết định thôn tính một khu vực từ lục địa Đông Á trải rộng về phía đông xa tới Philippines và về phía nam gần tới Eo biển Malacca.” Yêu sách lãnh thổ khổng lồ này, bao gồm gần như toàn bộ vùng Biển Đông, xung đột với yêu sách lãnh thổ của các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Nhật Bản và Philippines. Gạt qua một bên những yêu sách đối nghịch này, Trung Quốc đã tạo ra một đơn vị hành chính mới, gọi là “thành phố Tam Sa” đặt trụ sở tại quần đảo Hoàng Sa và có quyền báo cáo trực tiếp với chính phủ trung ương ở Bắc Kinh.

Quần đảo Hoàng Sa cách hơn 200 dặm về phía đông nam điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc và trong nhiều thập niên qua Việt Nam đã mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này. Nhưng giờ đây, quần đảo là nơi đặt văn phòng cho khoảng 45 “dân biểu” Trung Quốc được bổ nhiệm để cai trị thành phố mới, cùng với một ủy ban thường trực 15 thành viên, 1 thị trưởng và 1 phó thị trưởng. “’Thành phố’ mới của Trung Quốc rộng gần gấp đôi tổng diện tích đất liền của Việt Nam, Nam Hàn, Nhật Bản và Philippines cộng lại”, ông Webb viết.

Việc kiểm soát các tuyến đường biển, quyền đánh bắt cá và trữ lượng khoáng sản khổng lồ cũng như vấn đề ai sẽ nắm quyền thống trị chiến lược trong khu vực đều đang bị đe dọa. Có vẻ như Trung Quốc nhất quyết giật khỏi tay Hoa Kỳ quyền thống trị chiến lược ấy để họ có thể trở thành cường quốc thống trị của khu vực. Khả năng của Hoa Kỳ từ trước tới nay trong việc duy trì sự ổn định – và từ đó là sự thịnh vượng – của khu vực sẽ không còn nữa.

Ông Webb không phải là người đầu tiên đưa ra lời cảnh báo như vậy, nhưng bài nghị luận của ông nêu bật một thực tế cốt lõi của tấn kịch đang lộ ra – đúng ra là một tấn kịch đang lộ ra nhanh hơn nhiều so với những gì mà phần lớn người dân Hoa Kỳ nhận thức được. Châu Á đang nhìn để quyết định xem có phải Hoa Kỳ sẽ “làm trọn vai trò khó khăn nhưng cần thiết là người bảo đảm sự ổn định ở Đông Á hay không, liệu khu vực này có sẽ một lần nữa bị thống trị bởi sự hiếu chiến và hăm dọa hay không”, như ông Webb diễn tả.

Trung Quốc ngày nay là một sự thách thức địa chính trị quan trọng nhất mà Hoa Kỳ đang đối mặt. Nhiều năm tháng đã trôi đi kể từ khi Hoa Kỳ lại cần có sự dũng cảm và sáng tạo sắc bén như bây giờ dưới ánh sáng sự thách đố của Bắc Kinh. Do đó, vị tổng thống đăng quang năm tới không chỉ phải đối phó với thách thức này mà ông ta cũng phải chuẩn bị để đất nước sẵn sàng cho thách thức ấy. Điều đó gợi ra một số nhu cầu bức thiết về chính sách.

Rút ra khỏi Afghanistan một cách suôn sẻ: Khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama đã nâng cấp sứ mệnh ở Afghanistan, bao hàm cả một nỗ lực chống bạo loạn, nghĩa là một công cuộc xây dựng quốc gia to lớn. Nhưng kể từ đó, ông đã hạ cấp cái sứ mệnh này theo một quan niệm gọi là “Afghanistan đủ tốt”. Ý nghĩa chính xác là gì thì tổng thống chưa bao giờ nói rõ ra, tuy nhiên ông đã nói rằng, đến cuối năm 2014, Afghanistan sẽ “hoàn toàn chịu trách nhiệm về an ninh của đất nước họ”.

Dưới ánh sáng sự thách thức mang tên Trung Quốc, “Afghanistan đủ tốt” sẽ không đủ tốt nữa. Và một hạn cuối cùng mơ hồ năm 2014, không có thêm lời giải thích rõ ràng về những nỗ lực nào của Hoa Kỳ sẽ được thực hiện tiếp tục sau thời hạn đó, sẽ thiếu đi sự trong sáng về chính sách mà đất nước cần. Trong cuốn sách về chính sách ngoại giao của ông Obama, cuốn “Đối đầu và Che giấu”, nhà báo David E. Sanger của báo New York Times viết rằng một thập niên nữa kể từ hôm nay, du khách thăm viếng Afghanistan sẽ nhìn thấy rất ít dấu vết cuộc thử nghiệm của Hoa Kỳ tại đó – “ngoại trừ những căn cứ và những thiết bị quân sự”. Dù vậy, trong thực tế, Hoa Kỳ không có nhu cầu đặt nhiều căn cứ quân sự ở Afghanistan. Al-Qaeda đã bị quét sạch khỏi khu vực này (dù vẫn là vấn đề ở nơi khác); Taliban không phải là mối đe dọa chính đối với nước Mỹ; người dân Afghanistan sẽ đi con đường của họ như họ đã đi trong nhiều thế kỷ qua bất chấp những nỗ lực chinh phục đất nước họ và Hoa Kỳ cũng không đủ sức duy trì nỗ lực của mình bằng máu, tài sản và sự tập trung.

Dàn hòa với Nga: Trong cuốn sách mới ra gần đây của mình “Sự trả thù của Địa lý”, Robert D. Kaplan viết rằng, sở dĩ Trung Quốc có khả năng triển khai lực lượng ra Thái Bình Dương là vì họ thống trị được các biên giới trên đất liền vùng Trung Á, “từ Mãn Châu Lý (Manchuria) ngược chiều kim đồng hồ đến Tây Tạng”. Ông Kaplan giải thích: “Chỉ đơn giản với cách vươn ra biển theo kiểu hiện nay, Trung Quốc đã thể hiện cái vị trí ưu thế của mình trên đất liền ở trái tim châu Á”. Tuy nhiên, lợi ích của nước Nga không phải là để Trung Quốc thanh thản trên vùng biên giới phía tây của mình, gia tăng ảnh hưởng lên vùng Trung Á và kiểm soát việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quý giá ở đó. Cũng không phải là lợi ích của Hoa Kỳ (hoặc của Nga) khi nhìn thấy Trung Quốc liều lĩnh trong các đòi hỏi lãnh thổ trong Thái Bình Dương chỉ vì Bắc Kinh cảm thấy an toàn trên đất liền.

Như vậy, nếu Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ thì một mối quan hệ vững chắc với Nga lại là một trong những nhu cầu chiến lược lớn nhất. Đã đến lúc Hoa Kỳ bớt đi nỗi khó chịu của mình trước sự cai trị độc tài và tham nhũng tràn lan của Nga. Nước Nga dù gây phiền toái đến mấy thì đó cũng không phải là loại thực thể xấu xa mà Franklin Roosevelt và Winston Churchill đã chung vai sát cánh trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Là một cường quốc khu vực, nước Nga có những quyền lợi khu vực chính đáng; Hoa Kỳ phải công nhận những lợi ích này và tích hợp chúng vào nỗ lực của mình nhằm thiết lập một mối quan hệ bền vững, đôi bên cùng có lợi với nước Nga – một mối quan hệ mà nếu cần có thể trở nên hữu ích trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với Trung Quốc trong tương lai.

Tránh chiến tranh với Iran: Hoa Kỳ hiện đang trên con đường đi tới chiến tranh với Iran và con đường đó lúc đầu được vạch ra bởi Israel – quốc gia đã đưa ra lời đe dọa tấn công đơn phương vào Iran để gia tăng thái độ của Hoa Kỳ chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Cho đến nay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tìm cách buộc ông Obama ngăn cản bất kỳ ý định nào của Hoa Kỳ chấp nhận khả năng Iran có thể có vũ khí hạt nhân (nghĩa là không đưa ra chính sách cản trở). Điều đó để ngỏ vấn đề liệu Hoa Kỳ có nên cho phép – và liệu Iran có chấp nhận – việc làm giàu uranium ở mức độ thấp chỉ dùng cho mục đích hòa bình hay không. Netanyahu chống lại một giải pháp như vậy và chưa rõ điều đó có thể mở đường tiến tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề hay không. Nhưng những biện pháp cấm vận ngặt nghèo hiện hành sẽ không tạo ra được phản ứng mong muốn từ Iran nếu phản ứng đó tỏ ra là một nỗi nhục đối với Iran. Đó là lý do tại sao trong vấn đề này tư duy của Hoa Kỳ nên hướng tới giải pháp làm giàu uranium với mục đích hòa bình, cho dù điều đó có nghĩa là một cuộc tuyệt giao công khai với Netanyahu.

Nhân dân Hoa Kỳ nên tập hợp sau lưng tổng thống trong những tình huống như vậy nếu tổng thống nói thẳng với người dân về những được mất có liên quan. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không nên vướng vào những vụ giễu võ giương oai theo kiểu báo chí, được thấy rõ trên bìa tạp chí The Weekly Standard tuần qua, trên đó in hình nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei dưới dóng tít lớn: “Con người nguy hiểm nhất thế giới”. Mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ đang nằm cách người đàn ông này hàng ngàn dặm. Và Hoa Kỳ cũng không nên tìm kiếm một cuộc đụng độ quân sự với Iran, nếu có thể tránh được, bởi vì một cuộc xung đột như vậy sẽ phá hủy hoàn toàn nền kinh tế thế giới và có thể gây bất ổn lan tràn khắp khu vực.

Không đặt chân lên đất Hồi giáo nữa: Trung Đông đang hỗn loạn và cả khu vực này đang có nguy cơ mất ổn định vì cuộc nội chiến ở Syria. Những biến cố ở đó có thể giáng một đòn nặng nề vào các quyền lợi của Hoa Kỳ, của phương Tây và của đa số các quốc gia công nghiệp còn lại. Một hành động quân sự của Hoa Kỳ thực sự có thể là cần thiết để ổn định khu vực này nhưng Hoa Kỳ nhất thiết phải làm mọi chuyện có thể làm được để tránh một hành động như vậy. Một cuộc can thiệp nữa của Hoa Kỳ vào khu vực này chắc chắn sẽ kích động một phong trào chống đối mạnh mẽ hơn. Nhưng thủ tọa bàng quan cũng không phải là chính sách thích hợp. Tình huống hiện nay đòi hỏi những nỗ lực thầm lặng, sáng tạo và khôn khéo, luôn kết hợp với các thế lực Hồi giáo trong khu vực, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, để tránh những hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra và giữ cho tình hình luôn nằm trong tầm kiểm soát tới mức tối đa. Nên chống lại mạnh mẽ các áp lực đòi Hoa Kỳ phải can dự vào Syria trên cơ sở nhân đạo.

Nhu cầu tăng trưởng kinh tế: Obama chưa phải là vị tổng thống thành công trong lĩnh vực kinh tế. Tăng trưởng kinh tế diễn ra khá èo uột trong gần hết nhiệm kỳ tổng thống của ông. Thực trạng này cần được thay đổi ngay lập tức. Nhưng xử lý vấn đề tăng trưởng mà không làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công rất đáng ngại của đất nước lại không phải là chuyện dễ. Đó là lý do tại sao nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp cần phải được dành hẳn một cách cần mẫn cho cuộc cải tổ toàn diện về ngân sách và tài khóa, được thiết kế để xử lý vấn đề chi tiêu ngoài tầm kiểm soát của liên bang trong lúc thúc đẩy hoạt động kinh tế và tăng trưởng. Chương trình cải tổ tài khóa sẽ phải được kết hợp với một chương trình cải tổ toàn diện về thuế khóa, giảm thuế suất đồng thời xóa bỏ một số lượng lớn các ưu đãi về thuế, bao gồm những ưu đãi mà nhiều thập niên qua vẫn được coi là những con bò thiêng không ai đụng đến được. Chỉ bằng cách khôi phục sự lành mạnh về tài khóa thì đất nước mới có thể đương đầu với những thách thức to lớn như kiểu thách thức đang hiển hiện lù lù ở châu Á. Nhưng tất cả những chuyện này đòi hỏi sự lãnh đạo của tổng thống phải được ủng hộ rộng rãi, một kiểu lãnh đạo mà đã lâu chúng ta chưa nhìn thấy.

Như bài báo của ông Webb trên báo Wall Street Journal đã làm rõ, ông Obama đã khôn ngoan khi khởi xướng cuộc “chuyển hướng” sang châu Á. Nhưng sẽ không đủ nếu chỉ chuyển dịch trọng tâm, tiến hành qua loa chính sách ngoại giao châu Á và đưa ra những lời tuyên bố. Như ông Webb đã viết, “Vấn đề là liệu Trung Quốc năm 2012 có thực sự mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận hay không, và liệu Hoa Kỳ năm 2012 có ý chí và khả năng để nhấn mạnh rằng, giải pháp này là con đường duy nhất đi tới ổn định hay không”.

Nói một cách chính xác, Hoa Kỳ sẽ đáp ứng thách thức này như thế nào vẫn còn là một vấn đề bỏ ngỏ. Nó cần có một đường lối ngoại giao khôn khéo, sáng tạo, linh hoạt và cứng rắn, hòa trộn với sự cương quyết và sự hiểu biết rõ ràng về những được mất liên quan. Nhưng nó cũng đòi hỏi sự thừa nhận rằng Hoa Kỳ phải tập trung vào những ưu tiên, phải chấp nhận rằng mình không thể làm mọi việc ở mọi nơi trên thế giới và phải tránh bị xao lãng trong lúc đối mặt những thử thách nặng nề nhất bằng đôi mắt tỉnh táo. Trong những ngày tháng này, trong những thử thách đó, không thử thách nào nặng nề hơn Trung Quốc.

(*) Robert W. Merry là chủ bút tạp chí The National Interest và tác giả của nhiều tập sách về lịch sử và chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Cuốn sách gần đây nhất của ông là: “Họ đứng ở đâu: Các tổng thống Mỹ trong mắt của cử tri và sử gia”.

Nguồn:http://nationalinterest.org/commentary/the-china-challenge-7372?page=show