Ngày về của Karl Marx

(Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 195 của Karl Marx (1818-1883):

Image“Vào ngày 14 tháng Ba (năm 1883), lúc ba giờ kém mười lăm chiều, nhà tư tưởng vĩ đại nhất đã ngừng suy nghĩ. Ông ngồi một mình trong hai phút đồng hồ và khi chúng tôi quay lại, chúng tôi thấy ông vẫn ngồi trong ghế bành, bình thản đi vào giấc ngủ – ngàn thu”. Đó là giây phút cuối cùng của Karl Marx, qua lời kể của F. Engels, bạn chiến đấu và thân thiết nhất của ông, người luôn coi Marx là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất”. Vài hôm sau, ngày 17/3, tang lễ của ông diễn ra trong thầm lặng, chỉ có khoảng mười người thân quen đưa ông đến nghĩa trang Highgate ở ngoại ô London nước Anh.

Karl Marx đã qua đời như một người lưu vong, không tổ quốc, nhưng tư tưởng của ông về cách mạng vô sản đã không đi cùng ông xuống mồ mà trái lại, đã dẫn dắt thế giới vào những cuộc biến động long trời lở đất suốt một thế kỷ sau và tiếp tục ảnh hưởng tới con đường đi của thế giới ngày nay.

*

Vài thập niên trước, nhiều người tin rằng, Karl Marx đã thực sự nhắm mắt xuôi tay khi học thuyết của ông về cách mạng vô sản, về mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp như là động lực của lịch sử, đã bị vùi lấp trong cuộc chạy đua làm giàu diễn ra khắp thế giới. Khi Liên xô – thành trì của chủ nghĩa xã hội, sụp đổ và vỡ vụn, và Trung Quốc thực hiện “đại nhảy vọt” vào chủ nghĩa tư bản, có nhà nghiên cứu phương Tây đã tuyên bố: “Karl Marx đã được chôn cất”.

Có vẻ như chính chủ nghĩa tư bản, chứ không phải chủ nghĩa cộng sản, đã góp phần hiện thực hóa giấc mơ của Karl Marx cách đây gần hai thế kỷ: tự do thương mại và đầu tư, toàn cầu hóa kinh tế, đã cung cấp cho mọi người nhiều cơ hội để trở nên giàu có, thoát khỏi kiếp làm thuê, bán sức lao động cho các ông chủ tư bản. Châu Á chẳng hạn, trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, đã đạt được một thành tích xóa đói giảm nghèo có lẽ là ấn tượng nhất trong lịch sử loài người nhờ vào chính những công cụ của chủ nghĩa tư bản.

Thế nhưng, những cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính liên tục xảy ra với quy mô ngày càng nghiêm trọng từ năm 1997 đến nay lại khiến người ta nhớ tới Karl Marx và những lời buộc tội của ông đối với chủ nghĩa tư bản. Marx đưa ra lý thuyết rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ làm bần cùng hóa quần chúng khi của cải của thế giới bị tập trung vào tay của một thiểu số tham lam, gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và làm gia tăng xung đột giữa người giàu với giai cấp lao động. “Tích lũy của cải vào cực này thì cũng đồng thời tích lũy vào cực kia niềm đau khổ, nỗi thù hận lao động nặng nhọc, tình trạng nô lệ, sự ngu dốt, dã man và sự xuống cấp về tinh thần”, Marx đã viết như thế.

*

Có nhiều bằng chứng cho thấy có lẽ Karl Marx đã đúng: người giàu đang trở nên giàu hơn trong khi người nghèo càng nghèo hơn. Hãy xem nước Mỹ – trường hợp điển hình nhất của chủ nghĩa tư bản. Một nghiên cứu hồi tháng 9-2012 của Viện Chính sách kinh tế (EPI) ở Washington lưu ý rằng mức trung vị (median) thu nhập hàng năm của một người lao động là nam giới, làm việc toàn thời gian, năm 2011 là 48.022 USD, thấp hơn mức năm 1973. Trong thời gian từ 1983 đến 2010, 74% sự gia tăng về tài sản ở Mỹ rơi vào tay 5% dân số là những người giàu nhất, trong khi tài sản của 60% dân số là người nghèo thì bị suy giảm, theo tính toán của EPI.

Xu thế tích lũy của cải vào một nhóm nhỏ trong xã hội đã đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, làm gia tăng sự bất công, căng thẳng và xung đột xã hội. Tình trạng bất công càng lan rộng thì lời tiên đoán của Marx càng tỏ ra đúng: mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp đang xuất hiện trở lại trong xã hội: người lao động khắp thế giới đang tỏ ra giận dữ với trật tự hiện hành và đòi phải được chia phần công bằng hơn trong chiếc bánh kinh tế toàn cầu. Đấu tranh đang diễn ra từng ngày trong các nghị trường ở Mỹ, châu Âu, trên các đường phố ở Hy Lạp, Tây Ban Nha chung quanh những vấn đề việc làm, thu nhập và chính sách xã hội, trong các xưởng máy ở Bangladesh, Trung Quốc chung quanh chuyện tăng lương, giảm giờ làm, bảo đảm an toàn cho người lao động.

Ngay tại nước Mỹ, căng thẳng giữa các giai tầng về kinh tế đang gia tăng, xã hội bị chia rẽ giữa đa số 99% (have-nots – người dân bình thường cố gắng để sống) và 1% (“haves” – những người giàu và cực giàu nhờ đặc quyền và quan hệ, mỗi ngày một giàu hơn). Trong một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành năm ngoái, có hai phần ba số người được hỏi ý kiến tin rằng nước Mỹ đang khốn khổ vì mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo ở mức độ “nghiêm trọng” và “rất nghiêm trọng”, tăng 19% so với kết quả khảo sát năm 2009 và mâu thuẫn giàu-nghèo được coi là mối phân liệt lớn nhất trong xã hội.

Sự chia rẽ này đang thống trị nền chính trị Mỹ. Những cuộc thương lượng về giải pháp giảm thâm hụt ngân sách chẳng hạn, đã thực sự biến thành cuộc đấu tranh giai cấp trên chính trường Mỹ. Khi tổng thống Barack Obama đề nghị tăng thuế thu nhập của những người giàu, có thu nhập hàng năm trên 250.000 đô la Mỹ, để giúp cân bằng ngân sách quốc gia, những chính trị gia bảo thủ đã lập tức lên án ông tiến hành “chiến tranh giai cấp” chống lại người giàu. Đảng Cộng hòa bảo thủ cũng phát động cuộc “chiến tranh giai cấp” của họ khi kiên quyết chuyển gánh nặng ngân sách lên vai người nghèo và tầng lớp trung lưu bằng cách cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội. Trong cuộc tranh cử cuối năm 2012 vừa qua, ông Obama đã không ít lần tố cáo những người Cộng hòa “vô cảm” với các tầng lớp lao động trong xã hội Mỹ.

Ở Pháp – nền kinh tế lớn nhất nhì châu Âu – cuộc đấu tranh giai cấp mới còn rõ ràng hơn nữa. Tổng thống Francois Hollande, thuộc đảng Xã hội, đã từng nói thẳng: “Tôi không thích người giàu”. Nhiều người Pháp, đau khổ vì khủng hoảng tài chính, cắt giảm ngân sách làm cho hố ngăn cách giàu-nghèo càng rộng ra, đã bỏ phiếu cho ông Hollande, ủng hộ chủ trương lấy bớt của cải của người giàu để duy trì nhà nước phúc lợi của Pháp. Để không phải thực thi những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm cân bằng ngân sách như các nhà lãnh đạo châu Âu khác, tổng thống Hollande đã chọn cách tăng thuế lên người giàu, có tài sản trên 1,2 triệu euro và đề xuất thuế suất thuế thu nhập cao nhất lên tới 75%. Đề xuất của ông đã bị Hội đồng Hiến pháp của Pháp bác bỏ nhưng có những dấu hiệu cho thấy ông Hollande vẫn tiếp tục tìm cách thực hiện lời cam kết với cử tri là cải tổ cách phân phối thu nhập, khắc phục những bất công có khả năng gây bất ổn xã hội.

Nhưng có lẽ Trung Quốc – một đất nước theo chủ nghĩa xã hội nhưng thực tế đã quay lưng với Karl Marx – mới là nơi có khoảng cách giàu-nghèo rộng nhất và doãng ra nhanh nhất. Từ một xã hội tương đối bình đẳng và nghèo khó thời Mao Trạch Đông, sau vài thập niên mở cửa làm ăn, nhờ tận dụng những thời cơ do toàn cầu hóa mang lại và khai thác tính năng động của khối dân số đông nhất thế giới – Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng trong thời gian này, tính chất bình đẳng của xã hội Trung Quốc trước đây cũng nhanh chóng bị thay thế bởi sự phân liệt giữa một nhóm nhỏ những người cực giàu và đông đảo các tầng lớp lao động ở nông thôn, lao động di cư ở các đô thị. Bất bình đẳng xã hội, đo bằng chỉ số Gini, ở Trung Quốc thuộc loại cao nhất thế giới. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Pew cũng ghi nhận có tới hơn một nửa số người Trung Quốc được hỏi ý kiến cho rằng khoảng cách giàu-nghèo là vấn đề nghiêm trọng, có 8 trong 10 người đồng ý rằng ở Trung Quốc, người giàu ngày càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo đi.

Chính thực tế bất công này đã kích hoạt các cuộc biểu tình phản đối ở Trung Quốc – mà ngôn ngữ của chính quyền gọi là “biến cố đông người”. Khó có thể thống kê đầy đủ tình trạng tranh chấp chủ-thợ diễn ra ở Trung Quốc nhưng các chuyên gia đều cho rằng có thể lên tới hàng ngàn vụ mỗi năm. Một thế hệ người lao động mới của Trung Quốc, có thông tin đầy đủ hơn cha anh họ nhờ mạng Internet, đã trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

*

Sau khi xác định bản chất cố hữu của hệ thống tư bản chủ nghĩa là bất công, Karl Marx tiên đoán giai cấp vô sản sẽ đoàn kết lại và lật đổ hệ thống này, thay thế nó bằng một xã hội mới, xã hội chủ nghĩa, tốt đẹp hơn; “chuyên chính tư sản” phải được thay bằng “chuyên chính vô sản”.

Trong “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản” xuất bản năm 1848, Marx từng khẳng định “Những người Cộng sản công khai tuyên bố rằng chỉ có thể đạt được các mục tiêu của mình thông qua việc lật đổ bằng bạo lực toàn bộ các điều kiện xã hội hiện hành” và “Giai cấp vô sản không có gì để mất ngoài xiềng xích”. Ngọn lửa cách mạng, theo Marx, sẽ bùng cháy khi người lao động vô sản đoàn kết, liên hiệp lại chung quanh những quyền lợi chung của giai cấp mình. Câu khẩu hiệu lừng danh, được khắc trên bia mộ của ông, “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” đã trở thành lời hiệu triệu của tất cả các đảng cộng sản và công nhân toàn thế giới suốt thế kỷ 20.

Thế nhưng, dường như “đoàn kết” (để đấu tranh) là “đức tính” khá yếu ớt của tầng lớp lao động hiện đại. Công nhân lao động có thể cùng đối mặt với những vấn đề giống nhau: thất nghiệp, thu nhập thấp, điều kiện làm việc khắc nghiệt… nhưng dường như họ vẫn không liên hiệp với nhau để giải quyết những vấn đề đó. Phong trào “Chiếm phố Wall” sôi nổi một thời ở bên Mỹ rồi cũng tan biến mà chẳng để lại dấu ấn gì. Các cuộc biểu tình rầm rộ ở châu Âu chẳng hạn dường như không nhắm tới mục tiêu lâu dài, càng không nhằm lật đổ “bằng bạo lực” cái trật tự xã hội hiện tồn. Jacques Rancière, giáo sư triết học Marxism của Đại học Paris, Pháp, lưu ý rằng người biểu tình hiện thời không đặt mục tiêu thay thế chủ nghĩa tư bản mà chỉ cải tổ nó. “Chúng tôi không thấy các giai cấp phản kháng kêu gọi lật đổ hoặc thủ tiêu các hệ thống chính trị-xã hội hiện tồn. Ngày nay, xung đột giai cấp chỉ sản sinh ra những lời kêu gọi cải tổ hệ thống bằng cách tái phân phối nguồn của cải tạo ra để hệ thống trở nên linh hoạt hơn, bền vững hơn trong dài hạn”, ông Rancière nói.

Ngay cả ở Trung Quốc, dưới sự cai trị của đảng cộng sản nhưng các ông chủ tư bản vẫn được trọng vọng hơn người lao động. Để xoa dịu nỗi bất mãn của người lao động, đảng và Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp như tăng mức lương tối thiểu để tăng thu nhập của công nhân, sửa luật lao động để nhà máy khó sa thải công nhân hơn v.v… nhưng né tránh những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm tái lập công bằng xã hội, chẳng hạn như triệt tiêu nạn tham nhũng. Ngay cả việc lập ra những tổ chức nghiệp đoàn độc lập với giới chủ và với chính quyền để thật sự đại diện cho quyền lợi của người lao động cũng bị cấm đoán gắt gao.

Khách quan mà nói, nỗi bất mãn với sự bất công của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã giúp phục hồi thế lực của xu thế chính trị thiên tả ở các nước phương Tây, sau hơn 30 năm thống trị bởi các chính trị gia cánh hữu như tổng thống Ronald Reagan và thủ tướng Margaret Thatcher (xem thêm “Sự trở lại của cánh tả” – TBKTSG số 43/2011, tại đây). Nhưng các chính phủ của ông Obama và ông Hollande không có ý định xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Mỹ và Pháp, càng không muốn thay thế “chuyên chính tư sản” bằng “chuyên chính vô sản” như mong muốn của Karl Marx.

Dù sao, đã hơn 160 năm trôi qua từ ngày Marx đưa ra những ý niệm ban đầu về đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa cộng sản. Thực tế lịch sử đã không như Marx tiên đoán, và chủ nghĩa tư bản, dù vẫn bất công và thối nát, nhưng không còn là thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã tàn bạo như thời Marx sống. “Bạo lực” cũng không còn là phương thức duy nhất mà người lao động lựa chọn để thay đổi số phận của giai cấp, của chính mình. Nhiều người vin vào thực tế này để tuyên bố rằng chủ nghĩa Marx đã chết.

Tuy nhiên trong những ngày khốn khó vì khủng hoảng kinh tế-tài chính, vì thất nghiệp, vật giá leo thang, người ta lại căm giận người giàu, căm giận cái hệ thống xã hội bất công và nhớ tới Karl Marx cùng tấm lòng ưu thời mẫn thế của ông. Marx không chỉ chẩn đoán ra những khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản mà còn dự liệu kết quả của những khiếm khuyết ấy. Nếu các chính trị gia hiện đại không tìm ra được phương cách nào hữu hiệu để tái lập sự công bằng về cơ hội kinh tế giữa các giai cấp thì biết đâu, tức nước vỡ bờ, người lao động lại sẽ phải “liên hiệp lại” như lời tiên tri của Karx Marx?

Bình luận về bài viết này