Ngày về của Karl Marx

(Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 195 của Karl Marx (1818-1883):

Image“Vào ngày 14 tháng Ba (năm 1883), lúc ba giờ kém mười lăm chiều, nhà tư tưởng vĩ đại nhất đã ngừng suy nghĩ. Ông ngồi một mình trong hai phút đồng hồ và khi chúng tôi quay lại, chúng tôi thấy ông vẫn ngồi trong ghế bành, bình thản đi vào giấc ngủ – ngàn thu”. Đó là giây phút cuối cùng của Karl Marx, qua lời kể của F. Engels, bạn chiến đấu và thân thiết nhất của ông, người luôn coi Marx là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất”. Vài hôm sau, ngày 17/3, tang lễ của ông diễn ra trong thầm lặng, chỉ có khoảng mười người thân quen đưa ông đến nghĩa trang Highgate ở ngoại ô London nước Anh.

Karl Marx đã qua đời như một người lưu vong, không tổ quốc, nhưng tư tưởng của ông về cách mạng vô sản đã không đi cùng ông xuống mồ mà trái lại, đã dẫn dắt thế giới vào những cuộc biến động long trời lở đất suốt một thế kỷ sau và tiếp tục ảnh hưởng tới con đường đi của thế giới ngày nay.

*

Vài thập niên trước, nhiều người tin rằng, Karl Marx đã thực sự nhắm mắt xuôi tay khi học thuyết của ông về cách mạng vô sản, về mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp như là động lực của lịch sử, đã bị vùi lấp trong cuộc chạy đua làm giàu diễn ra khắp thế giới. Khi Liên xô – thành trì của chủ nghĩa xã hội, sụp đổ và vỡ vụn, và Trung Quốc thực hiện “đại nhảy vọt” vào chủ nghĩa tư bản, có nhà nghiên cứu phương Tây đã tuyên bố: “Karl Marx đã được chôn cất”.

Có vẻ như chính chủ nghĩa tư bản, chứ không phải chủ nghĩa cộng sản, đã góp phần hiện thực hóa giấc mơ của Karl Marx cách đây gần hai thế kỷ: tự do thương mại và đầu tư, toàn cầu hóa kinh tế, đã cung cấp cho mọi người nhiều cơ hội để trở nên giàu có, thoát khỏi kiếp làm thuê, bán sức lao động cho các ông chủ tư bản. Châu Á chẳng hạn, trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, đã đạt được một thành tích xóa đói giảm nghèo có lẽ là ấn tượng nhất trong lịch sử loài người nhờ vào chính những công cụ của chủ nghĩa tư bản.

Thế nhưng, những cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính liên tục xảy ra với quy mô ngày càng nghiêm trọng từ năm 1997 đến nay lại khiến người ta nhớ tới Karl Marx và những lời buộc tội của ông đối với chủ nghĩa tư bản. Marx đưa ra lý thuyết rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ làm bần cùng hóa quần chúng khi của cải của thế giới bị tập trung vào tay của một thiểu số tham lam, gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và làm gia tăng xung đột giữa người giàu với giai cấp lao động. “Tích lũy của cải vào cực này thì cũng đồng thời tích lũy vào cực kia niềm đau khổ, nỗi thù hận lao động nặng nhọc, tình trạng nô lệ, sự ngu dốt, dã man và sự xuống cấp về tinh thần”, Marx đã viết như thế.

*

Có nhiều bằng chứng cho thấy có lẽ Karl Marx đã đúng: người giàu đang trở nên giàu hơn trong khi người nghèo càng nghèo hơn. Hãy xem nước Mỹ – trường hợp điển hình nhất của chủ nghĩa tư bản. Một nghiên cứu hồi tháng 9-2012 của Viện Chính sách kinh tế (EPI) ở Washington lưu ý rằng mức trung vị (median) thu nhập hàng năm của một người lao động là nam giới, làm việc toàn thời gian, năm 2011 là 48.022 USD, thấp hơn mức năm 1973. Trong thời gian từ 1983 đến 2010, 74% sự gia tăng về tài sản ở Mỹ rơi vào tay 5% dân số là những người giàu nhất, trong khi tài sản của 60% dân số là người nghèo thì bị suy giảm, theo tính toán của EPI.

Xu thế tích lũy của cải vào một nhóm nhỏ trong xã hội đã đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, làm gia tăng sự bất công, căng thẳng và xung đột xã hội. Tình trạng bất công càng lan rộng thì lời tiên đoán của Marx càng tỏ ra đúng: mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp đang xuất hiện trở lại trong xã hội: người lao động khắp thế giới đang tỏ ra giận dữ với trật tự hiện hành và đòi phải được chia phần công bằng hơn trong chiếc bánh kinh tế toàn cầu. Đấu tranh đang diễn ra từng ngày trong các nghị trường ở Mỹ, châu Âu, trên các đường phố ở Hy Lạp, Tây Ban Nha chung quanh những vấn đề việc làm, thu nhập và chính sách xã hội, trong các xưởng máy ở Bangladesh, Trung Quốc chung quanh chuyện tăng lương, giảm giờ làm, bảo đảm an toàn cho người lao động.

Ngay tại nước Mỹ, căng thẳng giữa các giai tầng về kinh tế đang gia tăng, xã hội bị chia rẽ giữa đa số 99% (have-nots – người dân bình thường cố gắng để sống) và 1% (“haves” – những người giàu và cực giàu nhờ đặc quyền và quan hệ, mỗi ngày một giàu hơn). Trong một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành năm ngoái, có hai phần ba số người được hỏi ý kiến tin rằng nước Mỹ đang khốn khổ vì mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo ở mức độ “nghiêm trọng” và “rất nghiêm trọng”, tăng 19% so với kết quả khảo sát năm 2009 và mâu thuẫn giàu-nghèo được coi là mối phân liệt lớn nhất trong xã hội.

Sự chia rẽ này đang thống trị nền chính trị Mỹ. Những cuộc thương lượng về giải pháp giảm thâm hụt ngân sách chẳng hạn, đã thực sự biến thành cuộc đấu tranh giai cấp trên chính trường Mỹ. Khi tổng thống Barack Obama đề nghị tăng thuế thu nhập của những người giàu, có thu nhập hàng năm trên 250.000 đô la Mỹ, để giúp cân bằng ngân sách quốc gia, những chính trị gia bảo thủ đã lập tức lên án ông tiến hành “chiến tranh giai cấp” chống lại người giàu. Đảng Cộng hòa bảo thủ cũng phát động cuộc “chiến tranh giai cấp” của họ khi kiên quyết chuyển gánh nặng ngân sách lên vai người nghèo và tầng lớp trung lưu bằng cách cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội. Trong cuộc tranh cử cuối năm 2012 vừa qua, ông Obama đã không ít lần tố cáo những người Cộng hòa “vô cảm” với các tầng lớp lao động trong xã hội Mỹ.

Ở Pháp – nền kinh tế lớn nhất nhì châu Âu – cuộc đấu tranh giai cấp mới còn rõ ràng hơn nữa. Tổng thống Francois Hollande, thuộc đảng Xã hội, đã từng nói thẳng: “Tôi không thích người giàu”. Nhiều người Pháp, đau khổ vì khủng hoảng tài chính, cắt giảm ngân sách làm cho hố ngăn cách giàu-nghèo càng rộng ra, đã bỏ phiếu cho ông Hollande, ủng hộ chủ trương lấy bớt của cải của người giàu để duy trì nhà nước phúc lợi của Pháp. Để không phải thực thi những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm cân bằng ngân sách như các nhà lãnh đạo châu Âu khác, tổng thống Hollande đã chọn cách tăng thuế lên người giàu, có tài sản trên 1,2 triệu euro và đề xuất thuế suất thuế thu nhập cao nhất lên tới 75%. Đề xuất của ông đã bị Hội đồng Hiến pháp của Pháp bác bỏ nhưng có những dấu hiệu cho thấy ông Hollande vẫn tiếp tục tìm cách thực hiện lời cam kết với cử tri là cải tổ cách phân phối thu nhập, khắc phục những bất công có khả năng gây bất ổn xã hội.

Nhưng có lẽ Trung Quốc – một đất nước theo chủ nghĩa xã hội nhưng thực tế đã quay lưng với Karl Marx – mới là nơi có khoảng cách giàu-nghèo rộng nhất và doãng ra nhanh nhất. Từ một xã hội tương đối bình đẳng và nghèo khó thời Mao Trạch Đông, sau vài thập niên mở cửa làm ăn, nhờ tận dụng những thời cơ do toàn cầu hóa mang lại và khai thác tính năng động của khối dân số đông nhất thế giới – Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng trong thời gian này, tính chất bình đẳng của xã hội Trung Quốc trước đây cũng nhanh chóng bị thay thế bởi sự phân liệt giữa một nhóm nhỏ những người cực giàu và đông đảo các tầng lớp lao động ở nông thôn, lao động di cư ở các đô thị. Bất bình đẳng xã hội, đo bằng chỉ số Gini, ở Trung Quốc thuộc loại cao nhất thế giới. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Pew cũng ghi nhận có tới hơn một nửa số người Trung Quốc được hỏi ý kiến cho rằng khoảng cách giàu-nghèo là vấn đề nghiêm trọng, có 8 trong 10 người đồng ý rằng ở Trung Quốc, người giàu ngày càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo đi.

Chính thực tế bất công này đã kích hoạt các cuộc biểu tình phản đối ở Trung Quốc – mà ngôn ngữ của chính quyền gọi là “biến cố đông người”. Khó có thể thống kê đầy đủ tình trạng tranh chấp chủ-thợ diễn ra ở Trung Quốc nhưng các chuyên gia đều cho rằng có thể lên tới hàng ngàn vụ mỗi năm. Một thế hệ người lao động mới của Trung Quốc, có thông tin đầy đủ hơn cha anh họ nhờ mạng Internet, đã trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

*

Sau khi xác định bản chất cố hữu của hệ thống tư bản chủ nghĩa là bất công, Karl Marx tiên đoán giai cấp vô sản sẽ đoàn kết lại và lật đổ hệ thống này, thay thế nó bằng một xã hội mới, xã hội chủ nghĩa, tốt đẹp hơn; “chuyên chính tư sản” phải được thay bằng “chuyên chính vô sản”.

Trong “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản” xuất bản năm 1848, Marx từng khẳng định “Những người Cộng sản công khai tuyên bố rằng chỉ có thể đạt được các mục tiêu của mình thông qua việc lật đổ bằng bạo lực toàn bộ các điều kiện xã hội hiện hành” và “Giai cấp vô sản không có gì để mất ngoài xiềng xích”. Ngọn lửa cách mạng, theo Marx, sẽ bùng cháy khi người lao động vô sản đoàn kết, liên hiệp lại chung quanh những quyền lợi chung của giai cấp mình. Câu khẩu hiệu lừng danh, được khắc trên bia mộ của ông, “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” đã trở thành lời hiệu triệu của tất cả các đảng cộng sản và công nhân toàn thế giới suốt thế kỷ 20.

Thế nhưng, dường như “đoàn kết” (để đấu tranh) là “đức tính” khá yếu ớt của tầng lớp lao động hiện đại. Công nhân lao động có thể cùng đối mặt với những vấn đề giống nhau: thất nghiệp, thu nhập thấp, điều kiện làm việc khắc nghiệt… nhưng dường như họ vẫn không liên hiệp với nhau để giải quyết những vấn đề đó. Phong trào “Chiếm phố Wall” sôi nổi một thời ở bên Mỹ rồi cũng tan biến mà chẳng để lại dấu ấn gì. Các cuộc biểu tình rầm rộ ở châu Âu chẳng hạn dường như không nhắm tới mục tiêu lâu dài, càng không nhằm lật đổ “bằng bạo lực” cái trật tự xã hội hiện tồn. Jacques Rancière, giáo sư triết học Marxism của Đại học Paris, Pháp, lưu ý rằng người biểu tình hiện thời không đặt mục tiêu thay thế chủ nghĩa tư bản mà chỉ cải tổ nó. “Chúng tôi không thấy các giai cấp phản kháng kêu gọi lật đổ hoặc thủ tiêu các hệ thống chính trị-xã hội hiện tồn. Ngày nay, xung đột giai cấp chỉ sản sinh ra những lời kêu gọi cải tổ hệ thống bằng cách tái phân phối nguồn của cải tạo ra để hệ thống trở nên linh hoạt hơn, bền vững hơn trong dài hạn”, ông Rancière nói.

Ngay cả ở Trung Quốc, dưới sự cai trị của đảng cộng sản nhưng các ông chủ tư bản vẫn được trọng vọng hơn người lao động. Để xoa dịu nỗi bất mãn của người lao động, đảng và Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp như tăng mức lương tối thiểu để tăng thu nhập của công nhân, sửa luật lao động để nhà máy khó sa thải công nhân hơn v.v… nhưng né tránh những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm tái lập công bằng xã hội, chẳng hạn như triệt tiêu nạn tham nhũng. Ngay cả việc lập ra những tổ chức nghiệp đoàn độc lập với giới chủ và với chính quyền để thật sự đại diện cho quyền lợi của người lao động cũng bị cấm đoán gắt gao.

Khách quan mà nói, nỗi bất mãn với sự bất công của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã giúp phục hồi thế lực của xu thế chính trị thiên tả ở các nước phương Tây, sau hơn 30 năm thống trị bởi các chính trị gia cánh hữu như tổng thống Ronald Reagan và thủ tướng Margaret Thatcher (xem thêm “Sự trở lại của cánh tả” – TBKTSG số 43/2011, tại đây). Nhưng các chính phủ của ông Obama và ông Hollande không có ý định xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Mỹ và Pháp, càng không muốn thay thế “chuyên chính tư sản” bằng “chuyên chính vô sản” như mong muốn của Karl Marx.

Dù sao, đã hơn 160 năm trôi qua từ ngày Marx đưa ra những ý niệm ban đầu về đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa cộng sản. Thực tế lịch sử đã không như Marx tiên đoán, và chủ nghĩa tư bản, dù vẫn bất công và thối nát, nhưng không còn là thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã tàn bạo như thời Marx sống. “Bạo lực” cũng không còn là phương thức duy nhất mà người lao động lựa chọn để thay đổi số phận của giai cấp, của chính mình. Nhiều người vin vào thực tế này để tuyên bố rằng chủ nghĩa Marx đã chết.

Tuy nhiên trong những ngày khốn khó vì khủng hoảng kinh tế-tài chính, vì thất nghiệp, vật giá leo thang, người ta lại căm giận người giàu, căm giận cái hệ thống xã hội bất công và nhớ tới Karl Marx cùng tấm lòng ưu thời mẫn thế của ông. Marx không chỉ chẩn đoán ra những khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản mà còn dự liệu kết quả của những khiếm khuyết ấy. Nếu các chính trị gia hiện đại không tìm ra được phương cách nào hữu hiệu để tái lập sự công bằng về cơ hội kinh tế giữa các giai cấp thì biết đâu, tức nước vỡ bờ, người lao động lại sẽ phải “liên hiệp lại” như lời tiên tri của Karx Marx?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: TPP và động lực cải cách kinh tế

Với sự tham gia của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) sẽ có 12 thành viên, tổng sản lượng hàng năm 27.000 tỉ đô la Mỹ, bằng 40% GDP toàn cầu. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ thị trường khổng lồ này nếu biết tận dụng tư cách thành viên TPP để đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế.

Sau ba năm làm việc, đàm phán TPP đã hoàn tất vòng thứ 16 tại Singapore hồi giữa tháng trước và đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 17 tại Peru xoay quanh vấn đề cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng nông sản và dệt may. Mặc dù có diễn biến mới là hôm 15-3 Nhật Bản chính thức đề nghị được tham gia TPP song các quan chức vẫn hy vọng những nội dung cơ bản của Hiệp định sẽ được các nhà lãnh đạo các nước thành viên thông qua tại kỳ họp thượng đỉnh ở Bali, Indonesia vào tháng 10 tới.

Theo quy định, Nhật Bản, cũng như Canada và Mexico mới gia nhập năm ngoái, phải chấp nhận hoàn toàn các điều khoản mà các thành viên cũ của TPP đã thỏa thuận được và chỉ tham gia đàm phán những vấn đề chưa có kết luận cuối cùng. Vì thế, theo giới phân tích, ít có khả năng việc tham gia của Nhật sẽ làm chậm tiến trình đàm phán TPP.

Lợi ích của Việt Nam với tư cách thành viên chính thức của TPP từ rất sớm (tháng 11-2010) đã được giới chuyên gia và báo chí bàn tới rất nhiều. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 1-4 dẫn nhận định của giáo sư Peter A. Petri, Đại học Brandeis (Mỹ) ước tính GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 26,2 tỉ đô la Mỹ, tương đương 7,7% từ nay đến năm 2025 và con số này sẽ tăng lên thành 35,7 tỉ đô la Mỹ và 10,5% GDP nếu Nhật chính thức tham gia TPP. “Việt Nam đang ở vị trí tốt nhất để tận dụng lợi thế TPP,” ông nói tại một cuộc hội thảo về TPP do Bộ Công thương tổ chức gần đây.

Nhưng TPP không chỉ là một hiệp định tự do thương mại (FTA) thông thường và lợi ích của nó không chỉ là giá trị kim ngạch buôn bán tăng thêm. Một chuyên gia tham gia đàm phán cho rằng trong 26 chương của hiệp định chỉ có 5 chương liên quan trực tiếp tới thương mại như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…còn lại là những vấn đề về cơ cấu kinh tế như quy định về luân chuyển vốn, tranh tụng giữa doanh nghiệp và nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, trao đổi qua biên giới quốc gia các dữ liệu điện tử, bảo vệ quyền của người lao động khi xảy ra tranh chấp thương mại v.v… Do phần lớn nội dung đàm phán, cho đến nay, vẫn được giữ trong vòng bí mật nên rất khó đưa ra một nhận định chung về TPP song theo các chuyên gia, nguyên tắc chung nhất của TPP có thể là xây dựng “thị trường tự do thực sự”: gia tăng quyền tự chủ của doanh nghiệp và thị trường, đồng thời giới hạn sự can thiệp của các chính phủ vào các lĩnh vực kinh tế-tài chính.

Hãy xem một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận thường được nói tới là nông sản, dệt may, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính, vai trò của doanh nghiệp nhà nước… Trong lĩnh vực dệt may-da giày chẳng hạn, TPP yêu cầu, để nhận được mức thuế nhập khẩu 0% từ mức thuế bình quân 12,7% hiện nay hàng hóa phải sử dụng nguyên liệu (vải sợi, phụ liệu) của nước sản xuất hoặc từ các nước thành viên TPP khác. Ngành dệt may-da giày Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc – một nước không tham gia TPP – nên để tận dụng được cơ hội thâm nhập thị trường các nước TPP như Nhật, Mỹ, nhất thiết phải tổ chức lại toàn bộ quy trình sản xuất.

Nhờ được nhiều ưu đãi về vị trí độc quyền, tín dụng ưu đãi, đất đai giá thấp, các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu phát triển mạnh và giữ vai trò cốt lõi trong các nền kinh tế Việt Nam, Malaysia, Singapore, Peru… dẫn tới hiệu ứng phụ là kinh tế tư nhân bị chèn lấn, môi trường kinh doanh bị méo mó. Hiệp định TPP có ý định lập lại sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, tuy không đòi xóa bỏ loại hình doanh nghiệp nhà nước song đặt ra nhiều quy định buộc các doanh nghiệp này phải minh bạch hơn, tránh sự bảo bọc của nhà nước để cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp khác.

Tham gia TPP, Nhà nước còn bị hạn chế trong việc can thiệp vào thị trường; lãi suất, tỷ giá, dòng lưu chuyển của tiền vốn và lao động ra/vào một thị trường nào đó sẽ do thị trường quyết định và điều hành; một chính sách như hạn chế rút vốn hiện nay đảo Cyprus bên Âu châu chẳng hạn có thể khiến chính phủ bị kiện nếu như Cyprus là thành viên TPP.

Việc thực hiện nguyên tắc thị trường tự do sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội tốt hơn để thâm nhập thị trường 11 nước thành viên TPP khác, song cũng đặt các doanh nghiệp trong nước vào cuộc cạnh tranh gay gắt hơn. Là nền kinh tế có trình độ thấp nhất trong các thành viên TPP, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức có nguồn gốc từ những khuyết tật của chính nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước. Loại hình doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò “chủ đạo”, doanh nghiệp mang tính độc quyền cao và sức cạnh tranh kém, nhà nước can thiệp vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế từ giá vàng cho đến hạn mức tín dụng… đã là nguyên nhân đưa tới tình trạng rắc rối hiện nay và cản trở sự phát triển trong tương lai. Có gia nhập TPP hay không Việt Nam cũng phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế để tồn tại.

“Thực tế, nên hiểu TPP như là một cam kết hội nhập kinh tế toàn diện, có tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế hơn là một thỏa thuận giảm thuế thông thường”, chuyên gia Joshua Meltzer của Viện Brookings, nhận định. Và theo nghĩa như vậy, TPP chính là cơ hội Việt Nam đang rất cần để thúc đẩy công cuộc đổi mới nền kinh tế đã bị chậm lại trong khoảng 8 năm gần đây để nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc toàn cầu hóa đang sôi sục ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

Nếu thành công trong cải cách cơ cấu kinh tế, khả năng Việt Nam đạt được lợi ích từ TPP như các chuyên gia đưa ra ở phần trên là trong tầm tay, ngược lại nếu chần chừ, thiếu ý chí chính trị thì không loại trừ khả năng bị bỏ lại đằng sau trên con tàu thương mại tự do khu vực.

Liệu xung đột kinh tế Trung – Mỹ có xảy ra?

Huỳnh Hoa

Sáng thứ Ba 9-10, báo chí Trung Quốc đồng loạt phản đối một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện  Mỹ trong đó đề nghị “cấm cửa” hai công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei và ZTE vì cho rằng ảnh hưởng của nhà nước Trung Quốc đối với hai công ty này có thể gây đe dọa tiềm tàng về an ninh cho Mỹ. Ủy ban đề nghị cấm các tổ chức chính phủ Mỹ làm ăn với Huawei và ZTE, khuyến cáo các doanh nghiệp Mỹ nên cẩn trọng khi giao dịch với hai công ty này và yêu cầu cơ quan tình báo Mỹ phải tập trung theo dõi các nỗ lực mở rộng hoạt động của Huawei và ZTE tại thị trường Mỹ. Báo cáo có đoạn viết: “Cho phép các công ty Trung Quốc này hoạt động ở Hoa Kỳ sẽ tạo cho chính phủ Trung Quốc khả năng ngăn chặn hoạt động truyền thông và có thể phát động tấn công trên mạng vào những cơ sở hạ tầng thiết yếu như những đập nước và hệ thống truyền tải điện của Mỹ”.

Trong bài xã luận, Tân hoa xã nói rằng báo cáo của Hạ viện Mỹ là “hoàn toàn không có căn cứ và là sản phẩm của chủ nghĩa bảo hộ; chỉ dựa trên lời đồn đại mơ hồ”. “Báo cáo đã bộc lộ rõ não trạng thời Chiến tranh Lạnh cũng như chủ nghĩa bảo hộ trong các chính trị gia trên đồi Capitol [trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ] nhằm kiềm chế đầu tư từ Trung Quốc, một hoạt động có thể tạo ra doanh nghiệp mới và cơ hội việc làm cho nền kinh tế đang trì trệ của Mỹ. Chủ nghĩa bảo hộ và sự can thiệp chống lại thị trường không phải là lựa chọn khôn ngoan của Washington”, xã luận của Tân hoa xã viết.

Thời báo Hoàn Cầu, phụ bản của Nhân dân nhật báo, nói: “Hoa Kỳ đã nhiều lần ngăn cản các công ty Trung Quốc tham gia vào cuộc cạnh tranh nội địa của Mỹ dưới chiêu bài “an ninh quốc gia”. Nước Mỹ đang dần dần xuống cấp thành một đất nước phi lý”.

Nhật báo tiếng Anh China Daily cũng lên án báo cáo của Hạ viện Mỹ, trích dẫn lời của Huo Jianguo, giám đốc Học viện Thương mại quốc tế Trung Quốc, cho rằng chính trị Mỹ, nhất là cuộc vận động tranh cử đang diễn ra, có vai trò quyết định đối với nội dung và thời điểm công bố báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. “Báo cáo có ý đồ chính trị rõ ràng bởi vì đưa ra một thái độ cứng rắn đối với doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giúp giành thêm được lá phiếu của cử tri trong cuộc tranh cử đang diễn ra”, tờ báo viết. Ông này quên hoặc không biết rằng, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ là cơ quan dân cử, lưỡng đảng và không phụ thuộc vào đường lối của bất cứ đảng nào.

Huawei là tập đoàn lớn thứ hai, còn ZTE xếp thứ năm thế giới về sản xuất bộ định tuyến (router), bộ chuyển mạch (switch) và thiết bị viễn thông; còn trên thị trường điện thoại di động toàn cầu, ZTE xếp thứ tư và Huawei xếp thứ sáu. Máy điện thoại đi động của hai công ty này được phân phối ở Mỹ qua các nhà cung cấp dịch vụ mạng Verizon, Sprint và T-Mobile USA. Doanh thu tại Mỹ chiếm khoảng 4% tổng doanh thu của Huawei và khoảng 2-3% tổng doanh thu của ZTE.

*

Vụ Huawei và ZTE chỉ là vụ mới nhất trong hàng loạt xung đột về thương mại, kinh tế giữa hai cường quốc Mỹ-Trung trong bối cảnh cả hai nước đều đang bước vào giai đoạn thay đổi lãnh đạo. Đại hội lần thứ 18 đảng Cộng sản Trung Quốc, khai mạc ngày 8-11 sắp tới, sẽ chọn ra ban lãnh đạo của nước này và trong thời điểm hiện nay không nhà lãnh đạo nào tỏ ra mềm mỏng trước sức ép từ bên ngoài. Còn tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ngày 6-11 và trong cuộc tranh cử cả hai ứng viên Barack Obama của đảng Dân chủ và Mitt Romney của đảng Cộng hòa đều tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc cả về kinh tế thương mại lẫn vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Tổng thống Obama mới đây đã ngăn cản một công ty Trung Quốc mua một cơ sở điện gió ở bang Oregon, đã kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới hành vi trợ cấp bất hợp pháp cho sản phẩm tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc; còn ứng viên Mitt Romney đã nhiều lần phê phán chính sách duy trì giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp như một biện pháp trợ cấp xuất khẩu và ngăn cản hàng nhập khẩu.

Dù mạnh yếu khác nhau, cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều phê phán “những nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu bằng trợ cấp tiền bạc, tín dụng ưu đãi dưới mức lãi suất thị trường, chính sách ưu đãi thuế và giao đất đai nhà cửa thuộc tài sản nhà nước”. Nhờ những biện pháp này, “các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã ngăn được các công ty Mỹ và công ty nước ngoài khác chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu thị trường trong hàng loạt lĩnh vực kinh tế Trung Quốc”. Việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và chính sách kiềm giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng là những vấn đề thường bị phê phán.

Về phần mình, Trung Quốc thường tố cáo việc “tấn công cơ chế tài trợ xuất khẩu của Trung Quốc là một biện pháp giành sự ủng hộ của cử tri, nhất là ở những tiểu bang công nghiệp, nơi lòng căm ghét đối với sự cạnh tranh của Trung Quốc có gốc rễ bền chặt”. Để đối phó với những cáo buộc từ phía Mỹ, từ lâu Trung Quốc đã đưa ra lập luận 4 điểm: Một là, mọi sự giới hạn, cản trở hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ hay cản trở đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đều chỉ có hại cho người tiêu dùng Mỹ vì họ không còn được mua hàng hóa với giá rẻ, như lập luận của Tân hoa xã trích dẫn ở trên. Hai là, việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tạo cơ hội việc làm cho người Mỹ ở các khâu dỡ hàng, chuyển hàng, trưng bày, quảng cáo, bán hàng, hậu mãi và số việc làm này đủ bù đắp số việc làm bị mất đi trong lĩnh vực chế tạo do hàng hóa Trung Quốc thay thế chỗ của hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Ba là, mọi chính sách cấm vận thương mại đều dẫn tới chiến tranh kinh tế gây thiệt hại cho tất cả các bên. Và bốn là, thay vì đơn phương chống lại các chính sách kinh tế và cung cách hành xử của Trung Quốc, Mỹ nên cùng Trung Quốc bàn bạc những biện pháp mở cửa thị trường và tránh đối đầu.

*

Các nhà phân tích kinh tế Mỹ từ lâu đã chỉ ra những chỗ mâu thuẫn, ngụy biện và bất khả thi trong lập luận nêu trên, song chính phủ của Tổng thống Obama gần như chưa có động thái quyết liệt nào để ngăn chặn làn sóng nhập siêu ồ ạt từ Trung Quốc, cũng như chưa dứt khoát trong việc ngăn chặn các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ nhờ khủng hoảng kinh tế làm cho giá trị của doanh nghiệp bị suy giảm, trừ một số vụ thâu tóm có nguy cơ về an ninh quốc gia như vụ công ty Ralls (thuộc tập đoàn Sany Trung Quốc) mua lại trang trại điện gió gần một điểm thử vũ khí của Mỹ.

Hiện nay, với các cuộc “thay bậc đổi ngôi” đang đến gần, có khả năng cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều ra sức bảo hộ thị trường của nhau và nguy cơ xung đột về kinh tế thương mại Mỹ-Trung là hoàn toàn có thể xảy ra mà vụ “cấm cửa” các tập đoàn Huawei và ZTE có thể là phát pháo hiệu.

Biển Đông cần có luật

Tình hình biển Đông lại nóng lên vào cuối tuần qua khi báo chí tiết lộ một vụ “chạm trán” giữa tàu chiến Ấn Độ INS Airavat với hải quân Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam hôm 22-7.

Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) và mạng Rediff.com dẫn lời Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, vụ chạm trán xảy ra khi tàu INS Airavat của hải quân Ấn Độ vừa rời cảng Nha Trang và trên đường đến Hải Phòng để tiếp tục thực hiện chuyến thăm Việt Nam từ 19-22/7. “Ở vị trí cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý (83 ki lô mét) trên biển Đông, tàu INS Airavat nhận được cảnh báo trên sóng radio của một người xưng danh là lực lượng hải quân Trung Quốc nói rằng ‘con tàu đang đi vào vùng biển Trung Quốc’ và yêu cầu tàu INS Airavat phải chuyển hướng, nhưng con tàu vẫn tiếp tục hải trình của mình”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra ngày 1-9 vừa qua cho biết. Tuy xác nhận “không có vụ đụng độ” nào liên quan tới tàu INS Airavat nhưng New Delhi cũng nhắc lại nguyên tắc: “Ấn Độ ủng hộ quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế, kể cả biển Đông và quyền thông thương phù hợp với những nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế”. Từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Chiêu Húc nói rằng, Trung Quốc đã nêu câu hỏi với “các cơ quan có thẩm quyền” về sự cố này nhưng chưa nhận được thông tin cũng như chưa nhận được phản đối ngoại giao nào của Ấn Độ. Sự cố với tàu hải quân Ấn Độ gợi nhớ vụ Trung Quốc cản trở hoạt động của tàu Impeccable thuộc hải quân Mỹ ở ngoài khơi Đà Nẵng tháng 3-2009.

Những sự cố tưởng như nhỏ nhặt này cho thấy bước chuyển biến trong chính sách của Trung Quốc: tăng cường xác lập chủ quyền trên 80% diện tích biển Đông trong phạm vi đường lưỡi bò 9 khúc mà Trung Quốc đã vạch ra. Cần nhắc lại rằng, Trung Quốc không chỉ tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà còn coi toàn bộ khu vực biển Đông như lãnh hải (territorial waters) của mình. Một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan không chấp nhận đòi hỏi của Trung Quốc cả về chủ quyền các quần đảo lẫn mặt biển Đông. Thực chất, tranh chấp ở biển Đông bao gồm các tranh chấp đa phương giữa Trung Quốc với các nước nói trên, song phương giữa những nước này với nhau về chủ quyền các đảo, lẫn tranh chấp giữa Trung Quốc với tất cả các nước về chủ quyền biển Đông – nơi có tuyến thương mại hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Nếu như trước đây Trung Quốc khá mềm mỏng trong vấn đề tự do lưu thông hàng hải trên biển Đông để tập trung đẩy mạnh đòi hỏi chủ quyền các quần đảo thì những sự cố gần đây cho thấy Bắc Kinh bắt đầu không chấp nhận cho hải quân các nước khác đi lại trên vùng biển Đông mà họ coi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền các quần đảo chỉ liên quan tới một số quốc gia nhỏ và yếu thì việc đòi chủ quyền trên biển Đông đã đụng đến quyền lợi thiết thân của tất cả các nước, trong các trường hợp trên là Mỹ và Ấn Độ.

Cuộc tranh giành ảnh hưởng trên biển giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài đã nhiều năm, mỗi bên đều cố gắng hiện diện và gây ảnh hưởng trên sân của đối phương; nếu Trung Quốc có chiến lược “chuỗi ngọc trai” – xây dựng hàng loạt hải cảng và căn cứ hải quân ở ven Ấn Độ Dương thì Ấn Độ cũng triển khai chiến lược “nhìn về phương Đông” và gia tăng hoạt động ở Thái Bình Dương. Cả hai nền kinh tế này đều đói năng lượng trầm trọng, đều nhắm tới các nguồn tài nguyên khoáng sản được cho là rất dồi dào dưới lòng biển và đều có nhu cầu bảo đảm con đường vận chuyển hàng hóa và năng lượng.

Chiến lược lấn sân nhau của hai cường quốc đông dân nhất hành tinh có nguy cơ đẩy khu vực biển Đông thành điểm nóng. Một ngày nào đó, những xung đột không được giải quyết thấu đáo, cuộc cạnh tranh giành tài nguyên thiên nhiên, vị thế và ảnh hưởng sẽ có thể thổi bùng lên ngọn lửa xung đột vũ trang mà hậu quá khó mà lường trước được, nhất là trong bối cảnh các bên thiếu tin cậy lẫn nhau và thiếu các luật lệ ngăn cản sự đối đầu.

Do vậy, việc khẩn cấp là phải hình thành ngay những luật lệ điều chỉnh hoạt động đi lại trên các vùng biển quốc tế như biển Đông, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin giữa lực lượng hải quân các nước liên quan, có cơ chế ngăn ngừa và xử lý vấn đề ngay khi chớm xảy ra mà không để chúng leo thang thành xung đột. Trước mắt, thế giới phải hành động để Ấn Độ không được ứng xử theo kiểu Ấn Độ Dương là “đại dương của Ấn Độ” và Trung Quốc không được coi “biển Nam Trung Hoa” (South China Sea, tức biển Đông) là biển riêng của Trung Quốc.

Một cơ chế ngăn ngừa khủng hoảng như vậy ít nhất cần có sự tham gia tích cực của các cường quốc thương mại và hàng hải như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Indonesia và Mỹ. Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002, cũng như Bộ quy tắc ứng xử (COC) có thể hình thành trong tương lai gần sẽ không đủ để vãn hồi sự ổn định ở khu vực thiết yếu này khi trên đấu trường đã xuất hiện thêm một số tay chơi mới.

Có điều, xưa nay Trung Quốc vẫn phớt lờ luật lệ quốc tế khi quyền lợi của mình bị đụng chạm, hoặc diễn giải các luật lệ đó theo hướng có lợi cho Bắc Kinh cho nên rất khó để buộc Trung Quốc phải hành xử như một cường quốc có trách nhiệm ở biển Đông.

Biển Đông cần có luật

Sao đổi ngôi?


Huỳnh Hoa

 

Hàng loạt tin xấu từ Mỹ và châu Âu đã thổi bùng lên “tâm trạng chiến thắng” ở các quốc gia đang phát triển châu Á, nhất là ở Trung Quốc. Nhiều người nghĩ rằng, lời tiên đoán về “cuộc chuyển dịch quyền lực toàn cầu không thể nào cưỡng lại sang phương Đông” (nhan đề một cuốn sách của Kishore Mahbubani, hiện là Hiệu trưởng Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore) dường như đã xảy ra nhanh hơn dự kiến. Và người ta đã bắt đầu nói tới hiện tượng “sao đổi ngôi” giữa phương Tây và phương Đông, giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu: Mỹ và Trung Quốc.

Thật ra, ý tưởng về sự thắng thế của mô hình tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc so với nền kinh tế tự do thị trường kiểu Mỹ đã xuất hiện vài năm trước và được củng cố nhờ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Còn nhớ tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2009, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lần đầu tiên đã cực lực phê phán mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa “tham lam quá độ” như là cội nguồn gây ra cuộc khủng hoảng đó mà không thừa nhận nguyên nhân sâu xa của tình hình là sự mất cân bằng trên quy mô toàn cầu một phần do những chính sách trọng thương của chính Trung Quốc.

Gần đây, sự bế tắc kéo dài của châu Âu trong việc tìm biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp dẫn tới sự lây lan của khủng hoảng sang các nền kinh tế mạnh như Tây Ban Nha và Ý, sự giằng co giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong việc thỏa thuận mức trần nợ công của Mỹ dẫn tới việc tín nhiệm tín dụng của Mỹ bị hạ bậc, rối ren trong việc chọn người lãnh đạo đất nước ở Nhật Bản… càng cho thấy những khuyết điểm trong cơ chế điều hành các nền dân chủ và thúc đẩy quan niệm về tính ưu việt của mô hình Bắc Kinh mà theo Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, có đặc điểm là “ban hành quyết định nhanh chóng, tổ chức thực hiện hiệu quả”.

***

Biểu hiện mới nhất của “tâm lý chiến thắng” của người Trung Quốc là các cuộc gặp gỡ giữa Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong tuần qua. Theo báo New York Times, ông Tập đã nhấn mạnh để người Mỹ hiểu rằng, vị thế của đôi bên đã thay đổi. Theo ông Tập, Mỹ không còn là nguồn duy nhất về vốn liếng và công nghệ, Trung Quốc cũng không còn là nguồn lao động công nghiệp giá rẻ. “Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Mỹ đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ và tạo ra công ăn việc làm”, ông Tập nói. Và trong nỗi lo ngại trước cái gọi là cuộc suy thoái kép của kinh tế Mỹ tác động tiêu cực đến Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này đã đưa vấn đề nợ công đang gia tăng và mối quan tâm đến sức mạnh kinh tế Mỹ thành chủ đề trung tâm trong các cuộc thảo luận với ông Biden. “Hoa Kỳ phải giữ lời và tuân thủ các nghĩa vụ của mình liên quan tới nợ chính phủ, sẽ bảo đảm sự an toàn, tính thanh khoản và giá trị các trái phiếu kho bạc Mỹ”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói với ông Biden. Báo chí chính thống Trung Quốc thì không ngớt đưa ra những bài bình luận phê phán Mỹ “bị mắc bệnh nghiện nợ”, đòi Mỹ phải “chi tiêu trong khả năng thanh toán”, thậm chí yêu cầu chính phủ Mỹ phải giảm ngân sách quân sự để giảm nợ…

Trong bối cảnh đó những khuyến nghị của ông Biden như Trung Quốc cần xây dựng nền kinh tế bền vững hơn, phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng nội địa hơn là xuất khẩu và sự tái cân bằng như vậy không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ và các quốc gia khác và mà còn xử lý những khiếm khuyết mang tính cơ cấu của chính nền kinh tế Trung Quốc… đã bị các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh tiếp nhận một cách lạnh nhạt và hờ hững.

***

Nhưng có thật là sao đã đổi ngôi hay không? Không ai phủ nhận rằng, so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vị thế và sức mạnh kinh tế của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng lên một cấp độ mới và có thể nói trọng tâm quyền lực thế giới đang chuyển dần về phương Đông. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để nói tới sự thoái trào của phương Tây, cũng như đối lập Tây-Đông là không có cơ sở. Thực tế cho thấy, do tác động của toàn cầu hóa, kinh tế và xã hội phương Tây và phương Đông đã gắn kết vào nhau chặt chẽ đến mức cả hai cùng thắng hoặc cùng thua, chỉ cần một bên hắt hơi thì bên kia cũng sổ mũi. Nói cách khác, phương Đông sẽ không thể tăng trưởng khi phương Tây suy thoái và ngược lại.

Những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ rằng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của họ chỉ có thể tăng trưởng khi nhu cầu tiêu thụ của Mỹ và phương Tây vẫn mạnh, các đồng tiền phương Tây giữ được giá trị, ngược lại thì châu Á và Trung Quốc sẽ là những người bị thiệt hại đầu tiên. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng đang được thực hiện ở châu Âu và chính sách cắt giảm chi tiêu của Mỹ đã bắt đầu làm cho guồng máy sản xuất của Trung Quốc bị chậm lại, số nhà máy phải đóng cửa tăng lên. Ngay trong lĩnh vực tiền tệ, quỹ ngoại hối 3.200 tỉ đô la đang là cơn đau đầu của Bắc Kinh khi đồng đô la Mỹ và đồng euro châu Âu liên tục bị mất giá so với vàng và các ngoại tệ khác.

Báo Straits Times của Singapore cho rằng, quan niệm “tách rời” (decoupling) giữa phương Tây và phương Đông chỉ là một “ảo tưởng” (pipe dream). Sự gắn bó giữa các nền kinh tế đã sâu đậm đến mức tất cả các bên đều phải hành động một cách có trách nhiệm. Nếu phương Tây tiếp tục chi tiêu bằng tiền của người khác và Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “làm nghèo hàng xóm” để thủ lợi cho riêng mình thì thảm họa suy thoái kinh tế toàn cầu là khó tránh khỏi.

Và khi ấy sẽ không còn ngôi sao nào nữa!

(Bài đăng trên TBKTSG số 35, ngày 25-8-2011)

 

 

Thế giới sau… Bin Laden

(4/5/2011) – Sau 10 năm truy lùng và phát động hai cuộc chiến tranh, cuối cùng người Mỹ cũng đã phát hiện và tiêu diệt ông trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan chủ nhật vừa qua. Sự kiện này gây sốc trên toàn thế giới và tác động thực sự của nó cần có thời gian để lượng định.

Công bố cái chết của bin Laden, Tổng thống Mỹ Barack Obama coi đó là “sự thực hiện công lý”, là “thành tựu lớn nhất của Mỹ từ trước đến nay trong nỗ lực tiêu diệt Al-Qaeda”. Mặc dù hy vọng thế giới sẽ an toàn hơn song ông Obama cũng khẳng định, chủ nghĩa khủng bố nói chung vẫn chưa bị tiêu diệt, và người Mỹ không nên tự mãn với thắng lợi của mình. Các nhà lãnh đạo khác của phương Tây cũng phát biểu những quan điểm tương tự. Và hầu như ngay lập tức, bộ ngoại giao các nước Anh, Mỹ, Úc… đều yêu cầu các sứ quán của mình siết chặt biện pháp an ninh, cảnh báo công dân hạn chế đi lại ở nước ngoài nhằm đề phòng các vụ tấn công trả đũa.

Sự thận trọng của phương Tây là hợp lý bởi vì Al-Qaeda đã nhiều lần tuyên bố sẽ cho nổ bom hạt nhân ở châu Âu một khi lãnh tụ bin Laden bị giết hoặc bị bắt. Các tổ chức cực đoan khác ở Pakistan, Palestine cũng lớn tiếng đòi trả thù cho bin Laden. Tuy nhiên, không ít người nghi ngờ khả năng trả đũa đó.

Theo các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố, sau khi thực hiện vụ tấn công ngày 11-9-2001, vai trò của bin Laden ngày càng suy giảm; trong thời gian trốn lánh sự truy lùng gắt gao của Mỹ, ông ta chỉ còn là một biểu tượng tinh thần mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải là nhà chiến lược, nhà tổ chức của phong trào thánh chiến Hồi giáo. Đoạn băng video cuối cùng mà bin Laden thực hiện và công bố trên mạng là vào năm 2007, từ đó đến nay ông ta không xuất hiện nữa.

Bản thân tổ chức Al-Qaeda cũng bị phân hóa thành nhiều nhóm nhỏ, hoạt động rải rác ở Bắc Phi, Nam Á… gắn kết với nhau một cách lỏng lẻo trên nền tảng ý thức hệ là chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Do tàn sát tràn lan, kể cả đồng đạo ở các nước Hồi giáo, uy tín của tổ chức này suy giảm nghiêm trọng đến mức thanh niên các nước Hồi giáo hầu như quay lưng với Al-Qaeda. Các cuộc điều tra xã hội học do tổ chức Pew Research tiến hành trong các năm 2003 và 2010 cho thấy, tỷ lệ người tin theo bin Laden tại Pakistan đã giảm từ 46% năm 2003 xuống 18% năm ngoái, tại Jordan giảm từ 56% xuống 13%, còn tại Li-băng giảm từ 19% xuống 1%.

Al-Qaeda hầu như không có vai trò gì trong cuộc “cách mạng Hoa Lài” làm rung chuyển cả Trung Đông và Bắc Phi mùa xuân năm nay, dẫn tới sự thay đổi chính phủ ở Tunisia và Ai Cập, làm lung lay chế độ ở Yemen, Syria và gây nội chiến ở Libya. Đã có sự chuyển biến sâu sắc trong các xã hội Hồi giáo về chiến lược đấu tranh chống Mỹ và phương Tây, theo đó chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo coi bạo lực và khủng bố là phương thức duy nhất đã không còn được giới trẻ Hồi giáo ủng hộ, thay vào đó họ chọn con đường đấu tranh hòa bình thông qua các phong trào quần chúng đòi dân chủ và cải cách xã hội.

Sự kiện Bin Laden bị tiêu diệt có thể là một đòn nặng giáng vào tổ chức Al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan nhưng vấn đề của thế giới sau Bin Laden là làm thế nào nuôi dưỡng các phong trào đấu tranh hòa bình và dân chủ ở các nước Hồi giáo, không để cho chúng gây ra tình trạng bất ổn, tạo môi trường thuận lợi cho Al-Qaeda gieo rắc những hạt mầm khủng bố.
*
Đối với nước Mỹ, thành công của chiến dịch tiêu diệt Bin Laden cũng đồng thời đặt dấu chấm hết cho vai trò của nước này tại Afghanistan và Iraq, đẩy nhanh tiến trình triệt thoái quân đội Mỹ và đồng minh phương Tây.

Chiến dịch tối Chủ nhật vừa qua cũng cho thấy, trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, quân đội vũ trang đến tận răng, cùng với máy bay, tàu chiến hiện đại chưa chắc đã có hiệu quả bằng tin tức tình báo và lực lượng đặc nhiệm. Các nhà chỉ huy quân đội Mỹ đã bắt đầu tính tới việc thay thế chiến lược chiến tranh tổng lực bằng các cuộc chiến tranh tình báo tinh vi và bí mật. Việc đề bạt ông trùm Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta vào cương vị bộ trưởng quốc phòng thay ông Robert Gates có thể là điểm khởi đầu của sự thay đổi này.

Nỗ lực chống khủng bố toàn cầu, tâm điểm là hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan đã tiêu tốn nhân lực và tài lực của nước Mỹ suốt 10 năm qua, đẩy Mỹ vào quá trình suy thoái trầm trọng và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nước như Trung Quốc. Chỉ tính về mặt tài chính, nước Mỹ đổ vào Iraq và Afghanistan mỗi năm 171 tỉ đô la, góp phần làm tăng thâm hụt ngân sách và đào sâu mối bất đồng trong giới lãnh đạo Mỹ.

Rút ra khỏi chiến tranh Iraq và Afghanistan, Mỹ không chỉ có điều kiện tập trung khôi phục kinh tế, củng cố giá trị đồng tiền mà còn có thể hướng sự chú ý vào các điểm nóng khác như Bắc Phi, Đông Á – nơi vai trò và ảnh hưởng của Mỹ đang vấp phải sự canh tranh quyết liệt của các cường quốc mới nổi.

Như nhận định của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, một nước Mỹ mạnh và hành động có trách nhiệm mới là điều cần thiết để thế giới an toàn hơn và thịnh vượng hơn, chứ không phải bin Laden đã chết hay còn sống.