Nước Đức giữa hai làn đạn Mỹ-Trung

Thủ tướng Đức Angela Merkel – người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu – không ngờ trong những tháng ngày cuối của cuộc đời chính trị, bà lại phải trả lời một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản mà vô cùng khó: có nên cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) của Đức hay không?

“Nên” hay “không nên” – đó mới là vấn đề

Hơn một năm qua, chính trường Đức chia rẽ sâu sắc chung quanh câu hỏi này: với các doanh nghiệp – nhất là các nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng của Đức, thì câu trả lời là “nên”, ngược lại các cơ quan tình báo, ngoại giao và quốc phòng thì trả lời “không nên”. Ngay trong đảng Dân chủ Thiên chúa (CDP) giáo cầm quyền của bà Merkel cũng có sự trái ngược giữa câu trả lời “nên” của giới lãnh đạo đảng, và “không nên” từ các nghị sĩ của đảng.

Quyết định của Đức về Huawei cũng sẽ định hình mối quan hệ giữa Đức với Trung Quốc trong nhiều năm sắp tới, ảnh hưởng tới khối lục địa châu Âu và cả mối quan hệ thiết yếu với Hoa Kỳ cho nên chính phủ Đức không thể đưa ra kết luận một cách vội vàng. Quốc hội Đức đã mất nhiều tháng tranh luận về đề tài này nhưng chưa đi đến đâu, dự tính sẽ tiếp tục tranh luận trong vài tuần tới nữa. Hôm thứ Năm 16-01-2020 bà Merkel đã triệu tập cuộc họp với các nghị sĩ thuộc đảng CDP của bà và thúc giục họ nhanh chóng tìm ra một giải pháp để hóa giải mâu thuẫn; cho đến nay quan điểm của bà Merkel là không chấp nhận việc cấm đoán công ty Trung Quốc mà phải có biện pháp kiểm soát thích hợp.

Tình hình càng cấp bách khi chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần thúc hối các nước đồng minh “không hợp tác” với Huawei vì cho rằng công ty công nghệ này là “Con ngựa thành Troy” giúp cho chính phủ Trung Quốc do thám và kiểm soát mạng viễn thông châu Âu và cả Hoa Kỳ nữa. Ông Trump thậm chí đe dọa sẽ chấm dứt sự hợp tác, chia sẻ về tình báo và an ninh với bất cứ nước nào chấp nhận cho Huawei thiết lập mạng 5G vì lo ngại các thông tin tình báo sẽ bí mật chuyển tới Bắc Kinh. “Phương Tây [gồm cả Mỹ và châu Âu] phải có một giải pháp chung cho vấn đề mạng 5G bởi vì chúng ta nhìn thế giới theo cùng một cách,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức, ông Richard Grenell, phát biểu hôm thứ Năm 16-01 vừa qua, theo New York Times.

Điểm yếu: xe hơi Đức

Trong vấn đề Huawei, nước Đức khó khăn hơn nhiều so với các nước châu Âu khác như Pháp, bởi vì kinh tế Đức gắn bó quá chặt với thị trường khổng lồ của Trung Quốc – thành quả nhiều năm cầm quyền của bà Angela Merkel. Trung Quốc là thị trường lớn nhất mang lại tăng trưởng cho các nhà sản xuất xe hơi chính của Đức, nơi mà các dòng xe BMW, Daimler-Mercedes và Volkswagen chiếm vai trò thống trị phân khúc xe hơi hạng sang. Năm 2019 mặc dù thị trường xe hơi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các hãng xe Đức như Volkswagen, Daimler và BMW vẫn tiếp tục đạt được doanh số kỷ lục, giành bớt thị phần của các hãng Ford, GM và Toyota.

Theo giới công nghệ, thị trường Trung Quốc không chỉ tiêu thụ nhiều xe hơi Đức mà còn tác động trở lại các hãng xe; thị hiếu khách hàng và chính sách của chính phủ Bắc Kinh góp phần quyết định mẫu xe nào sẽ được sản xuất, công nghệ nào sẽ được áp dụng. Và từ đó, các hãng xe Đức tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ Trung Quốc – chủ yếu là Huawei – để phát triển và thử nghiệm các công nghệ xe hơi mới. Năm 2018, hãng xe Audi – thương hiệu xe sang của Volkswagen, công bố “hợp tác chiến lược” với Huawei để phát triển công nghệ xe hơi tự lái; hãng Daimler – có 9,9% cổ phần thuộc về nhà đầu tư Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu) sử dụng công nghệ máy tính của Huawei trong xe Mercedes; còn BMW và một số đối tác khác hợp tác với Huawei về nghiên cứu và phát triển. Volkswagen là trường hợp nổi bật nhất: hơn một nửa doanh thu bán hàng của hãng này đến từ thị trường Trung Quốc, nơi Volkswagen chiếm tới 14% thị trường xe hơi. “Nếu chúng tôi rút ra” khỏi Trung Quốc, “thì sẽ có từ 10.000 đến 20.000 kỹ sư ở Đức bị mất việc ngay lập tức,” ông Herbert Diess, Giám đốc điều hành Volkswagen nói với báo Wolfsburger Nachrichten của Đức.

Sự phụ thuộc của các hãng xe Đức vào thị trường Trung Quốc đã bị Bắc Kinh “nắm thóp” và sử dụng “các con tin” này để gây sức ép chính trị lên chính phủ Berlin. “Nếu Đức quyết định loại Huawei ra khỏi thị trường Đức thì sẽ có hậu quả. Chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi yên đâu,” Ngô Khẳng (Wu Ken), Đại sứ Trung Quốc tại Berlin cảnh cáo hồi tháng trước. Và ông ta nói bóng gió: “Hãy xem đi, năm ngoái có 28 triệu chiếc xe hơi được bán ra ở Trung Quốc, trong đó có 7 triệu chiếc là xe Đức.” Nghị sĩ Konstantin von Notz, thành viên ủy ban những vấn đề kỹ thuật số của Quốc hội Đức, nói thẳng: “Trung Quốc đã nói rõ họ sẽ trả đũa vào điểm gây tổn thương nặng nhất: ngành xe hơi Đức.”

Ta về ta tắm ao ta!

Trong khi đó mối quan hệ giữa Đức và châu Âu nói chung với Hoa Kỳ đang trải qua không ít thử thách khi Tổng thống Trump nhiều lần đe dọa áp thuế trừng phạt lên xe hơi Đức nhập khẩu vào Mỹ như ông ta đã tăng thuế đánh vào rượu vang Pháp. Nhưng cho dù không thích chính phủ Mỹ của ông Trump, Đức không thể quay lưng với Hoa Kỳ; chỉ riêng việc Washington dọa cắt đứt việc chia sẻ thông tin tình báo đã khiến các cơ quan an ninh của Đức lo lắng, nhất là sau vụ họ phát hiện hôm đầu tuần này ba người Đức, trong đó có một cựu nhân viên ngoại giao, làm gián điệp cho Bắc Kinh nhiều năm qua.

Vả lại, cáo buộc của Hoa Kỳ đối với Huawei được nhiều chính trị gia Đức tán đồng ở chỗ đây là một tập đoàn được chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn mạnh. Đại hội thường niên của đảng CDP cầm quyền hồi tháng 11 đã không đồng ý cho tập đoàn Huawei làm công ty tài trợ và thông qua một bản kiến nghị, yêu cầu chỉ cho phép những doanh nghiệp chứng minh được mình đã hoàn thành các quy định về an toàn mới được tham gia tài trợ; một trong những quy định đó là không có sự can thiệp của chính phủ. Tuy không nhắc tới tên của Huawei nhưng kiến nghị rõ ràng nhắm tới tập đoàn này.

Norbert Rottgen, một nhà lập pháp bảo thủ, người phản đối chính sách đối với Huawei của Thủ tướng Merkel, và cũng là đồng tác giả của kiến nghị nói trên, nói rằng: “Theo luật Trung Quốc, các công ty có nhiệm vụ hợp tác với Sở Mật vụ Trung Quốc. Khi giao dịch với Huawei, bạn sẽ phải chấp nhận rằng bạn có thể liên can tới đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Bên cạnh mối lo sợ về gián điệp và phá hoại, các nhà lập pháp Đức còn lo ngại rằng, nếu cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G, Đức sẽ không chỉ gây xung đột với Washington mà còn có nguy cơ xói mòn khối đoàn kết châu Âu. Thay vì Huawei, họ đề nghị trao hợp đồng mạng 5G cho các doanh nghiệp châu Âu như Nokia (Phần Lan) hoặc Ericsson (Thụy Điển). Hai công ty công nghệ này đã giành được hợp đồng thiết lập mạng 5G ở Đan Mạch và hoàn toàn có thể đảm nhiệm công việc tương tự ở Đức hay Pháp, tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn và tốn chi phí cao hơn, một phần do công nghệ của Huawei đã góp phần lớn vào hệ thống viễn thông hiện hành của Đức, việc chuyển đổi công nghệ sẽ tốn kém và phức tạp.

Về mặt chiến lược, việc loại trừ Huawei có lẽ là quyết định tối ưu. “Nếu bạn để cho Huawei xây dựng mạng 5G thì sau một thời gian bạn sẽ không hiểu được hệ thống của chính mình nữa. Và đó là mất mát lớn lao về quyền kiểm soát và chủ quyền quốc gia,” nghị sĩ Rottgen nói.

Những người khác thì không bi quan đến mức đó mà lo ngại cho triển vọng của ngành xe hơi Đức. “Nếu chúng ta cấm Huawei, ngành xe hơi Đức sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc trong một cảnh huống mà tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ trừng phạt các nhà sản xuất xe hơi Đức,” ông Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Đức, than thở.

Câu hỏi nên hay không nên chấp nhận Huawei xem ra sẽ còn làm đau đầu các nhà lãnh đạo Đức một thời gian dài nữa.

Ông Trump, người nhập cư và tiền Trung Quốc

Donald Trump – người đang dẫn đầu cuộc đua giành vị trí đại diện đảng Cộng hòa ra ứng cử tổng thống Mỹ và đang gây sóng gió trên chính trường Mỹ – là người lớn tiếng bài bác dân nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo và người Trung Quốc. Nhưng đằng sau những tuyên bố cứng rắn của ông là một thực tế khác.

Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần cảnh báo mối nguy mà người nhập cư Trung Quốc mang lại cho nước Mỹ. “Họ lấy hết công việc làm của chúng ta; họ lấy tiền của chúng ta; họ lấy tất cả mọi thứ”, ông nói về người Trung Quốc trong một bài diễn văn tháng trước. Ông yêu cầu cải tổ, thậm chí đóng băng, các chương trình nhập cư vào Mỹ, chỉ trừ các trường hợp có trình độ cao.

Nhưng trong lúc ông Trump tuyên bố đanh thép như vậy thì dự án Trump Bay Street đang xây dựng tại Jersey City lại ra sức mời mọc vốn đầu tư từ các tay nhà giàu Trung Quốc, hứa hẹn cho họ nhập tịch Mỹ, mà những “nhà đầu tư” này chẳng phải là người “có trình độ cao”.

Dự án Trump Bay Street, còn gọi là Trump Tower, là một cao ốc văn phòng và căn hộ cho thuê, do Công ty Kushner phát triển, mà Jared Kushner, chủ công ty, không ai khác hơn là con rể của ông Trump, chồng của Ivanka. Theo đoạn video giới thiệu dự án có phụ đề tiếng Trung, Trump Tower cao 50 tầng, có hồ bơi ngoài trời và sân tập đánh golf trong nhà, có tầm nhìn bao quát cả khu tài chính Manhattan của thành phố New York bên kia sông, chỉ cách 5 phút đi tàu điện, và kề cận khu phức hợp Trump Plaza Residence – cũng thuộc sở hữu của gia đình ông Trump. Đặc biệt hơn, đoạn video nhấn mạnh, các nhà đầu tư Trung Quốc, nếu góp vốn vào dự án theo chương trình visa EB-5 (nhập tịch Mỹ thông qua đầu tư) sẽ được nhanh chóng cấp “thẻ xanh” để đưa gia đình sang Mỹ sinh sống.

Chương trình visa EB-5 của chính phủ Mỹ cho phép người nước ngoài được nhận “thẻ xanh” hai năm – bước đầu của tiến trình nhập quốc tịch Mỹ – nếu đầu tư tối thiểu 500.000 đô la vào một dự án có khả năng tạo việc làm cho khoảng 10 người bản xứ. Năm 2014 – năm gần nhất có số liệu – chính phủ Mỹ đã cấp 10.692 visa EB-5, 85% trong số đó là người Trung Quốc.

Một công ty tư nhân do một đối tác của ông Trump điều hành, có cái tên dễ gây hiểu lầm là US Immigration Fund được thuê để tìm vốn đầu tư cho dự án, cho biết, tới nay dự án Trump Tower đã thu hút được khoảng 50 triệu đô la Mỹ, tương đương một phần tư tổng vốn đầu tư, thông qua chương trình EB-5. Mark Giresi, luật sư trưởng của công ty, xác nhận gần như toàn bộ số nhà đầu tư EB-5 của dự án này là từ Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là chương trình EB-5 thường xuyên bị chỉ trích ở Mỹ như là một chính sách “bán visa” cho những người ngoại quốc giàu tiền bạc mà không có trình độ hoặc kỹ năng làm việc, tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Trong một báo cáo về chương trình EB-5 hồi năm ngoái, Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ (GAO) – một cơ quan điều tra thuộc Quốc hội Mỹ, xác nhận nhiều hồ sơ xin visa EB-5 có nguy cơ lừa đảo cao, thậm chí sử dụng giấy tờ giả. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói với GAO rằng, “không có cách nào xác thực được nguồn tài chính của người xin đầu tư”.

Tháng trước, Thượng nghị sĩ Charles Grassley, đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ trích một báo cáo của Bộ Nội an nước này thừa nhận người nước ngoài được cấp visa EB-5 không phải trải qua những thủ tục chứng minh trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp như các diện nhập cư khác. Một quan chức Bộ Nội an còn khẳng định những người xin visa EB-5 từ Trung Quốc, Nga, Pakistan và Malaysia “được chấp nhận chỉ trong vòng 16 ngày mà không trải qua việc kiểm tra căn bản của cơ quan thực thi pháp luật”. Audrey Singer, nhà nghiên cứu của Viện Brookings, nói rằng, qua những dữ liệu thu thập được từ chương trình EB-5 gần như không thể xác định được chương trình đã tạo ra được bao nhiêu công việc làm.

Thêm nữa, chương trình EB-5 được thiết kế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm ở những vùng kinh tế kém phát triển, nhưng thực tế nó đã trở thành nguồn vốn bổ sung cho các dự án bất động sản cao cấp ở những vùng giàu có ở New York, Jersey City hoặc Los Angeles.

Vấn đề người nhập cư là trọng tâm trong chương trình tranh cử của ông Donald Trump. Ông nhiều lần tuyên bố sẽ xóa bỏ tình trạng lạm dụng “tràn lan” các loại visa tạm cấp cho người lao động nước ngoài, và “kiên quyết đòi hỏi doanh nghiệp Mỹ phải ưu tiên thuê mướn người Mỹ trước khi xem xét hồ sơ của người nhập cư”.

Tuy vậy qua dự án Trump Tower và nguồn tiền Trung Quốc, thực tế cho thấy các chính trị gia thường “nói một đằng, làm một nẻo” và đối với họ, đồng tiền có sức mạnh khó cưỡng lại được.

(theo Bloomberg)

 

ASIAD giá bao nhiêu?

Không ai hoài nghi rằng, nếu tổ chức thành công Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18 vào năm 2019 thì Việt Nam sẽ có cơ hội “nâng cao vị thế” trên trường quốc tế. Nhưng cái giá phải trả cho điều đó như thế nào.

Cho đến nay chưa ai biết việc tổ chức ASIAD 18 Hà Nội năm 2019 sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền của ngân sách quốc gia, ngoài con số 3.100 tỷ đồng, tương đương 150 triệu đô la Mỹ, mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra trước Quốc hội mới đây (con số mà cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư đều không công nhận). Có người bảo 150 triệu đô là quá ít, nhưng ít hay nhiều thì có lẽ cần tham khảo số liệu của các thành phố lân cận đã từng đăng cai ASIAD.

Chỉ vài tháng nữa, tại thành phố Incheon (Hàn Quốc) sẽ tưng bừng diễn ra ASIAD 17 năm 2014. Để tổ chức ngày hội này, theo số liệu chưa chính thức, Incheon đã phải chi ra gần 2,9 tỉ đô la Mỹ.

Trước đó, khi đứng ra đăng ký đăng cai ASIAD 17, chính quyền thành phố Incheon đưa ra mức ngân sách dự kiến là 1,62 tỉ đô la Mỹ; trong đó Chính phủ Hàn Quốc sẽ đóng góp 19% từ ngân sách quốc gia, chính quyền thành phố Incheon đóng góp 78,9% từ ngân sách địa phương, chỉ có 2,1% là được huy động ngoài ngân sách, nói theo kiểu Việt Nam là “xã hội hóa”.

Thế nhưng, đến nay Đại hội chưa diễn ra mà số tiền mà Hàn Quốc thực chi đã cao gấp đôi số dự toán (2,9 tỉ đô la), gây một gánh nặng lên ngân sách thành phố Incheon. Năm 2007, khi Incheon giành được quyền đăng cai ASIAD 17, nợ công của chính quyền thành phố là 1.400 tỉ won; đến năm 2012, nợ công đã tăng gấp đôi, lên 3.000 tỉ won, tương đương 2,66 tỉ đô la Mỹ. Tình trạng tài chính căng thẳng đến nỗi ngày 1-4-2012, lần đầu tiên chính quyền Incheon không có đến 2 tỉ won để trả lương đúng hạn cho 6.000 công chức, giáo viên, cảnh sát, buộc Seoul phải ra tay hỗ trợ khẩn cấp.

Đã có nhiều tiếng nói của các tổ chức xã hội Hàn Quốc kêu gọi chính quyền Incheon chấm dứt việc tổ chức ASIAD 17, trả lại quyền đăng cai cho Hội đồng Olympic châu Á (OCA). Bất đắc dĩ, ngày 30-6-2013, Incheon và OCA phải đi tới một thỏa thuận cắt giảm chi phí, theo đó chỉ có 2.025 trong số 15.000 vận động viên tham dự ASIAD 17 được nước chủ nhà đài thọ chi phí ăn ở, đi lại trong thời gian đại hội; gần 13.000 vận động viên và quan khách còn lại phải tự túc chi phí. Việc cắt giảm này sẽ giúp Incheon tiết kiệm được 34 triệu đô la chi phí tổ chức Asiad 17 nhưng sự kiện chưa có tiền lệ này đã làm sứt mẻ đáng kể hình ảnh của thành phố đăng cai ngay trước khi Đại hội khai mạc.

Trước Incheon, ASIAD 16 được tổ chức tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. ASIAD Quảng Châu 2010 được coi là “hoành tráng” nhất nhưng về mặt tài chính cũng là kỳ đại hội “đội giá” lớn nhất.

Ngày 11-3-2005, ít lâu sau khi giành được quyền đăng cai tổ chức ASIAD, chính quyền Quảng Châu đưa ra con số dự toán là 2 tỉ nhân dân tệ (NDT), tương đương 300 triệu đô la Mỹ. Đến tháng 3-2009, giám đốc tiếp thị của Ban Tổ chức ASIAD Quảng Châu than thở, do khủng hoảng tài chính nên phần tài trợ của doanh nghiệp rất hẻo, chính quyền phải chi ra ít nhất là 420 triệu đô la Mỹ. Nhưng con số thực chi không dừng ở đó; ngày 13-10-2010, ngay khi ASIAD 16 đang diễn ra, Thị trưởng Quảng Châu Wan Qingliang tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng chi phí tổ chức ASIAD đã lên tới 122,6 tỉ NDT, tương đương 17 tỉ đô la Mỹ, hơn 60 lần so với dự toán ban đầu!

Trước Quảng Châu, Qatar cũng đã phải tiêu tốn 2,8 tỉ đô la Mỹ để tổ chức ASIAD 15 năm 2006.

Ngày 7-6-2011 Hà Nội giành được quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 sau khi đánh bại Surabaya (Indonesia) với số phiếu 29-14 trong cuộc bỏ phiếu kín của OCA. Ứng cử viên thứ ba, thành phố Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab, đã rút tên vào phút cuối. Trước đó nữa, các ứng viên nặng ký như Hồng Kông, New Delhi (Ấn Độ), Kuala Lumpur (Malaysia), Đài Bắc… đều rút tên sau khi cân nhắc được và mất. Hồng Kông rút tên vì ngày 14-1-2011 Ủy ban Tài chính của chính quyền đặc khu Hồng Kông bác bỏ dự toán ngân sách và người dân không tán thành việc tổ chức ASIAD; New Delhi đăng ký ngày 2-8-2010 nhưng sau đó rút tên vì chính phủ Ấn Độ vướng vào vụ lùm xùm tham nhũng khi tổ chức Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung năm 2010; Kuala Lumpur đăng ký vào tháng 1-2010 nhưng đến tháng 9-2010 thì rút lui vì “những hạn chế tài chính” và Đài Bắc cũng vậy. Xem ra, các thành phố nói trên đã có sự tính toán rất kỹ khi định đứng ra tổ chức cuộc chơi tầm châu lục như vậy.

Với nền kinh tế đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, liệu Việt Nam có nên tiếp tục đầu tư cho sự kiện này không? Xem gương những thành phố đi trước – đều là những đại đô thị có trình độ phát triển cao, cơ sở hạ tầng sẵn có tốt hơn rất nhiều so với thủ đô Hà Nội – thì chắc chắn số tiền phải chi cho việc tổ chức ASIAD 18 sẽ không phải là 3.100 tỉ đồng như dự tính lạc quan của Bộ Văn hóa – Thể thao –Du lịch.

(http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/hoso/113009/ASIAD-gia-bao-nhieu?.html)

Sự trở lại của các cường quốc chuyên chế

Azar Gat

Foreign Affairs, tháng 7-8/2007

Azar Gat là giáo sư về An ninh quốc gia, Đại học Tel Aviv, Israel, tác giả sách “Chiến tranh trong nền văn minh nhân loại”.

Tận cùng của tận cùng của lịch sử

Trật tự dân chủ tự do toàn cầu ngày hôm nay đối mặt với hai thách thức. Trước tiên là Hồi giáo cấp tiến –  và đây là thách thức nhỏ hơn trong hai thách thức ấy. Mặc dù những người đề xướng Hồi giáo cấp tiến coi dân chủ tự do là đáng ghê tởm và phong trào Hồi giáo này thường bị coi là một mối đe dọa phát xít kiểu mới, các xã hội mà từ đó nó nổi lên nhìn chung vẫn còn nghèo và trì trệ. Các xã hội này không đưa ra được một sự thay thế hợp lý cho chủ nghĩa dân chủ tự do để đi tới xã hội hiện đại và không đặt ra mối đe dọa về quân sự đáng kể nào đối với thế giới đã phát triển. Chính khả năng tiềm tàng về sử dụng vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt – đặc biệt là bởi các tổ chức phi nhà nước – mới là điều chủ yếu làm cho Hồi giáo cực đoan trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng.

Thách thức thứ hai, và quan trọng hơn, phát sinh từ sự trỗi dậy của các cường quốc phi dân chủ là Trung Quốc và Nga – các đối thủ của phương Tây thời Chiến tranh Lạnh giờ đây đang vận hành theo chế độ tư bản chuyên chế chứ không phải là cộng sản. Các cường quốc tư bản chuyên chế giữ vai trò dẫn dắt trong hệ thống quốc tế cho đến năm 1945 rồi vắng mặt từ lúc ấy. Nhưng ngày nay, dường như chúng đã sẵn sàng quay lại.

Uy thế của chủ nghĩa tư bản có vẻ như sâu rễ bền gốc nhưng ưu thế hiện thời của nền dân chủ thì không được bảo đảm như vậy. Chủ nghĩa tư bản đã mở rộng không ngừng từ buổi đầu của thời hiện đại, nó tạo ra hàng hóa giá rẻ hơn và sức mạnh kinh tế siêu việt của nó đã xói mòn và làm biến đổi tất cả các thể chế kinh tế xã hội khác – một quá trình mà Karl Marx đã miêu tả rất đáng nhớ trong Tuyên ngôn của đảng Cộng sản. Nhưng trái với kỳ vọng của Marx, chủ nghĩa tư bản cũng có tác động tương tự lên chủ nghĩa cộng sản, thậm chí “đào mồ chôn” chủ nghĩa cộng sản mà không cần nổ một phát súng nào. Chiến thắng của thị trường – được thúc đẩy và củng cố bởi cuộc cách mạng công nghiệp-công nghệ – đã dẫn tới sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu, tới sự gia tăng đô thị hóa, sự phổ cập giáo dục đào tạo và sự nổi lên của xã hội công dân, thậm chí là dẫn tới sự giàu có và sung túc hơn. Trong thời kỳ tiếp sau cuộc Chiến tranh Lạnh (cũng như trong thế kỷ 19 và trong thập niên 1950, 1960 của thế kỷ trước) có một niềm tin rộng rãi rằng nền dân chủ tự do đã nổi lên một cách tự nhiên từ công cuộc phát triển này – một quan điểm mà Francis Fukuyama cổ xúy một cách nổi tiếng. Ngày nay hơn một nửa số quốc gia trên thế giới có chính phủ được người dân bầu lên và gần một nửa đã có những quyền tự do sâu rộng đến mức đủ để coi là những xã hội hoàn toàn tự do.

Nhưng nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của nền dân chủ, đặc biệt là đối với các đối thủ tư bản phi dân chủ trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Đức và Nhật Bản, thì có tính chất ngẫu nhiên hơn người ta tưởng. Các nhà nước tư bản chuyên chế, điển hình ngày nay là Trung Quốc và Nga, lại có thể đưa ra một con đường thay thế khả thi để đi tới hiện đại hóa, và đến lượt nó lại cho thấy rằng thắng lợi cuối cùng của nền dân chủ tự do không phải là điều tất yếu – hoặc không phải là ưu thế của tương lai.

Biên niên sử về một thất bại chưa từng được đoán trước.

Phe dân chủ tự do đã đánh bại các đối thủ chuyên chế, phát xít và cộng sản trong cả ba cuộc chiến tranh lớn giữa các cường quốc trong thế kỷ 20 – hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong khi cố gắng xác định chính xác điều gì đã làm nên kết quả quyết định này, nhất thiết phải dò theo nó từ những đặc điểm riêng biệt và những lợi thế hiển nhiên của nền dân chủ tự do.

Một lợi thế có thể có là cách ứng xử quốc tế của các nền dân chủ. Các nền dân chủ được hưởng lợi nhiều hơn khi thay vì đe dọa nhau thì lại khơi gợi sự hợp tác quốc tế thông qua những mối ràng buộc và kỷ luật của hệ thống thị trường toàn cầu. Cách giải thích này có lẽ đúng với thời Chiến tranh Lạnh, khi nền kinh tế đã mở rộng rất nhiều trên toàn cầu được thống trị bởi các cường quốc dân chủ; nhưng nó lại không áp dụng được  cho hai cuộc chiến tranh thế giới. Cũng không đúng rằng các nền dân chủ tự do thành công nhờ chúng luôn gắn kết với nhau. Tuy vậy điều này lại đúng , hoặc ít nhất là một nhân tố đóng góp vào thành công của chế độ dân chủ tự do trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, phe tư bản dân chủ giữ được sự đoàn kết trong khi sự đối kháng ngày càng tăng giữa Liên xô và Trung Quốc đã làm phân liệt khối cộng sản chủ nghĩa.

Thế nhưng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, sự phân chia ý thức hệ giữa hai phe tỏ ra ít rõ ràng hơn. Liên minh Anh-Pháp trước tiên là kết quả của những cuộc tính toán về cân bằng thế lực hơn là một sự cộng tác tự do… Vào cuối thế kỷ 19, chính trị quyền lực đã đưa Vương quốc Anh và Pháp – vốn là những quốc gia đối nghịch nhau sâu sắc – đến bờ vực của chiến tranh và thôi thúc Vương quốc Anh tìm kiếm sự liên minh với Đức. Sự kiện nước Ý tự do tách ra khỏi phe Trục và gia nhập khối Đồng minh, mặc dù Ý có sự cạnh tranh với Pháp, đã thôi thúc sự hình thành mối liên minh Anh-Pháp vì vị trí bán đảo của Ý khiến cho đất nước này gặp nguy hiểm nếu đứng về phe đối lập với cường quốc hải dương hàng đầu thời ấy là Vương quốc Anh.

Tương tự như vậy, trong thời Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, Pháp nhanh chóng bị đánh bại và bị tách ra khỏi phe Đồng minh (bao gồm cả nước Nga Xô viết phi dân chủ), trong khi các cường quốc theo chủ nghĩa toàn trị cánh hữu chiến đấu chung một chiến hào. Các công trình nghiên cứu về hành vi của liên minh các quốc gia dân chủ cho thấy rằng các chế độ dân chủ không biểu lộ khuynh hướng gắn kết với nhau nhiều hơn các kiểu chế độ khác.

Các chế độ tư bản chủ nghĩa toàn trị thất bại trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai cũng không phải do các đối thủ dân chủ của họ có nền tảng đạo đức cao hơn để kích thích nỗ lực lớn hơn của công dân như nhà sử học Richard Overy và những người khác nhận định. Trong thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, chủ nghĩa phát xít và chế độ Quốc xã là các hệ tư tưởng mới, hấp dẫn, đã khơi dậy nhiệt tình lớn lao của dân chúng trong khi học thuyết dân chủ rơi vào thế phòng ngự về hệ tư tưởng, tỏ ra già cỗi và không hấp dẫn. Trong thời chiến, các chế độ phát xít đã tỏ ra hấp dẫn hơn các đối thủ dân chủ của mình, và thành tích của các đoàn quân phát xít trên chiến trường thì được công nhận rộng rãi là ưu việt hơn.

Lợi thế được coi là cố hữu về kinh tế của dân chủ tự do cũng không rõ ràng như người ta thường giả định. Tất cả các nước tham chiến trong những cuộc đấu tranh lớn của thế kỷ 20 đều chứng tỏ có hiệu năng cao trong việc chuẩn bị cho chiến tranh. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, nước Đức bán chuyên chế đã huy động các nguồn tài nguyên của mình cũng hiệu quả ngang với các đối thủ dân chủ. Sau những thắng lợi ban đầu trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, nước Đức Quốc xã có phần lơi lỏng trong công cuộc huy động kinh tế và sản xuất quân sự trong những năm quyết định 1940-42. Có được vị trí rất tốt vào thời điểm cán cân quyền lực toàn cầu đã biến đổi sau khi đã tàn phá Liên xô và bao trùm cả lục địa châu Âu nhưng nước Đức thất bại bởi vì các lực lượng vũ trang của họ không được cung cấp đầy đủ để làm nhiệm vụ. Lý do dẫn tới sự thiếu hụt này vẫn còn là một đề tài lịch sử được bàn tán, nhưng một trong những vấn đề của họ là sự tồn tại các trung tâm cạnh tranh quyền lực trong hệ thống Quốc xã, trong đó chiến thuật “chia để trị” của Hitler và các đầu lĩnh cao cấp của đảng Quốc xã tìm cách bảo vệ lãnh địa của mình đã dẫn tới một hệ quả hỗn loạn.

Hơn thế nữa, từ khi nước Pháp thất thủ vào tháng 6-1940 đến khi Đức phải rút lui trước khi đặt chân được vào Moscow tháng 12-1941, có một cảm giác phổ biến ở Đức rằng trong thực tế, nước Đức đã chiến thắng cuộc chiến tranh. Tương tự như vậy, từ năm 1942 trở về sau, nước Đức đã gia tăng mạnh mẽ việc huy động kinh tế và đã bắt kịp, thậm chí vượt qua các nền dân chủ tự do xét về tỷ trọng của GDP đầu tư cho chiến tranh (mặc dù quy mô sản xuất của Đức vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với nền kinh tế khổng lồ của Mỹ). Nhưng lúc đó đã quá muộn. Tương tự như vậy, mức độ huy động kinh tế ở nước Nhật đế quốc và Liên bang Xô viết cũng vượt qua mức độ của Mỹ và Anh, nhờ vào những nỗ lực khá tàn nhẫn.

Chỉ trong thời Chiến tranh Lạnh, nền kinh tế chỉ huy của Liên xô mới bộc lộ sự yếu kém sâu sắc về cơ cấu – sự yếu kém là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của Liên xô. Hệ thống Xô viết đã thành công trong việc phát triển giai đoạn đầu và giai đoạn giữa của công cuộc công nghiệp hóa (mặc dù phải trả giá rất đắt về nhân lực) và rất giỏi về các kỹ thuật bị cắt khúc trong hoạt động sản xuất hàng loạt trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Liên xô cũng giữ thế ngang ngửa về quân sự trong suốt thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng bởi vì tính chất cứng nhắc, thiếu động lực của hệ thống này mà nó không ứng phó nổi với những giai đoạn phát triển tiến bộ hơn, không đáp ứng được yêu cầu của thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa.

Tuy vậy không có lý do gì để giả định rằng các chế độ tư bản chủ nghĩa toàn trị như nước Đức phát xít và nước Nhật đế quốc là yếu kém hơn về mặt kinh tế so với các nền dân chủ, nếu như hai nước này tiếp tục tồn tại. Tính chất thiếu hiệu quả mà sự thiên vị và không minh bạch tạo ra cho các chế độ đó có thể được bù đắp bởi mức độ kỷ luật rất cao trong xã hội. Nhờ có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có hiệu quả hơn mà các cường quốc toàn trị cánh hữu có khả năng trở thành một thách thức mạnh mẽ cho nền dân chủ tự do hơn là thách thức của Liên bang Xô viết; nước Đức phát xít đã được các cường quốc Đồng minh đánh giá là một thách thức như vậy trước và trong thời Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Các nền dân chủ tự do không sở hữu một lợi thế hiển nhiên nào về phương diện phát triển kinh tế và công nghệ so với nước Đức như so với các cường quốc đối thủ khác.

Tóm lại, thắng lợi của chế độ dân chủ tự do trước các đối thủ tư bản chuyên chế Đức và Nhật không đơn giản là do phe dân chủ đoàn kết hơn, có đạo đức cao hơn hay có lợi thế vượt trội về kinh tế.

Thế thì tại sao các nền dân chủ giành được chiến thắng trong các cuộc đấu tranh lớn của thế kỷ 20? Lý do thì không giống nhau, tùy vào các loại đối thủ. Các đối thủ tư bản phi dân chủ, như Đức và Nhật bị thất bại trong chiến tranh bởi vì Đức và Nhật chỉ là những quốc gia cỡ trung, cơ sở tài nguyên hạn chế lại đối đầu với một liên minh kinh tế và quân sự vượt trội gồm các cường quốc dân chủ cộng với nước Nga Xô viết.

Còn sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản lại liên quan nhiều tới những yếu tố về cơ cấu. Phe tư bản chủ nghĩa – mà sau năm 1945 đã mở rộng để bao hàm gần hết thế giới phát triển – sở hữu một sức mạnh kinh tế to lớn hơn nhiều so với khối cộng sản, và tính chất kém hiệu quả cố hữu của các nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa đã ngăn cản họ khai thác tối đa các nguồn tài nguyên to lớn của mình và bắt kịp phương Tây. Liên xô và Trung Quốc cộng lại thì lớn hơn và như vậy có tiềm năng trở nên hùng mạnh hơn phe dân chủ, nhưng cuối cùng họ thất bại bởi vì hệ thống kinh tế của họ trói buộc họ, trong khi các cường quốc tư bản phi dân chủ Đức và Nhật bị đánh bại bởi vì họ quá nhỏ.

Ngẫu nhiên cũng đóng một vai trò có tính chất quyết định trong việc làm lệch cán cân, gây bất lợi cho các cường quốc tư bản phi dân chủ và có lợi cho các nền dân chủ.

Biệt lệ nướcMỹ

Yếu tố quyết định nhất của sự ngẫu nhiên này chính là Mỹ. Dẫu sao, một cơ hội của lịch sử là mầm mống của chủ nghĩa tự do Anglo-Saxon lại đâm chồi nảy lộc ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thể chế hóa các di sản châu Âu của mình bằng nền độc lập, phát triển trên vùng lãnh thổ dễ sống nhất và dân cư thưa thớt nhất thế giới, tiếp nhận cuộc di cư khổng lồ từ châu Âu và từ đó kiến tạo nên ở quy mô lục địa cái từng là – và hiện là – nơi tập trung sức mạnh kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới cho đến nay. Một chế độ tự do và những đặc điểm về cấu trúc có liên quan rất nhiều tới thành công kinh tế của Hoa Kỳ và ngay cả với kích thước của nó, là nhờ sức hấp dẫn các dòng người di cư. Nhưng Hoa Kỳ sẽ khó mà đạt được sự vĩ đại như vậy nếu như nó không được định vị ở một “kẽ hở” địa lý-sinh thái rộng lớn và có lợi thế đặc biệt, như các trường hợp đối chứng của Canada, Australia và New Zealand đã chứng tỏ. Tất nhiên là yếu tố vị trí, mặc dù hết sức quan trọng, cũng chỉ là một điều kiện cần thiết trong nhiều điều kiện hình thành nên một người khổng lồ, và thật vậy Hoa Kỳ với tư cách một Hợp chủng quốc, là một thực tế chính trị tối cao của thế kỷ 20. Sự ngẫu nhiên ít nhất cũng có trách nhiệm ngang bằng với chủ nghĩa tự do đã làm nên sự nổi trội của Hoa Kỳ ở Tân Thế giới và kể từ đấy, tạo nên khả năng của nó sau này trong việc cứu vãn Cựu Thế giới.

Suốt thế kỷ 20, sức mạnh của Hoa Kỳ luôn vượt qua hai nước kế tiếp nó cộng lại, và điều này đã làm nghiêng một cách quyết định cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho bất cứ phe nào mà Washington tham gia. Nếu có một yếu tố nào đó giúp cho các nền dân chủ tự do đạt được lợi thế thì trên hết đó chính là sự tồn tại của Hoa Kỳ hơn bất kỳ lợi thế hiển nhiên nào. Trong thực tế, nếu không có Hoa Kỳ, có lẽ phe dân chủ tự do đã thất bại trong những cuộc tranh đấu lớn lao của thế kỷ 20. Đây là một ý tưởng buồn thường bị bỏ qua trong khi nghiên cứu về sự lan rộng của dân chủ trong thế kỷ 20 và nó làm cho thế giới ngày nay có vẻ ngẫu nhiên nhiều hơn, thăng trầm nhiều hơn là đề xướng của các lý thuyết về phát triển. Nếu không có yếu tố Hoa Kỳ, sự phán xét của các thế hệ tương lai về chế độ dân chủ tự do có lẽ sẽ mang âm hưởng lời phán quyết tiêu cực về thành tích của nền dân chủ mà người Hy Lạp đưa ra vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, ngay sau thất bại của Athens trong cuộc chiến tranh Peloponnesia.

Thế giới thứ Hai mới

Nhưng tất nhiên việc kiểm kê lại các cuộc chiến tranh không phải là việc duy nhất mà các xã hội – dân chủ và phi dân chủ – phải trải qua. Người ta phải tự hỏi, các cường quốc tư bản toàn trị sẽ phát triển như thế nào nếu như chúng không bị đánh bại trong chiến tranh. Liệu có phải chăng, theo thời gian và trình độ phát triển cao hơn, các cường quốc này sẽ xé bỏ cái bản sắc trước đây của mình và tiếp nhận chủ nghĩa dân chủ tự do, giống như các chế độ cộng sản cũ ở Đông Âu đã làm? Liệu các nhà nước công nghiệp tư bản chủ nghĩa như nước Đức đế quốc thời trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất cuối cùng cũng sẽ tiến tới dân chủ hóa và gia tăng quyền kiểm soát của nghị viện? Hoặc nó sẽ phát triển thành một chế độ chuyên chế hoạt đầu chính trị, bị thống trị bởi sự câu kết giữa giới quan chức, lực lượng vũ trang  và giới tài phiệt công nghiệp, giống như đế quốc Nhật Bản đã làm (mặc dù ở Nhật có một giai đoạn tự do ngắn ngủi trong thập niên 1920)? Tự do hóa có vẻ như là một khả năng đáng hoài nghi trong trường hợp nước Đức phát xít nếu như nó còn tồn tại được, nếu không nói là nó chiến thắng. Bởi vì chiến tranh đã triệt tiêu tất cả mọi cuộc thử nghiệm lịch sử quan trọng này, câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ vẫn chỉ là những lời suy đoán. Nhưng thành tích trong thời bình của các chế độ tư bản chuyên chế khác từ năm 1945 đến nay có thể cho ta một vài manh mối.

Các công trình nghiên cứu về giai đoạn này cho thấy các nền dân chủ nói chung đã vượt xa các hệ thống khác về phương diện kinh tế. Các chế độ tư bản chuyên chế ít ra cũng đã thành công – nếu không nói là thành công hơn – trong những giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng sau khi vượt qua được một cái ngưỡng phát triển về kinh tế và xã hội, chúng có xu hướng dân chủ hóa. Đây có lẽ là một mô thức lặp đi lặp lại ở Đông Á, Nam Âu và châu Mỹ Latin. Tuy nhiên, từ hiện tượng này mà cố gắng rút ra kết luận về mô thức phát triển thì có thể nhầm lẫn bởi vì bản thân các hiện tượng đã không còn thuần chất. Từ năm 1945, những lực kéo, lực hấp dẫn khổng lồ mà Hoa Kỳ và sự bá chủ mà chủ nghĩa tự do gây ra đã làm méo mó những mô thức phát triển trên khắp thế giới.

Bởi vì các đại cường tư bản chủ nghĩa toàn trị, Đức và Nhật Bản, đã bị đập nát trong chiến tranh, và những nước này sau đó bị đe dọa bởi cường quốc Xô-viết, họ phải lao mình vào công cuộc tái cấu trúc toàn diện và dân chủ hóa. Hậu quà là, các nước nhỏ hơn đã lựa chọn chủ nghĩa tư bản thay cho chủ nghĩa cộng sản đã không tìm thấy một hình mẫu chính trị và kinh tế có tính chất đối lập nào để đi theo và không tay chơi quốc tế hùng mạnh nào để hướng tới ngoài phe dân chủ tự do. Công cuộc dân chủ hóa cuối cùng của các nước nhỏ và vừa này có lẽ có liên quan nhiều hơn tới ảnh hưởng bao trùm của  sự bá chủ của chủ nghĩa tự do hơn là với những tiến trình nội tại của chúng. Hiện thời Singapore là ví dụ duy nhất về một đất nước có một nền kinh tế thật sự phát triển nhưng vẫn duy trì một chế độ bán chuyên chế, và ngay cả điều đó cũng có vẻ như đang thay đổi dưới ảnh hưởng của trật tự dân chủ tự do mà Singapore tham gia. Song, liệu các cường quốc theo kiểu giống như Singapore có thể cưỡng lại ảnh hưởng của trật tự này hay không?

Câu hỏi này trở nên nóng do sự nổi lên gần đây của các cường quốc khổng lồ phi dân dân chủ, vượt lên trên tất cả là nước Trung Quốc tư bản chuyên chế và cựu cộng sản đang phát triển nhanh. Nước Nga cũng rút lui khỏi chủ nghĩa tự do thời hậu cộng sản và theo đuổi một thể chế ngày càng chuyên chế trong lúc ảnh hưởng kinh tế của nó tăng dần lên. Một số người tin rằng, các nước này cuối cùng rồi cũng trở thành các quốc gia dân chủ tự do thông qua việc kết hợp sự phát triển nội tại, phạm vi ảnh hưởng gia tăng và tác động từ bên ngoài. Ngược lại, các nước này cũng có thể có đủ sức nặng để tạo ra một Thế giới thứ Hai mới, phi dân chủ nhưng phát triển về kinh tế. Họ có thể thiết lập một trật tự tư bản chủ nghĩa chuyên chế hùng mạnh, liên kết giới tinh hoa chính trị, công nghiệp và quân sự; theo định hướng dân tộc chủ nghĩa, và tham gia vào nền kinh tế toàn cầu theo những điều khoản riêng của họ, giống như các đế quốc Đức và Nhật đã làm trước đây.

Đã có sự đồng thuận rộng rãi rằng sự phát triển kinh tế – xã hội tạo ra áp lực dân chủ hóa mà một cơ cấu nhà nước chuyên chế không thể kìm hãm nổi. Cũng đã có quan điểm cho rằng các “xã hội đóng kín” có khả năng vươn tới sự xuất sắc trong sản xuất công nghiệp đại trà nhưng không thể làm như vậy trong các giai đoạn tiên tiến hơn của nền kinh tế thông tin. Sự phán xét về những vấn đề này vẫn còn để ngỏ bởi vì bộ dữ liệu chưa hoàn chỉnh. Nước Đức đế quốc và phát xít đã vươn lên thành nền kinh tế hàng đầu của thời đó về độ tiên tiến của khoa học và công nghệ; nhưng một số người vẫn lập luận rằng thành công của các nền kinh tế như vậy không còn có thể áp dụng nữa vì nền kinh tế thông tin thì rất khác biệt. Nước Singapore phi dân chủ có một nền kinh tế thông tin thành công cao độ, nhưng Singapore chỉ là một thành quốc (city-state), không phải là một quốc gia cỡ lớn. Trung Quốc thì phải mất rất nhiều thời gian nữa trước khi đạt tới giai đoạn có thể thử nghiệm khả năng tồn tại của một nhà nước chuyên chế cùng với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tiên tiến. Vào lúc này, tất cả những gì chúng ta có thể nói là trong lịch sử đã không có điều gì cho thấy rằng sự chuyển hóa các cường quốc tư bản chuyên chế hiện nay sang nền dân chủ là một tiến trình tất yếu, không tránh khỏi. Trong khi đó có nhiều dữ liệu cho thấy các cường quốc chuyên chế  hiện nay có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn hơn rất nhiều so với các chế độ cộng sản tiền bối.

Trung Quốc và Nga đại diện cho sự trở lại của các cường quốc tư bản chuyên chế thành công về mặt kinh tế. Các cường quốc kiểu này đã vắng bóng kể từ khi Nhật Bản và Đức bị đánh bại năm 1945. Nhưng Nga và Trung Quốc hiện thời lớn hơn rất nhiều so với Đức và Nhật thuở trước.

Mặc dù chỉ là một quốc gia cỡ trung lại bị kẹp giữa trung tâm châu Âu, Đức đã hai lần gần như phá vỡ giới hạn của mình để trở thành một cường quốc toàn cầu thật sự về sức mạnh quân sự và kinh tế. Năm 1941 Nhật Bản vẫn còn lẽo đẽo theo sau các đại cường trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng của Nhật từ năm 1913 trở về sau luôn cao nhất thế giới. Tuy vậy, cuối cùng cả Đức và Nhật đều quá nhỏ bé – xét về phương diện dân số, tài nguyên và tiềm lực – để đương đầu với Hoa Kỳ.

Trái lại, nước Trung Quốc ngày hôm nay là tay chơi lớn nhất trong hệ thống quốc tế hiện hành, xét về phương diện dân số; đồng thời đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế rất ngoạn mục. Bằng việc chuyển hóa từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tư bản, Trung Quốc cũng đồng thời chuyển sang một “thương hiệu” chủ nghĩa chuyên chế có hiệu quả hơn rất nhiều. Khi Trung Quốc thu hẹp nhanh chóng khoảng cách kinh tế với thế giới đã phát triển, khả năng Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường chuyên chế thật sự đang treo lơ lửng.

Ngay cả khi sự đồng thuận tự do kinh tế chính trị được khu trú trong các pháo đài hiện thời ở phương Tây thì nó vẫn dễ bị tổn thương bởi những biến cố không nhìn thấy trước được, chẳng hạn như một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện làm gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu hoặc sự trỗi dậy trở lại những xung đột sắc tộc ở một châu Âu ngày càng lâm vào rắc rối bởi sự di dân và các cộng đồng sắc tộc thiểu số. Nếu như phương Tây bị chấn động bởi một biến cố như thế thì sự ủng hộ chủ nghĩa dân chủ tự do ở châu Á, châu Mỹ Latin và châu Phi – nơi mà sự gắn bó với mô hình dân chủ tự do chỉ mới diễn ra gần đây, chưa hoàn chỉnh và không an toàn – có thể bị chao đảo. Khi ấy, một Thế giới thứ Hai phi dân chủ nhưng thành công có thể được nhiều nước coi là một sự thay thế hấp dẫn cho chủ nghĩa tự do

Làm cho thế giới an toàn hơn cho nền dân chủ

Mặc dù sự trỗi dậy của các đại cường tư bản chuyên chế không nhất thiết dẫn tới sự bá quyền phi dân chủ hoặc dẫn tới chiến tranh, song nó có hàm ý rằng sự thống thị gần như hoàn toàn của chủ nghĩa dân chủ tự do từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ tới nay chỉ là một hiện tượng ngắn ngủi và một “nền hòa bình dân chủ” phổ quát vẫn còn rất xa vời. Các cường quốc tư bản chuyên chế mới có thể hội nhập vào kinh tế thế giới sâu như các đế quốc Đức và Nhật Bản đã làm, nhưng sẽ không chọn con đường tự cấp tự túc giống như nước Đức phát xít và khối cộng sản từng thực hiện trước kia. Một đại cường Trung Quốc có thể cũng ít xét lại hơn nước Đức và nước Nhật có lãnh thổ hạn chế (chỉ riêng nước Nga vẫn còn đang hậm hực vì để mất một đế quốc, giờ đây có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa xét lại). Tuy vậy Bắc Kinh, Moscow và những quốc gia đi theo họ trong tương lai có thể vẫn theo đuổi những điều kiện trái ngược với các quốc gia dân chủ, có tiềm năng gây nên hoài nghi, bất an và xung đột trong khi vẫn duy trì nhiều sức mạnh so với các đối thủ mà các nền dân chủ từng đối mặt.

Như vậy có phải tiềm năng sức mạnh lớn lao hơn của chủ nghĩa tư bản chuyên chế có nghĩa là sự chuyển hóa các đại cường cộng sản cũ cuối cùng sẽ là một bước phát triển tiêu cực cho nền dân chủ toàn cầu? Hãy còn quá sớm để nói như vậy. Về mặt kinh tế, công cuộc tự do hóa các quốc gia cựu cộng sản đã đem lại cho kinh tế toàn cầu một lực đẩy to lớn và vẫn còn lực đẩy chưa được dùng đến. Nhưng cũng cần phải tính tới khả năng các quốc gia này sẽ chuyển hướng sang chủ nghĩa bảo hộ trong tương lai – và cần phải tránh để xảy ra điều đó. Cần lưu ý rằng, chính triển vọng về sự gia tăng bảo hộ mậu dịch trong nền kinh tế thế giới vào buổi giao thời của thế kỷ 20 và khuynh hướng bảo hộ chủ nghĩa vào thập niên 1930 của thế kỷ trước đã góp phần cấp tiến hóa các cường quốc tư bản phi dân chủ thời đó và khơi mào cho cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Về mặt tích cực cho chủ nghĩa dân chủ, sự sụp đổ của Liên xô đã tước của Moscow hơn một nửa nguồn tài nguyên mà nó thủ đắc trong thời Chiến tranh Lạnh; Đông Âu đã hội nhập vào một châu Âu dân chủ đã mở rộng ra rất nhiều. Có lẽ đây là sự thay đổi có ý nghĩa nhất trong cán cân quyền lực toàn cầu kể từ sau khi Đức và Nhật bị buộc phải tái định hướng sang chủ nghĩa dân chủ thời hậu chiến, dưới sự giám hộ của Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, Trung Quốc cuối cùng cũng có thể dân chủ hóa và Nga có thể đảo ngược quá trình trôi dạt khỏi nền dân chủ. Nếu như Trung Quốc và Nga không trở thành các nền dân chủ thì điều thiết yếu sẽ là Ấn Độ vẫn duy trì thể chế dân chủ, vừa do vai trò chủ chốt của Ấn Độ trong việc cân bằng với Trung Quốc, vừa do Ấn Độ là hình mẫu đại diện cho thế giới đang phát triển.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là Hoa Kỳ. Cho dù bị phê phán khắp nơi, Hoa Kỳ – và mối quan hệ liên minh với châu Âu – vẫn là niềm hy vọng quan trọng nhất và duy nhất cho tương lai của nền dân chủ tự do. Mặc dầu có những điểm yếu và những vấn đề của riêng mình, Hoa Kỳ vẫn thủ đắc một vị trí chỉ huy toàn cầu về sức mạnh và có thể duy trì vị trí đó ngay cả khi các cường quốc tư bản chuyên chế lớn mạnh lên. Hoa Kỳ không chỉ có tốc độ tăng tổng sản lượng và năng suất thuộc loại cao nhất thế giới đã phát triển mà với tư cách một quốc gia di dân có mật độ dân số chỉ bằng một phần tư so với Trung Quốc và Âu châu, một phần mười so với Ấn Độ và Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn còn có tiềm lực phát triển rất to lớn – cả về kinh tế và về phương diện dân số – trong khi các cường quốc khác đã bắt đầu đi vào giai đoạn lão hóa và suy giảm dân số.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện cao nhất thế giới, song do quy mô dân số khổng lồ và vẫn còn trong giai đoạn phát triển tương đối thấp, sự tăng trưởng của Trung Quốc hàm chứa tiềm năng cấp tiến nhất cho sự thay đổi quan hệ cường quốc trên toàn cầu. Nhưng cho dù tốc độ tăng trưởng siêu việt của Trung Quốc còn kéo dài và GDP của nước này vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2020 như nhiều người dự báo thì Trung Quốc vẫn chỉ giàu có bằng một phần ba so với Hoa Kỳ xét về thu nhập trên đầu người, và do vậy, có ít sức mạnh về kinh tế và quân sự. Để thu hẹp khoảng cách đầy thách thức đó với thế giới đã phát triển, Trung Quốc còn cần thêm vài thập niên nữa. Hơn thế nữa, GDP riêng rẽ thì chỉ là một thước đo tồi về sức  mạnh của một quốc gia và dựa vào GDP để ca ngợi uy thế của Trung Quốc là một điều cực kỳ sai lạc.

Cũng như trong suốt thế kỷ 20, yếu tố Hoa Kỳ vẫn là sự bảo đảm lớn nhất rằng chủ nghĩa dân chủ tự do sẽ không bị ném vào thế phòng thủ và không bị giáng cấp vào một vị trí dễ tổn thương ở bên lề của hệ quốc quốc tế.

Kinh tế Trung Quốc đi vào vùng bão

Quyết định của giới lãnh đạo Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế, từ dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng nội địa, đã bắt đầu gặp những thách thức đầu tiên và nghiêm trọng khi tăng trưởng kinh tế giảm xuống, nợ xấu tăng lên, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản và nạn thất nghiệp đe dọa.

Không đạt chỉ tiêu tăng trưởng

Phải đến ngày 15-7 Tổng cục Thống kê Trung Quốc mới công bố số liệu kinh tế quí 2-2013, nhưng 21 chuyên gia mà hãng Reuters phỏng vấn đều thống nhất nhận định, trong quí 2 tăng trưởng của nước này chỉ đạt tối đa 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quí 1-2013 và là mức thấp nhất trong 23 năm qua. Nguyên nhân của sự suy giảm này là nhu cầu của thị trường nước ngoài giảm dẫn tới sụt giảm sản lượng và đầu tư.

Theo dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 sôi động hơn tháng 5-2013 song tốc độ tăng trưởng đã giảm rõ rệt: xuất khẩu tăng 4%, nhập khẩu tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các năm trước luôn ở mức hai con số. Sản lượng công nghiệp tháng 6 chỉ tăng 9,1% so với cùng kỳ, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 5-2013.

Trong lĩnh vực tài chính, chủ trương siết chặt tín dụng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng đột ngột hồi cuối tháng 6, đồng thời cung tiền ra thị trường cũng giảm xuống mức 15,2% so với mức 15,8% hồi tháng 5, gây sức ép lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Cũng theo các chuyên gia này, triển vọng từ nay đến cuối năm còn u ám hơn nữa nếu như hậu quả của cuộc khủng hoảng thanh khoản cuối tháng trước bắt đầu tác động đến nền kinh tế thực. Sau nhiều năm phát triển nóng nhờ dễ dàng vay vốn giá rẻ, giờ đây doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với một hậu quả không mấy dễ chịu: nhu cầu tiêu thụ giảm và nguồn tín dụng cạn kiệt. Có khả năng 2013 sẽ là năm đầu tiên Trung Quốc không đạt được tăng trưởng kinh tế 7,5% mà chính phủ nước này đề ra và dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế.

Nợ nần dai dẳng

Siết chặt tín dụng có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và đẩy nhiều doanh nghiệp tới chỗ phá sản nhưng Trung Quốc không có lựa chọn nào khác.

Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính bùng nổ ở phương Tây, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra gói kích cầu gần 600 tỉ đô la Mỹ, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay nhằm duy trì tăng trưởng. Trong 5 năm 2008-2012, dư nợ tín dụng hàng năm luôn tăng trên mức 30% GDP – mức cao nhất thế giới. Nếu như cuối năm 2008, tổng dư nợ tín dụng ở Trung Quốc chiếm chưa tới 118% GDP thì đến cuối năm 2012 con số này đã là 196% và hiện đã vượt qua 200% GDP, theo Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS.

Đáng chú ý là phần lớn tín dụng được đổ vào các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước và các công ty đầu tư của chính quyền các địa phương, gọi là LGIV (local government investment vehicles), nhằm đẩy mạnh đầu tư bất động sản và xây dựng các công trình hạ tầng với hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn rất thấp.

Để hình dung phần nào tình trạng nợ nần ở Trung Quốc, các chuyên gia thường xem xét hoạt động của các LGIV. Theo bình luận của bà Zhang Monan của Trung tâm thông tin Trung Quốc đăng trên Project-Syndicate, cuối năm 2011 các LGIV đã vay nợ khoảng 10.700 tỉ nhân dân tệ (NDT), tương đương 1.700 tỉ đô la Mỹ; trong đó vay ngân hàng khoảng 9.100 tỉ NDT; sang năm 2012, số nợ vay ngân hàng tăng lên 9.300 tỉ NDT và năm nay vẫn duy trì con số đó. Ngoài tín dụng ngân hàng, các LGIV còn vay nợ của các quỹ tín dụng và phát hành trái phiếu; riêng trong năm 2012 các khoản vay vốn ngoài ngân hàng này là 1.388 tỉ NDT. Bà Zhang cho biết thêm, tổng dư nợ của các hoạt động tín dụng ngoài ngân hàng, còn gọi là “tín dụng đen” (shadow banking) năm ngoái đã vào khoảng 5.900 tỉ NDT, tăng tới 400%, do người vay tiền muốn né tránh các quy định chặt chẽ của chính phủ trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

Vay nhiều nhưng khả năng trả nợ của các chính quyền địa phương ngày càng giảm. Cũng theo bà Zhang Monan, sau khi Trung Quốc cải tổ luật thuế năm 1994, phần ngân sách phân bổ cho chính quyền địa phương đã giảm từ 78% tổng thu ngân sách năm 1993 xuống còn 52% năm 2011 trong khi chi tiêu công của chính quyền địa phương lại tăng từ mức 72% lên 85% tổng chi ngân sách cùng thời kỳ.

Khối nợ khổng lồ trong các LGIV và khả năng trả nợ chập chờn là “rủi ro lớn nhất” ở Trung Quốc. “Sự gia tăng các trường hợp phá sản có thể làm mất ổn định toàn bộ hệ thống tài chính và kích hoạt đà lao dốc của tăng trưởng kinh tế”, bà Zhang viết.

Image

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc – đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường – đã nhận ra nguy cơ mà tín dụng lỏng lẻo và đầu tư tràn lan gây ra cho nền kinh tế và dường như đã quyết tâm thay đổi hiện trạng. Vấn đề là khi nào và bằng cách nào Trung Quốc có thể đưa nền kinh tế ra khỏi căn bệnh mãn tính là nghiện tín dụng và đầu tư?

Giáo sư Minxin Pei của Đại học Claremont McKenna College đề ra hai kịch bản. Một là, kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh mềm” nếu chính phủ áp dụng các biện pháp đặc thù để làm giảm tăng trưởng tín dụng – nhất là các kênh tín dụng đen, buộc phá sản các doanh nghiệp kém hiệu quả và bơm tiền vào ngân hàng để ngăn hệ thống khỏi lung lay. Hai là, Chính phủ Trung Quốc không vượt qua được sự ngăn trở của các nhóm lợi ích (chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước, công ty bất động sản…) và tín dụng, đầu tư tiếp tục được thả lỏng cho đến khi bùng nổ một sự kiện chấn động giống như vụ sụp đổ Ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ năm 2008. Khi ấy, tăng trưởng kinh tế sẽ bị đảo ngược, doanh nghiệp vay nợ sẽ phá sản và hệ thống tài chính sụp đổ. Dù đi theo kịch bản nào, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ suy giảm.

Một số chuyên gia khác nhận định, đã có dấu hiệu cho thấy lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc chấp nhận suy giảm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn để đẩy mạnh cải tổ cơ cấu kinh tế nhắm đến những mục tiêu dài hạn là tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn. Sự kiện Ngân hàng trung ương Trung Quốc “án binh bất động” bất chấp những lời cầu xin “bơm tiền cứu thanh khoản” của hệ thống ngân hàng thương mại hồi cuối tháng 6 vừa qua là một dấu hiệu như vậy. Tuy nhiên, theo giáo sư kinh tế Zhang Jun, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Đại học Fudan Thượng Hải, cái “ngưỡng” chấp nhận được là tăng trưởng 7%/năm; Chính phủ Trung Quốc sẽ không ra tay “kích cầu”, nhưng nếu như kinh tế suy giảm mạnh, tình trạng doanh nghiệp phá sản và người lao động thất nghiệp lan tràn dẫn tới bất ổn xã hội thì mọi chuyện có thể thay đổi.

“Vinashin của Trung Quốc”

Thứ Sáu tuần trước, tập đoàn đóng tàu Rongsheng ở tỉnh Giang Tô đã kêu gọi hỗ trợ tài chính để tập đoàn tiếp tục hoạt động; đặt Chính phủ Trung Quốc trước một lựa chọn khó khăn: bỏ tiền ra cứu hay để mặc cho Rongsheng phá sản.

Rongsheng Heavy Industries là con chim đầu đàn của ngành đóng tàu Trung Quốc, sử dụng tới 20.000 lao động và hiện thực hóa giấc mơ của Trung Quốc trở thành cường quốc đóng tàu hàng đầu thế giới vào năm 2015. Thực hiện giấc mơ này, đến năm 2012 Trung Quốc đã có 1.647 nhà máy đóng tàu, nhiều gấp trăm lần so với con số 10 nhà máy ở Hàn Quốc và 15 nhà máy ở Nhật Bản; trong đó Rongsheng là doanh nghiệp lớn nhất.

Nhu cầu đóng tàu của thế giới giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là một trong những nguyên nhân làm cho các nhà máy đóng tàu cỡ lớn như Rongsheng “chìm xuồng”. Mặc dù được nhà nước Trung Quốc hào phóng tài trợ (830 triệu NDT năm 2010, 1,25 tỉ NDT năm 2011 và 1,3 tỉ NDT năm 2012) nhưng cũng như các nhà máy đóng tàu khác, Rongsheng liên tục thua lỗ: năm 2012 lỗ ròng 572,6 triệu NDT (94 triệu đô la Mỹ) và nợ thuế 168 triệu NDT; giá trị sản lượng cả năm của nhà máy chỉ đạt 55,6 triệu đô la, cách xa mục tiêu 1,8 tỉ đô la đề ra trong kế hoạch kinh doanh.

Sáu tháng đầu năm nay Rongsheng tiếp tục thua lỗ đậm mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã ra sức hỗ trợ ngành đóng tàu bằng cách cấp tín dụng 3 tỉ đô la Mỹ cho các công ty vận tải mua tàu mới, hỗ trợ 20% chi phí cho việc phá dỡ trước hạn những con tàu có tuổi đời từ 15 năm trở lên.

Được biết, trong khi chờ đợi quyết định của Chính phủ Trung Quốc, tập đoàn này đã thông báo cho thôi việc 8.000 lao động để cắt giảm chi phí.

Ảnh: Nhà máy đóng tàu Rongsheng lớn nhất Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản vì thua lỗ do đầu tư quá lớn.

(Bài đăng TBKTSG số 28-2013, ngày 11-7-2013)

Trung Quốc: hỗn loạn trên thị trường tài chính

Thị trường tài chính Trung Quốc vừa trải qua một cơn sóng gió dữ dội khi các nhà đầu tư lo lắng chính sách siết chặt tín dụng có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế của nước này, buộc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) phải cam kết điều chỉnh chính sách.

Image

Ảnh: Giao dịch tại một công ty môi giới trên thị trường chứng khoán Thượng Hải hôm qua 25-6. Ảnh Reuters.

Dấu hiệu đầu tiên của sự hỗn loạn là các thị trường chứng khoán Trung Quốc liên tục mất điểm do cổ phiếu bị bán tháo. Trong buổi sáng ngày thứ Ba 25-6, chỉ số CSI300, phản ánh giá cổ phiếu bình quân của 300 doanh nghiệp lớn nhất trên các sàn chứng khoán Trung Quốc, bị giảm 4,5%, về mức thấp nhất kể từ tháng 2-2009; chỉ số chứng khoán Thượng Hải SCI giảm 3,8%, sau khi đã giảm 5,3% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, về mức thấp nhất kể từ tháng 1-2009. Đáng chú ý là chỉ số nhóm công ty tài chính trên thị trường Thượng Hải, SSEFN, giảm 5,2% trong sáng thứ Ba sau khi đã giảm 7,3% trong phiên giao dịch đầu tuần, cho thấy niềm tin vào hệ thống ngân hàng nước này đã suy giảm trầm trọng. Tính từ đầu năm đến nay chứng khoán Trung Quốc đã mất hơn 13% giá trị vốn hóa.

Image

Hai dấu hiệu hỗn loạn của thị trường: lãi suất liên ngân hàng tăng vọt (cột trái) và chỉ số chứng khoán lao dốc (cột phải). Nguồn NYT

Các nhà đầu tư lo ngại sự kiên quyết của chính phủ Trung Quốc trong việc chấn chỉnh hoạt động “tín dụng đen” (shadow banking) thay vì bơm tiền hỗ trợ thanh khoản của thị trường tiền tệ sẽ làm cho tín dụng bị siết chặt, kéo lùi tăng trưởng kinh tế.

Nỗi lo ngại ấy càng dâng cao trong ngày thứ Hai, khi PBOC tiết lộ đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chấm dứt tình trạng tín dụng lỏng lẻo và ngăn chặn hành động đầu cơ do tín dụng lỏng lẻo gây ra, tăng cường kiểm soát rủi ro và cải thiện quản lý dòng tiền. Yêu cầu này đã được PBOC bí mật chuyển tới các ngân hàng vào ngày 17-6, một tuần trước khi được công bố để tránh tình trạng “tháo chạy tán loạn”.

Dấu hiệu thứ hai của sự hỗn loạn là sự gia tăng chóng mặt của lãi suất liên ngân hàng – thước đo tình trạng thanh khoản của thị trường tiền tệ: tiền bạc dồi dào thì lãi suất thấp và ngược lại. Từ đầu tháng 6-2013, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu tăng chóng mặt. Hôm thứ Hai, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng là 6,489%, giảm từ mức 8,492% hôm thứ Sáu và mức 13,440% hôm thứ Năm tuần trước. Tuy vậy, các mức lãi suất này vẫn còn quá cao so với mức bình quân 3% kéo dài suốt 18 tháng qua. Sự gia tăng đột ngột của lãi suất liên ngân hàng là phản ứng tất yếu của thị trường do việc PBOC từ chối bơm tiền vào hệ thống trong một nỗ lực khống chế đà tăng trưởng tín dụng quá mức cần thiết.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay để duy trì tăng trưởng kinh tế. Nguồn cung tiền dồi dào đã giúp cho lãi suất liên ngân hàng ở nước này giảm xuống rất thấp, quanh mức 3%/năm. Các ngân hàng lớn tận dụng nguồn vốn rẻ để cho các ngân hàng nhỏ vay với lãi suất cao hơn, đến lượt các ngân hàng này lại cấp tín dụng cho các dự án bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất công nghiệp… với lãi suất cao hơn nữa và tất nhiên cũng rủi ro hơn. Giới phân tích cho rằng, hệ thống tín dụng của Trung Quốc giống như một “chuỗi bán hàng đa cấp” khổng lồ; nếu các doanh nghiệp không trả được nợ thì cả hệ thống có khả năng kéo nhau sụp đổ. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã lên tiếng cảnh báo, tăng trưởng tín dụng ngoài tầm kiểm soát “gây lo ngại về chất lượng đầu tư và tác động của nó đến khả năng trả nợ, nhất là khi phần lớn vốn tín dụng được giải ngân thông qua những kênh ít được giám sát nhất của hệ thống tài chính”.

Theo Yiping Huang và Jian Chang – chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, tại thời điểm cuối năm ngoái, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng nước này đã là 200% GDP, còn theo Charlene Chu của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings, con số này là 198%. Nếu kinh tế vẫn tăng trưởng đều đặn thì con số nợ này chưa phải là vấn đề nhưng khi tăng trưởng sụt giảm, các rủi ro tiềm ẩn sẽ bắt đầu lộ ra. Bất động sản đóng băng, cộng với nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và châu Âu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đứng trước nguy cơ thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ. Thứ Sáu tuần trước, Fitch Ratings nhận định, tình trạng thiếu hụt tín dụng trên thị trường liên ngân hàng có thể khiến cho nhiều ngân hàng nhỏ không thanh toán được các món nợ đã vay, trong đó có khoảng 244 tỉ đô la Mỹ sẽ đáo hạn vào cuối tháng này, và nhu cầu vay mượn có thể đẩy lãi suất lên cao hơn nữa.

Tất cả các yếu tố trên tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư đã sinh ra cơn sóng gió nói trên và ảnh hưởng đến cả các thị trường tài chính châu Á bên ngoài Trung Quốc.

Thật ra, trong suốt tuần, PBOC đã liên tục đưa ra những thông báo trấn an nhà đầu tư như cho rằng hệ thống ngân hàng thương mại vẫn có đủ tiền nhưng hình như không mấy người tin vào các tuyên bố này. Mãi đến chiều thứ Ba (25-6) vừa qua, sau khi thị trường đã đóng cửa, PBOC mới họp báo đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn: “sẽ không siết quá chặt hoạt động tín dụng ngân hàng”, “đã kiểm soát được rủi ro về thanh khoản”, “sẽ ổn định kỳ vọng thị trường và đưa lãi suất về mức hợp lý” và “sẽ điều chỉnh thanh khoản theo tình hình thị trường”, “se bơm tiền cho đơn vị nào cần”… Hành động thực tế đầu tiên của PBOC là ngừng vô thời hạn việc phát hành trái phiếu chính phủ – tức là ngừng việc rút vốn ra khỏi thị trường tiền tệ.

Phản ứng ban đầu của thị trường khá chập chờn: chứng khoán vượng trở lại một chút trong buổi chiều thứ Ba trước khi tiếp tục lao dốc vào buổi sáng thứ Tư 26-6. Giới đầu tư cho rằng những biện pháp mới của PBOC có thể chỉ mang tính tình thế và sẽ sớm chấm dứt vì ban lãnh đạo mới của Trung Quốc với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, đang cố gắng điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hơn. Và tình trạng hỗn loạn hiện thời có thể là cái giá cần thiết phải trả cho những năm tháng đầu tư tràn lan, thả lỏng tín dụng để chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá.

 

 

Bagan đất Phật

Huỳnh Hoa

Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái cảm giác thật đặc biệt khi ngồi trên chiếc xe thổ mộ cọc cạch đi giữa những đền tháp hoang tàn trong một buổi sáng tinh mơ, mặt trời chưa thức giấc, cả vũ trụ dường như chỉ có tôi, con ngựa già và những đền đài trầm mặc. Không đèn đóm, không bóng người, không tiếng máy xe, chỉ tiếng vó ngựa lách cách trên con đường ướt đẫm sương mai và tiếng quàng quạc của bầy quạ ăn đêm đâu đó đang gọi nhau về tổ. Trong thoáng chốc, tôi có cảm tưởng như thời gian đã quay ngược lại hàng trăm năm, hay là tôi đã bị lạc vào quá khứ một vùng đất từng rất huy hoàng nhưng nay  chỉ còn là phế tích: Bagan (Pagan).

Image

Kỳ 1: Bagan vẫy gọi

Tôi chỉ mới vừa đến Bagan trên chuyến xe tốc hành xuyên đêm từ thành phố Yangon, cách 700 km về phía nam. Cũng như mọi du khách đến Myanmar khi đất nước này bắt đầu mở cửa, tôi háo hức đến Bagan, nơi mật độ di tích lịch sử thuộc loại cao nhất thế giới, và thường được ví với thánh địa Angkor của Campuchia. Xe rời Yangon lúc 6 giờ chiều hôm trước và rạng sáng hôm sau, lúc 4 giờ, tôi đã có mặt ở bến xe thị trấn Nyang-U gần kề khu di tích Bagan.

Theo tài liệu lịch sử, từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13, Bagan là thủ đô của Vương quốc Pagan, vương quốc đầu tiên thống nhất được các lãnh chúa, hợp thành quốc gia Myanmar hiện đại. Trong thời hoàng kim của vương quốc, từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 13, đã có hơn 10.000 ngôi chùa, đền miếu và tu viện Phật giáo được xây dựng trên đồng bằng Bagan rộng 104 km2, bên dòng sông Irrawaddy. Những chùa chiền và tu viện này đã đào tạo hàng nghìn tăng sĩ về Phật pháp, kiến trúc, thiên văn học, ngôn ngữ học…, đặt nền tảng cho nền văn minh sông Irrawaddy, cội nguồn của văn hóa Myanmar hiện đại. Thời thịnh trị có cả những đoàn tăng sĩ từ Ấn Độ, Tây Tạng, Khmer đến Bagan tu học. Sự phát triển phồn thịnh suốt 250 năm của kinh đô Bagan chỉ chấm dứt khi vó ngựa của đoàn quân viễn chinh Mông Cổ tràn qua đồng bằng này năm 1287.

Đến nay sau gần ngàn năm bị tàn phá bởi thời gian và binh lửa, Bagan vẫn còn hơn 2.200 chùa chiền đền tháp tương đối nguyên vẹn, được bảo tồn trong một cánh đồng diện tích khoảng 25 km2, không có dân cư sinh sống, gọi là Khu khảo cổ học Bagan hay đơn giản là Old Bagan (Bagan Cổ) để phân biệt với khu đô thị mới xây dựng New Bagan gần đó. Ở hai đầu nam bắc của khu bảo tồn có hai thị trấn nhỏ cách nhau khoảng 15 km: Nyang-U và New Bagan, nơi dừng chân của du khách bốn phương, có sân bay, bến xe, nhiều khách sạn, nhà hàng, thậm chí có cả một sân golf. 

Không để lỡ dịp ngắm bình minh trên đồng bằng Bagan, và còn quá sớm để nhận phòng khách sạn, tôi uống vội ly cà phê trong quán cóc bến xe rồi thuê xe thổ mộ đi đến nơi mà du khách vẫn thường tụ tập chụp ảnh mặt trời mọc trên các đền tháp cổ. Người đánh xe gầy gò, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, cùng con ngựa già lọc cọc đưa tôi đi vào khu di tích khi đất trời còn tối mịt.

Đền Shweleiktoo nằm giữa con đường xuyên qua Old Bagan nối Nyang-U với New Bagan, tuy không phải là ngôi đền to lớn nhất hay đẹp nhất, nhưng trong đền có một cầu thang hẹp, chỉ vừa một người nhỏ con, tối đen, dẫn lên một ban công rộng hướng về phía mặt trời. Lúc tôi lên đến nơi trời hãy còn tối nhưng đã có vài du khách Nhật Bản và Thụy Sĩ ngồi chờ với máy ảnh lăm lăm trong tay. Từ ban công này nhìn ra, cánh đồng Bagan trải rộng tới chân trời, có rất nhiều đền, tháp lẩn khuất dưới các tàn cây. Khi mặt trời mọc dần lên, nền trời ửng lên màu hổ phách rất đẹp, rọi một thứ ánh sáng huyền bí xuống các ngôi đền gạch làm chúng đỏ hồng lên trong ánh bình minh. Lúc ấy tôi tiếc đã không mang theo cái máy ảnh compact có chức năng chụp ảnh toàn cảnh (panorama), chiếc Canon EOS của tôi dù đã mở ống kính hết cỡ cũng chỉ bao quát được một góc nhỏ của cảnh quan hùng vĩ. Chung quanh đền Shweleiktoo, phía nào cũng điệp trùng đền tháp, có tháp vươn cao trên nền trời, có tháp ẩn dưới tán lá, lại có những đỉnh tháp dát vàng rực rỡ phản chiếu ánh nắng. 

Image

Kỳ 2: Muôn vẻ đền đài

Tôi dành trọn buổi sáng để theo người xà ích, kiêm hướng dẫn viên nghiệp dư, đi tham quan những ngôi đền chính của Bagan. Rất nhiều ngôi đền, vẻ ngoài còn nguyên vẹn nhưng đã hoàn toàn hoang phế nằm lặng im bên những con đường lầm cát, nhưng cũng có những ngôi đền vẫn còn thực hiện chức năng tôn giáo, nơi người dân đến cúng viếng và cầu phước.

Mỗi ngôi đền có một vẻ riêng, không giống nhau. Do thời gian có hạn, tôi chỉ chọn một số ngôi đền chính, còn nguyên vẹn và tiêu biểu nhất.

Đền Ananda, đúng hơn là chùa Ananada (Ananda Pahto) nằm cuối con đường dẫn vào kinh thành cổ Bagan. Đền được xây dựng bởi vua Kyansittha vào năm 1105, bị động đất phá hủy một phần vào tháng 7 năm 1975, sau đó được Phật tử đóng góp trùng tu lại, trở thành một trong những ngôi đền còn nguyên vẹn nhất, và cũng được tôn kính nhất Bagan. Sách hướng dẫn du lịch nước ngoài liệt đền Ananda là di tích số 1 mà du khách phải thăm khi đến Bagan. 

Image

Tháp chính của đền Ananda cao 54 mét, đỉnh tháp dát vàng; tháp có 4 mặt nhìn ra bốn hướng, mỗi mặt có một gian thờ, bài trí một tượng Phật khổng lồ cao gần 10 mét, dát vàng lấp lánh. Tượng hướng về phía Đông là Phật Konagamana (Câu Na Hàm Ma Ni), hướng về Tây là Phật Gautama (Cồ Đàm), hướng Nam là Phật Kassapa (Ca Diếp) và hướng Bắc là Phật Kakusanda (Câu Lưu Tôn). Đây là các vị Phật của thời hiện kiếp, quán cả bốn cõi, xuất hiện trên trần thế để cứu rỗi chúng sinh bằng năng lực trí tuệ vô biên. 

ImageNhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng, đền Ananda được xây dựng bởi các kiến trúc sư và thợ thủ công Ấn Độ, có rất nhiều nét tương đồng về kiến trúc với các đền tháp ở quê hương đức Phật. Ngoài các tượng Phật khổng lồ, dọc các hành lang rộng trong đền có rất nhiều tượng nhỏ và nhiều tranh tường (bích họa) kể lại cuộc đời của Phật Thích ca, từ lúc ngài đản sinh, chứng quả cho đến lúc nhập diệt.

Khi tôi đến, có vài chiếc xe khách nhỏ chở Phật tử đến cúng buổi sáng. Trong đền, có người bán hoa và những mảnh vàng cán mỏng, tiếng địa phương gọi là lam, để người hành hương cúng dường đức Phật và sau khi cầu nguyện họ dán các mảnh vàng đó lên thân tượng. Do phong tục này mà một số bức tượng nhỏ, hình như là tượng La-hầu-la, dưới chân tượng Phật Gautama có “da dẻ sần sùi” trông rất lạ.

Đền Ananda là một trong hai ngôi đền có một quầy sách nhỏ, bày bán các loại kinh sách phục vụ Phật tử, lẫn các sách nghiên cứu về di tích đền tháp ở Bagan và Myanmar nói chung; những người có ý hướng nghiên cứu thì không nên bỏ qua quầy sách này.

Đền Thatbyinnyu nằm trên một ngọn đồi nhỏ gần đền Ananda và là ngôi đền cao nhất Bagan, cao 61 mét, được xây dựng dưới triều vua Alaungsithu khoảng giữa thế kỷ 12. Nhìn bề ngoài, đền Thatbyinnyu đồ sộ, quét vôi trắng, trông giống như một tu viện Thiên chúa giáo thời Phục Hưng ở châu Âu. Bên trong đền có các dãy hành lang dài, bố trí các bàn thờ với tượng Phật nhiều tư thế và hình dáng khác nhau nhưng tất cả đều được dát vàng lấp lánh. Phần lớn Phật tử đến cúng viếng ở đền này mà tôi gặp buổi sáng hôm ấy là phụ nữ. 

Image

Nghe nói thời xưa, đền Thatbyinnyu là kho tàng bích họa của nghệ thuật Phật giáo Myanmar, nhưng trong những đợt trùng tu người ta đã quét vôi trắng lên tường, làm mất hết các bức họa quý giá. Đi chân trần trên những lớp đá xanh mát lạnh và mòn vẹt dưới hàng triệu bước chân của khách thập phương, giữa các hành lang vắng lặng và hun hút gió, hai bên là những bức tượng Phật lấp lánh ánh vàng của đền Thatbyinnyu, tôi có cảm giác thật yên bình và thanh thản, dường như cuộc sống tất bật nơi phố thị đã rời xa rất xa.

Đền Shwesandaw trông xa giống như một kim tự tháp Ai Cập, có 4 mặt, 5 tầng và một stupa (tháp hình quả chuông úp) trên đỉnh. Tương truyền, đền này được xây dựng bởi vua Anawrahta năm 1057 để lưu giữ xá lợi là một trong 8 sợi tóc của Phật Thích ca được đem về từ Ấn Độ hồi trước Công nguyên. Điểm đặc biệt của đền Shwesandaw là có bốn cầu thang bằng gạch ở bốn mặt, mỗi cầu thang có 5 tầng, để du khách và người hành hương có thể leo lên các ban công trên cao. Bên phải của cầu thang người ta đã lắp một dãy ống tuýp sắt khá vững chãi để du khách dễ leo lên cao vì cầu thang khá dốc và hẹp. 

Image

Đây là nơi du khách thường tụ tập để ngắm và chụp ảnh mặt trời lặn trên dòng sông Irrawaddy. Cũng giống như đền Thatbyinnyu, các bức tường của đền Shwesandaw được tô trát cẩn thận và quét vôi trắng, không rõ từ nguyên thủy đã như vậy hay do người đời sau trùng tu, vì đa phần đền tháp ở Bagan được xây bằng gạch, để trần, không tô trát, tương tự các tháp Chăm ở nước ta. Buổi chiều tối, lúc tôi trở lại đền Shwesandaw thì các ban công hẹp trên cả 5 tầng tháp đều đông kín du khách, bãi cát trước đền cũng ken đầy xe hơi, xe khách, xe đạp và xe thổ mộ. 

Image

Cách không xa đền Shwesandaw là đền Dhammayangyi, có cổng vào và tường gạch bao quanh dù nhiều đoạn tường rào đã đổ nát. Dhammayangyi là ngôi đền rộng lớn nhất ở khu di tích Bagan, và tài liệu cho biết người ta đã phải dùng đến 6 triệu viên gạch để xây nên nó. Không giống các đền khác, đền Dhammayangyi  không có đỉnh tháp nhọn ở giữa có treo một cái chuông gió thường thấy ở các đền tháp khắp Myanmar. Tương truyền đền Dhamayangyi được vua Narathu (1167-1170) cho xây dựng để sám hối tội lỗi đã giết cha, anh và vợ để chiếm ngôi vua. Bản thân vua Narathu cũng bị ám sát trước khi ngôi đền được xây dựng xong. Trong quá trình xây dựng, có một số thợ xây người Ấn Độ bị nhà vua xử tử vì làm việc không khéo léo, để mạch vữa giữa các viên gạch quá rộng. Do lịch sử huyền bí của ngôi đền này mà cư dân địa phương thường gọi đây là “ngôi đền ma”; bên trong có nhiều đàn dơi, quạ làm tổ và chất thải của chúng khiến cho trong đền có mùi khó chịu. 

Image

Hai ngôi đền khác, có kiến trúc gần giống nhau, cũng có tường gạch bao quanh với quy mô to lớn tương đương là đền Htilominlo xây dựng năm 1246, mang tên vị vua đã xây dựng nên nó. Đền có 3 tầng, cao 46 mét, còn nguyên vẹn và được bảo quản khá tốt. Htilominlo đại diện cho phong cách kiến trúc muộn nhất của kiến trúc Phật giáo Myanmar ở Bagan trước khi kinh đô này chấm dứt vai trò lịch sử của nó. Để thăm đền này, du khách phải mua vé 5 đô la Mỹ, và đây là một trong hai ngôi đền có bán vé vào cửa cho khách tham quan, tất cả những di tích còn lại đều miễn phí.

Image

Đền Sulamani nằm giữa cánh đồng trống, xa đường cái, được vua Sithu đệ nhị xây dựng vào năm 1183, là nơi còn lưu giữ được một số bích họa với nét vẽ thô vụng, nhưng đáng tiếc là các cuộc trùng tu cũng đã làm mất đi nhiều những đặc điểm cổ xưa của ngôi đền. Sulamani là ngôi đền duy nhất ở Bagan có hai dãy nhà lá dọc lối vào bày bán các loại đồ lưu niệm, chủ yếu có tranh cát và tượng khắc gỗ. Cũng giống đền Ananda, đền Sulamani có bốn mặt nhìn ra bốn hướng, nối với nhau bằng các hành lang rộng, mỗi mặt có một điện thờ thờ Phật Thích ca; dọc hành lang cũng có những hốc tường, mỗi hốc là một điện thờ Phật. Tôi để ý thấy một cô gái vào đền rồi đi thẳng tới một hốc tường sâu bên trong và quỳ xuống làm lễ ở đó; không rõ có phải vị Phật được thờ tại điện thờ này là “thần hộ mệnh” của cô hay không.

Kỳ 3: Bồ Đề đạo tràng và chùa vàng Shwezigon

Sẽ thiếu sót lớn nếu đến Bagan mà không ghé thăm Bồ Đề đạo tràng Bagan (Mahabodhi) – một bản sao thu nhỏ của Bồ Đề đạo tràng (Bodhigaya) nguyên gốc ở Ấn Độ, nằm trong khu vực thành Bagan cổ. Tương truyền đức Phật Thích ca chứng quả, đạt tới Đại Ngộ Đại Giác, sau 49 ngày đêm thiền định dưới bóng một cây bồ đề thiêng. Tại nơi thiền định của ngài, vào năm 250 trước Công nguyên, vua A Dục (Asoka) của vương triều Maurya đã cho xây dựng một bảo tháp bốn mặt, ghi dấu hành trình chứng ngộ của đức Phật. Bảo tháp của vua A Dục đã được trùng tu nhiều lần và cùng với cây bồ đề thiêng – tại một thánh địa gọi chung là Bồ Đề Đạo tràng – là trái tim của văn hóa Phật giáo thế giới.

Bồ Đề đạo tràng ở Bihar Ấn Độ từng bị tàn phá bởi quân Thổ xâm lược vào thế kỷ 12 và Phật giáo Bagan đã cử những đoàn nghệ nhân sang giúp xây dựng lại để rồi khi trở về Myanmar, những nghệ nhân này đã xây dựng một ngôi đền tháp theo nguyên mẫu của tháp Bodhigaya, năm 1215, dưới triều vua Nadaungmya (1211-1234), theo tấm bia đặt trước cổng vào đền Mahabodhi. 

Image

Về mặt kiến trúc và vị trí, Mahabodhi Bagan hoàn toàn khác các đền tháp Phật giáo trong khu di tích này; nó không nằm ngoài cánh đồng mà ở trong kinh thành. Kinh thành là một khu đất rộng có tường gạch cao và dày bao bọc chung quanh, tương tự như Hoàng thành của triều Nguyễn ở Huế, bên trong thành có cung điện của các vị vua, nay được xây dựng lại hoàn toàn mới để phục vụ du lịch. Hiện nay tường thành đã sụp đổ, chỉ còn lại những mô đất cao, nhưng qua phần tường còn sót lại ở cổng thành Thiraba Gate, người ta có thể hình dung được quy mô đồ sộ của ngôi thành này. Bên trong thành còn có Bảo tàng Khảo cổ học Bagan và có cả một khu di tích rộng đang được khai quật được rào chắn cẩn thận.

Đền Mahabodhi có hai tầng, một tầng đế và một tầng tháp, chiều cao tổng cộng 42,6 mét, nhưng không rõ vì sao cầu thang lên tầng trên đã bị bít lại. Ở tầng đế có một gian thờ Phật rộng, nhưng khác với tất cả các đền tháp còn lại, gian thờ này có cửa ra vào, cánh cửa sơn son thếp vàng và được khóa bằng một ổ khóa thép chế tạo riêng cho Nữ hoàng Victoria bên Anh. Chung quanh đền có rất nhiều hốc tường nhỏ, mỗi hốc tường đều có một tượng Phật an vị, tổng cộng có 465 tượng Phật ở nhiều tư thế.

Tầng tháp có bốn mặt, gồm hàng trăm bức phù điêu miêu tả cuộc đời đức Phật, giống hệt tháp Bodhigaya ở Bồ Đề Đạo tràng Ấn Độ và hàng chục tháp Bồ Đề khác trên khắp Myanmar. Tiếc là trước cửa vào điện thờ chính của Bồ Đề đạo tràng Bagan người ta đã dựng lên một căn nhà mái tôn làm nơi tập trung, sửa soạn đồ lễ của người hành hương và căn nhà này đã phá hỏng kiến trúc và không khí tôn nghiêm của Bồ Đề đạo tràng.

Cũng như Mahabodhi, đền vàng Shwezigon là một “ngoại lệ” ở Bagan, trước tiên vì đền không xây bằng gạch mà được dát vàng từ chân lên đỉnh tương tự như chùa vàng Shwedagon nổi tiếng ở Yangon; đêm đêm, ánh đèn pha phản chiếu từ ngôi đền làm sáng rực cả một vùng. Đền Shwezigon không nằm trong thành cổ như Mahabodhi, cũng không nằm ngoài cánh đồng như những ngôi đền khác mà đứng riêng một cõi gần bến xe Nyang-U. Nếu như các đền tháp khác đều ít nhiều bị thời gian tàn phá thì đền Shwezigon hoàn toàn nguyên vẹn, dù ngôi đền được xây dựng từ năm 1102, dưới thời các vua Anawrahta và Kyansittha.

Ngày nay, đền Shwezigon là một khu phức hợp rộng hàng chục hécta có tường cao bao bọc chung quanh. Ở chính giữa khu phức hợp là ngôi đền vàng khổng lồ, trông giống như cung điện của một vị vua chúa Trung Hoa nào đó, chung quanh có hàng chục ngôi đền nhỏ hơn cùng với nhiều dãy nhà rộng làm nơi tụ họp của Phật tử, nơi chuẩn bị đồ lễ trong những dịp lễ hội. Những hành lang dài có mái che dẫn vào đền được cư dân trong vùng tận dụng để mở những dãy sạp bán hàng lưu niệm và bên trong ngay cạnh đền chính cũng có những quày hàng như vậy. Hàng lưu niệm mang đặc trưng Bagan là những bức tranh cát – họa sĩ dùng cát nhuộm màu rồi tô lên những tấm vải có phết keo, tạo thành những bức tranh miêu tả cảnh quan đền đài hoặc những họa tiết kiến trúc ở Bagan.

Image

Nên lưu ý là những người bán hàng ở đền Shwezigon, và ở nhiều ngôi đền khác nữa, rất “kiên trì” đeo bám và du khách hiếm khi rời được ngôi đền mà không mua một món hàng nào đó.

Kỳ 4: Một chút về Phật giáo Bagan

Sức hấp dẫn của Bagan có lẽ nằm ở hai điểm: di tích lịch sử-văn hóa Phật giáo đồ sộ và lối sống xưa cũ của thời xưa còn sót lại.

Du khách rất dễ bị choáng ngợp trước số lượng, quy mô, tính đa dạng của các đền tháp Phật giáo Bagan. Phần lớn đền tháp ở Bagan đều được xây bằng gạch, các viên gạch chồng khít lên nhau gần như không có mạch hồ (vữa), giống hệt kỹ thuật xây dựng đền tháp Chăm ở Việt Nam. Và cũng giống tháp Chăm, hầu hết các đền tháp Bagan đều để nguyên tường gạch, không tô trát; chỉ vài ngôi đền chính được tô trát và quét vôi trắng nhưng được biết đó là do các cuộc trùng tu gần đây. Nhờ khí hậu khu vực này khô và nóng quanh năm nên các đền tháp Bagan không bị thời tiết hủy hoại nhanh như các tháp Chăm ở Việt Nam; trên các bờ tường hầu như không thấy rong rêu hay cây cối như các đền tháp ở Mỹ Sơn, Quảng Nam. 

Do Myanmar là nước có nhiều vàng (Golden State) nhiều đền đài ở Bagan được dát vàng lên phần đỉnh tháp, lên hàng trăm pho tượng Phật lớn nhỏ. Gần như tất cả các tượng Phật thờ trong đền Ananda, đền Thatbyinnyu đều dát vàng; ở các đền khác, những tượng Phật ở gian thờ chính là tượng vàng, còn ở những hốc tường là tượng gỗ hay tượng đất sét.  

Tuy nhiên, đặc trưng kiến trúc đền tháp Phật giáo ở Bagan là chuộng hình thể, quy mô mà thiếu sự tinh tế của điêu khắc. Nếu như các đền tháp Chăm ở Việt Nam có rất nhiều tác phẩm điêu khắc, phù điêu, tượng đá sa thạch trên khắp các bức tường, bệ thờ thì đền tháp ở Bagan – trừ Bồ Đề Đạo tràng Mahabodhi, hầu như không có tác phẩm điêu khắc nào đáng kể ngoài các tượng Phật hao hao giống nhau, chỉ khác nhau về kích thước và tư thế. Thỉnh thoảng, du khách bắt gặp một số tượng thú vật ở các cổng vào đền, nhưng chủng loại khá khiêm tốn, dường như chỉ có tượng voi và khỉ, họa hoằn lắm mới thấy tượng rắn thần Naga vốn rất phổ biến ở Thái Lan, Campuchia. Những tượng thú này cũng khá thô kệch, thiếu những chi tiết điêu khắc sắc sảo thường thấy ở các nước khác. 

Về mặt kiến trúc, đền tháp ở Bagan chia thành hai loại “đặc ruột” và “rỗng ruột”. Stupa là loại đền thờ “đặc” theo kiểu kim tự tháp Ai Cập nhưng hình dáng giống quả chuông úp; bên ngoài có cầu thang dẫn lên các ban công hẹp trên cao; tiêu biểu cho loại này có đền Shwesandaw, đền vàng Shwezigon… Hai là, loại đền thờ “rỗng” bên ngoài không có cầu thang nhưng bên trong có nhiều hành lang ngang dọc; mỗi hành lang có nhiều hốc bài trí bàn thờ và tượng Phật; tiêu biểu cho loại này có đền Ananda, đền Sulamani, đền Thatbyinnyu, đền Dhammayangyi … Dù “đặc” hay “rỗng” các đền tháp chính ở Bagan đều rất đồ sộ, hoành tráng, biểu thị sức mạnh và quyền uy của vị vua đã xây dựng nên nó.

Du khách là Phật tử từ Việt Nam sang hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy tượng Phật thờ trong các đền tháp ở Bagan khá đơn điệu vì chỉ có một vị Phật: Đức Thích ca Mâu ni, không hề thấy bóng dáng các vị Phật A di đà, Phật Di lặc hay các vị Bồ tát, La hán quen thuộc trong chùa chiền Việt Nam… Căn nguyên của tình trạng này có thể bắt nguồn từ gốc rễ của Phật giáo: Phật giáo Myanmar thuộc hệ phái Theravada, khác hoàn toàn với Phật giáo Bắc tông đã bị “Hán hóa” phổ biến ở Việt Nam. Theravada có khi được dịch là Phật giáo Tiểu thừa, dù không thật chính xác, nhưng đây là hệ phái “nguyên thủy” nhất của Phật giáo, chỉ tôn thờ Phật Thích ca, tôn thờ trí tuệ đại giác, cầu trí tuệ để ra khỏi vô minh, mà không mưu cầu danh lợi hay giải thoát thông qua phép thuật của các vị Bồ tát. 

Image

Phật giáo Theravada ở Myanmar, có nguồn gốc từ Tây Tạng, cũng khác với Phật giáo ở Thái Lan và Campuchia, không thấy có ảnh hưởng của Ấn Độ giáo (Hinduism). Không tìm thấy ở Bagan tượng thờ hoặc đền tháp thờ các vị thần linh Ấn Độ giáo như Brahman, Vishnu hay Shiva, cũng không thấy những bức phù điêu hay bích họa kể truyền thuyết Mahabharata vẫn thường gặp ở Angkor bên Campuchia hay Ayuthaya bên Thái Lan.

Những điểm khác biệt này của Phật giáo Myanmar cũng như ảnh hưởng của nó đối với đời sống tinh thần-văn hóa của người Myanmar là những đề tài lớn, cần có thời gian và công phu nghiên cứu, trên đây chỉ là cảm nhận ban đầu của một lữ khách ghé đến Bagan trong hai ngày ngắn ngủi, có thể chưa chính xác.

Kỳ 5: Nơi thời gian dừng lại

Từ những nơi đô hội về đây, du khách đều có cảm giác yên bình lạ lùng, có thể do suốt ngày lang thang trong các đền miếu, tiếp xúc với những người hành hương mộ đạo, cũng có thể do nhịp sống ở Bagan chậm rãi một cách lạ lùng. Thị trấn rất nhỏ, chỉ vài ngàn dân, ngoài hai con đường lớn có trải nhựa, mỗi con đường dài khoảng 10 km chạy từ bắc xuống nam thì còn lại là đường đất, không có vỉa hè, không có cống rãnh, nhiều đoạn nước bẩn chảy lênh láng; người dân có khi tạt nước bẩn lên mặt đường để chống bụi.

Khi đặt chân đến Yangon tôi đã có cảm giác ở đất nước này thời gian như ngừng lại cách đây vài chục năm khi nhìn thấy trên đường phố những khu chung cư cũ kỹ, những chiếc xe khách, xe lam từ thập niên 1960 vẫn cần mẫn chở người và hàng hóa, hành khách chen kín trong thùng xe và bu bám cả bên ngoài xe giống như ở Việt Nam thời bao cấp. Tới Bagan cái cảm giác ấy còn đậm thêm, thậm chí có lúc đứng nhìn người nông dân đánh đôi bò kéo cày trên cánh đồng đầy cát, phía sau nhấp nhô những đền tháp hoang tàng, tôi cứ cảm giác rằng thời gian đã dừng lại hàng trăm năm, hàng ngàn năm và nền văn minh vật chất của thế kỷ 21 dường như chỉ là một ảo ảnh.

Đi trong khu di tích Bagan đôi lúc tôi tưởng như mình đang đi trên đất Phan Rang, Ninh Thuận: cũng những cánh đồng rộng, bầu trời cao và xanh, những con đường lầm cát chạy giữa các bụi cây xương rồng, cây keo và những hàng cây thốt nốt. Người dân ở đây không trồng lúa, cũng không trồng các loại cây công nghiệp vì không có nước tưới; họ chỉ trồng những giống cây ngắn ngày và chịu khô hạn; dùng bò kéo cày bừa như tổ tiên họ từng làm thuở Bagan còn là một kinh đô thịnh vượng. Tại thời điểm này trong năm, việc thu hoạch đã xong, chung quanh các đền tháp là những cánh đồng trống, phẳng lì và lộng gió. 

Image

Hoạt động kinh tế chính của Bagan là dịch vụ du lịch và các nghề thủ công như đan lát, chạm khắc gỗ, sản xuất hàng sơn mài. Đồ sơn mài của Bagan nổi tiếng thế giới và cũng là một “sản phẩm du lịch” hấp dẫn, song do thời gian hạn hẹp, tôi chưa có dịp đi thăm các cơ sở làm sơn mài ở làng Myinkaba trên đường tới New Bagan, đành phải hẹn một dịp khác.

Ở Bagan, xe hơi là của hiếm, người dân vẫn đi lại trên những chiếc xe tải nhỏ, được che thêm tấm bạt trên thùng xe làm nơi chở người; có khá nhiều chiếc máy cày kéo theo sau cái rơ-móc để chở người hay vật liệu xây dựng, máy nổ ầm ầm và khói bay mịt cả một vùng.

Phương tiện di chuyển được ưa chuộng của du khách ở đây là xe thổ mộ và xe đạp. Cũng có xe taxi nhưng xe rất cũ, không có tổng đài để gọi xe (muốn gọi taxi khách phải nhờ lễ tân khách sạn và thường phải đặt trước vài tiếng đồng hồ); và ở Myanmar, kể cả ở thành phố Yangon, taxi không có đồng hồ tính cước, trước khi đi khách phải thỏa thuận giá cước với lái xe, thường không rẻ lắm và dễ bị hớ.

Image

Xe thổ mộ, tuy xưa cũ nhưng giá cước cũng khá đắt. Tiền thuê một chiếc xe ngựa để đi lại trong một ngày vào khoảng 25.000 đồng kyats, tương đương 550.000 đồng Việt Nam; người đánh xe đôi khi nói được chút ít tiếng Anh, có thể kiêm luôn “hướng dẫn viên du lịch”. Tuy nhiên, khó mà nói chuyện được với “hướng dẫn viên”, một phần vì đa số họ rất kiệm lời, phần vì đa số đàn ông Myanmar vừa hút thuốc lá vừa ăn trầu nên hơi thở của họ có mùi khó chịu.

Xe đạp có giá thuê khoảng 1.500 đồng kyats mỗi ngày. Nhưng đạp xe trên những con đường đầy cát, dưới ánh nắng chói chang và không khí nóng bức là điều không dễ chịu chút nào, nhất là đối với du khách đã quen với cuộc sống thành phố và công việc văn phòng.

Điện ở Bagan, cũng như ở Myanmar nói chung, rất chập chờn và hầu như không có đèn đường. Du khách nên mang theo đèn pin, và khi có điện nên tranh thủ sạc các thiết bị điện tử vì không biết điện sẽ bị cắt lúc nào. Một số khách sạn lớn ở Bagan có dịch vụ Internet và wifi nhưng tốc độ truy cập rất chậm, lại thường bị mất điện.

Một điều cần lưu ý là khi vào thăm các di tích đền tháp ở Bagan, du khách phải bỏ giày dép, kể cả tất (vớ) ở ngoài cửa và đi chân đất. Vì thế, chỉ nên mang dép hoặc sandal, hạn chế mang giày để đỡ mất thời gian và nên tránh đi thăm đền vào buổi trưa vì nền đất rất nóng. 

Bagan phát triển du lịch đã lâu nên có nhiều khách sạn, nhà nghỉ từ bình dân đến cao cấp. Nhà nghỉ bình dân (guest house, hostel) có giá khá bèo, khoảng 7 đô la Mỹ/giường/đêm, phù hợp với những người trẻ đi “phượt”; khách sạn có ăn sáng, có wifi miễn phí giá khoảng 40-50 đô la Mỹ, còn khách sạn có hồ bơi hoặc resort có khi đến 150 đô la/phòng/đêm.

Ăn uống thì không thành vấn đề: người Myanmar ăn uống khá giống người Việt, chỉ khác là cơm, rau và thịt cá được trộn chung vào một đĩa chứ không dọn thành những món riêng. Ở Bagan cũng có khá nhiều tiệm ăn Ý, Ấn Độ, Hoa, Thái để du khách lựa chọn, tiền ăn mỗi bữa tốn khoảng từ 2 đến 6 đô la Mỹ, tùy thực đơn. Thức uống phổ biến ở Myanmar là món trái cây xay (sinh tố) giá khoảng 1.000 kyats, trà Myanmar (Myanmar tea) là món trà sữa, có giá khoảng 300 kyats. Trà xanh như người Việt thường uống ở đây gọi là trà Tàu (Chinese Tea), được bày sẵn trên bàn trong các bình thủy nhỏ để khách uống miễn phí. Cà-phê ở đây ít người dùng, khi gọi cà-phê thì quán chỉ phục vụ một ly nước sôi và một gói cà-phê hòa tan 3 trong 1, tùy khách pha chế, giá khoảng 300 kyats.

Đàn ông, đàn bà Myanmar đều mặc váy; đàn ông ăn trầu và hút thuốc lá; đàn bà thường bôi trên mặt một loại bột màu vàng, gọi là thanaka, làm từ rễ một loại cây bản địa, có tác dụng dưỡng da, chống nắng. Bột rễ cây thanaka, trộn với chất keo nha đam (aloha vera), ép thành từng bánh nhỏ như bánh quy, hoặc đựng trong lọ mỹ phẩm, là một trong những đặc sản của Bagan mà du khách thường mua làm lưu niệm.  Và cũng giống như ở những thị trấn nhỏ ở Việt Nam, đàn ông thường tụ tập trong các quán trà, bàn tán suốt ngày về các mẫu xe gắn máy mới, điện thoại di động mới… đang là mốt thời thượng ở đất nước vừa mở cửa giao thương này. 

Image

Nói chung, người Myanmar ở Bagan rất thân thiện, dễ mến, một phần do nền văn hóa truyền thống, một phần do chủ trương chào đón và chăm sóc du khách của xứ này. Nhưng cũng như ở những vùng du lịch khác, những người bán hàng rong ở đây thường chèo kéo, bu bám du khách để chào mời dịch vụ của họ.

Kỳ cuối: Từ Bagan nghĩ về Mỹ Sơn

Xét về giá trị lịch sử, về đặc điểm kiến trúc, khu di tích Bagan rất gần gũi với thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam): cũng những đền tháp bằng gạch đỏ uy nghi mang trên mình bao lớp phế hưng. Bởi vậy, cũng như những người Việt từng đặt chân tới miền đất Phật Bagan, cảm giác chung của chúng tôi là nghĩ về Mỹ Sơn, về những ngọn tháp Chăm cô quạnh trên dải đất miền Trung nắng gió, từ Quảng Bình tới Ninh Thuận.

Có người nói rằng, so với hàng ngàn đền tháp còn khá nguyên vẹn của Bagan thì những đền tháp Mỹ Sơn “thật tội nghiệp”: chỉ vỏn vẹn vài ba tháp mà hầu hết đã hoang tàn đổ nát, trông như những “lò gạch cũ” bỏ hoang.

Cũng có thể như thế. Chỉ xin lưu ý rằng, từ năm 1989, khu di tích Mỹ Sơn đã chính thức được Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới, hiện đang được các chuyên gia khảo cổ của Việt Nam, Ý, Nhật và Ba Lan nỗ lực trùng tu, tôn tạo để giữ cho hậu thế một di sản kiến trúc tôn giáo đặc sắc. Trong khi đó, Bagan đã nhiều lần bị UNESCO từ chối, không đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới, dù quy mô và bề dày lịch sử của Bagan hơn hẳn Mỹ Sơn.

Nguyên nhân là vì Myanmar đã thực hiện không tốt việc trùng tu, bảo quản và tôn tạo khu di tích có một không hai này. Để thu hút du khách, người ta đã cho làm một con đường bốn làn xe hơi xuyên qua khu di tích Bagan Cổ nối thị trấn Nyang-u với thị trấn New Bagan, đã xây một “tháp ngắm cảnh” (Seeing Tower) cao vòi vọi ngay giữa khu di tích, thậm chí còn cho mở một sân golf ngay ở nơi cần bảo tồn nghiêm ngặt. Tệ hơn nữa, công cuộc trùng tu, tôn tạo đã phần nào làm biến dạng các đền tháp, hoặc khiến cho chúng không còn giữ nguyên được hình dáng, đường nét và chất liệu nguyên thủy, từ đó làm giảm giá trị của di tích cả về lịch sử lẫn văn hóa. Có nơi, như đền Sulamani, chùa vàng Shwezigon… người ta còn dùng cả gạch men để lát lên những lối đi mà ngày xưa chỉ là đường đất, đường đá. Việc lạm dụng vàng để tô trát lên đền tháp, lên tượng Phật cũng khiến cho các di tích này trở nên “mới mẻ”, “hiện đại” một cách đáng ngờ.

Dù sao, với những gì còn giữ được, với những du khách và người hành hương bình thường, Bagan xứng đáng là một điểm đến hết sức hấp dẫn mà trong hai ngày lang thang tôi mới chỉ chạm đến một chút vỏ bên ngoài. Từ Bagan, nhìn về Mỹ Sơn càng thấy phải quý những gì mà đất nước mình đang có để mà trân trọng, rút ra bài học từ Bagan để mà gìn giữ di tích sao cho xứng đáng với công khó của tiền nhân.

Saigon, tháng 6-2013

 

Mỹ-Trung đi tìm quan hệ mới

10diplo1-articleLargeCuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands, California cuối tuần qua tuy chỉ diễn ra trong hai ngày ngắn ngủi nhưng có tác động lâu dài tới mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là tới tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hầu hết các buổi thảo luận đều diễn ra trong chốn riêng tư, thông tin về cuộc gặp gỡ này rất nghèo nàn và các nhà bình luận chính trị cũng không có nhiều chất liệu để phân tích. Xem ra, những thỏa thuận đạt được là rất khiêm tốn: hai bên đồng ý cùng gia tăng áp lực để buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, ký thỏa thuận cắt giảm việc sử dụng khí HFC trong công nghiệp điện lạnh … Những vấn đề gai góc như tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, tin tặc Trung Quốc xâm nhập các hệ thống của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ để đánh cắp bí mật quân sự, bí mật kinh doanh, tỷ giá đồng nhân dân tệ Trung Quốc và vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan v.v… dường như bị bỏ qua hoặc không được công khai.

Báo New York Times ghi nhận hai nhà lãnh đạo tuyên bố quyết tâm kiềm chế, tránh não trạng thời Chiến tranh Lạnh, không để những vụ xung đột bùng lên và tránh nguy cơ rơi vào cạm bẫy đối kháng giữa một cường quốc đang lên với một cường quốc đã định hình từ lâu. Trên trang tin đối ngoại CFR, Elizabeth C. Economy, chuyên gia về chính trị châu Á, nhận định cuộc gặp chỉ là bước đi đầu tiên nhằm đưa quan hệ song phương tới một nền tảng vững chắc hơn, còn “để có tiến bộ thật sự trong quan hệ, phải có tiến bộ thật sự trong hàng loạt vấn đề đang làm đau đầu cả hai bên”. Tuy nhiên, theo giáo sư Joseph S. Nye Jr., Đại học Harvard, đây vẫn là cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung quan trọng nhất kể từ cuộc gặp Nixon-Mao Trạch Đông 40 năm về trước và ông Obama chỉ nhằm tạo dựng một mối quan hệ, một giọng điệu để sau này xử lý những xung đột cụ thể chứ không nhằm giải quyết ngay các mối bất đồng.

Về quan hệ song phương, Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn Mỹ và Trung Quốc xây dựng một “quan hệ mới giữa các cường quốc” (“new relationship among major powers”), song Tổng thống Obama từ chối nâng cấp quan hệ Mỹ-Trung lên cao hơn quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, mà chỉ công nhận hai nước cần có một “hình mẫu quan hệ mới” (“new model of cooperation”). Bà Economy cho rằng, mối quan hệ đặc biệt mà Trung Quốc tìm kiếm chỉ có thể hình thành sau khi hai nước cùng chia sẻ những giá trị chung và cách tiếp cận chung – là cái đang thiếu giữa Trung Quốc và Mỹ. Chỉ riêng chuyện đoàn Trung Quốc từ chối cư trú ở trang trại Sunnylands với đoàn Mỹ mà thuê một khách sạn gần đó để ở đủ cho thấy giữa hai bên không có “lòng tin chiến lược” để có thể tạo dựng mối quan hệ mật thiết hơn. So với cuộc gặp cấp cao Obama-Hồ Cẩm Đào vào nhiệm kỳ đầu của ông Obama năm 2009, vị thế của hai bên đã khác và hầu như không ai còn nhắc tới khái niệm “G-2” từng một thời được bàn luận sôi nổi.

Thỏa thuận về Triều Tiên có lẽ là “thành quả” lớn nhất của cuộc gặp lần này. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon thông báo hai bên Mỹ-Trung sẽ “gây áp lực để chấm dứt khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và làm cho Bình Nhưỡng hiểu rõ rằng tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân thì không phù hợp với phát triển kinh tế”. Chừng như hiểu được hoàn cảnh của mình, vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp Obama-Tập, Bắc Triều Tiên bất ngờ đề nghị nối lại các cuộc đàm phán với Hàn Quốc về việc khôi phục hoạt động Khu công nghiệp Kaesong, về tương lai của khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang. Động thái này một phần cũng do Bình Nhưỡng nhận ra vị trí bấp bênh của mình sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye củng cố được quan hệ Mỹ-Hàn trong chuyến công du Washington đầu tháng 5 vừa qua và sẽ lập lại thành công tương tự trong chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tháng này. Mối quan hệ mật thiết cả về kinh tế lẫn chính trị giữa Bắc Kinh – Seoul – Washington buộc Bình Nhưỡng phải thay đổi sách lược.

Có người cho rằng, Trung Quốc hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên đổi lấy việc Mỹ bật đèn xanh cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở biển Đông, song chưa thấy có nguồn tin khả tín nào xác nhận có một thỏa thuận như vậy tại Sunnylands. Báo New York Times chỉ đưa vắn tắt rằng, “yêu sách về lãnh thổ [trên biển Đông và biển Hoa Đông] là biểu hiện của ý thức rằng Trung Quốc sẵn sàng nắm lấy thời cơ với tư cách một cường quốc toàn cầu, song các quan chức Mỹ tham dự hội nghị ở Sunnylands nói, ông Tập đã không đưa ra căn cứ cho các yêu sách đó”.

Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung tuy kết quả khiêm tốn song nhiều nhà phân tích đánh giá là “đủ tốt” để khẳng định xu thế hợp tác thay vì đối đầu và mang lại năng lượng mới cho mối quan hệ Mỹ-Trung thường không mấy suôn sẻ.

Myanmar: cuộc cách mạng từ trên xuống

duong pho myanmarTrong các ngày 5-7/6/2013, Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á – quy tụ nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương – sẽ được tổ chức tại Myanmar. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng của Myanmar trên con đường hội nhập quốc tế mà chỉ cách đây hai năm không ai hình dung được.

Lịch sử Myanmar chuyển sang một bước ngoặt vào năm 2011: từ chính quyền quân sự độc tài sang thể chế dân chủ trong đó người dân có một phần quyền lực. Nhưng không giống như “Mùa xuân Ả-rập” hoặc các cuộc “Cách mạng màu” ở Đông Âu, cuộc chuyển hóa của Myanmar là “từ trên xuống”: chương trình cải cách được hoạch định và thực thi từ cấp cao nhất của hệ thống cầm quyền.

Không phải Myanmar không có những cuộc phản kháng từ bên dưới: cuộc nổi dậy năm 1988, tuy bị dập tắt đã dẫn tới sự thành lập Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập, đưa bà Aung San Suu Kyi lên vũ đài chính trị. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990 đảng NLD giành thắng lợi áp đảo nhưng bị phe quân đội nắm quyền phủ nhận kết quả bầu cử. Năm 2007, cuộc “Cách mạng áo cà sa” của các tăng sĩ Phật giáo cũng bị đàn áp dã man. Phải đến năm 2011, những sự thay đổi “từ bên trên” mới thực sự biến Myanmar thành trường hợp hiếm hoi, điển hình cho một chế độ độc tài tự lột xác từ bên trong một cách hòa bình và đặt ra một kinh nghiệm quý để các nước láng giềng tham khảo.

20130525_SRC485

20130525_SRC495Dường như kinh tế là động lực chính dẫn tới sự thay đổi. Năm thập kỷ dưới chế độ quân phiệt đã đưa Myanmar từ phồn thịnh xuống cơ hàn. Năm 1962 – 14 năm sau ngày Myanmar giành được độc lập từ tay thực dân Anh và ngay trước khi tướng Ne Win làm cuộc đảo chính quân sự rồi đặt đất nước dưới chế độ quân phiệt, Myanmar là quốc gia giàu có nhất khu vực với thu nhập bình quân đầu người đạt 670 đô la Mỹ/năm, gấp ba lần Indonesia và gấp đôi Thái Lan. Thế nhưng năm 2010, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, thu nhập đầu người của Myanmar thấp nhất khu vực Đông Nam Á, kém cả Lào và Campuchia (xem bảng 1 và 2).

Sự tụt hậu khủng khiếp này là một nỗi “ô nhục” không chỉ của người dân mà cả các nhà lãnh đạo. Phát triển kinh tế để tiến kịp các nước lân bang là nhu cầu bức thiết. Vì lẽ đó, ngay từ năm 2003, thống tướng Than Shwe – nhà lãnh đạo độc tài khét tiếng – đã vạch ra “lộ trình bảy bước tới dân chủ” và chọn tướng Thein Sein làm người kế vị, chịu trách nhiệm thực hiện lộ trình đó. Ông Than Shwe giờ đây đã xa rời chính trường và hiếm khi xuất hiện trước công chúng, nhưng vẫn được coi là “kiến trúc sư” của chế độ dân chủ hiện hành.

Theo lộ trình này, một đại hội quốc gia được triệu tập để thảo ra bản hiến pháp mới, tuy còn nặng mùi quân phiệt, nhưng vẫn được trưng cầu dân ý và thông qua năm 2008. Năm 2010 cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội được tổ chức theo hiến pháp mới; Quốc hội sau đó đã bầu tướng Thein Sein làm tổng thống đầu năm 2011 và phê chuẩn một nội các mà hầu hết là các tướng lĩnh khoác áo dân sự.

Theo báo Economist, chế độ dân chủ mà giới lãnh đạo Myanmar hướng tới là “nền dân chủ có kỷ luật” (disciplined democracy), không trùng khớp với những nguyên tắc dân chủ ở phương Tây; trong đó quân đội vẫn nắm nhiều quyền lực và chi phối mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi nắm được quyền lãnh đạo tối cao, Tổng thống Thein Sein đã mở rộng nền dân chủ này ra ngoài ý tưởng ban đầu của những người xướng ra nó.

Công cuộc phát triển kinh tế đòi hỏi Myanmar phải hội nhập với thế giới bên ngoài và thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc. Nhưng để được thế giới chấp nhận, trước tiên Myanmar phải “hòa giải” với các lực lượng chính trị đối lập và “hòa hợp” với các nhóm dân tộc trong nước. Chỉ vài ngày sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử giới lãnh đạo quân sự thấy đã đủ tự tin để xóa án “quản thúc tại gia” kéo dài suốt 15 năm áp đặt lên bà Aung San Suu Kyi và khôi phục tư cách pháp lý của đảng NLD đối lập mà thực tế đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật từ năm 2004.

Từ đó đến nay, chính phủ Myanmar hoạt động với sự đồng thuận cao và Tổng thống Thein Sein gần như đáp ứng tất cả những yêu cầu chính đáng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi về cải cách đất nước: trả tự do cho hàng ngàn tù chính trị, cho phép thành lập công đoàn độc lập, xoá bỏ chế độ kiểm duyệt, thực thi tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân, tổ chức tuyển cử tự do và công bằng, ban hành luật về đầu tư nước ngoài và cải cách hệ thống tỷ giá v.v… Chính phủ Myanmar cũng đã đàm phán và ký kết hiệp định đình chiến với phiến quân thuộc các nhóm sắc tộc Kachin, Karen, Shan v.v… đặt cơ sở cho sự hòa hợp dân tộc. Một thời được coi là hình mẫu của chế độ chuyên chế nhưng Myanmar hiện nay đã tốt hơn nhiều nước châu Á khác về quyền dân sự và chính trị, theo báo Economist.

Tự do chính trị đã kéo theo sự thay đổi về kinh tế. Gần như mọi biện pháp cấm vận kinh tế áp đặt lên Myanmar mấy thập niên qua đã lần lượt được dỡ bỏ; nhiều khoản nợ công được các chính phủ châu Âu, Nhật Bản xóa bỏ; các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) chẳng những hỗ trợ Myanmar về tài chính mà cả về đào tạo, tư vấn, xây dựng hệ thống pháp lý và hệ thống tổ chức tài chính theo hướng hiện đại. Với nguồn tài nguyên phong phú về dầu khí, nông sản, gỗ teak, đá quý và nhiều loại khoáng sản khác, với vị trí nằm giữa hai thị trường đông dân nhất thế giới Ấn Độ và Trung Quốc, kinh tế Myanmar được kỳ vọng sẽ tăng gấp 4 lần, từ 45 tỉ đô la Mỹ hiện nay lên 200 tỉ đô la vào năm 2030, theo tổ chức tư vấn kinh tế McKinsey Global Institute ngày 31-5.

Một thế lực được coi là “vật cản” cho tiến trình đổi mới của Myanmar là quân đội. Hiện nay, hầu hết các bộ trưởng trong chính phủ Myanmar và cả Tổng thống Thein Sein đều từng là tướng lĩnh quân đội, và theo Hiến pháp mới quân đội mặc nhiên được giữ 25% số ghế quốc hội mà không phải qua bầu cử. Nếu quân đội không từ bỏ sự kiểm soát đối với chính phủ, quốc hội và nền kinh tế thì cải cách khó mà tiến lên được.

Người ta lo ngại quân đội – qua đảng chính trị của mình là Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) chiếm đa số trong Quốc hội – sẽ chống lại các chương trình cải cách vì chúng sẽ xói mòn vị trí độc quyền của các tập đoàn kinh doanh thuộc quân đội đã có chân rết khắp nơi, từ kinh doanh khách sạn, hàng không, khai thác gỗ và đá quý cho đến các trang trại nuôi gia cầm. Tuy nhiên cho đến nay, quân đội Myanmar đã chấp nhận mọi sự thay đổi mà chính phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein đề ra, thậm chí đảng USDP còn đề xuất sửa đổi hiến pháp theo hướng dân chủ hơn, tạo điều kiện cho bà Aung San Suu Kyi ứng cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới, dù điều đó có thể làm rung chuyển tận gốc rễ quyền lực chính trị của tổ chức này.

Để có được sự ủng hộ của quân đội cho tiến trình cải cách, Tổng thống Thein Sein và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã có một lựa chọn hợp lý: đề cao đoàn kết dân tộc để không làm cho những thủ lĩnh cũ của chế độ quân phiệt hoảng sợ. Bà Aung San Suu Kyi nhiều lần nói tới nhu cầu phải làm cho giới quân sự cầm quyền cảm thấy an toàn, không lo bị trả thù, không truy cứu tội trạng, không tịch thu tài sản… trong khi Tổng thống Thein Sein nhiều lần đề cập tới nhu cầu “tiến từng bước” để không gây sốc. “Ngay từ đầu, chúng tôi biết người dân mong muốn một chế độ dân chủ, nhưng chúng tôi không muốn thay đổi đột ngột vì làm như vậy rất nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi thay đổi vì nhân dân muốn như vậy”, ông nói.

Box: Tác động đối với châu Á

Một trong những chủ đề nóng của Diễn đàn Kinh tế thế giới đang diễn ra tại Myanmar là ý nghĩa và tác động của “Mùa xuân Myanmar” đối với phần còn lại của châu Á.

Hiện tượng dễ thấy nhất là đầu tư nước ngoài đã bắt đầu đổ vào Myanmar – vốn là thị trường “độc quyền” của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ở các ngành dầu khí, ngân hàng, viễn thông, du lịch… đang diễn ra cuộc chạy đua quyết liệt giữa các công ty đa quốc gia để giành cái gọi là “biên giới cuối cùng” của kinh tế thế giới. Cùng với đầu tư nước ngoài, đã bắt đầu có sự dịch chuyển các xí nghiệp, nhà máy từ Trung Quốc sang Myanmar để tận dụng giá lao động rẻ và chính sách ưu đãi cho hàng hóa Myanmar xuất sang phương Tây.
Các chính phủ cũng gia tăng cạnh tranh giành ảnh hưởng ở Myanmar thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA). Trong chuyến thăm Myanmar mới đây, Thủ tướng Nhật đã công bố xóa khoản nợ 176,1 tỉ yen (khoảng 1,74 tỉ đô la Mỹ) cho nước này, đồng thời cam kết cung cấp 91 tỉ yen (khoảng 900 triệu đô la Mỹ) cho chính phủ Myanmar cải thiện cơ sở hạ tầng.

Thái Lan, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai sau Trung Quốc, đang xúc tiến các dự án cảng nước sâu ở Dawei, xây dựng khu công nghiệp và 300 km đường bộ nối cảng này với Bangkok, trị giá khoảng 8,5 tỉ đô la Mỹ. Dự án này hoàn thành sẽ giúp hàng hóa từ Bangkok đi thẳng ra Ấn Độ Dương để sang châu Âu và ngược lại mà không cần phải vòng xuống eo biển Malacca. Nếu Camphuchia và Việt Nam cũng dùng con đường này thì vai trò “trung chuyển” của các hải cảng ở Singapore và Malaysia sẽ giảm bớt tầm quan trọng.

Ấn Độ đã cam kết đầu tư 100 triệu đô la Mỹ để nâng cấp cảng Sittwe ở phía bắc vịnh Bengal, coi đây là cửa ra biển của các tiểu bang vùng đông bắc bị kẹp trong đất liền giữa Bhutan và Bangladesh – vùng nghèo nhất Ấn Độ với khoảng 40 triệu dân.

Trung Quốc vừa hoàn thành tuyến đường ống dầu khí gần 800 km từ thị trấn Kyaupyu trên bờ vịnh Bengal đến thành phố Côn Minh và sẽ tiếp tục nhiều dự án khác để biến Myanmar thành cửa ra biển cho vùng Vân Nam rộng lớn của mình.

Cuộc cạnh tranh của các “ông lớn” ở Myanmar đang gây ra những va chạm, hoài nghi, nhất là giữa Bắc Kinh, Tokyo và New Delhi. Trong thực tế đó, công cuộc hội nhập của Myanmar sẽ chia rẽ hay đưa các cường quốc châu Á lại gần với nhau hơn, mấu chốt nằm ở đường lối và chiến lược của chính Myanmar.

Biểu đồ:
1- Tăng trưởng GDP của một số quốc gia châu Á.
2- Thu nhập bình quân đầu người của các nước ASEAN
Bản đồ (cho box)
Ảnh: Đường phố Yangon

Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế

Do tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, Chính phủ Trung Quốc đang tính chuyện thay đổi chính sách, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước, để cho thị trường và các doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.

Nhu cầu “chuyển hướng” nền kinh tế Trung Quốc – giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, tăng tiêu dùng nội địa – đã được bàn thảo từ lâu trong giới học thuật và chính trị xứ này, nhưng theo nhận xét của Stephen Green, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng Anh Standard Chartered, “bây giờ mới thấy một nghị trình cải tổ được công bố rõ từ cấp cao nhất”.  

Giải phóng năng lực sáng tạo

Phát biểu qua hội nghị truyền hình với các cơ quan chính quyền toàn quốc hồi giữa tháng này, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, chính phủ Trung Quốc sẽ giảm vai trò của nhà nước trong các vấn đề kinh tế để giải phóng năng lực sáng tạo của đất nước, dành vai trò lớn hơn cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân trong việc quyết định đầu tư và giá cả. Tại hội thảo với các doanh nghiệp Đức ở Berlin hôm thứ Hai 27-5, ông Lý cũng cam kết thực hiện cải cách theo hướng thị trường để tạo ra tăng trưởng bền vững sau khi nền kinh tế bất ngờ giảm tốc trong quí 1 năm nay.

Cụ thể hóa các phát biểu của ông Lý, thứ Sáu tuần trước Chính phủ Trung Quốc đưa ra một thông báo trên trang web, liệt kê một loạt các đề nghị chính sách, chẳng hạn như mở rộng đối tượng chịu thuế tài nguyên, từng bước để cho thị trường quyết định lãi suất ngân hàng và xây dựng hành lang pháp lý để “thu hút có hiệu quả vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, đường sắt, viễn thông và các lĩnh vực khác”. Doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều cơ hội hơn để đầu tư vào các ngành tài chính, hậu cần kinh doanh (logistics), y tế v.v… Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Sáu cũng đưa ra thông báo nhắc lại các cam kết thúc đẩy tự do hóa lãi suất và nới lỏng cơ chế kiểm soát tỷ giá hối đoái, để cho thị trường quyết định giá trị của đồng tiền Trung Quốc – đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, các thông báo này không có chi tiết nào về ý định thay đổi luật đầu tư của nước này; do đó vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có khả năng tái cơ cấu nền kinh tế như tuyên bố hay không.

Nhiều năm qua, các chính phủ phương Tây, các ngân hàng và tập đoàn đa quốc gia đã nhiều lần than phiền Chính phủ Trung Quốc cản trở đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ bất chấp những cam kết mà họ đưa ra khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng lần này, phát biểu của ông Lý và thông báo của Chính phủ Trung Quốc được coi là dấu hiệu mãnh mẽ nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của nước này tỏ ra nghiêm chỉnh trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Huang Yiping, nhà kinh tế chính về các thị trường châu Á của Ngân hàng Anh Barclays, nhận xét: “Các nhà lãnh đạo mới đưa ra rất nhiều thông điệp. Họ ý thức rằng, nếu tiếp tục trì hoãn các yêu cầu cải cách thì nền kinh tế sẽ gặp rắc rối lớn”.

Áp lực thay đổi đã đột ngột mạnh lên do tăng trưởng đột ngột chậm lại và những hạn chế của mô hình kinh tế dựa vào đầu tư và xuất khẩu ngày càng lộ rõ. Theo một khảo sát độc lập của Ngân hàng HSBC, hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 5-2013 đã giảm mạnh lần đầu tiên trong bảy tháng qua. Hồi đầu tuần, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng thừa nhận ông đang đối mặt với những “thách thức khổng lồ” phải tạo được mức tăng trưởng bình quân hàng năm 7% trong thập niên này để nâng tổng sản lượng quốc gia của Trung Quốc lên gấp đôi vào năm 2020 so với năm 2010. Trong thập niên trước, tốc độ tăng trưởng bình quân của Trung Quốc là trên 10%/năm.

Không có con đường nào khác

Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc không có khả năng từ bỏ mô hình kinh tế tư bản nhà nước, giải thể các tập đoàn quốc doanh độc quyền khổng lồ hay tư nhân hóa các lĩnh vực được coi là chiến lược như tài chính-ngân hàng, năng lượng, viễn thông. Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác để thúc đẩy tăng trưởng khi thị trường xuất khẩu sản phẩm bị thu hẹp, vốn đầu tư giảm sút và giá lao động tăng cao khiến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế yếu đi.

Nicholas R. Lardy, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Trung Quốc của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng việc Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt lãi suất ngân hàng, tỉ giá hối đoái và giá các mặt hàng năng lượng đã dẫn tới sự phân bổ sai lầm các nguồn lực xã hội và sự tăng trưởng không cân bằng. Theo ông Lardy, “cải cách sẽ giúp nâng cao thu nhập của hộ gia đình, giảm tiết kiệm và thúc đẩy tiêu thụ nội địa” và đó mới là hướng đi đúng cho nền kinh tế khổng lồ này.

Để cải cách thành công, Trung Quốc phải gạt bỏ được thế lực của các nhóm lợi ích hùng mạnh, các quan chức tham nhũng đã quen với việc sử dụng quyền lực chính trị để làm giàu cho cá nhân và gia đình mình thông qua các khoản hối lộ và kinh doanh mờ ám.

Chính phủ Trung Quốc trước đây – dưới sự lãnh đạo của các ông Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo – cũng từng cam kết cải cách sâu rộng nền kinh tế và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng theo giới phân tích, các ông này không đủ ảnh hưởng chính trị để thành công và thực tế trong mười năm qua, cải cách chẳng những không tiến tới mà còn thụt lùi.

Chính phủ mới của Trung Quốc, cầm quyền từ tháng 3-2013 vừa qua, quy tụ các nhà kỹ trị được đào tạo bài bản, dường như quan niệm rằng, nhà nước can thiệp càng sâu thì tình hình kinh tế càng tồi tệ thêm, thay vì vậy nên nhường cho khu vực kinh tế tư nhân. “Nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào chính phủ và đòn bẩy chính sách để kích thích tăng trưởng thì sẽ rất khó duy trì sự tăng trưởng đó, thậm chí còn tạo ra những khó khăn và rủi ro mới… Thị trường mới là người tạo ra của cải xã hội và sự phát triển kinh tế bền vững”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói.