Đường ống dầu khí Myanmar – Trung Quốc: Đầu đã xuôi nhưng đuôi chưa lọt

Những dự án đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar gặp khó vì sự phản đối của người dân.

Đường ống sinh tử

Image

sơ đồ đường ống dầu khí nối Myanmar với Trung Quốc. Ảnh myanmarbusinesscounsultants.com

Những ngày đầu tháng 5-2013, công trình xây dựng tuyến đường ống dầu khí dài 793 ki lô mét từ thị trấn Kyaukpya trên bờ vịnh Bengal ở phía tây, xuyên qua đất nước Myanmar đến ngoại ô thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đã cơ bản hoàn tất. Tuyến ống – gồm hai đường ống chạy song song – do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đầu tư xây dựng suốt 5 năm qua, cùng với Công ty Dầu khí Myanmar với tổng chi phí lên tới 2,5 tỉ đô la Mỹ. Theo kế hoạch của chủ đầu tư, khí đốt thiên nhiên khai thác ở các mỏ khí Shwe của Myanmar trong vịnh Bengal – mỏ khí đốt lớn nhất Đông Nam Á – sẽ bắt đầu được bơm vào đường ống để chuyển sang Trung Quốc vào tháng 7, còn dầu thô từ Trung Đông sẽ được bơm vào một đường ống kia vào cuối năm nay. Một trạm tiếp nhận và phân phối dầu khí khổng lồ cũng đang được xây dựng trên đảo Maday, phía ngoài thị trấn Kyaukpya. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kế hoạch đó khó suôn sẻ vì vấp phải sự phản ứng mạn mẽ của người dân Myanmar.

Báo chí Trung Quốc cho biết, tuyến ống này sẽ vận chuyển 440.000 thùng dầu thô mỗi ngày và 12 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, tương đương 8% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc, góp phần giải cơn khát nhiên liệu và cải thiện an ninh năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh. Tuyến ống này sẽ giúp rút ngắn được 5.000 ki lô mét vận chuyển dầu thô so với việc dùng tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca hiện nay. Eo biển Malacca (nằm giữa Indonesia và Malaysia) từ lâu vẫn bị coi là “nút thắt cổ chai” trên con đường vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông về các thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Theo báo Wall Street Journal, năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu 5,45 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó có 4 triệu thùng vận chuyển qua eo biển Malacca và Biển Đông. Từ lâu, Bắc Kinh đã lo sợ một tình huống xấu: nếu xảy ra xung đột quân sự, eo biển Malacca sẽ bị hải quân Mỹ phong tỏa và Trung Quốc bị đặt vào thế bí. Biển Đông còn là khu vực luôn nóng vì tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong trường hợp bất trắc, tuyến đường ống Kyaukpya-Côn Minh sẽ cung cấp cho Trung Quốc một con đường vận tải thay thế.

Tuyến ống này cũng là một phần trong mạng lưới đường ống trên đất liền nối Trung Quốc với các mỏ dầu khí ở Kazakhstan, Turkmenistan và Nga, làm thay đổi cảnh quan địa chiến lược theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Vì tuyến đường ống có vai trò quan trọng như vậy nên đại tá Dai Xu, nhà chiến lược quân sự kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh hàng hải của quân đội Trung Quốc coi nó là một trong 3 dự án chiến lược mà Bắc Kinh đặt rất nhiều kỳ vọng ở Myanmar. Trong suốt 50 năm qua, Bắc Kinh không tiếc công sức tiền của để nâng đỡ chính quyền quân sự của Myanmar đổi lấy quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của quốc gia láng giềng và thực hiện các dự án phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Ba dự án chiến lược đều gặp khó

ImageTuy nhiên, thực tế đã không suôn sẻ như kỳ vọng, nhất là sau năm 2010 khi Myanmar từng bước chuyển từ chế độ quân phiệt sang chính quyền dân sự của Tổng thống Thein Sein và nối lại quan hệ với phương Tây. Quyết định đầu tiên và được lòng dân của Tổng thống Thein Sein là cho ngừng ngay dự án thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy – dự án số 1 trong 3 dự án chiến lược mà ông Dai Xu kể ra. Công trình thủy điện này do một công ty Trung Quốc đầu tư với số vốn lên tới 3,7 tỉ đô la Mỹ nhằm cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam nhưng buộc hàng ngàn hộ gia đình Myanmar phải rời bỏ làng mạc để chuyển tới các khu tái định cư.

Dự án số 2 là mỏ đồng Letpadaung ở miền đông Myanmar, do tập đoàn quốc doanh Wanbao Mining Corporation thuộc Công ty chế tạo vũ khí Norinco của Trung Quốc liên doanh với một đơn vị kinh tế của quân đội Myanmar. Để mở rộng vùng khai thác quặng đồng, nhà đầu tư phải san bằng một ngọn núi “thiêng”, giải tỏa 26 ngôi làng và tháng 11 năm ngoái dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và sư sãi trong vùng. Cảnh sát đã can thiệp mạnh tay khiến nhiều người bị thương và Chính phủ Myanmar phải lập đoàn điều tra do lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi phụ trách. Không muốn làm phật lòng Bắc Kinh, bà Aung San Suu Kyi yêu cầu tập đoàn Wanbao phải bồi thường đất đai cho dân theo giá thị trường, trợ cấp tiền mặt tương đương với giá trị nông sản thu hoạch được trong ba năm; về phía người dân bà Suu Kyi yêu cầu họ hợp tác với nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo báo New York Times, đến thời điểm này, căng thẳng trong vùng mỏ đồng Letpadaung vẫn chưa lắng dịu và người dân vẫn chưa chịu giao đất cho dự án.

Bây giờ, dự án chiến lược số 3 – tuyến đường ống dầu khí – đã hoàn thành nhưng chưa rõ nó có thể bắt đầu hoạt động trong năm nay hay không. Tuần trước, để phản đối dự án, quân du kích của bang Shan (Shan State Army) đã tấn công vào một đơn vị xây dựng đường ống, giết chết 2 người và làm 3 người khác bị thương. Ở những nơi đường ống đi qua, người dân bị mất đất liên tục biểu tình đòi chủ đầu tư tăng tiền bồi thường đất đai và tạo công ăn việc làm có mức lương cao hơn. Chỉ riêng việc đường ống dầu khí này dẫn khí đốt của Myanmar cung cấp cho các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây trong lúc ở các vùng đất mà đường ống đi qua người dân Myanmar không có khí đốt để dùng, vẫn phải nấu cơm bằng củi và thắp sáng bằng đèn dầu hỏa đã đủ khiến dân chúng nổi giận và phản ứng. Cũng như mọi dự án đầu tư khác của Trung Quốc, người dân địa phương có rất ít lợi lộc.

Nỗ lực đánh bóng hình ảnh

Image

Người dân Myanmar phản đối dự án đường ống dầu khí. ảnh shwe.org

Báo South China Morning Post (SCMP) số ra ngày 20-5 cũng phải thừa nhận thực tế: “Trung Quốc đã bỏ ra hàng tỉ đô la Mỹ để phát triển khu vực Kyaukpya thành cửa ngõ quốc tế của Myanmar nhưng công việc này có thể bị “trật đường” vì sự phản đối của người dân”. Dẫn lời một quan chức Myanmar, báo SCMP cũng dự báo hoạt động của đường ống dầu khí Kyaukpya-Côn Minh khó có thể bắt đầu trong năm nay do tình hình an ninh trong vùng.

Một biến chuyển đáng chú ý là sau khi vấp phải sự phản đối của người dân Myanmar, các công ty Trung Quốc đã thay đổi sách lược: thay vì dựa dẫm vào sự bảo trợ của chính quyền để đàn áp người biểu tình như dưới thời quân quản trước kia, họ đã cố gắng thực hiện các chương trình xã hội để đánh bóng hình ảnh và thu phục cảm tình của các cộng đồng địa phương. Tập đoàn CNPC chẳng hạn, cho biết đã đầu tư 12,5 triệu đô la Mỹ xây dựng 45 trường tiểu học và 24 trạm y tế ở những nơi đường ống dầu khí đi qua để xoa dịu sự phản kháng, sớm đưa đường ống vào hoạt động.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: TPP và động lực cải cách kinh tế

Với sự tham gia của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) sẽ có 12 thành viên, tổng sản lượng hàng năm 27.000 tỉ đô la Mỹ, bằng 40% GDP toàn cầu. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ thị trường khổng lồ này nếu biết tận dụng tư cách thành viên TPP để đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế.

Sau ba năm làm việc, đàm phán TPP đã hoàn tất vòng thứ 16 tại Singapore hồi giữa tháng trước và đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 17 tại Peru xoay quanh vấn đề cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng nông sản và dệt may. Mặc dù có diễn biến mới là hôm 15-3 Nhật Bản chính thức đề nghị được tham gia TPP song các quan chức vẫn hy vọng những nội dung cơ bản của Hiệp định sẽ được các nhà lãnh đạo các nước thành viên thông qua tại kỳ họp thượng đỉnh ở Bali, Indonesia vào tháng 10 tới.

Theo quy định, Nhật Bản, cũng như Canada và Mexico mới gia nhập năm ngoái, phải chấp nhận hoàn toàn các điều khoản mà các thành viên cũ của TPP đã thỏa thuận được và chỉ tham gia đàm phán những vấn đề chưa có kết luận cuối cùng. Vì thế, theo giới phân tích, ít có khả năng việc tham gia của Nhật sẽ làm chậm tiến trình đàm phán TPP.

Lợi ích của Việt Nam với tư cách thành viên chính thức của TPP từ rất sớm (tháng 11-2010) đã được giới chuyên gia và báo chí bàn tới rất nhiều. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 1-4 dẫn nhận định của giáo sư Peter A. Petri, Đại học Brandeis (Mỹ) ước tính GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 26,2 tỉ đô la Mỹ, tương đương 7,7% từ nay đến năm 2025 và con số này sẽ tăng lên thành 35,7 tỉ đô la Mỹ và 10,5% GDP nếu Nhật chính thức tham gia TPP. “Việt Nam đang ở vị trí tốt nhất để tận dụng lợi thế TPP,” ông nói tại một cuộc hội thảo về TPP do Bộ Công thương tổ chức gần đây.

Nhưng TPP không chỉ là một hiệp định tự do thương mại (FTA) thông thường và lợi ích của nó không chỉ là giá trị kim ngạch buôn bán tăng thêm. Một chuyên gia tham gia đàm phán cho rằng trong 26 chương của hiệp định chỉ có 5 chương liên quan trực tiếp tới thương mại như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…còn lại là những vấn đề về cơ cấu kinh tế như quy định về luân chuyển vốn, tranh tụng giữa doanh nghiệp và nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, trao đổi qua biên giới quốc gia các dữ liệu điện tử, bảo vệ quyền của người lao động khi xảy ra tranh chấp thương mại v.v… Do phần lớn nội dung đàm phán, cho đến nay, vẫn được giữ trong vòng bí mật nên rất khó đưa ra một nhận định chung về TPP song theo các chuyên gia, nguyên tắc chung nhất của TPP có thể là xây dựng “thị trường tự do thực sự”: gia tăng quyền tự chủ của doanh nghiệp và thị trường, đồng thời giới hạn sự can thiệp của các chính phủ vào các lĩnh vực kinh tế-tài chính.

Hãy xem một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận thường được nói tới là nông sản, dệt may, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính, vai trò của doanh nghiệp nhà nước… Trong lĩnh vực dệt may-da giày chẳng hạn, TPP yêu cầu, để nhận được mức thuế nhập khẩu 0% từ mức thuế bình quân 12,7% hiện nay hàng hóa phải sử dụng nguyên liệu (vải sợi, phụ liệu) của nước sản xuất hoặc từ các nước thành viên TPP khác. Ngành dệt may-da giày Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc – một nước không tham gia TPP – nên để tận dụng được cơ hội thâm nhập thị trường các nước TPP như Nhật, Mỹ, nhất thiết phải tổ chức lại toàn bộ quy trình sản xuất.

Nhờ được nhiều ưu đãi về vị trí độc quyền, tín dụng ưu đãi, đất đai giá thấp, các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu phát triển mạnh và giữ vai trò cốt lõi trong các nền kinh tế Việt Nam, Malaysia, Singapore, Peru… dẫn tới hiệu ứng phụ là kinh tế tư nhân bị chèn lấn, môi trường kinh doanh bị méo mó. Hiệp định TPP có ý định lập lại sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, tuy không đòi xóa bỏ loại hình doanh nghiệp nhà nước song đặt ra nhiều quy định buộc các doanh nghiệp này phải minh bạch hơn, tránh sự bảo bọc của nhà nước để cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp khác.

Tham gia TPP, Nhà nước còn bị hạn chế trong việc can thiệp vào thị trường; lãi suất, tỷ giá, dòng lưu chuyển của tiền vốn và lao động ra/vào một thị trường nào đó sẽ do thị trường quyết định và điều hành; một chính sách như hạn chế rút vốn hiện nay đảo Cyprus bên Âu châu chẳng hạn có thể khiến chính phủ bị kiện nếu như Cyprus là thành viên TPP.

Việc thực hiện nguyên tắc thị trường tự do sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội tốt hơn để thâm nhập thị trường 11 nước thành viên TPP khác, song cũng đặt các doanh nghiệp trong nước vào cuộc cạnh tranh gay gắt hơn. Là nền kinh tế có trình độ thấp nhất trong các thành viên TPP, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức có nguồn gốc từ những khuyết tật của chính nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước. Loại hình doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò “chủ đạo”, doanh nghiệp mang tính độc quyền cao và sức cạnh tranh kém, nhà nước can thiệp vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế từ giá vàng cho đến hạn mức tín dụng… đã là nguyên nhân đưa tới tình trạng rắc rối hiện nay và cản trở sự phát triển trong tương lai. Có gia nhập TPP hay không Việt Nam cũng phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế để tồn tại.

“Thực tế, nên hiểu TPP như là một cam kết hội nhập kinh tế toàn diện, có tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế hơn là một thỏa thuận giảm thuế thông thường”, chuyên gia Joshua Meltzer của Viện Brookings, nhận định. Và theo nghĩa như vậy, TPP chính là cơ hội Việt Nam đang rất cần để thúc đẩy công cuộc đổi mới nền kinh tế đã bị chậm lại trong khoảng 8 năm gần đây để nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc toàn cầu hóa đang sôi sục ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

Nếu thành công trong cải cách cơ cấu kinh tế, khả năng Việt Nam đạt được lợi ích từ TPP như các chuyên gia đưa ra ở phần trên là trong tầm tay, ngược lại nếu chần chừ, thiếu ý chí chính trị thì không loại trừ khả năng bị bỏ lại đằng sau trên con tàu thương mại tự do khu vực.

Thách thức từ Trung Quốc

Robert W. Merry (*)

The National Interest, ngày 21/08/2012

Hoàng Nguyễn dịch

Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ” và Hoa Kỳ phải làm gì để đối phó với thách thức ấy? Bài của Robert W. Merry – tiếp theo bài nghị luận của TNS James Webb mà Bauxite Việt Nam đã giới thiệu (ở đây) – đề xuất những chính sách ngoại giao mà Hoa Kỳ cần thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuy viết cho độc giả là công chúng Hoa Kỳ, những ý kiến và đề xuất chính sách này một lần nữa khẳng định thực tế: vấn đề Biển Đông không phải, và không thể, là chuyện “song phương” giữa Trung Quốc và các nước láng giềng mà là một vấn đề toàn cầu, một tâm điểm trong mối quan hệ giữa các cường quốc và do đó đòi hỏi một giải pháp đa phương mang tầm quốc tế. (ND)

Bài nghị luận mới đây của Thượng nghị sĩ James Webb trên báo Wall Street Journal là lời cảnh báo mạnh mẽ cho người sẽ làm chủ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng sau ngày đăng quang vào tháng Giêng năm tới, cho dù người đó là Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ thứ hai hoặc đối thủ từ đảng Cộng hòa Mitt Romney trong nhiệm kỳ thứ nhất. Ông Webb, đảng Dân chủ bang Virginia, người sẽ rời chiếc ghế ở Thượng viện sau cuộc bầu cử vào tháng 11-2012, đã kêu gọi chú ý tới sự lộng hành tăng nhanh chưa từng thấy của Trung Quốc trong việc đòi hỏi chủ quyền những khu vực rộng bao la ở châu Á, bao gồm 200 hòn đảo (trong nhiều trường hợp chỉ là những núi đá không cư trú được nhưng có ý nghĩa về chiến lược) và hai triệu ki-lô-mét vuông mặt nước.

Ông Webb viết: “Vì tất cả những mục tiêu thực tế đó, Trung Quốc đã đơn phương quyết định thôn tính một khu vực từ lục địa Đông Á trải rộng về phía đông xa tới Philippines và về phía nam gần tới Eo biển Malacca.” Yêu sách lãnh thổ khổng lồ này, bao gồm gần như toàn bộ vùng Biển Đông, xung đột với yêu sách lãnh thổ của các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Nhật Bản và Philippines. Gạt qua một bên những yêu sách đối nghịch này, Trung Quốc đã tạo ra một đơn vị hành chính mới, gọi là “thành phố Tam Sa” đặt trụ sở tại quần đảo Hoàng Sa và có quyền báo cáo trực tiếp với chính phủ trung ương ở Bắc Kinh.

Quần đảo Hoàng Sa cách hơn 200 dặm về phía đông nam điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc và trong nhiều thập niên qua Việt Nam đã mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này. Nhưng giờ đây, quần đảo là nơi đặt văn phòng cho khoảng 45 “dân biểu” Trung Quốc được bổ nhiệm để cai trị thành phố mới, cùng với một ủy ban thường trực 15 thành viên, 1 thị trưởng và 1 phó thị trưởng. “’Thành phố’ mới của Trung Quốc rộng gần gấp đôi tổng diện tích đất liền của Việt Nam, Nam Hàn, Nhật Bản và Philippines cộng lại”, ông Webb viết.

Việc kiểm soát các tuyến đường biển, quyền đánh bắt cá và trữ lượng khoáng sản khổng lồ cũng như vấn đề ai sẽ nắm quyền thống trị chiến lược trong khu vực đều đang bị đe dọa. Có vẻ như Trung Quốc nhất quyết giật khỏi tay Hoa Kỳ quyền thống trị chiến lược ấy để họ có thể trở thành cường quốc thống trị của khu vực. Khả năng của Hoa Kỳ từ trước tới nay trong việc duy trì sự ổn định – và từ đó là sự thịnh vượng – của khu vực sẽ không còn nữa.

Ông Webb không phải là người đầu tiên đưa ra lời cảnh báo như vậy, nhưng bài nghị luận của ông nêu bật một thực tế cốt lõi của tấn kịch đang lộ ra – đúng ra là một tấn kịch đang lộ ra nhanh hơn nhiều so với những gì mà phần lớn người dân Hoa Kỳ nhận thức được. Châu Á đang nhìn để quyết định xem có phải Hoa Kỳ sẽ “làm trọn vai trò khó khăn nhưng cần thiết là người bảo đảm sự ổn định ở Đông Á hay không, liệu khu vực này có sẽ một lần nữa bị thống trị bởi sự hiếu chiến và hăm dọa hay không”, như ông Webb diễn tả.

Trung Quốc ngày nay là một sự thách thức địa chính trị quan trọng nhất mà Hoa Kỳ đang đối mặt. Nhiều năm tháng đã trôi đi kể từ khi Hoa Kỳ lại cần có sự dũng cảm và sáng tạo sắc bén như bây giờ dưới ánh sáng sự thách đố của Bắc Kinh. Do đó, vị tổng thống đăng quang năm tới không chỉ phải đối phó với thách thức này mà ông ta cũng phải chuẩn bị để đất nước sẵn sàng cho thách thức ấy. Điều đó gợi ra một số nhu cầu bức thiết về chính sách.

Rút ra khỏi Afghanistan một cách suôn sẻ: Khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama đã nâng cấp sứ mệnh ở Afghanistan, bao hàm cả một nỗ lực chống bạo loạn, nghĩa là một công cuộc xây dựng quốc gia to lớn. Nhưng kể từ đó, ông đã hạ cấp cái sứ mệnh này theo một quan niệm gọi là “Afghanistan đủ tốt”. Ý nghĩa chính xác là gì thì tổng thống chưa bao giờ nói rõ ra, tuy nhiên ông đã nói rằng, đến cuối năm 2014, Afghanistan sẽ “hoàn toàn chịu trách nhiệm về an ninh của đất nước họ”.

Dưới ánh sáng sự thách thức mang tên Trung Quốc, “Afghanistan đủ tốt” sẽ không đủ tốt nữa. Và một hạn cuối cùng mơ hồ năm 2014, không có thêm lời giải thích rõ ràng về những nỗ lực nào của Hoa Kỳ sẽ được thực hiện tiếp tục sau thời hạn đó, sẽ thiếu đi sự trong sáng về chính sách mà đất nước cần. Trong cuốn sách về chính sách ngoại giao của ông Obama, cuốn “Đối đầu và Che giấu”, nhà báo David E. Sanger của báo New York Times viết rằng một thập niên nữa kể từ hôm nay, du khách thăm viếng Afghanistan sẽ nhìn thấy rất ít dấu vết cuộc thử nghiệm của Hoa Kỳ tại đó – “ngoại trừ những căn cứ và những thiết bị quân sự”. Dù vậy, trong thực tế, Hoa Kỳ không có nhu cầu đặt nhiều căn cứ quân sự ở Afghanistan. Al-Qaeda đã bị quét sạch khỏi khu vực này (dù vẫn là vấn đề ở nơi khác); Taliban không phải là mối đe dọa chính đối với nước Mỹ; người dân Afghanistan sẽ đi con đường của họ như họ đã đi trong nhiều thế kỷ qua bất chấp những nỗ lực chinh phục đất nước họ và Hoa Kỳ cũng không đủ sức duy trì nỗ lực của mình bằng máu, tài sản và sự tập trung.

Dàn hòa với Nga: Trong cuốn sách mới ra gần đây của mình “Sự trả thù của Địa lý”, Robert D. Kaplan viết rằng, sở dĩ Trung Quốc có khả năng triển khai lực lượng ra Thái Bình Dương là vì họ thống trị được các biên giới trên đất liền vùng Trung Á, “từ Mãn Châu Lý (Manchuria) ngược chiều kim đồng hồ đến Tây Tạng”. Ông Kaplan giải thích: “Chỉ đơn giản với cách vươn ra biển theo kiểu hiện nay, Trung Quốc đã thể hiện cái vị trí ưu thế của mình trên đất liền ở trái tim châu Á”. Tuy nhiên, lợi ích của nước Nga không phải là để Trung Quốc thanh thản trên vùng biên giới phía tây của mình, gia tăng ảnh hưởng lên vùng Trung Á và kiểm soát việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quý giá ở đó. Cũng không phải là lợi ích của Hoa Kỳ (hoặc của Nga) khi nhìn thấy Trung Quốc liều lĩnh trong các đòi hỏi lãnh thổ trong Thái Bình Dương chỉ vì Bắc Kinh cảm thấy an toàn trên đất liền.

Như vậy, nếu Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ thì một mối quan hệ vững chắc với Nga lại là một trong những nhu cầu chiến lược lớn nhất. Đã đến lúc Hoa Kỳ bớt đi nỗi khó chịu của mình trước sự cai trị độc tài và tham nhũng tràn lan của Nga. Nước Nga dù gây phiền toái đến mấy thì đó cũng không phải là loại thực thể xấu xa mà Franklin Roosevelt và Winston Churchill đã chung vai sát cánh trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Là một cường quốc khu vực, nước Nga có những quyền lợi khu vực chính đáng; Hoa Kỳ phải công nhận những lợi ích này và tích hợp chúng vào nỗ lực của mình nhằm thiết lập một mối quan hệ bền vững, đôi bên cùng có lợi với nước Nga – một mối quan hệ mà nếu cần có thể trở nên hữu ích trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với Trung Quốc trong tương lai.

Tránh chiến tranh với Iran: Hoa Kỳ hiện đang trên con đường đi tới chiến tranh với Iran và con đường đó lúc đầu được vạch ra bởi Israel – quốc gia đã đưa ra lời đe dọa tấn công đơn phương vào Iran để gia tăng thái độ của Hoa Kỳ chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Cho đến nay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tìm cách buộc ông Obama ngăn cản bất kỳ ý định nào của Hoa Kỳ chấp nhận khả năng Iran có thể có vũ khí hạt nhân (nghĩa là không đưa ra chính sách cản trở). Điều đó để ngỏ vấn đề liệu Hoa Kỳ có nên cho phép – và liệu Iran có chấp nhận – việc làm giàu uranium ở mức độ thấp chỉ dùng cho mục đích hòa bình hay không. Netanyahu chống lại một giải pháp như vậy và chưa rõ điều đó có thể mở đường tiến tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề hay không. Nhưng những biện pháp cấm vận ngặt nghèo hiện hành sẽ không tạo ra được phản ứng mong muốn từ Iran nếu phản ứng đó tỏ ra là một nỗi nhục đối với Iran. Đó là lý do tại sao trong vấn đề này tư duy của Hoa Kỳ nên hướng tới giải pháp làm giàu uranium với mục đích hòa bình, cho dù điều đó có nghĩa là một cuộc tuyệt giao công khai với Netanyahu.

Nhân dân Hoa Kỳ nên tập hợp sau lưng tổng thống trong những tình huống như vậy nếu tổng thống nói thẳng với người dân về những được mất có liên quan. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không nên vướng vào những vụ giễu võ giương oai theo kiểu báo chí, được thấy rõ trên bìa tạp chí The Weekly Standard tuần qua, trên đó in hình nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei dưới dóng tít lớn: “Con người nguy hiểm nhất thế giới”. Mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ đang nằm cách người đàn ông này hàng ngàn dặm. Và Hoa Kỳ cũng không nên tìm kiếm một cuộc đụng độ quân sự với Iran, nếu có thể tránh được, bởi vì một cuộc xung đột như vậy sẽ phá hủy hoàn toàn nền kinh tế thế giới và có thể gây bất ổn lan tràn khắp khu vực.

Không đặt chân lên đất Hồi giáo nữa: Trung Đông đang hỗn loạn và cả khu vực này đang có nguy cơ mất ổn định vì cuộc nội chiến ở Syria. Những biến cố ở đó có thể giáng một đòn nặng nề vào các quyền lợi của Hoa Kỳ, của phương Tây và của đa số các quốc gia công nghiệp còn lại. Một hành động quân sự của Hoa Kỳ thực sự có thể là cần thiết để ổn định khu vực này nhưng Hoa Kỳ nhất thiết phải làm mọi chuyện có thể làm được để tránh một hành động như vậy. Một cuộc can thiệp nữa của Hoa Kỳ vào khu vực này chắc chắn sẽ kích động một phong trào chống đối mạnh mẽ hơn. Nhưng thủ tọa bàng quan cũng không phải là chính sách thích hợp. Tình huống hiện nay đòi hỏi những nỗ lực thầm lặng, sáng tạo và khôn khéo, luôn kết hợp với các thế lực Hồi giáo trong khu vực, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, để tránh những hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra và giữ cho tình hình luôn nằm trong tầm kiểm soát tới mức tối đa. Nên chống lại mạnh mẽ các áp lực đòi Hoa Kỳ phải can dự vào Syria trên cơ sở nhân đạo.

Nhu cầu tăng trưởng kinh tế: Obama chưa phải là vị tổng thống thành công trong lĩnh vực kinh tế. Tăng trưởng kinh tế diễn ra khá èo uột trong gần hết nhiệm kỳ tổng thống của ông. Thực trạng này cần được thay đổi ngay lập tức. Nhưng xử lý vấn đề tăng trưởng mà không làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công rất đáng ngại của đất nước lại không phải là chuyện dễ. Đó là lý do tại sao nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp cần phải được dành hẳn một cách cần mẫn cho cuộc cải tổ toàn diện về ngân sách và tài khóa, được thiết kế để xử lý vấn đề chi tiêu ngoài tầm kiểm soát của liên bang trong lúc thúc đẩy hoạt động kinh tế và tăng trưởng. Chương trình cải tổ tài khóa sẽ phải được kết hợp với một chương trình cải tổ toàn diện về thuế khóa, giảm thuế suất đồng thời xóa bỏ một số lượng lớn các ưu đãi về thuế, bao gồm những ưu đãi mà nhiều thập niên qua vẫn được coi là những con bò thiêng không ai đụng đến được. Chỉ bằng cách khôi phục sự lành mạnh về tài khóa thì đất nước mới có thể đương đầu với những thách thức to lớn như kiểu thách thức đang hiển hiện lù lù ở châu Á. Nhưng tất cả những chuyện này đòi hỏi sự lãnh đạo của tổng thống phải được ủng hộ rộng rãi, một kiểu lãnh đạo mà đã lâu chúng ta chưa nhìn thấy.

Như bài báo của ông Webb trên báo Wall Street Journal đã làm rõ, ông Obama đã khôn ngoan khi khởi xướng cuộc “chuyển hướng” sang châu Á. Nhưng sẽ không đủ nếu chỉ chuyển dịch trọng tâm, tiến hành qua loa chính sách ngoại giao châu Á và đưa ra những lời tuyên bố. Như ông Webb đã viết, “Vấn đề là liệu Trung Quốc năm 2012 có thực sự mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận hay không, và liệu Hoa Kỳ năm 2012 có ý chí và khả năng để nhấn mạnh rằng, giải pháp này là con đường duy nhất đi tới ổn định hay không”.

Nói một cách chính xác, Hoa Kỳ sẽ đáp ứng thách thức này như thế nào vẫn còn là một vấn đề bỏ ngỏ. Nó cần có một đường lối ngoại giao khôn khéo, sáng tạo, linh hoạt và cứng rắn, hòa trộn với sự cương quyết và sự hiểu biết rõ ràng về những được mất liên quan. Nhưng nó cũng đòi hỏi sự thừa nhận rằng Hoa Kỳ phải tập trung vào những ưu tiên, phải chấp nhận rằng mình không thể làm mọi việc ở mọi nơi trên thế giới và phải tránh bị xao lãng trong lúc đối mặt những thử thách nặng nề nhất bằng đôi mắt tỉnh táo. Trong những ngày tháng này, trong những thử thách đó, không thử thách nào nặng nề hơn Trung Quốc.

(*) Robert W. Merry là chủ bút tạp chí The National Interest và tác giả của nhiều tập sách về lịch sử và chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Cuốn sách gần đây nhất của ông là: “Họ đứng ở đâu: Các tổng thống Mỹ trong mắt của cử tri và sử gia”.

Nguồn:http://nationalinterest.org/commentary/the-china-challenge-7372?page=show

 

Một tiền lệ nguy hiểm

Xung đột ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc, bộc phát hai tuần trước với việc Nhật bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá Trung Quốc gần quần đảo đang tranh chấp, đã kết thúc vào hôm qua thứ Sáu 24-9 sau khi Tokyo chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh thả người này không điều kiện.

Thuyền trưởng Zhang Qixiong, 41 tuổi, đã trở về quê ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến vào lúc 4g sáng hôm nay thứ Bảy 25-9 bằng máy bay thuê bao của chính phủ Trung Quốc. Tân hoa xã cho biết, ra sân bay đón ông Zhang có cả đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.

Ngay sáng hôm nay, Trung Quốc đã ra thông báo nhắc lại tuyên bố chủ quyền trên quần đảo tranh chấp, đòi phía Nhật Bản phải xin lỗi và bồi thường cho sự cố vừa qua. Bản thông báo viết: “Hành động [bắt giữ] như vậy đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và vi phạm nhân quyền của công dân Trung Quốc”.

**

Ông Zhang bị phía Nhật Bản bắt giữ ngày 7-9 sau khi đâm tàu đánh cá vào hai tàu tuần dương Nhật trên vùng biển gần đảo Senkaku không có người ở do Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tên gọi là Điếu Ngư đài. Phía Nhật tuyên bố giữ ông này để điều tra tội chống người thi hành công vụ, đã gia hạn tạm giữ tới ngày 29-9 và có thể đưa ông này ra xét xử trước tòa án.

Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ chưa từng thấy trước sự vụ bắt giữ này; đến mức Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã sử dụng diễn đàn Liên hiệp quốc để yêu cầu Nhật Bản phải trả tự do không điều kiện cho ông Zhang và đe dọa sử dụng nhiều biện pháp nếu yêu cầu đó không được đáp ứng. Trong hai tuần qua, Trung Quốc đã sử dụng mọi thủ đoạn từ ngoại giao đến kinh tế, chẳng hạn như 6 lần triệu tập đại sứ Nhật tới than phiền kể cả lúc nửa đêm, hủy bỏ các cuộc đàm phán cấp cao, cảnh báo công dân không đi du lịch tới Nhật Bản, hủy bỏ chương trình tham quan Expo Thượng Hải của 1.000 thanh niên Nhật, cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, bắt giữ 4 công dân Nhật ở Trung Quốc… để buộc Nhật Bản phải nhượng bộ.

Vụ bắt giữ xảy ra cùng thời điểm “sự kiện Mãn Châu” năm 1931, mở đầu cho cuộc tấn công và xâm lược của quân phiệt Nhật vào Trung Quốc, nên đã kích hoạt một làn sóng chống Nhật mạnh mẽ trên đường phố, trên báo chí và mạng Internet Trung Quốc.

Theo các nhà ngoại giao và phân tích, Nhật Bản bị buộc phải thừa nhận rằng, tiếp tục giam giữ và đưa ra xét xử viên thuyền trưởng Trung Quốc sẽ dẫn tới kết quả là sự xuống cấp nghiêm trọng quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh nhận định: “Vào lúc này, Nhật chỉ có một sự lựa chọn: hoặc truy tố viên thuyền trưởng, hoặc xuống thang”.

Và Nhật đã chọn cách thứ hai. Hôm qua thứ Sáu, công tố viên trên đảo Ishigaki, nơi viên thuyền trưởng bị giam giữ – tuyên bố: “Xem xét tác động đến người dân và đến quan hệ với Trung Quốc, chúng tôi quyết định rằng, tiếp tục cuộc điều tra là không thích hợp”.

**

Báo New York Times nhận định, hành động xuống thang của Nhật Bản đánh dấu một sự chuyển dịch cán cân quyền lực ở châu Á. Trong năm nay, Trung Quốc vượt qua Nhật giành vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Nhật vẫn sa lầy trong cuộc bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế kéo dài – nhiều thủ tướng Nhật nối nhau lên cầm quyền rồi từ chức mà vẫn không tìm được lời giải cho bài toán chính trị-kinh tế quốc gia.

Sự nhượng bộ của Nhật, mà báo chí gọi là “vụ khấu đầu nhục nhã”, càng làm cho mâu thuẫn chính trị ở nước này thêm căng thẳng vì nó kích hoạt một làn sóng mới chống đối Thủ tướng Naoto Kan – người vừa được tái bổ nhiệm hai tuần trước. Hôm nay, nhiều thành viên đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền đã đứng về phía đối lập, cùng lên án hành động nhu nhược của chính phủ. Nó cũng làm dấy lên sự hoài nghi khả năng lãnh đạo của đảng Dân chủ Nhật Bản – đảng đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái với cam kết cải thiện quan hệ với châu Á và giảm dần sự phụ thuộc của Nhật vào Hoa Kỳ.

Tuy nhiên giới quan sát ghi nhận có hai luồng dư luận trong xã hội Nhật liên quan đến sự kiện này. Vụ xung đột Nhật-Trung đã làm nổi rõ tâm lý phản kháng Trung Quốc đang mạnh dần lên trong xã hội Nhật vài tháng qua, từ khi tàu chiến Trung Quốc bắt đầu thâm nhập thường xuyên hơn vào lãnh hải Nhật Bản, làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Trung Quốc sẽ mạnh tay trong việc đòi chủ quyền lãnh thổ.

Nhưng cộng đồng doanh nghiệp Nhật – ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc – thì lại muốn nhượng bộ vì lo ngại các biện pháp trả đũa của Trung Quốc làm thiệt hại cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của họ. Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo, ông Atsushi Saito, sáng nay nói với báo chí rằng ông tán thành việc trả tự do cho viên thuyền trưởng Trung Quốc. “Với tư cách một người Nhật, tôi bối rối trước sự khấu đầu như vậy, nhưng nói một cách thực tế, chúng ta phải bỏ vấn đề này lại phía sau”, ông Saito nói.

Ở Trung Quốc, sự trở về của thuyền trưởng Zhang là một thắng lợi của ban lãnh đạo nước này, đặc biệt là của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Để được dân chúng ủng hộ, đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tìm mọi cơ hội chứng tỏ rằng họ đang bảo vệ đất nước và xung đột vừa qua với Nhật Bản là một cơ hội hiếm có. Nó cũng củng cố quan điển của Trung Quốc rằng về mặt địa chính trị, Trung Quốc đang bị bao vây bởi Nhật Bản và các đồng minh của Mỹ nhằm ngăn nước này trỗi dậy thành một cường quốc khu vực.

**

Tuy Nhật Bản đã phóng thích không điều kiện viên thuyền trưởng song Trung Quốc dường như vẫn chưa hài lòng, vẫn tiếp tục đòi phía Nhật Bản phải chính thức xin lỗi và bồi thường dù không nói rõ bồi thường như thế nào. Điều đó khiến giới quan sát ở cả hai nước cùng nhận định rằng, quan hệ Trung-Nhật sẽ cần một thời gian dài nữa mới khôi phục được. Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc sáng nay đăng bài xã luận kêu gọi Trung Quốc nên “lạnh nhạt với Nhật Bản một thời gian” để gửi tới Tokyo thông điệp rằng “những chính sách vô trách nhiệm sẽ mang lại hậu quả nặng nề”

Đáng ngại hơn là thắng lợi của Trung Quốc hôm nay tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, sẽ kích thích ban lãnh đạo nước này quyết liệt hơn trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển, không chỉ với Nhật Bản mà với nhiều nước láng giềng khác của Trung Quốc. Và đó là điều mà Việt Nam phải cảnh giác.