Amy Chua: Những bộ lạc chính trị: Bản năng tập thể và số phận các dân tộc (*)

 

 [Bài dưới đây thể hiện quan điểm của tác giả Amy Chua, một luật sư, giáo sư khoa Luật đại học Yale, Hoa Kỳ, trong cuốn sách mới xuất bản của bà; chúng tôi dịch và đăng để bạn đọc tham khảo trong tinh thần thông tin đa chiều, mở rộng kiến văn; bài không nhất thiết phản ánh quan điểm của người dịch hoặc của trang mạng này. Cụm từ “chúng ta” trong bài đại diện cho người Mỹ].

 

Chương 2:

VIỆT NAM

BẢN SẮC VIỆT NAM

Giống như Trung Quốc, Việt Nam là một quốc gia thuần chủng tiêu biểu; sinh ra một hình thức “bản sắc dựa vào huyết thống”. Đại bộ phận dân chúng là người dân tộc Việt [Kinh], từ đó đặt quốc hiệu và ngôn ngữ. Nhưng đồng thời, bản sắc dân tộc Việt Nam trong thực tế được xác lập trong thế đối kháng với kẻ thù Trung Quốc.

Tất nhiên Trung Quốc to lớn hơn Việt Nam nhiều lần. Xét về diện tích, Trung Quốc so với Việt Nam cũng giống như Hoa Kỳ so với Ecuador. Hai nước Việt, Trung lại là láng giềng của nhau nên nếu nhìn vào bản đồ, Trung Quốc giống như một ông thần đèn nặng hai trăm rưỡi ký lô ngồi trên cây đèn nhỏ bé xiêu vẹo là Việt Nam. Bởi vì kích cỡ và sự gần gũi ấy, Trung Quốc không chỉ là kẻ thù mà còn là mối đe dọa thường xuyên tới sự sinh tồn của nước Việt Nam.

Vào năm 111 trước Công nguyên, Trung Quốc chinh phục dân tộc Việt, sáp nhập nước Nam Việt (được dịch ra tiếng Trung Quốc là miền đất của những người man di phương nam) vào đế quốc Trung Hoa, và trong suốt một ngàn năm sau đó Trung Quốc cai trị miền đất này như một tỉnh của mình. Dưới ách cai trị của Trung Quốc, người Việt tiếp thu phần lớn văn hóa Trung Hoa, kể cả đạo Phật, đạo Lão và đạo Khổng, cùng với hệ thống thi cử và guồng máy quan lại hành chính. Nhưng người Việt từ chối trở thành người Trung Quốc. Trái lại, họ trở nên ngày càng “vị chủng dữ dội” (intensely ethnocentric). Mặc dù dưới thời Trung Quốc cai trị, tiếng Trung Hoa là ngôn ngữ chính thức, được sử dụng rộng rãi trong giới tinh hoa của xã hội, người Việt Nam vẫn bảo tồn ngôn ngữ riêng của mình, cùng với những ký ức từ thời chưa tiếp xúc với văn minh Trung Hoa. Họ chưa bao giờ đánh mất lòng tôn kính những vị anh hùng bản địa đã chống lại người Trung Quốc.

Ngay cả sau khi Việt Nam giành được độc lập từ Trung Quốc năm 938 sau Công nguyên, nước này vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, họ triều cống các hoàng đế Trung Quốc trong một ngàn năm nữa. Trong suốt thời kỳ này, Trung Quốc đã nhiều lần xâm lược Việt Nam, nhưng điều không tin nổi là hết lần này đến lượt khác các lực lượng Trung Quốc đều bị thảm bại. Những câu chuyện về lòng dũng cảm Việt Nam và tài khéo léo kiểu David-chống lại-Goliath trong việc đẩy lùi những kẻ xâm lược Trung Quốc luôn nằm trong trái tim của văn hóa dân gian Việt Nam.

Bản sắc dân tộc Việt Nam đương đại cũng một phần được xây dựng trong thế kỷ 20. Vào thập niên 1920, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, đã nổi lên một nhóm trí thức trẻ Việt Nam, đấu tranh cho “một Việt Nam mới, thoát khỏi ách thống trị thực dân và gánh nặng của quá khứ”. Những người trí thức này không chỉ chống lại người Pháp, họ còn nhắm vào người Trung Hoa. Những nhà dân tộc chủ nghĩa có ảnh hưởng lớn này nhắc nhở người Việt về cuộc đấu tranh chống Trung Quốc từ ngàn xưa, làm hồi sinh các nhân vật truyền thuyết như Hai Bà Trưng – người đã giải phóng đất nước Việt Nam vào năm 40 sau Công nguyên để rồi cuối cùng hy sinh cuộc sống của chính họ (và dường như họ còn bị mất đầu nữa). Các nhà dân tộc chủ nghĩa cũng tấn công Khổng giáo, coi đó như là một truyền thống “ngột ngạt”, bóp nghẹt tự do và tư tưởng cá nhân. Theo nhà sử học Christopher Goscha, thông điệp của những nhà dân tộc chủ nghĩa này rất đơn giản: “Những cá nhân đàn ông và đàn bà đã đứng lên trong quá khứ để chống lại một ngàn năm đô hộ của Trung Quốc thì ngày nay họ cũng có thể làm lại như vậy”.

Huyền thoại hay không, mỗi trẻ em Việt Nam đều được học về những thành tích anh hùng của cha ông, những người luôn luôn đấu tranh chống lại cùng một kẻ thù: Trung Quốc. Quả thực, cuộc chiến đấu lâu dài chống sự thống trị của Trung Quốc đã giữ vai trò trung tâm trong việc sản sinh ra trong người Việt Nam một ý thức đồng bào và một chủ nghĩa dân tộc vị chủng (ethnic nationalism). Như nhà sử học Việt Nam Trần Khanh có viết, “Cuộc chiến đấu vì sự sinh tồn của dân tộc Việt chống lại Trung Quốc đã nâng cao tinh thần cộng đồng của người Việt. Họ cảm thấy mình là anh em chị em có cùng một tổ tiên và họ làm hết sức mình để bảo vệ văn hóa và chủng tộc của họ”.

Nhưng thật đáng ngạc nhiên, những người hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ thời Chiến tranh Lạnh lại mù tịt về lịch sử Việt Nam đến mức họ nghĩ rằng Việt Nam là con tốt đen của Trung Quốc – là “cái bung xung của Bắc Kinh ở Đông Nam Á”. Đây là một lỗi lầm, một sự mù quáng tập thể có tầm vóc khủng khiếp.

Năm 1995, Robert McNamara, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ thời Chiến tranh Việt Nam, gặp gỡ cựu đối thủ của ông ta, bộ trưởng ngoại giao Bắc Việt Nam. Ông ta kể lại lời của kẻ cựu thù: “Ngài McNamara, có lẽ ngài không bao giờ đọc một cuốn sách lịch sử. Nếu ngài có đọc, hẳn ngài đã biết chúng tôi không phải là quân tốt đen của người Trung Quốc… Ngài có hiểu rằng chúng tôi đã chiến đấu chống người Trung Quốc cả ngàn năm hay không? Chúng tôi chiến đấu cho nền độc lập của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ chiến đấu tới người lính cuối cùng… Không lượng bom Mỹ nào, không sức ép của Mỹ nào ngăn cản chúng tôi được”.

Nước Mỹ thời Chiến tranh Lạnh nhìn vị lãnh tụ cách mạng Bắc Việt Nam Hồ Chí Minh như là “con bù nhìn của Trung Quốc”. Một lần nữa, đây lại là một sai lầm kinh khủng. Từ bé, Hồ đã được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện về các vị anh hùng Việt Nam đánh lùi những kẻ xâm lược Trung Quốc đáng ghét. Ông ta đã trải qua ít nhất 13 tháng trong các nhà tù Trung Quốc, đôi lúc bị biệt giam và thường bị buộc phải cuốc bộ từ hai mươi lăm đến ba mươi dặm mỗi ngày trong lúc chân vẫn phải mang xiềng xích.

Ông Hồ thường được miêu tả là một người “ăn nói nhẹ nhàng” và thường được so sánh với Gandhi, nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng ông Hồ đã vượt qua được cái bản tính chống Trung Quốc cố hữu. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, khi một thuộc cấp của ông đề nghị hãy dựa vào Trung Quốc để đánh đuổi người Pháp, ông Hồ đã gay gắt: “Đồ ngu! Chú không thuộc lịch sử nước ta à? Lần cuối mà người Tàu đến, họ ở lại cả ngàn năm… Tôi thà ngửi cứt người Pháp 5 năm còn hơn ăn cứt người Tàu trong phần còn lại của đời mình”.

Ông Hồ chắc chắn là một người theo chủ nghĩa Marx. Nhưng nếu chúng ta hiểu được nỗi hoài nghi sâu sắc của người Việt đối với người Trung Quốc thì việc ông Hồ viết thư cho tổng thống Truman, khẩn cầu sự ủng hộ của người Mỹ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, liệu có thể mở ra một chiến lược khác hay không? Ông Hồ đã nhắc đi nhắc lại rằng cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam giống với cuộc đấu tranh của người Mỹ, ông thậm chí còn trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ để mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Một báo cáo của đơn vị OSS [tiền thân của cơ quan tình báo CIA] thời tổng thống Truman, bị xếp loại tài liệu mật trong nhiều năm, đã miêu tả ông Hồ là, “mặc dù ông ấy trước kia ưa chuộng các lý tưởng cộng sản nhưng giờ đây ông ấy nhận ra rằng những lý tưởng như vậy là không thực tế cho đất nước của ông”. Liệu chúng ta đã có thể ủng hộ ông Hồ chống lại người Pháp, đầu tư vào nỗi hận thù lịch sử của người Việt đối với Trung Quốc để giữ chân người Việt trong không gian ảnh hưởng của chúng ta hay không?

Chúng ta không bao giờ biết được. Chẳng hiểu vì sao chúng ta không bao giờ nhìn thấy hoặc xem xét nghiêm chỉnh mối thù địch giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ba mươi năm sau cuộc chiến Việt Nam, cựu thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đã viết rằng:

Đối với nhiều người Mỹ ở Việt Nam, chúng tôi mơ hồ chỉ là “người Trung Hoa”. Chúng tôi không phải như vậy. Chúng tôi là người Việt Nam. Người Mỹ không nhận thức được điều đó… chúng tôi gần như là quốc gia duy nhất ở châu Á đã đánh bại [Trung Quốc]; những người Việt, như chúng tôi được gọi vào thời ấy, đã đánh bại những đoàn quân của triều nhà Đường, và một thế kỷ sau đó chúng tôi lại đánh bại quân đội nhà Tống.

Chúng ta đã không chỉ bỏ lỡ nỗi hận thù giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta còn bỏ lỡ thêm cả một chiều kích sắc tộc tồn tại trong nước Việt Nam và điều đó đã khiến chúng ta phải gánh chịu thất bại ngay từ đầu trong cuộc đấu tranh giành lấy trái tim và khối óc của người dân nước này. Việt Nam có bên trong biên giới của mình một thiểu số Hoa kiều giữ vai trò thống trị thị trường.

NHỮNG THIỂU SỐ THỐNG TRỊ THỊ TRƯỜNG Ở THẾ GIỚI ĐANG PHÁT TRIỂN

Năm 2003 tôi (tác giả) đặt ra cụm từ “thiểu số thống trị thị trường” (market-dominant minority) để miêu tả tình trạng một sắc tộc thiểu số có khuynh hướng thống trị về mặt kinh tế, thường là tới một quy mô đáng ngạc nhiên, tùy vào những điều kiện của thị trường, đối với đa số “bản xứ” nghèo khó ở quanh họ, sinh ra những nỗi ác cảm rộng lớn trong cộng đồng đa số – những người tự coi mình như là những chủ nhân đích thực của miền đất đang bị đe dọa từ những kẻ ngoại bang “tham lam” và bóc lột.

Các thiểu số thống trị thị trường là hiện tượng rất phổ biến trong thế giới đang phát triển. Những ví dụ về tình trạng này là người sắc tộc Trung Quốc ở khắp Đông Nam Á, người Ấn Độ ở Đông Phi và nhiều khu vực Caribbean, người Li-băng ở Tây Phi và nhiều khu vực Caribbean, người Igbo ở Nigeria, người Bamileke ở Cameroon, người Kikuyu ở Kenya, người da trắng ở Nam Phi, ở Zimbabwe, ở Namibia, người Croat ở Nam Tư cũ, người Do Thái ở nước Nga hậu Cộng sản, người Parsis và Gujarat ở Mumbai… – danh sách này còn rất dài.

Các cộng đồng sắc tộc thiểu số này có thể trở thành thế lực thống trị thị trường do nhiều lý do khác nhau, đôi khi hoàn toàn không liên can gì tới kinh tế, bao gồm cả chính sách chia để trị của chế độ thực dân hoặc do lịch sử của chế độ phân biệt chủng tộc. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như trường hợp sắc dân da trắng ở Nam Phi – một thiểu số đã sử dụng sức mạnh tàn bạo và quyền lực của nhà nước để đày ải cộng đồng đa số vào một nền giáo dục hạ cấp và những điều kiện sống vô nhân đạo trong hơn một thế kỷ – thì cái thiểu số da trắng đó có thể trở thành lực lượng thống trị thị trường vì những lý do chẳng liên quan gì tới tính ưu việt của tinh thần kinh doanh cả.

Mặt khác, cần nói rõ rằng sự thống trị thị trường không đề cập tới những khuôn mẫu sắc tộc mơ hồ mà tới thực tế, tới quyền kiểm soát hoàn toàn không cân xứng các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế. Ở Indonesia láng giềng của Việt Nam, người gốc Trung Quốc chỉ chiếm 3 phần trăm dân số nhưng kiểm soát tới 70 phần trăm hoạt động kinh tế tư nhân, bao gồm gần như toàn bộ các tập đoàn kinh tế lớn nhất nước này. Trong phần lớn lịch sử nước Bolivia ở Nam Mỹ, một thiểu số rất nhỏ giới “tinh hoa” có màu da sáng, “được Tây phương hóa” đã kiểm soát gần như toàn bộ tài sản quốc gia, trong khi đa số dân chúng bản địa phải sống trong tình trạng nghèo khó cùng cực. Ở Philippines, 2 phần trăm dân số là người gốc Trung Quốc thiểu số kiểm soát các tập đoàn, ngành ngân hàng, hàng không, vận tải biển và bán lẻ; năm 2015, có 4 người giàu nhất Philippines và 10 người trong số 15 người giàu nhất là người gốc Trung Quốc, theo tạp chí Forbes.

Thiểu số thống trị thị trường là một trong những lực đẩy mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa bộ lạc chính trị. Khi một đất nước đang phát triển với một đa số nghèo khó lại có một thiểu số thống trị thị trường thì những kết quả sau đó có thể dự đoán được. Nỗi ác cảm sắc tộc căng thẳng hầu như là chuyện bất biến, thường xuyên dẫn tới những vụ tịch thu tài sản của nhóm thiểu số, nạn hôi của, bạo loạn, bạo lực và thanh lọc sắc tộc, tất cả đều xảy ra thường xuyên. Trong những điều kiện này, việc theo đuổi các chính sách thị trường tự do không bị giới hạn càng làm cho tình hình thêm tồi tệ. Nó làm gia tăng sự giàu có của sắc tộc thiểu số, kích thích thêm nhiều mối ác cảm nữa, nhiều bạo lực và một cách tiêu biểu, nó dẫn tới cơn giận dữ của dân chúng đối với chế độ đã theo đuổi những chính sách như vậy. Tất cả những chuyện này đều có thực ở Việt Nam.

THIỂU SỐ HOA KIỀU CỦA VIỆT NAM

Người Trung Quốc ở Việt Nam – gọi là Hoa kiều – đã là thế lực thống trị thị trường trong nhiều thế kỷ; về mặt lịch sử họ kiểm soát những lĩnh vực kinh tế nhiều lợi nhuận nhất là thương mại, thương nghiệp và công nghiệp. Nỗi căm ghét trước thành công của người Hoa, cộng với nhiều cuộc xâm lược diễn đi diễn lại của Trung Quốc, đã khơi dậy những cuộc trả thù chống người Hoa thỉnh thoảng lại xảy ra, đáng kể là vụ thảm sát người Hoa ở Chợ Lớn năm 1782, trong đó hàng chục ngàn (?) Hoa kiều bị giết chết. Theo sử sách chính thức của Việt Nam, các cửa tiệm của Hoa kiều bị đốt cháy, bị cướp của, nạn nhân bao gồm cả “đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ”, bị giết chết không phân biệt, “và xác của họ bị vứt xuống sông. Trong cả tháng trời không ai dám ăn tôm cá hoặc uống nước lấy từ giòng sông đó”.

Khi người Pháp đến Việt Nam vào giữa thế kỷ 19, họ đã ngoan cố vun trồng tinh thần kinh doanh của người Hoa – một cung cách chia để trị tiêu biểu của chế độ thực dân – và chào đón những di dân Trung Quốc. Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, dân số Hoa kiều đã tăng từ 25.000 người trong thập niên 1860 lên tới hơn 200.000 người vào năm 1911. Vào thập niên 1950, người Hoa đã tích lũy được “sức mạnh kinh tế rộng lớn” và ảnh hưởng chính trị tới mức họ được coi là “một nhà nước trong nhà nước”. Các ông trùm Hoa kiều, phần lớn cư ngụ ở miền Nam Việt Nam, được biết tới như “những ông vua” – “Vua Dầu lửa, vua Dầu ăn, Vua Gạo, vua Kim loại phế liệu, vân vân”.

Khó mà cường điệu sự thống trị kinh tế của Hoa kiều. Trong khi giới tinh hoa người Việt lấp đầy các cấp bậc của hệ thống hành chính, đại học, quân đội và các nghề chuyên môn thì Hoa kiều giữ “sự kiểm soát chặt chẽ” các lĩnh vực thương mại và kinh doanh của Việt Nam. Mặc dù Hoa kiều chỉ chiếm một tỷ lệ dân số hết sức nhỏ nhoi, họ vẫn kiểm soát tới 80 phần trăm ngành công nghiệp Việt Nam. Người Hoa cũng thống trị ngành bán lẻ, các lĩnh vực tài chính và giao thông vận tải và tất cả các phương diện của nền kinh tế lúa gạo của Việt Nam. Hơn thế nữa, họ chiếm vai trò rất không cân đối trong lĩnh vực kinh tế dịch vụ; tính đến giữa thế kỷ 20, họ sở hữu hơn một nửa số khách sạn lớn, và 90 phần trăm số khách sạn nhỏ ở khu vực thành phố Sài Gòn; ngoài ra họ còn làm chủ 92 nhà hàng lớn, 243 tiệm trà quán bia và 826 tiệm ăn các kiểu. Theo một dự tính, người Hoa ở Việt Nam kiểm soát tới 90 phần trăm lượng vốn tư nhân không thuộc về người Âu châu.

Không chỉ sự giàu có của Hoa kiều thổi bùng lên sự tức giận của người địa phương mà thái độ của họ càng đổ dầu vào lửa. Hoa kiều có xu hướng sống biệt lập với người Việt, thường là trong những khu vực tách riêng giàu có, theo học trường riêng, đi lễ đền chùa riêng, hầu như chỉ kết hôn trong sắc tộc Trung Quốc với nhau và luôn tỏa ra một ý thức về “tính chất riêng biệt về chủng tộc và văn hóa” của mình. Dù đúng hay sai thì Hoa kiều bị coi như đã lợi dụng người Việt bản địa, tuyệt đại đa số vẫn còn là những nông dân nghèo khổ. Khi Việt Nam tiến hành kháng chiến chống Pháp, người Hoa thiểu số vẫn tỏ ra “phi chính trị”, làm cho người Việt hết sức phẫn nộ.

Có vẻ như người Mỹ không hề biết gì về thực tế sắc tộc này khi chúng ta tham gia chiến tranh – hoặc nếu như chúng ta biết thì hiểu biết đó cũng không hề được phản ánh trong chính sách của chúng ta.

SỰ CAN THIỆP CỦA NGƯỜI MỸ

Năm 1954, Việt Nam đánh bại người Pháp sau tám năm chiến tranh. Theo hiệp định Geneva được Hoa Kỳ hậu thuẫn, nước Việt Nam bị chia làm hai miền, chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa của ông Hồ cai trị miền Bắc, thủ đô là Hà Nội; còn chính phủ Việt Nam Cộng hòa được Hoa Kỳ hậu thuẫn cai trị miền Nam, thủ đô là Sài Gòn.

Hiệp định Geneve cho người dân Việt Nam khoảng thời gian 300 ngày để tự do di cư tới miền đất mà họ lựa chọn; trong khi chỉ có khoảng 120.000 người di cư từ miền Nam ra miền Bắc thì có hơn 800.000 người di cư theo hướng ngược lại. Những chiến sĩ chiến tranh lạnh người Mỹ chắc chắn đã nhìn thấy người Việt Nam bỏ phiếu bằng chân về hướng chủ nghĩa tư bản, nhưng một lăng kính thiên về ý thức tập thể hơn sẽ cho thấy một bức tranh rất khác. Nhiều người di cư từ Bắc vào Nam là Hoa kiều (đại bộ phận Hoa kiều ở miền Bắc đã di cư) và phần lớn người Việt di cư vào Nam là giáo dân Công giáo, kể cả giới tinh hoa người Việt đã được “Pháp hóa”, những người lo sợ sự bức hại của Cộng sản. Vào cuối thời kỳ di cư tự do, đại đa số Hoa kiều, khoảng 1 triệu trong tổng số 1,2 triệu người – đã chuyển vào sinh sống ở miền Nam Việt Nam.

Ông Hồ là người tin tưởng nhiệt thành vào ý tưởng về một dân tộc Việt Nam thống nhất. Ông có lần tuyên bố: “Chúng ta có cùng tổ tiên, chúng ta là người cùng một gia đình, tất cả chúng ta là anh em, chị em của nhau… Không ai có thể chia cắt những đứa con cùng một gia đình. Tương tự như vậy, không ai có thể chia cắt Việt Nam”. Năm 1959, ông Hồ ra lệnh cho quân đội Bắc Việt Nam tiến hành “giải phóng” miền Nam.

Hoa Kỳ phản ứng bằng việc gia tăng sự tham gia của quân đội. Năm 1965, chúng ta bắt đầu gởi sang Việt Nam hàng ngàn binh lính. Chúng ta đã chiến đấu ở Việt Nam suốt một thập kỷ, và chúng ta đã thất bại. Chúng ta đã không chuẩn bị cho, hoặc không điều chỉnh cho phù hợp với, chiến tranh du kích. Chúng ta hậu thuẫn cho những nhà lãnh đạo sai lầm. Vài người lập luận rằng lẽ ra chúng ta đã có thể chiến thắng nếu như chúng ta gởi thêm binh lính. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất cho thất bại thảm hại của chúng ta hiện vẫn chưa được công nhận.

Đa số “các nhà tư bản Việt Nam” không phải là người Việt. Trái lại, chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam tồn tại và phát triển cùng với người Hoa – và Hoa kiều là những kẻ hưởng lợi chủ yếu – một thực tế mà Hà Nội nhiều lần nhấn mạnh. Mặc dù vẫn có những người Việt giàu có trong giới doanh thương nhưng Hà Nội vẫn phóng đại tầm mức sự thống trị của Hoa kiều; chẳng hạn như họ tuyên bố rằng “người gốc Hoa kiểm soát 100 phần trăm hoạt động thương mại bán sỉ ở miền Nam Việt Nam” và có lúc họ thậm chí còn nói rằng thành phố Chợ Lớn với đa phần dân số là người Hoa là “trái tim tư bản chủ nghĩa bên trong cơ thể nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Những chính sách thời chiến của chúng ta đã làm gia tăng sự giàu có và quyền lực của Hoa kiều vốn đã sẵn bị người Việt căm ghét. Hoa Kỳ đã đổ hơn 100 tỉ USD vào những nỗ lực chiến tranh và trong mức độ mà số tiền này đến được tay dân chúng địa phương, phần lớn nó đã rơi vào túi của người gốc Hoa. Người Mỹ cần một số lượng khổng lồ các nguồn cung ứng và dịch vụ; và Hoa kiều có sẵn lợi thế tốt nhất để đáp ứng nhu cầu đó. Người Hoa “xử lý hơn 60 phần trăm tổng khối lượng hàng hóa nhập cảng vào Việt Nam thông qua viện trợ Mỹ”. Nhiều người Hoa làm giàu nhờ vai trò trung gian. Trong số các nhà nhập khẩu trực tiếp và gián tiếp ở Việt Nam vào năm 1971, 84 phần trăm là người Hoa. Ngoài ra, một thị trường chợ đen bùng phát mạnh hầu như do Hoa kiều độc quyền kiểm soát, cung cấp cho lính Mỹ “đồng hồ vàng, kim cương, xe hơi, lông thú, cần sa, thuốc phiện, heroin” và gái điếm. (Năm 1966, các khu đèn đỏ ở Chợ Lớn thuê dụng khoảng ba mươi ngàn “gái điếm mồ côi do chiến tranh” và cứ 4 lính Mỹ thì có 1 người bị bệnh hoa liễu).

Không phải chỉ có đồng đô la Mỹ làm giàu cho thiểu số Hoa kiều ở Việt Nam mà là bản thân chủ nghĩa tư bản. Trong lĩnh vực tài chính, năm 1972 Hoa kiều ở địa phương làm chủ khoảng 28 trong số 32 ngân hàng ở Nam Việt Nam (mặc dù nhiều ngân hàng như vậy về danh nghĩa là do người Việt sở hữu). Hơn thế nữa, quyền lực kinh tế sinh ra khả năng mua chuộc ảnh hưởng chính trị, và người Hoa ở Sài Gòn khét tiếng trong việc nuôi dưỡng quan hệ và hối lộ các chính trị gia và lãnh đạo quân đội Nam Việt Nam. “Chất nhờn tham nhũng rỉ ra từ thất khiếu” của miền Nam Việt Nam thời chiến tranh.

Người Hoa không chỉ hưởng lợi từ sự can thiệp của người Mỹ, họ còn dửng dưng một cách độc ác với những nỗi thống khổ của người Việt sống chung quanh họ. Có những lúc, các ông trùm lúa gạo người Hoa cố tình tạo ra nạn khan hiếm lúa gạo để nâng giá, làm trầm trọng thêm nạn đói và suy dinh dưỡng vốn đã hết sức tồi tệ do chiến tranh gây ra. Họ đầu cơ tích trữ lúa gạo và thậm chí còn quăng gạo xuống sông để tránh những cuộc lục soát của chính quyền. Tệ hại hơn nữa, người Hoa còn lẩn tránh một cách có hệ thống chính sách quân dịch bằng cách đưa hối lộ. Cảnh sát trưởng khu vực Chợ Lớn trở thành một trong những chức vụ béo bở nhất nước; và cuối cùng hơn 100.000 cư dân Hoa kiều Chợ Lớn đã tránh được quân dịch. Hậu quả là, chế độ do Hoa Kỳ hậu thuẫn yêu cầu người dân miền Nam Việt Nam chiến đấu và hy sinh – và giết hại những người anh em miền Bắc – chỉ để giữ cho người Hoa được giàu có.

Chúng ta đã bỏ lỡ chiều kích sắc tộc này. Đa số các viên chức quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam đều không nhận ra sự khác biệt giữa người Hoa và người Việt, thậm chí họ không hề biết rằng có một sự khác biệt như vậy. Tất cả mọi người dân châu Á đều là “dinks, gooks, slants và slopes” (**). Như một người Mỹ ở Việt Nam diễn tả, “Chúng tôi thậm chí không nghĩ rằng họ là con người – chỉ là “những thằng gooks không chảy máu, gooks không biết đau, gooks không có ý thức gì về lòng trung thành hoặc tình yêu”.

**

Từ quan điểm của Washington, chúng ta đã chiến đấu chống lại cái ác của chủ nghĩa cộng sản, hy sinh những người lính Hoa Kỳ cho tự do của Việt Nam. Nhưng từ quan điểm của người Việt, cái ý tưởng người Mỹ đang đem lại cho họ “tự do” là phi lý. Kinh nghiệm từ sự can thiệp của người Mỹ là sự hủy diệt lối sống của họ. Hỏa lực của quân đội Mỹ tàn phá nhà cửa của hơn 2 triệu người dân miền Nam Việt Nam, đa số bị buộc phải tản cư vào các khu vực thành thị, bỏ lại phía sau mồ mả tổ tiên. Ngoài ra, họ còn phải chịu đựng việc ném bom tràn lan không phân biệt, bom cháy napalm và những cái chết kinh hoàng của dân thường. Ở miền Nam Việt Nam có đến hơn 1 triệu thường dân đã bị giết, 1 triệu người khác bị thương, phần lớn vì “hỏa lực thân thiện” của người Mỹ.

Và để làm gì? Cái bản sắc tập thể mà Hoa Kỳ đem lại cho người Việt là tư cách thành viên trong một nhà nước bù nhìn – sự sỉ nhục tột cùng ở một đất nước mà nhiều người lính Việt Nam đeo bùa hộ mệnh là hình ảnh Hai Bà Trưng, tượng trưng cho sự phản kháng ngoại xâm bằng mọi giá. Henry Kissinger đã sớm nhìn thấy chuyện này ngay từ năm 1969 khi ông ta cảnh báo rằng “Điều không may là sức mạnh quân sự của chúng ta đã không có một kết quả chính trị tương xứng; cho đến nay chúng ta vẫn không có khả năng tạo ra một cơ cấu chính trị có thể tồn tại qua cuộc phản công quân sự của Hà Nội sau khi chúng ta rút đi”. Như Guenter Lewy đã viết năm 1978, “Cuối cùng thì người lính Việt Nam Cộng hòa không cảm thấy rằng anh ta là một phần của một cộng đồng chính trị xứng đáng với sự hy sinh cao nhất; anh ta thấy không có lý do gì để chết” cho một chế độ mà Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Về mặt vật chất, ngoài một thiểu số nhỏ bé ở trên đỉnh, người dân Việt Nam không nhận được lợi ích nào từ Hoa Kỳ; trái lại, họ mất con cái, nhà cửa; và những người duy nhất họ thấy thu được lợi nhuận chính là những Hoa kiều mà họ căm ghét cùng với các chính trị gia tham nhũng. Thế nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn và ngày càng có nhiều người dân Nam Việt Nam chuyển sang hàng ngũ đối phương; các nhà hoạch định chính sách ngoại giao Hoa Kỳ giật mình kinh hãi, họ không thể hiểu nổi tại sao người Việt lại ghét chúng ta đến như vậy và không muốn tiếp nhận “tự do” dành cho họ. Nếu chúng ta hiểu lịch sử Việt Nam và những thực tế sắc tộc của họ, chúng ta sẽ không bị hoang mang như thế.

Từ quan điểm chính trị bộ lạc, hầu như mọi bước đi mà chúng ta tiến hành ở Việt Nam đều được bảo đảm sẽ khiến người Việt chống lại chúng ta. Các chế độ mà chúng ta ủng hộ, những chính sách mà chúng ta thúc đẩy, những đồng tiền mà chúng ta bỏ ra, và những thái độ mà chúng ta mang tới đã làm cho người Việt căm ghét chúng ta, ghét chủ nghĩa tư bản, và chỉ giúp nâng cao sức thu hút và vị thế của ông Hồ Chí Minh đầy uy tín mà thôi.

Những binh lính Hoa Kỳ cuối cùng đã rời Sài Gòn năm 1973 và sau đó người Mỹ đã cố gắng lãng quên Việt Nam. Nhưng vào chính lúc đó chiều kích của chủ nghĩa dân tộc vị chủng của cuộc chiến tranh mới trở nên rõ ràng.

Tháng 9 năm 1975, chính phủ Xã hội chủ nghĩa mới đã thực hiện một chiến dịch chống tư bản dưới mật danh “X1”. Các doanh nghiệp Hoa kiều bị lục soát hoặc bị đóng cửa và 250 người Hoa giàu nhất bị bắt giam. Nhiều đại gia Hoa kiều bỏ chạy ra nước ngoài; một số khác tự tử. Các tờ báo Hoa ngữ, trường học do Hoa kiều điều hành bị đóng cửa, còn các bệnh viện của người Hoa bị nhà nước trưng thu. Mặc dù chiến dịch này cũng nhắm tới những người Việt giàu có, nhưng Hoa kiều gánh chịu thiệt hại lớn nhất; 70 phần trăm những người bị chính thức kết tội trong chiến dịch “chống tư sản mại bản” là người sắc tộc Trung Hoa. Tổng cộng người Hoa ở miền Nam Việt Nam đã bị mất khoảng 2 tỉ USD trong công cuộc quốc hữu hóa tài sản của họ vào cuối thập niên 1970 – một con số đáng kinh ngạc nếu lưu ý tới tình trạng nghèo khổ chung của Việt Nam vào thời gian ấy.

Tâm lý bài Hoa càng diễn biến tồi tệ hơn nữa khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi. Năm 1977, “chiến dịch chống lại tất cả những người gốc Trung Quốc ở Việt Nam được đẩy mạnh ở quy mô toàn quốc”. Ở miền Nam, Hoa kiều bị quấy nhiễu, nhà cửa và tài sản của họ bị tịch thu. Ở miền Bắc, tất cả người Hoa đang làm việc đều bị đặt dưới sự giám sát và bị cấm nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc – cho dù đa số trong cộng đồng Hoa kiều tương đối ít ỏi còn cư trú ở miền Bắc Việt Nam không phải là những nhà tư bản giàu có mà chỉ là những ngư dân, thợ rừng, thợ thủ công và người lao động bình thường. Ở các tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc, Hà Nội bắt đầu “thanh lọc các khu vực biên giới”, trục xuất Hoa kiều vì cáo buộc những lý do an ninh.

Nhưng những chính sách thanh lọc sắc tộc thực sự bắt đầu dưới mật danh “X2” – một chiến dịch đánh tư sản lần thứ hai, được khởi sự từ đầu năm 1978. Vào ngày 23 tháng Ba, một lực lượng dân quân khoảng 30 ngàn người đã bao vây kín khu Chợ Lớn – khu Hoa kiều của Sài Gòn – và lục soát từng ngôi nhà, từng cửa tiệm ở đó. Hàng hóa và những vật có giá trị bị tịch thu từ khoảng năm mươi ngàn doanh nghiệp Hoa kiều, và xung đột giữa Hoa kiều và cảnh sát khiến một số đường phố Chợ Lớn “đầy xác chết”. Những vụ bố ráp tương tự cũng xảy ra trên khắp cả nước, và người gốc Trung Quốc bị khai trừ ra khỏi đảng, chính quyền và quân đội. Chính phủ cũng bắt đầu bắt giữ và tái định cư người gốc Hoa với tốc độ đáng kinh ngạc; “hàng ngàn Hoa kiều đã chết trong khi lao động tại các khu kinh tế mới của Việt Nam hoặc trong khi đào thoát khỏi xứ sở”. Ngay cả người gốc Trung Quốc ở miền Bắc, từng là những chiến sĩ cách mạng trung kiên cũng bị bắt giữ vì bị nghi là gián điệp. Một người Việt gốc Trung Quốc sau này nhớ lại: “Bác tôi bị bắt vào thời gian đó. Ông ấy đã từng làm việc cho cách mạng… hơn bốn mươi năm. Ông đã được chính Cộng sản Việt Nam tặng thưởng huân chương cách mạng hạng nhất”. Báo U.S. News & World Report năm 1979 tường thuật, sử dụng “những thủ đoạn mà Hitler đã dùng để thổi bùng ngọn lửa căm thù người Do Thái”, Hà Nội ngày này sang ngày khác tố giác những vấn đề của Việt Nam là do sự kiểm soát của người Trung Quốc đáng ghét đối với hoạt động thương mại và vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Bắc Kinh thì tố cáo Hà Nội tàn sát tập thể và phạm tội ác chống lại người sắc tộc Trung Quốc. Mặc dù đã bị Hà Nội bác bỏ từ lâu, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng “giờ đây những lời cáo giác của Trung Quốc tỏ ra có cơ sở”. Vào cuối năm 1978 hơn 250.000 Hoa kiều đã bị đẩy ra khỏi Việt Nam, và ước tính khoảng 30.000 đến 40.000 người khác bỏ mạng trên biển. Vào cuối thập niên 1970, người Mỹ nghe nói rất nhiều về “thuyền nhân Việt Nam”, nhưng rất ít khi, nếu có, họ được biết rằng phần lớn những người tị nạn ấy thực tế là người Việt gốc Hoa. Ví dụ, vào năm 1978, 85 phần trăm số thuyền nhân cập bến là Hoa kiều; năm 1979, các quan chức bộ ngoại giao Việt Nam gần như thừa nhận với báo chí nước ngoài rằng Việt Nam “có ý định loại bỏ hết người Trung Quốc ở Việt Nam”.

Như vậy, cuộc cách mạng Cộng sản của Việt Nam không chỉ là cuộc cách mạng dân tộc mà còn mang tính dân tộc vị chủng (ethnonationalist) gay gắt. Chúng ta đã hoàn toàn bỏ lỡ trái tim của chủ nghĩa bộ lạc chính trị Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn không phải là tay sai của Trung Quốc Cộng sản như Hoa Kỳ tưởng tượng ra, Việt Nam đã đánh nhau với Trung Quốc năm 1979. Thật khó mà tìm ra một chiến lược hữu hiệu hơn để tự bắn vào chân mình, xói mòn các mục tiêu của mình và tối đa hóa sự kháng cự của dân chúng chống lại chúng ta.

(*) Tiếng Anh, Penguin Publishing Group, 2018

(**) dinks, gooks, slants, slopes: những từ lóng có tính chất miệt thị mà lính Mỹ sử dụng để chỉ người Việt, người Philippines và người châu Á nói chung.

 

Bình luận về bài viết này